Giấc Ngủ An Toàn Giấc Mơ Ngọt Ngào

(Nội dung được sửa đổi vào Tháng 03 năm 2019)

Bảo Vệ Con Quý Vị Tránh Khỏi Các Tai Nạn Liên Quan Đến Giấc Ngủ Và Hội Chứng Đột Tử Ở Trẻ Sơ Sinh (Sudden Infant Death Syndrome, SIDS)

Tất cả chúng ta đều mong muốn con mình có thể ngủ ngon. Điều cần thiết là phải lưu ý đến vấn đề an toàn khi trẻ ngủ và tạo môi trường ngủ an toàn cho trẻ, để cả trẻ và quý vị đều có thể có giấc ngủ ngon.

Thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp có thể làm giảm các tai nạn liên quan đến giấc ngủ và nguy cơ SIDS.

I. Tư Thế Ngủ An Toàn

Đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ
  • Nằm ngửa là tư thế ngủ an toàn và đúng nhất cho trẻ sơ sinh so với tư thế nằm sấp và nằm nghiêng.
  • Đảm bảo mặt và cánh tay của trẻ không bị che trong khi ngủ.

Nằm ngửa khi ngủ giúp trẻ:

  • Dễ thở theo cách tốt nhất
  • Giảm thân nhiệt khi quá nóng
  • Có tư thế tốt nhất để tránh lăn tròn và nằm sấp khi ngủ hoặc trượt dưới ga trải giường

Tai nạn liên quan đến giấc ngủ ở trẻ sơ sinh bao gồm:

  1. Hội Chứng Đột Tử Ở Trẻ Sơ Sinh (SIDS)
    • SIDS hay tử vong trong giường cũi là hiện tượng trẻ sơ sinh tử vong đột ngột, bất ngờ và không rõ nguyên nhân.
    • SIDS thường gây ảnh hưởng nhất đến trẻ sơ sinh trong 6 tháng đầu tiên với đỉnh điểm là khi trẻ được 2 đến 3 tháng tuổi. Đây là nguyên nhân chính gây tử vong liên quan đến giấc ngủ ở trẻ sơ sinh.
    • Nằm ngửa khi ngủ giúp trẻ được bảo vệ tốt nhất tránh khỏi SIDS.
  2. Các nguyên nhân khác như ngạt thở, ngã khỏi giường, v.v.

II. Môi Trường Ngủ An Toàn

  1. Trẻ nên ngủ với quý vị trong cùng một phòng trên giường khác
    Vì sự an toàn của trẻ cũng như để dễ dàng chăm sóc, trẻ dưới một tuổi (đặc biệt là 6 tháng đầu) nên ngủ trong cũi bên cạnh giường của quý vị.

    Nếu không thể đặt cũi trong phòng ngủ, quý vị có thể đặt trẻ nằm trong nôi trên giường để tách trẻ khỏi quý vị. Trẻ nên có chăn đắp riêng. Đảm bảo bộ đồ giường của quý vị không che đầu và mặt của trẻ để tránh bị ngạt thở.

  2. Tránh để đồ vật trên giường của trẻ

    Không đặt những đồ vật mềm và bộ đồ giường lỏng lẻo ở nơi trẻ ngủ để bảo vệ trẻ tránh bị ngạt thở. Ví dụ như gối, tã, chăn bông hoặc chăn lông vũ, tấm đệm như gối, đồ chơi nhồi bông, v.v.

  3. Nệm và nôi an toàn

    • Không tạo ra khoảng trống giữa nệm và các thành cũi.
    • Khoảng cách giữa các thanh dọc của cũi phải nhỏ hơn 6 cm.
    • Kéo lên và cố định các thanh cũi khi trẻ ngủ trong cũi.
    • Sử dụng nệm chắc chắn và vừa vặn. Không bao giờ đặt trẻ trên chăn bông, gối, da cừu, túi đậu hoặc ghế sofa, v.v.
  4. Duy trì môi trường không khói thuốc

    Không hút thuốc. Có căn cứ thực tế chỉ ra rằng những người mẹ hút thuốc trong khi mang thai và trẻ sơ sinh tiếp xúc gián tiếp với khói thuốc sẽ làm tăng nguy cơ SIDS.

  5. Duy trì nhiệt độ thoải mái

    Quần áo mỏng nhẹ được ưu tiên dành cho trẻ sơ sinh. Không đắp chăn quá dày hoặc quá nóng cho trẻ. Nhớ giữ cho phòng thông thoáng với nhiệt độ dễ chịu.

III. Cho trẻ bú sữa mẹ

Cho trẻ bú sữa mẹ

Các công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng cho trẻ bú sữa mẹ có thể có tác dụng bảo vệ trực tiếp chống lại SIDS. Chúng tôi đặc biệt khuyến khích việc cho trẻ bú sữa mẹ vì mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác cho cả em bé và bà mẹ.

IV. Chủng ngừa

Cho con quý vị được chủng ngừa đầy đủ

Cho con quý vị được chủng ngừa đầy đủ. Bằng chứng gần đây đã chỉ ra rằng chủng ngừa có thể giúp ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng và giảm nguy cơ SIDS.

