Con tôi có bị táo bón không?

(Sửa đổi nội dung vào tháng 12 năm 2019)

Con tôi có bị táo bón không?

Táo bón là vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi thường ít bị táo bón hơn, đặc biệt là trẻ bú sữa mẹ vì sữa mẹ chứa đủ nước, dễ tiêu hóa và hấp thụ. Khi trẻ chuyển sang bú sữa công thức hoặc khi trẻ bắt đầu ăn thức ăn đặc vào khoảng 6 tháng tuổi, phân của trẻ có thể trở nên cứng và trẻ ít đi tiêu hơn. Quý vị có thể lo lắng rằng trẻ đang bị táo bón. Thói quen đi tiêu bình thường ở mỗi trẻ khác nhau, ần suất dao động từ vài lần một ngày ở trẻ sơ sinh đến 2 đến 3 ngày một lần ở trẻ nhỏ. Vì vậy, tần suất đi tiêu không phải là triệu chứng duy nhất để xác định trẻ có bị táo bón hay không. Miễn là phân mềm thì điều đó được coi là bình thường.

Táo bón là gì?

Khi trẻ không đi tiêu được vì một số lý do, phân sẽ tích tụ trong ruột của trẻ. Theo thời gian, phân cứng lại và khô, dẫn đến táo bón. Trẻ bị táo bón có thể có các dấu hiệu sau:

  • Đi tiêu không đều hoặc chậm bất thường
  • Các mẩu phân lớn hoặc viên phân nhỏ khô và cứng
  • Rặn hoặc đau khi đi tiêu, phân bị giữ lại
  • Xì hơi và phân có mùi thối, xì hơi rất nhiều
  • Phân lỏng
  • Đôi khi đau bụng hoặc bụng căng (cứng)
  • Rách mô hậu môn do phân cứng đi qua
  • Phân có máu
  • Kém ăn
  • Mệt mỏi, cáu kỉnh

Các nguyên nhân có thể gây táo bón ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:

Táo bón có nhiều khả năng xảy ra hơn trong các giai đoạn chuyển tiếp sau đây ở giai đoạn sơ sinh/trẻ nhỏ:

  1. Bắt đầu cho trẻ ăn thức ăn đặc
    • Thay đổi thói quen ăn uống
    • Chế độ ăn uống không cân bằng, thiếu chất xơ hoặc chất lỏng hấp thụ vào cơ thể
  2. Dạy trẻ đi vệ sinh
    • Không đi tiêu do sợ ngồi bô
    • Không hình thành thói quen đi tiêu
    • Tư thế ngồi trên bồn cầu không đúng
  3. Bắt đầu học mẫu giáo
    • Môi trường nhà vệ sinh không quen thuộc
    • Thay đổi thói quen hàng ngày
  4. Các nguyên nhân khả dĩ khác:
    • Sốt, mất nước, không vận động
    • Rách gần hậu môn
    • Ít tập thể dục
    • Dị ứng với sữa bò
    • Tác dụng của một số loại thuốc
    • Liên quan đến các bệnh khác

Điều trị chứng táo bón ở trẻ em:

Đối với trẻ sơ sinh:

  • Tình trạng táo bón trong giai đoạn chuyển tiếp xuất hiện ở trẻ là điều bình thường nếu thay đổi thành phần sữa, chẳng hạn như thay đổi từ sữa mẹ sang sữa công thức hoặc từ sữa công thức này sang sữa công thức khác. Điều quan trọng cần lưu ý là không nên pha trộn các loại sữa công thức với nhau. Luôn làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất để pha sữa công thức nhằm đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng và lượng nước cho con quý vị. Nếu cần, quý vị có thể cho trẻ uống một lượng nước nhỏ giữa các cữ sữa.
  • Khi trẻ được khoảng 6 tháng tuổi và bắt đầu ăn thức ăn đặc, hãy cho trẻ uống đủ nước và chọn thực phẩm giàu chất xơ như trái cây xay nhuyễn (ví dụ: táo hoặc lê) và rau cắt nhỏ (ví dụ như bông cải xanh, rau bina) để ngăn ngừa và giảm táo bón.

Đối với trẻ từ một tuổi trở lên, quý vị có thể thử:

