Làm Ông Bà

(Sửa đổi 12/2019)
  1. ‘Nuôi dạy tích cực’ nghĩa là gì?
    • Duy trì mối quan hệ thân thiết, gần gũi với cháu. Kỷ luật sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu trẻ yêu mến quý vị.
    • Quan tâm trẻ nhiều hơn và tôn trọng trẻ. Khen ngợi và động viên trẻ.
    • Đặt ra kỳ vọng thực tế đối với trẻ, có lưu tâm đến khả năng, đặc điểm và sở thích của trẻ.
    • Áp dụng kỷ luật nhất quán và kiên quyết. Đặt ra quy tắc và tuân thủ.
    • Sử dụng hình thức không gây tổn thương thay vì đánh đòn và quát mắng.
  2. Tại sao nên khen ngợi trẻ? Khen ngợi có làm hư trẻ không?
    • Trẻ cần nhận được phản hồi của quý vị để biết là trẻ đã có hành vi nào tốt. Nếu không sẽ giảm khả năng trẻ lặp lại hành vi tốt đó.
    • Chỉ những trẻ ít được khen ngợi mới có xu hướng dễ bị lôi cuốn bởi lời khen.
    • Khi quý vị thấy trẻ có hành vi cư xử tốt, hãy khen ngợi trẻ, chẳng hạn như: “Giỏi lắm, Charlie. Cháu đã hoàn thành bài tập rất nhanh!” hoặc trao thưởng, ví dụ: “Cảm ơn cháu đã dọn đồ chơi. Cháu xứng đáng được thưởng!”
  3. Tôi không chắc nếu không sử dụng đòn roi thì cháu gái tôi có cư xử đúng mực không.
    • Đòn roi hoặc trách mắng chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn. Những biện pháp này có thể gợi lên cảm xúc tiêu cực ở trẻ và hạ thấp lòng tự trọng của trẻ. Không những thế, điều này còn có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa quý vị và trẻ.
    • Để giảm hành vi không mong muốn ở trẻ, cháu của quý vị cần học các hành vi được chấp nhận và được quý vị công nhận đối với hành vi mong muốn.
  4. Cháu trai tôi chỉ sợ bố mẹ mà hoàn toàn phớt lờ những gì tôi nói.
    • Phối hợp với bố mẹ trẻ để kiểm soát hành vi theo quy tắc thay vì theo cá nhân. Đảm bảo trẻ hiểu rằng trẻ phải tuân theo quy tắc của gia đình.
    • Cùng trẻ lập biểu đồ hành vi. Khi đạt được hành vi mục tiêu (ví dụ: hoàn thành bài tập về nhà trước khi xem TV), trẻ sẽ được đóng dấu. Khi có được một số lượng dấu nhất định, trẻ sẽ được tặng một phần thưởng nhỏ.
  5. Chúng tôi nuông chiều cháu gái mình thì có gì sai?
    • Phong cách nuôi dạy trẻ có tác động sâu sắc đến một trẻ nhỏ khi trẻ lớn lên.
    • Nhường nhịn trẻ sẽ khiến trẻ có cảm giác mình là trung tâm và ảnh hưởng đến mối quan hệ xã hội và sự phát triển của trẻ
    • Có nhiều cách để thể hiện tình yêu của quý vị, chẳng hạn như hôn, ôm, dành thời gian và nói chuyện với trẻ.
  6. Cháu tôi đang trở thành kẻ chuyên đi bắt nạt.
    • Nghiêm túc xem xét những mong muốn của trẻ. Những mong muốn vô lý là những mong muốn vi phạm nguyên tắc kỷ luật, chẳng hạn như “Con muốn xem phim hoạt hình trước khi làm bài tập về nhà!” hoặc những mong muốn ảnh hưởng tiêu cực đến người khác, như giật lấy đồ chơi của bạn khác.
    • Nuôi dưỡng tính cách tốt ở trẻ, như nhắc trẻ tuân thủ quy tắc, hình thành thói quen chia sẻ, khuyến khích trẻ giúp đỡ người khác, dạy trẻ cư xử lịch sự.
