Sự Phát Triển của Trẻ 8B – Bốn Tuổi đến Sáu Tuổi

(Nội dung được sửa đổi vào Tháng 12 năm 2019)

Đến bốn tuổi, con quý vị có thể đã bắt đầu đi học mẫu giáo được một thời gian. Trẻ có thể tỏ vẻ tràn đầy năng lượng và hoạt bát. Đôi khi trẻ có thể hành động hách dịch, hung hăng và vượt quá giới hạn. Mặc dù trẻ có vẻ xua đuổi theo mọi hướng, nhưng trẻ thực sự đang học hỏi từ tất cả những trải nghiệm này. Theo thời gian, trẻ sẽ phát triển thành một đứa trẻ tự tin và hợp tác hơn khi được khoảng 5 tuổi.

Khi đến sinh nhật thứ sáu, trẻ sẽ có thể:

Hoạt động

  • Đi cầu thang và hoạt động ở sân chơi một cách khéo léo
  • Đá một quả bóng đang di chuyển
  • Đứng trên một chân và giữ thăng bằng trong năm giây hoặc lâu hơn
  • Nhảy về phía trước bằng một chân trong khoảng cách 2-3 mét
  • Di chuyển theo nhịp điệu nhạc

Kỹ năng với bàn tay và ngón tay

  • Xây dựng các mô hình phức tạp hơn với các khối lắp ghép
  • Tô màu vào hình ảnh gọn gàng, không lem ra ngoài
  • Vẽ các hình đơn giản, hình người dễ nhận biết có nhiều đặc điểm hơn (thường có đầu, mắt, mũi, miệng, thân mình, các chi bao gồm tay, chân)
  • Viết chữ số và bảng chữ cái với khả năng kiểm soát tốt
  • Làm công việc nghệ thuật đơn giản bao gồm cắt bằng kéo, bôi keo và dán vào vị trí

Phát triển ngôn ngữ

  • Nói rõ ràng và trôi chảy với cấu trúc câu và ngữ pháp dành cho người lớn
  • Trả lời thích hợp và lần lượt nói chuyện trong khi vẫn duy trì chủ đề trò chuyện
  • Nói đầy đủ họ tên, tuổi và địa chỉ nhà khi được hỏi
  • Kể lại một vài sự kiện từ một câu chuyện vừa nghe
  • Giải thích hợp lý về những việc đã xảy ra gần đây
  • Thích thú với những câu chuyện cười và câu đố

Phát triển nhận thức

Trong thời gian này, trẻ sẽ hỏi rất nhiều câu hỏi và bắt đầu sử dụng lý luận để tìm ra cách thức hoạt động và lý do mọi thứ xảy ra. Tuy nhiên, khả năng lý luận của trẻ vẫn còn hạn chế và nhận định của trẻ thực chất là theo quan điểm của bản thân.

Một đặc điểm rõ ràng khác trong khoảng thời gian này là nảy ra nhiều ý tưởng giàu trí tưởng tượng trong quá trình chơi với bạn bè và người lớn.

  • Tập trung và ngày càng tăng chú ý và hoàn thành nhiệm vụ
  • Hỏi ý nghĩa của các từ mới nghe được
  • Thực hiện phép cộng và trừ một chữ số đơn giản trong vòng 10
  • Gọi tên 10 màu trở lên
  • Hiểu khái niệm cơ bản về thời gian, ví dụ: sáng và chiều, hôm nay và ngày mai, các ngày trong tuần và ngày lễ, v.v.
  • Bắt đầu lý luận nhưng thường không thể xem xét một số yếu tố có thể xảy ra cùng một lúc.

Phát triển về mặt xã hội và tình cảm

  • Kiểm soát cảm xúc nói chung và cư xử theo các quy tắc xã hội, ví dụ: truyền đạt nhu cầu bằng lời nói, chia sẻ đồ chơi, xin phép, trả lại đồ đã mượn, v.v.
  • Bắt đầu suy nghĩ và hỏi về suy nghĩ và cảm xúc của người khác, và có thể cố gắng che giấu
  • Tham gia các trò chơi nhóm yêu cầu thay phiên nhau và tuân theo các quy tắc và chơi hợp tác với bạn đồng hành vào hầu hết thời gian
  • Thích chơi giả vờ với bạn bè như giả vờ là người khác, ví dụ: cha mẹ, cảnh sát, siêu anh hùng
  • Kể tên hầu hết các bạn cùng lớp của trẻ và chọn những người bạn đồng hành mà trẻ thích
  • Muốn được như bạn bè của trẻ
  • Nhận thức được đặc điểm vai trò và sự khác biệt về thể chất giữa nam và nữ.
  • Phân biệt tưởng tượng với thực tế

Kỹ năng tự chăm sóc bản thân

  • Có thể dùng dao và nĩa
  • Tự rửa mặt và đánh răng

Kích thích sự phát triển của trẻ nhỏ

Phát triển xã hội và cảm xúc ở mức tối ưu rất quan trọng cho sự thành công của con quý vị trong cuộc sống, cho dù ở nhà, ở trường, sân chơi, hay sau này, trong cộng đồng. Để đạt được điều này, trẻ sẽ cần phải thử việc trẻ có thể tự làm và kiểm tra những ý tưởng của mình để tăng cường sự tự tin và khả năng giải quyết vấn đề. Cố gắng tìm hiểu và hỗ trợ nhu cầu và mong muốn của trẻ khi cố gắng tự lập. Cung cấp cho trẻ các môi trường khác nhau để học hỏi. Thể hiện tình yêu và động viên trẻ. Duy trì khiếu hài hước của quý vị ngay cả khi quý vị cảm thấy rằng trẻ đang thách thức quyền hạn của quý vị và vi phạm các quy tắc quý vị đã dạy trẻ tốt trước đây. Duy trì giới hạn chắc chắn va hướng dẫn rõ ràng.

