Vắc-xin Bạch Hầu, Uốn Ván, Ho Gà & Bại Liệt Bất Hoạt (Vắc-xin DTaP-IPV)

(Sửa đổi nội dung vào tháng 07/2017)

Bệnh Bạch Hầu

Bệnh bạch hầu do vi khuẩn gây ra. Người nhiễm bệnh có thể bị sốt, đau họng có màng màu xám bám chắc vào họng và khó thở. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh có thể gây nghẽn đường thở, suy tim, tổn thương thần kinh và thậm chí tử vong. Bệnh lây do tiếp xúc với người bệnh hoặc người mang vi khuẩn. Trong trường hợp hiếm gặp, có thể nhiễm bệnh do tiếp xúc với các đồ vật dính chất bài tiết của người nhiễm bệnh.

Bệnh Uốn Ván

Bệnh uốn ván do vi khuẩn gây ra, xâm nhập vào cơ thể qua vùng da bị rách và sản sinh ra độc tố tấn công hệ thần kinh. Bệnh có thể gây co thắt cơ thể gây đau đớn và đóng chặt hàm, do đó người nhiễm bệnh không thể mở miệng hoặc nuốt. Khi bệnh uốn ván tác động đến các cơ hỗ trợ hít thở, người bệnh có thể tử vong rất nhanh.

Bệnh Ho Gà

Bệnh ho gà là một bệnh hô hấp cấp tính do vi khuẩn gây ra. Người bị nhiễm bệnh ban đầu có thể có các triệu chứng không đặc hiệu như chảy nước mũi, hắt hơi, sốt nhẹ và ho nhẹ. Cơn ho dần trở nên trầm trọng hơn và những cơn ho dữ dội có thể cản trở việc ăn, uống và thở. Các triệu chứng có thể kéo dài hàng tuần. Các biến chứng bao gồm nhiễm trùng phổi, co giật và tổn thương não. Bệnh lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn từ bệnh nhân.

Bệnh Bại Liệt

Bệnh bại liệt do một trong 3 tuýp Vi-rút Polio (1, 2 và 3) gây ra. Vi-rút xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng và dần dần xâm chiếm hệ thần kinh trung ương. Các triệu chứng bao gồm sốt, đau nhức cơ nghiêm trọng, cứng cổ và lưng, liệt hoặc thậm chí là khó thở và tử vong.

Vắc-xin Bạch Hầu, Uốn Ván, Ho Gà & Bại Liệt Bất Hoạt (Vắc-xin DTaP-IPV)

A. Tại sao nên tiêm vắc-xin?

Vắc-xin DTaP-IPV có thể phòng ngừa hiệu quả 4 căn bệnh nghiêm trọng trên. Tại Hồng Kông, vắc-xin DTaP-IPV được đưa vào Chương Trình Chủng Ngừa cho Trẻ Em Hồng Kông.

B. Con tôi nên tiêm vắc-xin khi nào?

Để đạt hiệu quả bảo vệ tốt nhất và lâu dài, trẻ cần tiêm 3 liều vắc-xin DTaP-IPV trong năm đầu đời (khi được 2 tháng tuổi, 4 tháng tuổi và 6 tháng tuổi) và một liều nhắc lại lúc 18 tháng tuổi. Hai liều khác sẽ được tiêm khi trẻ học lớp 1 và lớp 6*. Có thể tiêm DTaP-IPV cùng các vắc-xin khác.

* Nên tiêm vắc-xin bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào (liều giảm) & bại liệt bất hoạt cho học sinh lớp 6.

C. Những cá nhân sau KHÔNG nên tiêm vắc-xin DTaP-IPV

  • Xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin hoặc sau khi tiêm liều vắc-xin DTaP-IPV trước đó.
  • Mắc bệnh não hoặc bệnh trạng thần kinh khác trong vòng 7 ngày sau khi tiêm liều vắc-xin DTaP-IPV trước đó hoặc vắc-xin chứa vi khuẩn ho gà.
  • Xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng với một số kháng sinh hoặc chất bảo quản.

D. Có những tác dụng phụ nào?

  • Tác dụng phụ nhẹ bao gồm phản ứng tại chỗ (ví dụ như đau, đỏ hoặc sưng).
  • Tác dụng phụ toàn thân ở mức trung bình hoặc nghiêm trọng ít khi xảy ra hơn, bao gồm sốt 40,5°C (105°F) trở lên, khóc dai dẳng trong 3 giờ trở lên, co giật do sốt và cơn giảm trương lực-giảm phản ứng.
  • Các bậc cha mẹ có thể cho con dùng thuốc hạ sốt để giảm nhẹ các triệu chứng.
  • Đã ghi nhận một vài trường hợp sưng lành tính thoáng qua toàn bộ bắp tay và/hoặc đùi sau liều vắc-xin DTaP thứ 4 và thứ 5.
  • Nếu trẻ lên cơn khó thở hoặc hôn mê (cực hiếm gặp) sau khi tiêm vắc-xin, vui lòng đưa trẻ đến Khoa Tai Nạn & Cấp Cứu của bệnh viện ngay lập tức để xử lý

Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ Trung Tâm Chăm Sóc Sức Khỏe Bà Mẹ và Trẻ Em của Bộ Y Tế.