Những trường hợp sau đây có thể đặc biệt nguy hiểm cho trẻ khi ngủ chung giường:

  • Trẻ ngủ chung giường với quý vị là trẻ sinh non, có cân nặng khi sinh thấp hoặc dưới 4 tháng tuổi
  • Trẻ ngủ với một người hút thuốc hoặc người mẹ hút thuốc khi mang thai
  • Người chăm sóc ngủ chung giường với trẻ giảm độ tỉnh táo do mệt mỏi, uống rượu hoặc sử dụng ma túy
  • Sử dụng nệm mềm, bộ đồ giường lỏng lẻo hoặc các vật mềm mịn như gối trên giường, hoặc đặt trẻ ngủ trên ghế sofa mềm, giường nước, ghế dài hoặc ghế bành, v.v. Những vật này có thể che mặt hoặc đầu của trẻ, đặc biệt là khi trẻ cuộn mình vào trước thân
  • Trẻ ngủ chung giường với người khác ngoài cha mẹ của mình (ví dụ như trẻ khác hoặc người lớn)

Khuyến Nghị của Chúng Tôi

Hãy để trẻ nằm ngửa khi ngủ trong cũi của mình!

Quý vị cũng có thể đọc các tài liệu tham khảo liên quan khác:

Tài nguyên âm thanh-hình ảnh:

Các Câu Hỏi Thường Gặp (Frequently Asked Questions, FAQs)

(1) Để cho trẻ bú dễ dàng hơn, tôi có nên ngủ cùng con không?

Một số người mẹ có thể phải cho con bú thường xuyên; cách tốt nhất là đặt cũi của trẻ ngay cạnh giường của quý vị. Bằng cách này, bất cứ khi nào trẻ cần, quý vị có thể cho trẻ bú sữa mẹ dù ngồi hay nằm trên giường. Đặt trẻ trở lại cũi riêng của trẻ sau khi trẻ đã bú no. Làm như vậy không chỉ tiện lợi mà còn mang lại những lợi ích sau:

  • Quý vị có thể ngủ ngon hơn và không cần lo lắng về sự an toàn của trẻ khi trẻ ngủ trên giường riêng.
  • Có thể làm giảm nguy cơ SIDS bằng cách tránh ngủ chung giường với trẻ.
  • Điều này giúp trẻ hình thành thói quen ngủ lành mạnh mà không cần phải bú mẹ để đi vào giấc ngủ.

(2) Con tôi có cần một chiếc gối dành cho trẻ em không?

  • Trẻ sơ sinh thường ngủ ngon mà không cần gối.
  • Nghiên cứu cho thấy gối mềm cỡ lớn làm tăng nguy cơ SIDS và loại gối này không được khuyến nghị dùng cho trẻ sơ sinh. Có rất ít bằng chứng về việc liệu những chiếc gối nhỏ dành cho trẻ nhỏ an toàn hay nguy hiểm.

(3) Con tôi có nên sử dụng núm vú giả để giảm nguy cơ SIDS không?

  • Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ sơ sinh sử dụng núm vú giả có giảm nguy cơ SIDS.
  • Tuy nhiên, sử dụng núm vú giả có thể làm tăng nguy cơ bị viêm tai giữa.
  • Núm vú giả có thể ảnh hưởng đến một số trẻ khi trẻ mới học cách bú vú mẹ. Vì vậy, nếu quý vị đang cho con bú, quý vị có thể cân nhắc việc cho trẻ ngậm núm vú giả sau khi trẻ được hơn 1 tháng tuổi để đảm bảo việc bú mẹ được hoàn thiện.
  • Chỉ sử dụng núm vú giả khi cho trẻ ngủ và không cần đặt lại vào miệng trẻ sau khi trẻ làm rơi núm vú giả trong khi ngủ.
  • Không ép trẻ ngậm núm vú giả.
  • Không bôi bất kỳ chất ngọt nào lên núm vú giả. Vệ sinh và thay núm vú giả thường xuyên.

(4) Làm thế nào để giảm tần suất trẻ ọc sữa khi tôi cho trẻ đi ngủ?

Nhiều trẻ sơ sinh ọc một chút sữa sau khi bú, khi ợ hơi, hoặc khi nằm vì hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt. Để giúp giảm khả năng ọc sữa, hãy tránh cho trẻ bú quá nhiều. Ngừng cho trẻ bú khi trẻ có dấu hiệu no. Luôn vỗ cho trẻ ợ hơi sau khi bú và khi trẻ nghỉ ngơi một chút trong khi cho trẻ bú. Giữ trẻ ở tư thế thẳng đứng trong 10 đến 20 phút trước khi đặt trẻ xuống giường sẽ giúp giảm tình trạng ọc sữa. Không cần nâng đầu trẻ trên giường. Đặt trẻ nằm ngửa trên giường được coi là một trong những điều tốt nhất quý vị có thể làm để giúp ngăn ngừa SIDS và sẽ không làm tăng tình trạng nghẹt thở ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, quý vị không cần phải lo lắng về tư thế ngủ này.

Nếu trẻ không khỏe, hãy xin lời khuyên từ các bác sĩ.

Những Điểm Cần Lưu Ý Để Giữ An Toàn Cho Trẻ Khi Ngủ

  • Đặt trẻ nằm ngửa trên giường, không che mặt và hai tay
  • Môi trường không khói thuốc
  • Tránh để đồ vật trên vị trí ngủ của trẻ
  • Trẻ ngủ trong cũi trong cùng phòng với quý vị
  • Sử dụng nệm chắc chắn
  • Nhiệt độ thoải mái