    • Nêu gương tốt và làm hình mẫu cho trẻ noi theo.
  7. Không cần phải vội vàng thúc giục cháu tôi tự lập.
    • Nếu chúng ta không cho trẻ có cơ hội để học hỏi ở mức độ phát triển phù hợp, trẻ sẽ mất cơ hội rèn luyện kỹ năng và do đó sẽ bị thụt lùi so với các bạn. (Tham khảo sê-ri và tờ thông tin về Sự Phát Triển của Trẻ Em)
    • Cho trẻ tiếp xúc với những trải nghiệm mới và khuyến khích trẻ thử những điều mới mẻ. Trẻ sẽ cảm thấy tự hào về bản thân nếu tự mình làm được.
    • Hãy chuẩn bị tinh thần trẻ có thể sẽ tạo ra một đống lộn xộn. Quan sát và hướng dẫn trẻ bằng lời. Chỉ giúp đỡ khi trẻ không thể hoàn thành nhiệm vụ.
    • Truyền cho trẻ tinh thần trách nhiệm và dạy trẻ không được dựa dẫm vào người khác.
    • Tăng cường kỹ năng tự chăm sóc bản thân cho trẻ và khuyến khích trẻ chăm sóc những người khác.
  8. Tại sao tôi phải lắng nghe bố mẹ trẻ khi chúng thường xuyên có ý kiến rằng phương pháp nuôi dạy con cái của tôi đã lỗi thời?
    • Xã hội luôn luôn thay đổi. Những người làm ông bà và các thế hệ sau đều có những giá trị riêng của mình.
    • Cố gắng đi đến thống nhất vì lợi ích của trẻ.
    • Quý vị có thể muốn biết những người thân và bạn bè của quý vị nói hoặc làm như thế nào. Quý vị cũng có thể xin lời khuyên từ các chuyên gia, ví dụ như MCHC.
    • Mỗi khi có bất đồng:
      1. Hít thở sâu. Thả lỏng cơ thể và lấy lại bình tĩnh.
      2. Đặt bản thân vào vị trí của người khác và cố gắng tìm hiểu lý do tại sao họ nói như vậy.
      3. Giải thích những điều quý vị nghĩ và cho người khác hiểu lý do tại sao quý vị làm như vậy.
      4. Trao đổi một cách điềm tĩnh và tạo cho nhau cơ hội để đi đến thống nhất.
    • Nếu quý vị thấy mình bị mất kiểm soát, hãy ngừng thảo luận và đi chỗ khác như đi uống một chút nước và chỉ tiếp tục thảo luận sau khi cả hai người đã bình tĩnh trở lại.
  9. Cách các con tôi dạy cháu tôi không hiệu quả.
    • Nếu bố mẹ và ông bà có những phương pháp nuôi dạy trẻ hoàn toàn khác biệt thì chính trẻ sẽ bị bối rối.
    • Một số trẻ có thể học cách sử dụng các mẹo khác nhau trước mặt bố mẹ và ông bà. Điều đó sẽ tác động tiêu cực đến đức tính của trẻ.
    • Hãy thể hiện sự đoàn kết trước mặt trẻ. Tất cả các thành viên trong gia đình phải tôn trọng và tuân thủ quy tắc.
    • Hành động nhất quán và kiên định. Lúc đầu, trẻ có thể không hợp tác hoặc thậm chí ăn vạ. Quý vị đừng nhượng bộ mà hãy kiên trì.
    • Nếu có bất đồng, đừng thể hiện điều đó trước mặt trẻ. Hãy thảo luận với bố mẹ trẻ sau đó.
  10. Tôi cãi nhau với con dâu tôi nhưng con trai tôi không đứng về phía tôi.
    • Con trai quý vị có thể muốn giữ thế trung lập.
    • Hãy cố gắng suy nghĩ từ góc độ của con trai quý vị.
    • Hãy cố gắng hồi tưởng lại quý vị đã từng muốn hòa thuận với mẹ chồng của mình như thế nào khi quý vị còn trẻ. Có lẽ quý vị sẽ hiểu rõ hơn về những suy nghĩ của con dâu và về tình huống.