Hiểu Được Quá Trình Phát Triển của Con - Dành cho Các Bậc Cha Mẹ Có Con Ở Tuổi Mầm Non

(Sửa đổi nội dung vào tháng 06/2016)

Bắt đầu đi học mẫu giáo đánh dấu một mốc mới trong quá trình phát triển của con quý vị. Ngoài gia đình, trường mẫu giáo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng cho trẻ học tập kiến thức và kỹ năng. Việc trao đổi sát sao giữa phụ huynh và giáo viên chắc chắn sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ phát triển.

Hiểu Được Quá Trình Phát Triển của Con - Dành cho Các Bậc Cha Mẹ Có Con Ở Tuổi Mầm Non

Là cha mẹ, tất cả chúng ta đều muốn con cái mình phát triển bình thường và cân bằng về nhận thức, ngôn ngữ, vận động, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, kỹ năng xã giao và hành vi. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ sẽ lo lắng nếu con cái họ không thể hiện được như mong đợi. Để tránh lo ngại quá mức, phụ huynh và giáo viên nên cân nhắc những điểm sau khi quan sát những gì trẻ thể hiện được:

  • Quá trình phát triển của trẻ là một quá trình liên tục, tiến triển theo một trình tự nhất định. Tuy nhiên, mỗi trẻ có nhịp độ phát triển riêng và có thể dự kiến những điểm khác nhau ở mỗi trẻ.
  • Mỗi trẻ có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Việc trẻ xuất sắc ở lĩnh vực cụ thể này nhưng trung bình hoặc kém hơn ở một lĩnh vực khác là hoàn toàn tự nhiên.
  • Khi bối cảnh thay đổi, trẻ có thể sẽ có kết quả thể hiện khác đi. Việc trao đổi giữa phụ huynh và giáo viên sẽ giúp cả hai bên hiểu rõ hơn về kết quả thể hiện thực tế của trẻ.
  • Trong một lớp học có thể gồm nhiều trẻ ở các độ tuổi khác nhau đáng kể. Những trẻ nhỏ hơn có thể cần nhiều thời gian và hướng dẫn hơn để tiếp thu kiến thức và kỹ năng nhất định. Phụ huynh và giáo viên nên điều chỉnh kỳ vọng của họ cho phù hợp.

Nếu có quan ngại trong quá trình phát triển của trẻ, phụ huynh và giáo viên có thể quan sát những gì trẻ thể hiện được sau khi thích ứng với việc đi học sau một khoảng thời gian. Hãy nhớ rằng trẻ đang học hỏi và lớn lên từ điểm khởi đầu, nên đừng quá lo lắng nếu vấn đề chỉ mang tính tạm thời hoặc trẻ chỉ hơi chậm trong một vài khả năng cụ thể của một khía cạnh phát triển cụ thể (ví dụ: ngôn ngữ, nhận thức, kỹ năng vận động thô hoặc tinh, tự chăm sóc bản thân hoặc hành vi). Tuy nhiên, nếu trẻ vẫn liên tục thể hiện khác so với những trẻ khác thì phụ huynh và giáo viên nên thảo luận với nhau xem có cần thiết thực hiện các biện pháp theo dõi hay không.

Sau đây là một số tình trạng mà phụ huynh và giáo viên nên đặc biệt chú ý khi quan sát quá trình phát triển của trẻ.

Sau một thời gian đi học lớp K-1 (3 đến 4 tuổi), trẻ vẫn:

Phát Triển Nhận Thức

  • không thể hiểu được các khái niệm cơ bản, như to và nhỏ
  • biểu hiện khó khăn để hiểu được ý nghĩa của “một” hoặc “hai”
  • không mô tả được công dụng của các đồ vật thường gặp, ví dụ: thìa để ăn; kéo để cắt
  • không tham gia trò chơi giả bộ, ví dụ: giả bộ là bác sĩ, chơi với bộ dụng cụ nhà bếp, v.v.

