Dịch Vụ Sức Khỏe Gia Đình - Sê-ri Nuôi Dạy Con Cái 16 - Kiểm Soát Hành Vi của Trẻ Mẫu Giáo II

(Sửa đổi nội dung vào tháng 12 năm 2019)

Kiểm Soát Hành Vi Không Mong Muốn

Phải xử lý hành vi sai trái nhỏ một cách kịp thời để ngăn hành vi trở nên tồi tệ hơn. Có thể thực hiện điều này rất thường xuyên theo cách thức nhỏ nhẹ nhưng hiệu quả, chẳng hạn như bỏ qua hành vi sai trái nhỏ. Phải thận trọng khi sử dụng một số phương pháp kiểm soát hành vi (ví dụ: thời gian cô lập) vì chỉ nên áp dụng những phương pháp này cho hành vi có vấn đề nghiêm trọng. Nếu sử dụng thường xuyên những phương pháp này có khả năng khiến con cái đối đầu với bố mẹ và khiến cảm xúc và tình huống trở nên căng thẳng hơn. Hãy luôn có chiến lược dự phòng để phòng trường hợp trẻ không nghe lời. Hãy nói về hậu quả dự phòng khi quý vị trao đổi về các quy tắc với trẻ. Khi thực hiện như vậy, quý vị có thể lập kế hoạch trước những việc cần làm và chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng đón nhận hậu quả từ hành vi của trẻ.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

  • Đảm bảo ngôi nhà của quý vị là nơi an toàn cho trẻ để hạn chế những hành vi không mong muốn của trẻ. Điều này đồng nghĩa với việc lắp đặt các thiết bị bảo vệ trẻ em như dựng cổng để trẻ tránh xa những nơi nguy hiểm; hoặc khóa nơi để những đồ vật mà quý vị không muốn trẻ với tới như đồ vật có giá trị hoặc bánh kẹo.
  • Chuẩn bị các hoạt động thú vị, chẳng hạn như lắp ráp khối hình, vẽ và chơi đóng vai để trẻ tham gia. Khi bận rộn, trẻ sẽ ít có thời gian buồn chán, rên rỉ để thu hút sự chú ý của quý vị hoặc vướng vào rắc rối.
  • Đặt ra quy tắc và thói quen với trẻ để trẻ có thể học cách làm những việc được mong đợi thường xuyên. Ví dụ: đến giờ đánh răng và chuẩn bị đi ngủ sau khi xem chương trình truyền hình yêu thích của trẻ. Hãy nói về phần thưởng và hậu quả với trẻ. Quý vị có thể nhắc trẻ về thói quen ngay trước giờ làm hoạt động đó.

Các cách kiểm soát hành vi sai trái

1. Phớt lờ có chủ ý

  • Khi trẻ có một số hành vi rắc rối nhỏ không gây hại và có thể chỉ là mong muốn được chú ý (ví dụ: nhấc đồ chơi lên cao đồng thời kiểm tra phản ứng của quý vị), quý vị nên hoàn toàn phớt lờ trẻ - thậm chí không nhìn hoặc quát trẻ.
  • Sau khi trẻ dừng hành vi sai trái, hãy chú ý đến trẻ ngay lập tức bằng cách nói chuyện với trẻ và chuyển hướng sự chú ý của trẻ, ví dụ: "Con là một đứa trẻ ngoan vì đã chơi trật tự. Con mặc cho Barbie một chiếc váy thật đẹp. Barbie sắp đi đâu thế?" Tìm cơ hội để khen ngợi hành vi phù hợp của trẻ càng sớm càng tốt.
  • Khi quý vị sử dụng phương pháp này, hãy chuẩn bị tâm lý là ban đầu hành vi rắc rối có thể trở nên tồi tệ hơn khi trẻ muốn thu hút sự chú ý của quý vị. Hãy kiên trì và tiếp tục phớt lờ. Trẻ sẽ học được rằng cách làm đó sẽ không hiệu quả và do đó giảm dần hành vi rắc rối.

