Sê-ri Nuôi Dạy Con Cái 7 - Kết Nối với Con - Dành Cho Các Bậc Cha Mẹ có Con Dưới Một Tuổi

(Sửa đổi nội dung vào tháng 02/2017)

Cách Tương Tác

Trong những tháng đầu, các bậc cha mẹ tương tác và trao đổi với con cái chủ yếu qua tiếp xúc cơ thể, các biểu cảm trên gương mặt và qua giọng nói. Khi bé phát triển thì có thể sử dụng nhiều hình thức tương tác hơn. Trò chuyện, ca hát, vui đùa hoặc đọc sách cùng bé một cách tương tác và hài hòa sẽ khiến cha mẹ và con cái cảm giác gần gũi hơn. Những tương tác này hình thành nền tảng để bé phát triển kết nối cảm xúc với quý vị, đây là một bước quan trọng trong quá trình phát triển cảm xúc xã hội của bé. Ngoài ra, đây là những thời điểm quan trọng để dạy bé và tạo điều kiện cho sự phát triển của bé.

Khi nào nên tương tác với con?

  • BẤT KỲ KHI NÀO miễn là bé không mệt và quý vị sẵn sàng.

Nên làm gì cùng bé?

  • BẤT KỲ VIỆC GÌ an toàn đều được. Không có quy định nào về cách bố trí hay công cụ, ví dụ: chiếc khăn tay trong túi xách của quý vị có thể trở thành đồ chơi để thu hút bé.
  • ‘Công cụ’ quan trọng nhất chính là QUÝ VỊ! Một cái nhìn âu yếm, một nụ cười ấm áp, một động tác vuốt ve nhẹ nhàng, một nụ hôn hay cái ôm đều có thể khiến bé cảm nhận được tình yêu thương của quý vị. Đồng thời, việc bé đáp lại sẽ khiến cả hai cảm thấy gần gũi nhau hơn.
  • Quý vị có thể đọc sách cho bé bằng giọng có nhịp điệu để thu hút sự chú ý của bé. Bé sẽ đáp lại bằng cách nhìn quý vị chăm chú hoặc thậm chí là ngọ nguậy thích thú.
  • Các cuốn sách bằng vải hoặc giấy bìa có tranh ảnh nhiều màu sẽ rất hấp dẫn đối với các em bé nhỏ tuổi. Sách có nhiều họa tiết, âm thanh và mùi thơm khác nhau còn kích thích hơn nữa.
  • Âm nhạc là một phương tiện tuyệt vời để quý vị tương tác với con. Quý vị có thể cùng bé nhảy theo nhạc bằng cách đung đưa bé nhẹ nhàng hoặc xoay tay và chân bé trong khi ngâm nga theo điệu nhạc.
  • Khi bé có thể tự đứng được, quý vị có thể nhảy cùng bé bằng cách đỡ hoặc ôm bé trong lòng. Quý vị cũng có thể nhảy cùng bé trước gương.
  • Ú òa, cù, hát đồng dao kèm theo động tác là những cách vui đùa tương tác hiệu quả với bé.
  • Bất kỳ kiểu vui chơi nào đều vui vẻ miễn là quý vị dành toàn bộ sự tập trung cả về cơ thể và tâm lý.

Cách tương tác?

