Sê-ri Nuôi Dạy Con Cái 11 - Kết Bạn

(Sửa đổi nội dung vào tháng 12 năm 2019)

Sự Phát Triển về mặt Giao Tiếp Xã Hội của trẻ từ 2 đến 3 tuổis

Sau sinh nhật hai tuổi, con quý vị sẽ có những thay đổi rõ rệt trong quá trình phát triển về mặt giao tiếp xã hội của mình. Thay vì chơi bên cạnh những đứa trẻ khác, trẻ có thể bắt đầu đuổi theo, bắt chước và chơi cùng với chúng. Khi tương tác với bạn đồng lứa, trẻ dần dần học cách có được các kỹ năng xã giao cơ bản như cách cư xử, theo thứ tự lần lượt, chia sẻ và giải quyết tranh giành. Quá trình học tập này tạo thành nền tảng để xây dựng các mối quan hệ gia đình và xã hội thành công trong tương lai.

Tất cả đều Bắt Đầu trong Gia Đình

Gia đình là nơi tốt nhất để trẻ nhỏ học các kỹ năng xã giao. Khi trẻ hai tuổi thích bắt chước người lớn, bố mẹ có thể dạy trẻ các kỹ năng xã giao cơ bản bằng cách nêu gương tốt.

Khuyến khích cư xử lịch sự khi ở nhà:

  • Cho trẻ thấy cách cư xử xã giao tốt là như thế nào bằng cách nói "Chào buổi sáng", "Chúc ngủ ngon" hoặc "Tạm biệt" với các thành viên trong gia đình vào những thời điểm thích hợp.
  • Làm mẫu để trẻ biết khi nào cần nói "Cảm ơn" và "Làm ơn". Yêu cầu trẻ làm như vậy vào những thời điểm thích hợp, chẳng hạn như khi trẻ yêu cầu điều trẻ muốn.
  • Khuyến khích trẻ nói "xin chào" với mọi người. Nếu trẻ quá ngại ngùng để nói điều đó, có thể đề nghị trẻ chào bằng cách giao tiếp bằng mắt, gật đầu, vẫy tay hoặc bắt tay.

Đặt ra các quy tắc chung trong nhà về chia sẻ, theo thứ tự lần lượt và hợp tác:

  • Tận dụng thời gian ăn nhẹ để dạy trẻ biết chia sẻ hoặc theo thứ tự lần lượt, ví dụ: "Đây là hai miếng bánh. Một miếng cho con và một miếng cho Timmy. Bố sẽ rót một ít sữa cho em gái và sau đó sẽ đến lượt con".
  • Thực hành hành động theo thứ tự lần lượt trong khi chơi, chẳng hạn như yêu cầu trẻ đẩy một chiếc xe qua lại giữa quý vị và trẻ; hoặc khuyến khích trẻ tham gia xếp hình khối.
  • Mời trẻ tham gia vào việc thu dọn sau khi chơi.
  • Không yêu cầu anh/chị lớn hoặc các thành viên khác trong gia đình nhường chỗ cho em nhỏ tuổi hơn. Điều đó sẽ chỉ làm mất đi cơ hội để trẻ học cách quan tâm, đồng thời sẽ khuyến khích trẻ cảm thấy mình ở vị trí trung tâm.

Tạo không khí vui vẻ trong gia đình:

  • Khuyến khích trẻ tham gia các trò chơi với anh/chị/em thay vì chơi một mình.
  • Cùng nhau chơi các trò chơi theo nhóm như trò chơi "Cầu London" và Ring-Around-the-Rosie".

Xây Dựng Trải Nghiệm Xã Giao

Trẻ hai tuổi có thể chưa có nhiều tiếp xúc với xã hội, đặc biệt nếu trẻ là con một trong nhà. Quý vị có thể mở rộng trải nghiệm xã giao của trẻ bằng cách:

  • Đưa trẻ ra ngoài tiếp xúc với các mối quan hệ xã hội khác nhau, ví dụ: đi chợ, ghé thăm hàng xóm và gặp gỡ bạn bè.
  • Giúp trẻ hình thành các nhóm bạn đồng trang lứa của riêng mình bằng cách đến sân chơi để gặp gỡ các trẻ khác, đi dự tiệc sinh nhật, mời các trẻ khác đến chơi hoặc đến nhóm trẻ hay trường mẫu giáo.

Hòa Thuận với Bạn Bè

Trẻ hai tuổi chưa hình thành khái niệm thời gian rõ ràng. Trẻ chỉ quan tâm đến khái niệm “hiện tại” và “ở đây”. Trẻ có thể nghĩ rằng mình sẽ mất đồ chơi nếu người khác yêu cầu chơi chung. Ngay cả khi đã phát triển đến giai đoạn chơi chung với người khác vào khoảng ba tuổi, trẻ cũng sẽ chỉ cho một số người bạn chọn lọc mượn đồ chơi của mình - giống như việc quý vị sẽ làm với vật sở hữu quý giá của mình.

