Sê-ri Nuôi Dạy Con Cái 14 - Vui Chơi và Sáng Tạo

(Sửa đổi nội dung vào tháng 02/2014)

Trẻ em có quyền vui chơi. Trẻ dành hầu hết thời gian vui chơi để khám phá và tìm hiểu thế giới xung quanh. Cùng với sự phát triển trí tuệ và tiến bộ trong phát triển ngôn ngữ, trẻ hai tuổi bắt đầu vui chơi phức tạp hơn. Trẻ sẽ giả bộ đồ vật này là đồ vật khác hoặc thể hiện những trải nghiệm hàng ngày trong khi vui chơi. Việc tận dụng những lúc chơi với con sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho trí tưởng tượng và sáng tạo của trẻ phát triển.

Các Kiểu Trò Chơi

Trò Chơi Năng Động

Trẻ hai tuổi rất năng động và không biết mệt. Trẻ thích khám phá những giới hạn của cơ thể và tìm hiểu về vị trí tương đối của cơ thể trong không gian xung quanh bằng cách đi vòng quanh, nhảy, lò cò hoặc đung đưa trên ghế. Trẻ bắt đầu leo trèo, chạy, đạp xe ba bánh, đá, ném hoặc bắt bóng. Nếu có biện pháp an toàn, các hoạt động ngoài trời là cách phù hợp nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ phát triển khả năng vận động.

  • Khuyến khích con leo trèo lên các thiết bị trò chơi ở khu vui chơi trong khi ở bên cạnh để quan sát con.
  • Ngoài hướng dẫn trẻ đạp xe ba bánh, quý vị có thể giả bộ là người đi bộ, người phục vụ trạm xăng, thợ sửa xe hoặc thậm chí là cánh cổng hoặc đèn giao thông để trẻ phát triển trí tưởng tượng trong khi chơi.
  • Cùng con chơi các trò chơi với bóng. Để trẻ ném bóng vào những mục tiêu lớn như cái rổ, một hình vẽ lớn hoặc các hàng chai nhựa. Sẽ vui hơn nhiều khi tưởng tượng quý vị đang chơi các trò chơi ở quầy hàng trong một hội chợ.
  • Đưa con về vùng nông thôn hoặc không gian rộng rãi thoáng đãng trong khu vực lân cận để trẻ chạy nhảy xung quanh và khám phá. Trẻ sẽ dừng lại và thể hiện sự thích thú với những thứ trẻ nhìn thấy trên đường, ví dụ như chạm vào sỏi và cây cối, đi vòng quanh vòi nước chữa cháy hoặc kiểm tra những kẽ nứt trên vỉa hè. Để trẻ dành thời gian khám phá và nói cho trẻ biết thêm về những thứ trẻ quan tâm.

Trò Chơi Xây Dựng

Trẻ bắt đầu chơi trò chơi xây dựng bằng cách xếp mọi thứ lại với nhau để tạo ra những đồ vật mới. Loại trò chơi này bao gồm lắp ghép các khối, vẽ, dán và chơi cát, đất nặn và bột nặn hình. Không chỉ tạo điều kiện cho trẻ phát triển khả năng sáng tạo, những hoạt động này còn giúp phát triển các kỹ năng sử dụng bàn tay và ngón tay, đồng thời học hỏi các khái niệm về hình dạng, màu sắc, kết cấu và không gian.

  • Chơi với các khối lắp ghép truyền thống có thể mang tính sáng tạo hơn so với các mô hình xây dựng vì trẻ không có chỉ dẫn để làm theo mà cho phép trẻ vận dụng trí tưởng tượng của mình. Trẻ hai tuổi bắt đầu lắp ghép bằng cách xếp chồng và xếp theo hàng các khối lắp ghép. Dần dần, trẻ sẽ học cách tạo ra các hình dáng khác nhau. Bằng cách thêm một hoặc vài khối lắp ghép vào công trình của trẻ và gợi ý đó là cửa sổ, cây cầu hay đường ray, quý vị có thể giúp con phát triển trí tưởng tượng của trẻ.
  • Một số trẻ có thể có cảm giác sợ kết cấu của bột nặn, đất sét hoặc cát khi tiếp xúc lần đầu. Hãy cho trẻ có thời gian và khuyến khích trẻ làm quen với những chất liệu đó. Trẻ sẽ khám phá sự thay đổi về hình dạng bằng cách nhào bột, cuộn, đập và ép. Đưa cho trẻ các công cụ khác nhau như xô, bay, hộp đựng hoặc khuôn có hình dáng khác nhau để trẻ tự sáng tạo ra các tác phẩm.
  • Quý vị có thể thấy những tác phẩm sáng tạo của trẻ thật bừa bộn. Nếu con cho quý vị biết tác phẩm sáng tạo của trẻ tượng trưng cho đồ vật cụ thể, hãy nhiệt tình trân trọng trí tưởng tượng của trẻ. Việc yêu cầu trẻ làm theo chỉ dẫn của quý vị hoặc khiến trẻ xấu hổ sẽ không khuyến khích mà còn làm tổn hại đến khả năng sáng tạo của trẻ.

Trò Chơi Giả Bộ

Vì sao nên chơi trò chơi giả bộ?