  1. Chuẩn bị một chế độ ăn uống lành mạnh hơn
    1. Cung cấp đầy đủ lượng chất lỏng
      • Nước lọc là lựa chọn tốt nhất cho trẻ giữa các cữ ăn
      • Không có tiêu chuẩn cố định về lượng chất lỏng dành cho trẻ. Thông thường, cho trẻ uống ít nhất một lần trong mỗi bữa ăn chính và mỗi bữa ăn nhẹ
      • Nếu trẻ đi tiểu 3-4 giờ một lần, nước tiểu có màu nhạt và không có mùi nặng thì có nghĩa là trẻ đang uống đủ nước.
      • Tạo cơ hội cho trẻ làm quen với việc uống nước. Ví dụ: cho trẻ uống nước khi thời tiết nóng hoặc sau khi hoạt động thể chất; đặt những cốc nước nhỏ ở những vị trí trong tầm với của trẻ
      • Trong giờ ăn, chỉ cho trẻ uống nước hoặc súp nhạt để trẻ không chán ăn
      • Tránh cho trẻ dùng đồ uống có đường như sữa chua và nước ngọt có ga vì sẽ ảnh hưởng đến việc đi tiêu đều đặn và dẫn đến thừa cân. Nếu quý vị cho trẻ uống nước trái cây tươi, không cho trẻ dùng nhiều hơn 120 ml mỗi ngày; Cho trẻ ăn cả quả, bổ miếng hoặc cả tép thì tốt hơn.
      • Tránh uống quá nhiều sữa vì sẽ khiến cho trẻ giảm cảm giác thèm ăn và hấp thụ các chất dinh dưỡng khác trong thức ăn đặc như chất xơ. Đối với trẻ từ 1 tuổi trở lên, mỗi ngày trẻ không nên uống không quá 360-480 ml sữa. Từ 2 tuổi trở đi, nên cho trẻ chuyển từ sữa nguyên kem sang sữa ít béo và có thể uống sữa tách béo từ 5 tuổi trở đi. Trẻ có thể tiếp tục bú sữa mẹ theo yêu cầu đến 2 tuổi hoặc hơn
    2. Cho trẻ ăn rau củ và trái cây trong bữa trưa và bữa tối
      • Trái cây và rau củ rất giàu chất xơ, ví dụ: cà rốt, bí đỏ, cải ngọt, cam, táo và mận
      • Có thể bổ sung nước bằng một số loại trái cây và rau củ nhiều nước, ví dụ: bí đao, dưa hấu và lê
    3. Cho trẻ ăn ngũ cốc hoặc thực phẩm làm từ tinh bột trong mỗi bữa ăn
      • Cả hai loại thực phẩm này đều giàu chất xơ
      • Ngũ cốc, tốt nhất là ngũ cốc nguyên cám hạt hoặc nguyên hạt, bao gồm bánh mì, gạo, mì Ý, mì và yến mạch; thực phẩm giàu tinh bột, ví dụ như khoai lang và khoai tây starchy foods e.g. sweet potatoes and potatoes
    4. Tránh các loại thực phẩm nhiều đường và chất béo
      • Ví dụ: nước ngọt có ga, kẹo, bánh ngọt, mì ăn liền, đồ chiên và món tráng miệng
      • Những thực phẩm này chứa lượng chất xơ không đáng kể, khiến trẻ đầy bụng và do đó làm giảm lượng hấp thụ các chất dinh dưỡng khác
    5. Chỉ cho trẻ ăn 3 bữa chính và 2 bữa nhẹ theo lịch trình giữa các bữa chính
      • Duy trì chế độ ăn uống cân bằng và thói quen đều đặn. Không cho trẻ ăn thêm ngoài lịch trình
  2. Khuyến khích trẻ hoạt động thể chất nhiều hơn

    Khuyến khích trẻ vận động. Từ việc di chuyển xung quanh đến các trò chơi với bóng hay chạy tốn nhiều năng lượng hơn, các hoạt động thể chất giúp duy trì hoạt động của hệ tiêu hóa và kích thích nhu động ruột.

  3. Kiểm soát hành vi

    Có thể sử dụng phương pháp kiểm soát hành vi để khuyến khích thói quen ăn uống hợp lý và mức độ hoạt động ở trẻ. Phương pháp này thường được sử dụng cùng với các chiến lược ở trên và kèm theo đơn thuốc, nếu cần.

    • Thiết kế các bước hành động rõ ràng để giúp trẻ hình thành thói quen đều đặn như uống nước hàng ngày, lối sống năng động hơn và lịch trình đi vệ sinh (Tham khảo tờ thông tin ‘Nói Lời Tạm Biệt với Tã/Bỉm’ trong sê-ri Nuôi Dạy Con Cái)
    • Mô tả trực tiếp và tích cực về những việc con quý vị làm tốt để khuyến khích trẻ
    • Quý vị có thể sử dụng đồng thời biểu đồ hành vi để khuyến khích thói quen đi tiêu đều đặn cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Bắt đầu với một mục tiêu đơn giản (ví dụ: mỗi lần đi tiêu sẽ được một nhãn dán) tồi tăng dần độ khó. Trẻ có thể được thưởng, tốt nhất là liên quan đến các hoạt động yêu thích của trẻ thay vì đồ ăn, khi đạt được một số nhãn dán nhất định (Tham khảo tờ thông tin ‘Kiểm Soát Hành Vi của Trẻ Mẫu Giáo’ trong sê-ri Nuôi Dạy Con Cái)
    • Nếu trẻ bị táo bón do yếu tố môi trường, quý vị có thể phải tìm ra nguyên nhân và điều chỉnh trong môi trường. Ví dụ: quý vị có thể cần trao đổi với giáo viên để hiểu cấu trúc nhà vệ sinh ở trường mầm non và lịch trình đi vệ sinh. Hoặc quý vị có thể khuyến khích trẻ đi tiêu vào thời điểm thuận tiện hơn
    • Trong quá trình kiểm soát hành vi, quý vị cần kiên nhẫn, quan sát chặt chẽ và ghi chép lại. Nói chuyện với trẻ để hiểu cảm xúc của trẻ và để trẻ hiểu tường tận các bước để trẻ có thể thoải mái khi đi tiêu
  4. Toa thuốc
    • Chứng táo bón rõ ràng cần dùng thuốc để giúp đẩy phân cứng ra ngoài. Thuốc sẽ phát huy hiệu quả hơn khi được dùng cùng với các phương pháp nêu trên.

    Tham khảo ý kiến của bác sĩ:

    • Chứng táo bón của trẻ em thường có thể được cải thiện khi thay đổi chế độ ăn. Nếu vấn đề không được cải thiện, phân lỏng hoặc có máu, hãy đưa trẻ đến bác sĩ ngay lập tức
    • Không mua thuốc nhuận tràng hoặc thuốc đạn không kê đơn để sử dụng cho trẻ. Chỉ nên để bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ gia đình kê đơn thuốc điều trị táo bón cho trẻ