Sê-ri Nuôi Dạy Con Cái 9 - Học Nói Cho Trẻ 1-2 Tuổi

(Sửa đổi nội dung vào tháng 03/2018)

Ngôn ngữ là một công cụ để truyền đạt ý nghĩ và cảm xúc, suy nghĩ và học tập. Ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ cả về nhận thức, cảm xúc và xã hội.

Trẻ Tiếp Thu Ngôn Ngữ Như Thế Nào?

Các yếu tố di truyền và môi trường đều đóng vai trò quan trọng trong phát triển ngôn ngữ. Có một số điều kiện tiên quyết để trẻ có thể nói được. Trẻ phải có thính giác bình thường, cấu tạo miệng và thanh âm bình thường. Trẻ phải phát triển sẵn sàng và có thiện ý giao tiếp. Ngoài ra, một việc cũng rất quan trọng là tạo ra môi trường ngôn ngữ khích lệ với các cơ hội học hỏi, đặc biệt trong 5 năm đầu đời.

Trẻ Học Nói Khi Nào?

Trước khi nói từ đầu tiên, trẻ đã truyền đạt các nhu cầu của mình thông qua hành động khóc, phát ra âm thanh, biểu hiện qua gương mặt và cơ thể. Mỗi trẻ sẽ có thời điểm phát triển ngôn ngữ riêng, đặc biệt là độ tuổi trẻ bắt đầu nói.

Dưới đây là mô tả chung ngắn gọn về quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi. Quý vị có thể tham khảo thêm thông tin chi tiết trong sê-ri tờ thông tin về chủ đề Sự Phát Triển của Trẻ Em.

Khoảng Độ Tuổi

Nhận Thức

Diễn Đạt

6 đến 9 tháng tuổi

  • Đáp lại các từ quen thuộc với gợi ý về ngữ cảnh, ví dụ: ‘sữa’
  • Bập bẹ các phụ âm như ‘ba’, ‘da', ‘ka’

9 đến 12 tháng tuổi

  • Đáp lại các từ quen thuộc với gợi ý bằng cử chỉ, ví dụ: vẫy tay ‘tạm biệt’, ‘không’
  • Phát âm một chuỗi âm tiết hoặc nói một vài từ có nghĩa như ‘mama’, ‘dada’

1 đến 1 tuổi rưỡi

  • Nhận ra tên của những người và đồ vật quen thuộc
  • Hiểu nhiều từ và cụm từ hàng ngày hơn, ví dụ: ‘đưa cho mẹ nào’, ‘ngồi xuống’ và giảm dần các gợi ý bằng cử chỉ
  • Bắt đầu sử dụng các từ đơn, hầu hết là danh từ, ví dụ: ‘bé’, rồi sau đó là một vài động từ như ‘đi’, ‘nhảy’

1 tuổi rưỡi đến 2 tuổi

  • Làm theo các hướng dẫn đơn giản như "đưa cho mẹ quả bóng nào"
  • Chỉ vào các bộ phận cơ thể khi được hỏi
  • Nhận ra những bức tranh thường gặp
  • Nói nhiều từ đơn hơn
  • Bắt đầu kết hợp các từ với nhau, ví dụ: “của con”, “bố đi rồi”

Cách Giúp Con Nói?

Trước khi học cách thể hiện bản thân bằng lời nói, trẻ phải hiểu được các từ ngữ. Tạo một môi trường giàu ngôn ngữ là điều quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi để trẻ hiểu và phát triển khả năng nói. Dưới đây là một số điểm cần lưu ý:

  1. Lắng nghe trước rồi mới nói

    Thu hút sự chú ý của con bằng cách cúi xuống bằng tầm mắt trẻ và gọi tên trẻ hoặc vỗ về trẻ. Chờ cho đến khi trẻ nhìn quý vị rồi mới bắt đầu nói chuyện với trẻ. Môi trường yên tĩnh với các yếu tố gây mất tập trung ở mức tối thiểu cũng giúp trẻ chú ý hơn đến những gì quý vị nói.