Những việc quý vị có thể làm
  • Tiếp tục dành thời gian đặc biệt cùng với trẻ hàng ngày. Lắng nghe trẻ chia sẻ về những việc khiến trẻ phấn khích hoặc lo lắng
  • Tiếp tục đọc sách cùng với trẻ hàng ngày và thảo luận về câu chuyện đọc được
  • Tận dụng các cơ hội hàng ngày hoặc thời gian đọc sách để nói về việc tuân theo quy tắc, hậu quả, cách giải quyết vấn đề bằng các biện pháp hòa bình và quan tâm đến người khác
  • Giúp trẻ sử dụng các từ để mô tả cảm giác, nhu cầu và suy nghĩ của mình
  • Cung cấp cơ hội và hướng dẫn về việc đưa ra lựa chọn
  • Khuyến khích trẻ độc lập trong các hoạt động chăm sóc bản thân.
  • Tạo cơ hội cho trẻ chơi với những trẻ và người lớn khác.
  • Khuyến khích trẻ tham gia trò chơi giả vờ với những trẻ khác và tham gia nếu quý vị cảm thấy thích
  • Giới hạn thời gian ngồi trước màn hình của trẻ với nhiều phương tiện điện tử không quá 1 giờ mỗi ngày. Chọn các chương trình thích hợp để trẻ xem và chơi cùng và hướng dẫn trẻ
  • Khuyến khích trẻ tham gia các loại hình hoạt động thể chất và thể thao khác nhau trong ít nhất 3 giờ mỗi ngày, trong đó có ít nhất 1 giờ hoạt động ở cường độ từ vừa đến nặng như chơi cầu trượt và xích đu, chạy và chơi bóng đá để giúp trẻ tăng cường thể chất và để giải tỏa năng lượng và tâm trạng thất vọng của trẻ khi cần thiết
  • Đưa trẻ đến nhiều môi trường khác nhau để trẻ khám phá và học hỏi, ví dụ: công viên, sân chơi, vườn bách thú, thư viện, bảo tàng.
Những đồ chơi mà quý vị có thể chọn
  • Đồ chơi trong trò chơi giả vờ như bộ tách trà, nhà búp bê, ô tô và nhà để xe, động vật, rô-bốt, con rối, v.v.
  • Đồ chơi sáng tạo như khối xây dựng và đất nặn, v.v.
  • Vật liệu thủ công và nghệ thuật
  • Bóng
  • Hình xếp
  • Trò chơi trên bàn để củng cố chơi theo lượt và tuân theo quy tắc
  • Phần mềm giáo dục và máy tính tương tác
  • VCD kể chuyện, video và sách có hình ảnh nhiều màu sắc

Những thông tin trên chỉ cung cấp cho quý vị ý tưởng chung về những thay đổi dự kiến khi trẻ lớn lên. Mỗi trẻ là một cá thể duy nhất và những biến đổi trên phạm vi rộng về tốc độ phát triển là bình thường. Quý vị đừng quá lo lắng nếu trẻ ở thời điểm nào đó to ra hơi khác hoặc không đạt được khả năng nhất định ở một số giai đoạn. Điều đó chỉ có thể báo hiệu là trẻ cần được chú ý nhiều hơn.

Thảo luận với bác sĩ hoặc y tá nếu, trẻ năm tuổi của quý vị

  • Thể hiện hành vi quá khích
  • Quá nhút nhát, sợ hãi hoặc không ổn định về cảm xúc
  • Dễ dàng bị phân tâm và thiếu chú ý so với những trẻ khác trong lớp
  • Ít quan tâm đến những trẻ khác và không tham gia vào các trò chơi
  • Không thể làm theo hướng dẫn ở nhà hoặc ở trường
  • Không thể liên hệ các sự kiện đơn giản
  • Không thể nói những câu giống người lớn
  • Âm ngữ không rõ ràng như phát âm sai, nói lắp bắp
  • Thể hiện rõ ràng gặp khó khăn khi học các khái niệm
  • Tỏ ra vụng về trong các hoạt động thể chất
  • Tỏ ra vụng về trong kỹ năng sử dụng bút chì hoặc các công cụ đơn giản
  • Không nhìn rõ hoặc nghe rõ
  • Gặp bất kỳ vấn đề nào khác về học tập hoặc hành vi ở trường

Nếu quý vị có mối quan ngại hoặc thắc mắc, hãy thảo luận với y tá và bác sĩ tại bất kỳ MCHC nào hoặc bác sĩ gia đình/bác sĩ nhi khoa của quý vị.

Chúng tôi tổ chức các cuộc hội thảo "Happy Parenting!" (Làm Cha Mẹ Tích Cực) và tờ thông tin dành cho các cha mẹ tương lai, cha mẹ của trẻ sơ sinh và trẻ mầm non. Vui lòng liên hệ với nhân viên y tế của chúng tôi để biết thông tin.