Trò chơi giả bộ phản ánh những thứ trẻ nhìn và nghe thấy ở xung quanh trong môi trường xã hội và văn hóa hàng ngày. Nhờ đó, trẻ có thể:

  • Hiểu về thế giới và học cách sắp xếp các sự kiện tưởng như ngẫu nhiên thành một trình tự có ý nghĩa - Ví dụ: trước tiên trẻ có thể giả bộ đi mua sắm bằng cách mang theo túi và đi lại xung quanh. Dần dần, trẻ sẽ hiểu các hoạt động lấy hàng hóa từ giá, trả tiền và ghi lại danh sách mua sắm là tất cả các thành phần trong trình tự mua sắm.
  • Phát triển các kỹ năng ngôn ngữ và xã hội - Trẻ học cách mô tả bằng từ ngữ những gì trẻ tưởng tượng hoặc vai trò của người khác mà trẻ đang giả bộ. Khi một nhóm trẻ cùng đóng các vai trò khác nhau, trẻ sẽ học cách truyền đạt các ý tưởng, hợp tác, chờ đến lượt và thỏa hiệp.
  • Thể hiện cảm xúc - Trẻ có thể giả bộ tiến hành các sự kiện đáng sợ nhiều lần và từ đó học cách đối phó với những nỗi sợ hãi. Trí tưởng tượng cũng giúp loại bỏ cảm giác cô độc và bất an. Trẻ có thể tưởng tượng đồ chơi mà mình yêu thích nhất là bạn đồng hành để trẻ có thể trò chuyện.
Sử dụng những đồ chơi nào?
  • Đồ chơi bán trên thị trường như bộ đồ nấu ăn, bộ ấm chén uống trà, búp bê, đồ chơi nhồi bông, nhà, trang trại, ga-ra đồ chơi, ô tô và máy bay đồ chơi, v.v.
  • Các đồ vật khác như quần áo cũ, giày và tất cũ của người lớn, vòng đeo tay, vòng cổ, thắt lưng, túi xách, túi đựng khăn hoặc giấy, cặp tài liệu, thùng các-tông đủ lớn để trốn bên trong, thùng/hộp đựng đủ loại, chăn, sổ tay, giấy và bút chì, v.v. Về cơ bản, có thể sử dụng bất kỳ thứ gì an toàn với trẻ em để chơi trò chơi tưởng tượng.
  • Nếu trẻ không chơi đồ chơi theo công dụng phổ biến của đồ chơi, như giả bộ cái xoong là cái mũ và đội lên đầu, quý vị đừng can thiệp vì trí tưởng tượng là vô hạn. Sự ủng hộ và khuyến khích của quý vị sẽ giúp tăng cường trí tưởng tượng của trẻ. Nếu quý vị lo lắng về việc trẻ không biết công dụng của các đồ vật, hãy minh họa công dụng đó và gợi ý cho trẻ vào lúc khác, ví dụ: cầm xoong lên và nói với trẻ: “Con gái nhỏ của mẹ đói rồi. Mẹ sẽ nấu cho con ăn nhé”.
Quý vị có thể làm gì?
  • Ngoài việc cung cấp đồ chơi và không gian an toàn cho con, một điều quan trọng khác là quý vị phải tham gia trò chơi với trẻ.
  • Ở gần hoặc tham gia vào trò chơi với trẻ. Hãy để trẻ dẫn dắt miễn là an toàn.
  • Hãy nhiệt tình tham gia. Đáp lại và khen ngợi các ý tưởng của trẻ.
  • Đôi khi gợi ý cho trẻ thêm những ý tưởng mới và giúp trẻ hiểu rõ trình tự các sự kiện.
  • Chỉ gợi ý những trải nghiệm quen thuộc để trẻ có thể tưởng tượng được.

Các Hoạt Động Sáng Tạo Khác

  • Vui chơi với nước trong chậu hoặc bồn tắm
  • Sáng tạo ra những bước nhảy
  • Sáng tạo ra âm nhạc bằng các nhạc cụ đồ chơi hoặc những thứ phát ra âm thanh
  • Soạn lời để sáng tạo ra những bài hát mới
  • Sáng tạo ra các câu chuyện
  • Sáng tạo ra những lời nói đùa
  • Nghĩ ra nhiều công dụng nhất có thể cho một vật dụng
  • Sáng tạo ra các quy tắc mới trong trò chơi
  • Hướng dẫn con biết trân trọng thiên nhiên và các tác phẩm nghệ thuật
  • Sử dụng các đồ gia dụng trong trò chơi giả bộ, ví dụ: có thể dùng đệm để xây nhà hoặc đường hầm, chèo thuyền, cưỡi ngựa, phục vụ bữa ăn, v.v.
  • Các hoạt động sáng tạo không bao giờ khiến trẻ kiệt sức.

Hãy trở thành một tấm gương về sáng tạo cho con bằng cách thể hiện khiếu hài hước của quý vị trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và linh hoạt khi giải quyết vấn đề. Giúp trẻ phát triển và khám phá khả năng sáng tạo của bản thân bằng cách cùng trẻ tưởng tượng và sáng tạo. Sự ủng hộ của quý vị đối với con là điều vô cùng quan trọng trong sáng tạo phát triển.

Chúng tôi tổ chức một số hội thảo và phân phát tờ thông tin về chủ đề nuôi dạy con cái cho những người sắp làm bố mẹ, đang làm bố mẹ của trẻ sơ sinh và trẻ mẫu giáo. Vui lòng liên hệ với nhân viên y tế của chúng tôi để biết thông tin.