  2. Nói rõ ràng và sinh động

    Nói với giọng dịu dàngnhịp nhàng để trẻ thấy trải nghiệm nói và nghe thú vị. Nói với con chậm rãi rõ ràng để giúp trẻ hiểu được ý của quý vị.

  3. Nói đơn giản

    Nói những cụm từ ngắn gọn và đơn giản phù hợp với mức độ nhận thức của con. Ví dụ: nói “đưa cho Mẹ cái cốc nào” thay vì nói “đưa cho Mẹ cốc của con để mẹ rót cho con ít nước ép”. Quý vị cũng có thể thêm động tác để giúp trẻ hiểu và khiến lời nói của quý vị thú vị hơn, ví dụ: giơ tay ra khi nói “đưa cho bố/mẹ”; giơ ngón tay cái khi nói “tốt” và vỗ ngực khi nói “bố/mẹ”.

  4. Tự nhiên và thoải mái

    Để con học nói một cách tự nhiên. Ép trẻ nói hoặc hành động trước mặt mọi người sẽ chỉ cản trở ý định nói của trẻ.

  5. Làm theo sở thích của con
    • Chọn các hoạt động vui chơi phù hợp với mức độ phát triển của con và thu hút sự chú ý của trẻ. Nói chung, các bộ đồ nấu ăn cỡ nhỏ là một lựa chọn hiệu quả đối với mọi trẻ em. Khi đó, con của quý vị sẽ thích các hoạt động hơn và có cảm giác thành thạo hơn.
    • Làm theo sở thích của con và để trẻ dẫn dắt. Nếu trẻ thích chơi với các khối lắp ghép, hãy nói chuyện với trẻ khi trẻ đang chơi lắp ghép, ví dụ như “Chris đang xây tòa tháp”, “Đặt một khối lên đỉnh”, “Chà! Con vừa lắp một đoàn tàu đó”.
    • Chơi với con khi bé tỉnh và có tâm trạng tốt. Nếu cả cha mẹ và con đều tận hưởng thời gian bên nhau thì không cần chơi trong thời gian dài.
  6. Tận dụng các cơ hội trong cuộc sống hàng ngày
    • Quý vị là người nói mẫu phù hợp nhất cho con. Tận dụng các tình huống hàng ngày để cho trẻ biết tên gọi và công dụng của những thứ trẻ tiếp xúc. Khuyến khích trẻ lặp lại các từ ngữ quý vị vừa nói mà không hối thúc trẻ.
      • ví dụ:
        • Khi đi tắm --
          Nói với trẻ về các bộ phận cơ thể
        • Khi đi siêu thị --
          Nói với trẻ về những thứ quý vị lấy từ giá
        • Khi cùng trẻ đọc sách--
          Mô tả các bức tranh trong sách hoặc kể chuyện cho trẻ bằng những từ đơn giản
        • Khi đi ra ngoài--
          Nói về những thứ quý vị nhìn thấy trên đường
    • Nói cho con biết những việc quý vị đang làm để trẻ tìm hiểu về các hành động. Ví dụ: khi rửa bát, quý vị có thể nói “Mẹ đang rửa bát” hoặc khi lau nhà, quý vị có thể nói “Bố đang lau nhà”.
    • Đặt câu hỏi để giúp con hiểu lời nói và phát triển khả năng diễn đạt. Ví dụ: khi trẻ đang ăn, quý vị có thể hỏi “Có ngon không con?” “Con ăn no chưa?” hay “Con đang làm gì thế?”, v.v.
  7. Khuyến khích con nói
    • Mỗi khi con nói, hãy kiên nhẫn lắng nghe và cố hiểu trẻ nói gì. Đừng nói sẵn từ cho trẻ hoặc để anh/chị của trẻ ngắt lời trẻ.
    • Khuyến khích con nói ra những mong muốn của mình bằng từ ngữ. Ví dụ: khi trẻ chỉ vào bánh quy, hãy cho trẻ biết tên của đồ vật trẻ muốn và khuyến khích trẻ nói “đưa”, “bánh quy” hoặc “ăn”.
    • Khi trẻ đã xây dựng được vốn từ vựng, quý vị có thể giúp trẻ nói những cụm từ dài hơn, ví dụ: khi trẻ có thể nói “bóng” và “đá”, quý vị có thể khuyến khích trẻ nói “đá bóng” nhưng không hối thúc trẻ.
  8. Đáp lại nỗ lực nói của con
    • Lắng nghe và đáp lại ngay khi con nói hoặc phát ra âm bằng cách gật đầu, mỉm cười, lặp lại hoặc phát triển những từ hoặc âm đó.
    • Khen ngợi vì con đã cố gắng ngay cả khi trẻ không thể phát âm đúng các từ. Chỉ cần nói từ đúng cho trẻ.
    • Không bắt chước khi trẻ phát âm sai hoặc cười nhạo trẻ.
  9. Tích cực và biết khen ngợi