Nếu quý vị kiên nhẫn hướng dẫn, trẻ sẽ dần học cách chia sẻ và chơi theo thứ tự lần lượt với các bạn trong các tình huống khác nhau

Chỉ Cho Con Quý Vị Cách Chơi Theo Thứ Tự Lần Lượt:

  • Thu hút trẻ bằng cách nói chuyện với trẻ khi xếp hàng đợi tham gia một trò chơi. Trẻ sẽ không cảm thấy buồn chán và mất kiên nhẫn quá sớm.
  • Nói trước cho trẻ biết trẻ có thể chơi trong bao lâu, ví dụ: Mỗi người chỉ có thể chơi trong một thời gian ngắn (hoặc cho đến khi bố/mẹ đếm đến 20). Sau đó, đến lượt của người tiếp theo”.
  • Báo trước cho trẻ trước khi trò chơi kết thúc. "Thời gian sắp hết rồi. Hãy dừng lại và nhường cho người tiếp theo sau khi bố/mẹ đếm đến 10. 1,2,3 ... 10!"
  • Tạo ra hình ảnh tưởng tượng để giúp trẻ kết thúc trò chơi một cách dễ chịu hơn. 'Thời gian sắp hết rồi. Mau đậu xe thôi", "Tạm biệt nhé xích đu. Chúng ta sẽ chơi vào lần sau nhé".
  • Nói với trẻ rằng có những món đồ chơi/trò chơi khác thú vị hơn. Con nhìn kìa! Những khối hình này mới đẹp làm sao! Hãy đến xem các mẫu động vật đó nào!"
  • Chấp nhận cảm xúc của trẻ nếu trẻ không muốn từ bỏ món đồ chơi/trò chơi. "Con thực sự thích trò chơi ba bánh và muốn chơi thêm một chút nữa, phải không?" Sau đó, dẫn trẻ xếp hàng chờ đến lượt một lần nữa. "Hãy xếp hàng lại nào". Hoặc hãy đưa ra các lựa chọn khác: "Con có muốn chơi với các khối hình không?"

Hướng Dẫn Trẻ Cách Chia Sẻ với Bạn Đến Chơi hoặc Khi Đến Chơi với Bạn Khác:

  • Thảo luận với trẻ về những món đồ chơi mà trẻ có thể chia sẻ trước khi có bạn đến chơi. Giúp trẻ cất những món đồ chơi mà trẻ không muốn chia sẻ để tránh xảy ra tranh giành không đáng có.
  • Yêu cầu trẻ mang theo một số đồ chơi mà trẻ có thể chia sẻ khi đến chơi với bạn.
  • Giải thích với trẻ rằng bạn sẽ trả lại đồ chơi cho trẻ khi chơi xong. "Con có muốn chia sẻ đồ chơi với Rick và để bạn ấy chơi một lúc không? Bạn ấy sẽ trả lại đồ chơi cho con khi chúng ta về/bạn ấy về.
  • Khen ngợi trẻ ngay lập tức nếu trẻ đồng ý chia sẻ. "Ngoan lắm con gái! Cảm ơn con vì đã chia sẻ với những bạn khác. Bố thực sự tự hào về con".

Các Vấn Đề Thường Gặp Khi Trẻ Chơi với Bạn Bè

  1. Con tôi rất nhút nhát. Tôi có thể làm gì để giúp con hòa nhập với những trẻ khác?

    Một số trẻ im lặng và khởi động chậm. Trẻ có thể cần thêm thời gian để thích nghi với những tình huống lạ. Nếu trẻ nhút nhát thì việc tạo áp lực cho trẻ sẽ chỉ khiến trẻ thêm lo lắng. Hãy cố gắng hiểu và chấp nhận các đặc điểm của trẻ và hướng dẫn trẻ từng bước tham gia hoạt động của trẻ khác:

    • Ở bên cạnh trẻ trong khi quan sát những trẻ khác chơi.
    • Chỉ cho trẻ cách tham gia trò chơi của những trẻ khác bằng cách chơi trò chơi đó.
    • Khuyến khích trẻ tham gia chơi nếu quý vị nghĩ rằng trẻ đã sẵn sàng.
    • Không đổ lỗi hoặc khiến trẻ cảm thấy xấu hổ nếu trẻ từ chối làm như vậy. Điều này sẽ chỉ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ và thậm chí khiến trẻ ngày càng xa cách mọi người. Hãy thể hiện sự chấp nhận của quý vị bằng cách nói "Bố/mẹ biết con muốn quan sát các bạn chơi lâu hơn một chút. Khi con muốn chơi với các bạn thì hãy nói cho bố/mẹ biết nhé".
    • Nếu trẻ bắt đầu tham gia chơi, hãy đợi cho đến khi trẻ tham gia nhiều hơn vào hoạt động trước khi quý vị rút lui dần. Hãy ở bên cạnh để theo dõi xem trẻ đang tham gia hoạt động như thế nào và thỉnh thoảng động viên trẻ.
  2. Tôi có thể làm gì để ngăn con tôi giật đồ chơi?