Phát Triển Ngôn Ngữ

  • không biết xác định và gọi tên hầu hết các đồ vật và hình ảnh thường gặp
  • không làm theo được những chỉ dẫn đơn giản, ví dụ: “Cất ô tô vào hộp đồ chơi”
  • không thể trả lời các câu hỏi “có/không” đơn giản
  • không nói những cụm từ ngắn, ví dụ: “Bố muốn ăn bánh quy”.
  • thể hiện sự bối rối trong việc hiểu hoặc sử dụng đại từ, ví dụ như “Con muốn ăn bánh quy” hay “Con mang cho Bố nhé”
  • không thể làm động tác theo các bài đồng dao
  • nói năng không rõ ràng hoặc khó hiểu

Phát Triển Vận Động

  • dễ ngã khi đi bộ
  • cần hỗ trợ khi lên/xuống cầu thang
  • tỏ vẻ vụng về khi sử dụng các ngón tay, ví dụ: bóc vỏ kẹo, lật trang sách hay chơi đất nặn
  • không thể bắt chước hàng ngang hay hàng dọc
  • biểu hiện khó khăn để vặn mở hoặc đóng nắp chai

Kỹ Năng Tự Chăm Sóc Bản Thân

  • không biết biểu lộ khi cần đi vệ sinh, thường xuyên tè dầm vào ban ngày
  • không thể cởi áo phông rộng rãi, giày và tất
  • tỏ vẻ vụng về và vung vãi thức ăn khi sử dụng thìa

Phát Triển về Mặt Xã Hội và Tình Cảm

  • gần như không thể hiện quan tâm hoặc lờ đi các trẻ khác; thích chơi một mình
  • không giao tiếp bằng mắt và hiếm khi chủ động trò chuyện với người khác
  • hiếm khi hướng người khác chú ý đến những thứ mà trẻ thấy thích thú
  • bám dính quá mức và biểu hiện cực kỳ khó khăn trong việc tách khỏi người chăm sóc chính trong hầu hết các tình huống

Sau một thời gian đi học lớp K-2 (4 đến 5 tuổi), trẻ vẫn:

Phát Triển Nhận Thức

  • không thể phân biệt giữa hai đồ vật theo kích cỡ, chiều cao hay chiều dài của chúng
  • không thể phân loại và ghép các đồ vật, ví dụ: giày đi với tất, cốc đi với đĩa
  • biểu hiện khó khăn để hiểu được các khái niệm số cơ bản, ví dụ như đếm 2 hoặc 3 đồ vật một cách chính xác
  • không nhận biết được 1 đến 2 đồ vật vừa được chỉ cho biết

Phát Triển Ngôn Ngữ

  • biểu hiện khó khăn để hiểu được các câu dài, ví dụ như “Cất ô tô đồ chơi vào trong hộp cạnh bàn”
  • không hiểu các câu chuyện được nghe kể
  • không nói những câu đơn giản, ví dụ: “Con thích chơi ô tô”
  • không hỏi được những câu hỏi “ai” và “cái gì”
  • không thể liên hệ những sự kiện đơn giản khi được hướng dẫn
  • nói năng không rõ ràng

Phát Triển Vận Động

  • tỏ vẻ vụng về khi đi bộ, chạy hoặc leo trèo và có thể dễ ngã
  • không biết ném và bắt bóng hoặc đá quả bóng đang lăn
  • gặp khó khăn trong việc dùng kéo
  • không viết/vẽ theo được hình tròn, đường nghiêng, các từ hoặc chữ cái đơn giản, ví dụ: “十”, “日”, “人”, “C”, “X”

Kỹ Năng Tự Chăm Sóc Bản Thân

  • không thể tự mặc quần áo, ví dụ: kéo quần lên hoặc xuống, tháo khuy to
  • không tự rửa và lau khô tay được
  • cần hỗ trợ khi đi tiểu

Phát Triển về Mặt Xã Hội và Tình Cảm

  • lờ đi các trẻ khác, hiếm khi chủ động trò chuyện với người khác
  • không thích và cảm thấy khó chịu khi tham gia các trò chơi theo nhóm
  • không thể hiện ý định chia sẻ hoặc hợp tác với các trẻ khác
  • không làm theo quy tắc hoặc lần lượt theo thứ tự
  • dễ nổi cáu và thể hiện các hành động phá hoại hoặc hung hăng thái quá

Sau một thời gian đi học lớp K-3 (5 đến 6 tuổi), trẻ vẫn:

Phát Triển Nhận Thức

  • không thể hiểu thường thức đơn giản như “Mọi người làm gì khi trời lạnh?”, “Cái gì có bốn bánh?”
  • biểu hiện khó khăn để hiểu được số lượng, ví dụ như đếm 4 hoặc 6 đồ vật một cách chính xác
  • không gọi tên được một số màu sắc hoặc hình dạng
  • không nhận biết và đọc được các số, chữ cái hoặc từ đơn giản như “人”, “口”, “日”, “A”, “B”
  • chậm hơn rõ ràng so với các bạn đồng trang lứa trong việc học được các kỹ năng hoặc kiến thức