    Luôn có cách tiếp cận tích cực. Nếu con chưa sẵn sàng nói, hãy khen ngợi vì trẻ đã cố gắng thay vì khiến trẻ xấu hổ.

  10. Đem lại trải nghiệm kích thích bên ngoài

    Đưa con đến sân chơi, tham gia tiệc sinh nhật của các trẻ khác hoặc đến nhà trẻ đều là những dịp tốt để trẻ hòa nhập với các trẻ khác và có nhiều cơ hội học nói hơn.

Đến 18 tháng tuổi, nếu con quý vị:

  • Không thường xuyên đáp lại khi được gọi tên
  • Hiếm khi nhìn mọi người
  • Không hiểu tên gọi của những người hoặc đồ vật thân quen, ví dụ: bà, cốc, sữa, v.v.
  • Không dùng ngón tay chỉ trỏ để cho biết trẻ cần gì
  • Không nói bất kỳ từ nào
  • Có vẻ nghe không rõ

Đến 24 tháng tuổi, nếu con quý vị:

  • Không đáp lại những yêu cầu đơn giản nếu không có cử chỉ gợi nhắc, ví dụ: lấy cho quý vị một đồ vật thường gặp, chỉ vào một bộ phận cơ thể
  • Không nhận ra những bức tranh đơn giản
  • Nói ít hơn 20 từ

Vui lòng thảo luận với bác sĩ của quý vị hoặc các y tá tại Trung Tâm Chăm Sóc Sức Khỏe Bà Mẹ và Trẻ Em (Maternal and Child Health Centre, MCHC), bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ nhi khoa.

Đem lại những trải nghiệm nghe và nói cho con. Việc áp dụng các kỹ năng trên đây để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngôn ngữ trong cuộc sống hàng ngày và trong khi vui chơi sẽ củng cố hơn nữa quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Mỗi trẻ là một cá thể duy nhất và thông thường, tốc độ phát triển chênh lệch nhiều là chuyện bình thường. Đừng quá lo lắng nếu tốc độ phát triển ngôn ngữ của con có chút khác biệt. Điều đó chỉ là tín hiệu cho thấy quý vị cần chú ý đến con hơn. Nếu quý vị có lo ngại về quá trình phát triển khả năng nghe hoặc ngôn ngữ của con, hãy tham khảo ý kiến tư vấn của chuyên gia chăm sóc sức khỏe ngay.

Nguồn: Phát Triển Ngôn Ngữ. Sách hướng dẫn của Liên Minh Chuyên Gia Âm Ngữ Trị Liệu Hồng Kông (Y Tế)

Chúng tôi tổ chức một số hội thảo và phân phát tờ thông tin về chủ đề “Happy Parenting!” (Bố Mẹ Vui Vẻ, Con Trẻ Hạnh Phúc) cho những người sắp làm bố mẹ, đang làm bố mẹ của trẻ sơ sinh và trẻ mẫu giáo. Vui lòng liên hệ với nhân viên y tế của chúng tôi để biết thông tin.