    Trẻ hai tuổi vẫn tự cho mình là trung tâm. Trẻ có thể không cảm nhận được cảm xúc và suy nghĩ của người khác hoặc không tự giải quyết được vấn đề. Quý vị có thể đứng bên cạnh để quan sát tương tác của trẻ với các bạn đồng lứa cùng chơi trước khi quyết định can thiệp:

    • Nếu con quý vị giật đồ chơi của một trẻ khác, đó là lúc quý vị phải can thiệp ngay lập tức. Dạy trẻ kỹ năng xã giao thích hợp: "Đó là đồ chơi của Sue và con không nên giật lấy. Nếu con muốn chơi, con phải làm gì nào?" Dẫn dắt trẻ nghĩ ra các giải pháp khác nhau, ví dụ: "Đúng vậy, con có thể hỏi bạn một cách nhẹ nhàng", "Con có muốn đổi đồ chơi của mình để lấy món đồ chơi đó không?" hoặc "Con hãy chờ đến lượt mình nhé".
    • Nếu trẻ khó chịu vì không lấy được đồ chơi, hãy cho trẻ thấy rằng quý vị hiểu cảm xúc của trẻ "Con rất buồn vì Sue không cho con chơi với món đồ chơi đó, phải không? Nhưng đó là đồ chơi của bạn ấy. Bạn ấy cũng sẽ rất buồn nếu con lấy món đồ chơi đó". Hướng dẫn trẻ nghĩ ra các giải pháp khác. Nếu trẻ kia đồng ý đưa đồ chơi cho con quý vị, hãy nhắc trẻ nói "cảm ơn bạn". Nếu không, hãy cố gắng chuyển sự chú ý của trẻ sang món đồ chơi hoặc trò chơi khác.
    • Không vội kết luận và đổ lỗi cho bất kỳ bên nào. Điều này sẽ không giúp trẻ học cách chia sẻ hoặc giải quyết vấn đề.
  3. Tôi không biết phải làm thế nào với con của mình vì trẻ quá hung dữ với bạn bè.

    Trẻ mới biết đi có thể đánh, đá hoặc đẩy người khác để đạt được điều trẻ muốn khi trẻ không biết làm cách nào khác để giải quyết vấn đề. Trẻ cũng có thể trở nên hung dữ khi cảm thấy thất vọng hoặc tức giận. Nếu quý vị hướng dẫn trẻ thì có thể ngăn chặn để hành vi hung hăng của trẻ không phát triển thành thói quen và giúp trẻ học cách giải quyết vấn đề.

    • Nói chuyện với trẻ và cùng trẻ đặt ra 2 hoặc 3 quy tắc về việc chơi với bạn bè, chẳng hạn như '"chơi lần lượt" hoặc "cư xử thân thiện". Nói rõ cho trẻ biết rằng hậu quả của việc vi phạm các quy tắc là "bị lấy đi đồ chơi" hoặc "hãy dành một phút cho 'thời gian yên tĩnh'".
    • Khen ngợi trẻ nếu trẻ chơi với trẻ khác một cách thân thiện.
    • Ngay lập tức ngăn trẻ lại nếu trẻ đánh các bạn khác trong khi chơi: "Không được đánh Megan! Con phải chơi lần lượt nếu con muốn chơi với bạn".
    • Yêu cầu trẻ dành "thời gian yên tĩnh" nếu trẻ không ngừng vùng vằng, tức là đề nghị trẻ không tham gia hoạt động và im lặng trong một phút. Để trẻ ở đó và không chú ý đến trẻ.
    • Chờ cho đến khi trẻ im lặng trong một phút. Sau đó đề nghị trẻ tham gia lại vào trò chơi và nhắc trẻ chơi đúng luật.
    • Quý vị có thể đề nghị trẻ nói lời xin lỗi và làm hòa với bạn chơi. Tìm cơ hội để khen trẻ vì cư xử thân thiện.
    • Tránh khuyên răn và không sử dụng các phương pháp trừng phạt khi xử lý việc tranh giành giữa các trẻ. Chỉ khi quý vị sử dụng phương pháp trên một cách kiên quyết và nhất quán, trẻ mới có thể học cách chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Hầu hết trẻ hai tuổi không tuân theo quy tắc hoặc chia sẻ đồ chơi. Đây là đặc điểm của trẻ ở giai đoạn phát triển này. Hòa đồng với bạn bè thật khó nếu không có sự giúp đỡ của bố mẹ. Nếu quý vị làm mẫu và đưa ra hướng dẫn nhất quán, trẻ sẽ học được những việc nên làm trong các cuộc gặp gỡ xã giao trong tương lai.

Chúng tôi tổ chức một loạt hội thảo và phân phát tờ thông tin về chủ đề nuôi dạy con cái cho những người sắp làm bố mẹ, đang làm bố mẹ của trẻ sơ sinh và trẻ mẫu giáo. Vui lòng liên hệ với nhân viên y tế của chúng tôi để biết thông tin.