  • Hãy để bé nhìn trực diện quý vị. Quý vị có thể cúi xuống ngang tầm mắt bé hoặc bế bé lên.
  • Quan sát các biểu cảm trên gương mặt và ngôn ngữ cơ thể của bé.
  • Lắng nghe bé.
    Lắng nghe và đáp lại bé sao cho phù hợp. Những tiếng rù rì của bé có thể tượng trưng cho điều gì đó bé muốn nói với quý vị.
  • Chú ý xem bé đang nhìn gì.
  • Đáp lại bé ngay lập tức bằng cách:
    • Bắt chước âm thanh hoặc động tác của bé.
      • Khi quý vị đáp lại bằng cách bắt chước bé, bé sẽ biết là quý vị quan tâm đến việc bé làm. Đổi lại, quý vị cũng có thể hướng dẫn bé bắt chước mình.
    • Cố diễn giải điều bé muốn biểu lộ.
      • Nếu bé kêu ré lên và ngọ nguậy vì thích thú, có thể bé muốn quý vị tiếp tục vui đùa với bé. Nếu bé dừng lại và quay mặt đi, có thể bé không còn thích thú hoặc thậm chí cảm thấy mệt. Vậy đó chính là lúc nên yên lặng và để bé nghỉ ngơi.
    • Mô tả những gì quý vị nhìn hoặc nghe thấy để giúp trẻ học hỏi.
      • Gọi tên những thứ bé thích thú, ví dụ: nói “bóng” cho bé nghe khi bé chạm vào quả bóng.
      • Nói về những gì đã hoặc đang diễn ra, ví dụ: nói với bé “thìa rơi” khi chỉ vào cái thìa bị rơi.
    • Sử dụng hành động và cử chỉ để minh họa từ ngữ quý vị nói. Bé cũng sẽ học hỏi từ quý vị để biểu hiện bằng cử chỉ trước khi bé có thể nói.
    • Chờ bé đáp lại. Đừng nói liên tục. Hãy tạm ngừng lại và chờ bé đáp lại để cho bé có nhiều cơ hội biểu hiện theo cách riêng của mình hơn.
  • Việc lặp lại giúp bé hiểu được và ghi nhớ. Tìm những cách khác nhau để lặp lại từ và hành động mới càng thường xuyên càng tốt. Hát nhiều lần những bài đồng dao bé thích nhất kèm theo động tác. Những câu thơ có vần với giai điệu và từ ngữ lặp lại nhiều lần sẽ giúp bé học hỏi. Dần dần, bé sẽ hát được một vài từ bằng cách bắt chước quý vị.
  • Thêm ý tưởng mới bằng cách tận dụng những gì bé đã biết. Ví dụ: khi bé nhặt lên một khối lắp ghép, hãy dạy bé thả khối đó vào rổ. Khi bé nói được các từ, ví dụ: “bánh quy”, hãy cho trẻ biết về những món ăn khác như “bánh mì” và “bánh ngọt”.
  • Bổ sung các trải nghiệm mới thông qua việc đọc sách cho bé, ví dụ như đặt bé làm nhân vật trong câu chuyện. “Nhìn này! Sarah đang tắm”. Quý vị cũng có thể đưa câu chuyện vào đời thực, ví dụ như chỉ vào chú cún con trong tranh và nói: “Cún con đi ngủ. Bé Sarah cũng muốn đi ngủ rồi”.
  • Tương tác với bé bằng tâm trạng điềm tĩnh và dịu dàng vì bé có thể cảm nhận được cảm giác của quý vị.

Đến 12 tháng tuổi, nếu con quý vị:

  • Không giao tiếp bằng mắt với người chăm sóc
  • Không thường xuyên đáp lại khi được gọi tên
  • Không đáp lại yêu cầu với các gợi ý bằng cử chỉ, ví dụ: vẫy tay “chào tạm biệt”, “Đưa cho bố/mẹ nào”
  • Không truyền đạt ý muốn của mình thông qua chỉ trỏ hoặc cử chỉ, ví dụ: nhìn hoặc vươn tay ra với
  • Không bập bẹ tập nói
  • Có vẻ nghe không rõ

Vui lòng thảo luận với bác sĩ của quý vị hoặc các y tá tại Trung Tâm Chăm Sóc Sức Khỏe Bà Mẹ và Trẻ Em (Maternal and Child Health Centre, MCHC), bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ nhi khoa.

Để kết nối thành công với con, quý vị cần hiểu được bé là cá thể duy nhất, hiểu được trình độ phát triển của bé, quan sát các tín hiệu và đáp lại cho phù hợp. Cùng bé thử các ý tưởng trong tờ thông tin và tận hưởng niềm vui khi được ở bên con.

Chúng tôi tổ chức một số hội thảo và phân phát tờ thông tin về chủ đề “Happy Parenting!” (Bố Mẹ Vui Vẻ, Con Trẻ Hạnh Phúc) cho những người sắp làm bố mẹ, đang làm bố mẹ của trẻ sơ sinh và trẻ mẫu giáo. Vui lòng liên hệ với nhân viên y tế của chúng tôi để biết thông tin.