Phát Triển Ngôn Ngữ

  • biểu hiện khó để hiểu được các câu phức tạp, ví dụ: “Con không nên ăn khi chưa rửa tay”
  • không thể làm theo chỉ dẫn bằng lời nói, ví dụ: nghe chỉ dẫn từ cuộc gọi điện thoại
  • không liên hệ được các sự kiện hoặc mô tả một bức tranh
  • không thể phản ứng thích hợp và duy trì chủ đề khi nói chuyện với những người khác
  • có vốn từ hạn chế và không thể tự biểu đạt phù hợp
  • không thể nói năng trôi chảy khi thoải mái

Phát Triển Vận Động

  • không thể đứng trên một chân
  • tỏ vẻ vụng về hoặc không tự tin khi trèo lên các khung trong sân chơi
  • gặp khó khăn trong việc tô màu trong đường viền
  • tỏ vẻ vụng về khi thực hiện tác phẩm nghệ thuật đơn giản, ví dụ như cắt, bôi keo và dán
  • tỏ vẻ yếu ớt khi cầm bút chì và chậm khi bắt chước các từ ngữ

Kỹ Năng Tự Chăm Sóc Bản Thân

  • không thể tự cởi và mặc quần áo
  • không tự vắt khô khăn và lau mặt được
  • không biết cách đánh răng
  • không tự ăn được khi sử dụng dao, dĩa hoặc đũa

Phát Triển về Mặt Xã Hội và Tình Cảm

  • nhút nhát và rụt rè quá mức, thường từ chối nói chuyện với người lạ
  • không ổn định cảm xúc và dễ nổi nóng
  • không làm theo quy tắc; không thể hợp tác với các bạn đồng trang lứa trong các trò chơi theo nhóm
  • tỏ vẻ cho mình là trung tâm và không hiểu được cảm giác của người khác
  • không chú ý và dễ bị xao lãng trong lớp học
  • luôn động đậy, hay cựa quậy và nói nhiều
  • từ chối làm theo chỉ dẫn và biểu hiện hành vi phá hoại hoặc hung hăng

Nếu trẻ vẫn liên tục có các dấu hiệu trên, giáo viên có thể sử dụng hệ thống giới thiệu của Dịch Vụ Phát Triển Trẻ Em Toàn Diện và giới thiệu trẻ đến Trung Tâm Chăm Sóc Sức Khỏe Bà Mẹ và Trẻ Em (Maternal and Child Health Centre, MCHC). Các bậc cha mẹ cũng có thể tự gọi cho MCHC tương ứng để thu xếp lịch hẹn. Trẻ phát triển và tiến bộ nhanh chóng trong vài năm đầu đời. Nhận biết và can thiệp sớm sẽ giúp trẻ phát triển và điều chỉnh để thích nghi với cuộc sống sau này.

Dịch Vụ Phát Triển Trẻ Em Toàn Diện (CCDS)

Dịch Vụ Phát Triển Trẻ Em Toàn Diện (Comprehensive Child Development Service, CCDS) đã được triển khai theo giai đoạn kể từ năm 2005 với sự nỗ lực chung của Bộ Y Tế, Bộ Phúc Lợi Xã Hội, Cục Giáo Dục và Cơ Quan Quản Lý Bệnh Viện. Thông qua liên kết hiệu quả hơn khi cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục và xã hội, mục đích của CCDS là đảm bảo nhận biết sớm các nhu cầu khác nhau của trẻ và gia đình trẻ để có thể cung cấp các dịch vụ phù hợp một cách kịp thời.

CCDS đã phát triển một hệ thống giới thiệu và phản hồi để tạo điều kiện cho các nhà giáo dục mẫu giáo nhận biết và giới thiệu trẻ có nhu cầu đặc biệt tới MCHC để được đánh giá và theo dõi. Nếu giáo viên hoặc nhân viên chăm sóc trẻ nghi ngờ trẻ có bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe, phát triển hoặc hành vi, họ có thể gửi giấy giới thiệu trực tiếp tới MCHC, với sự đồng ý của phụ huynh. MCHC sẽ liên hệ với phụ huynh và thu xếp lịch hẹn cho trẻ sau khi được giới thiệu. Trẻ sẽ được giới thiệu tới phòng khám chuyên khoa để được đánh giá thêm hoặc theo dõi nếu cần.

Để biết chi tiết, vui lòng tham khảo liên kết sau:
www.edb.gov.hk/en/edu-system/preprimary-kindergarten/comprehensive-child-development-service/index.html

Nếu có thắc mắc liên quan đến CCDS hoặc sự phát triển của con quý vị, vui lòng liên hệ nhân viên chăm sóc sức khỏe tại MCHC ở gần quý vị