2. Hậu quả

  • Thay vì sử dụng các hình thức kỷ luật tiêu cực như quát mắng và đánh đòn, quý vị có thể áp dụng những hậu quả khác nhau khi trẻ không tuân theo các quy tắc (ví dụ được liệt kê trong bảng dưới đây):
    • Hậu quả hợp lý - Khi trẻ không tuân theo các quy tắc, quý vị có thể tước đi đặc quyền của trẻ phù hợp với hoàn cảnh. Thông thường, hành động này liên quan đến việc không cho trẻ tham gia hoạt động hoặc chơi món đồ chơi là nguyên nhân gây rắc rối.
    • Thời gian yên tĩnh - Không cho trẻ tham gia hoạt động. Hãy để trẻ ngồi sang một bên trong một khoảng thời gian nhất định trong khi trẻ vẫn có thể quan sát người khác. Trong thời gian yên tĩnh, quý vị không nên để ý đến trẻ. Nếu trẻ không chịu ngồi xuống, quý vị có thể nhẹ nhàng kéo trẻ ngồi xuống.
    • Thời gian cô lập - Hậu quả này áp dụng cho hành vi nghiêm trọng hơn hoặc hành vi gây rối. Cách thực hiện tương tự như thời gian yên tĩnh, ngoại trừ việc quý vị sẽ đưa trẻ vào một phòng hoặc một chỗ cách biệt với những người khác. Đó phải là nơi an toàn, đủ ánh sángkhông có những đồ vật gây thích thú. Khi sử dụng phương pháp thời gian cô lập, quý vị đừng coi đó là một hình phạt nghiêm khắc để đe dọa trẻ và khiến trẻ sợ hãi.
  • Hiệu quả của 3 phương pháp hậu quả ở trên không được tính bằng độ dài thời gian. Phương pháp hậu quả hợp lý thường phát huy hiệu quả tốt nhất trong vòng 30 phút. Đối với phương pháp thời gian yên tĩnh và thời gian cô lập, 5 phút thường là khoảng thời gian đủ lâu đối với trẻ nhỏ. Nên bắt đầu thời gian yên tĩnh hoặc thời gian cô lập khi trẻ ngừng phản đối để trẻ biết la mắng không giúp trẻ thoát khỏi hậu quả thời gian yên tĩnh hoặc thời gian cô lập. Sau khoảng thời gian đã định, hãy để trẻ quay lại hoạt động và khen ngợi trẻ ngay khi trẻ có hành vi phù hợp. Đừng khuyên răn trẻ ngay lập tức khi trẻ kết thúc thời gian chịu hậu quả đã đặt ra để tránh làm trẻ khó chịu lần nữa.
  • Bảng dưới đây cho thấy các bước xử lý khi trẻ không tuân theo các quy tắc:
Bước ví dụ như Không Chia Sẻ ví dụ như không thể kiểm soát cảm xúc/đánh người khác ví dụ như từ chối làm theo hướng dẫn để bắt đầu một hoạt động khác
Đến gần trẻ, cho trẻ biết rõ phải ngừng hành động nào và thay vào đó làm việc gì "Mandy, con hãy để đồ chơi xuống. Con phải để các bạn khác chơi cùng nữa chứ" "Ted, con không được đánh em nữa. Hãy quản đôi tay của mình nào". "Cheri, chương trình kết thúc rồi. Hãy tắt TV và đi đánh răng thôi nào".
Hãy cho trẻ có thời gian phản hồi Chờ trong 5 giây Chờ trong 5 giây Chờ trong 5 giây
Khen ngợi trẻ nếu trẻ hợp tác "Cảm ơn con đã tuân theo quy tắc". "Con đã kiểm soát tốt bản thân". "Cảm ơn con vì đã hợp tác".'
Nếu trẻ không chịu hợp tác, hãy nói cho trẻ biết trẻ đã làm gì sai và hậu quả là gì Áp dụng phương pháp hậu quả hợp lý, "Con vẫn không chia sẻ đồ chơi với bạn khác. Bố/Mẹ phải cất đồ chơi đi trong 3 phút". "Con vẫn tiếp tục đánh em gái. Bây giờ hãy dành 2 phút cho thời gian yên tĩnh". Lặp lại hướng dẫn trong tình huống này. Đưa ra hậu quả nếu trẻ vẫn không chịu làm nhiệm vụ. "Con đã không làm như bố/mẹ yêu cầu. Bây giờ hãy dành 1 phút cho thời gian yên tĩnh".
Khi nào hết thời gian, con có thể quay trở lại hoạt động. Thời gian đã hết. Đây là đồ chơi của con". "Thời gian đã hết. Con có thể tiếp tục chơi, "Con có thể kết thúc thời gian yên tĩnh và bây giờ con hãy đi đánh răngđi".
Quan sát để xem trẻ có hành vi cư xử tốt không và khen ngợi trẻ. "Thật tuyệt khi con biết cách chia sẻ với người khác". "Bố/Mẹ rất vui vì con có thể chơi trật tự". "Con đánh răng rất giỏi".
Nếu vấn đề lại phát sinh, hãy sử dụng phương pháp dự phòng. "Con vẫn không chịu chia sẻ. Lần này bố/mẹ phải cất đồ chơi của con đi trong 4 phút". "Con vẫn đánh em gái. Bây giờ hãy dành 3 phút cho thời gian cô lập". "Con vẫn không làm như bố/mẹ yêu cầu. Bây giờ hãy dành 2 phút cho thời gian cô lập".
Nếu trẻ vẫn không nghe lời, hãy sử dụng lại biện pháp dự phòng "Con vẫn không hợp tác. Con phải dành 3 phút cho thời gian yên tĩnh". "Con vẫn không hợp tác. Bây giờ hãy dành 4 phút cho thời gian cô lập". "Con vẫn không hợp tác. Bây giờ hãy dành 3 phút cho thời gian cô lập".

Đối phó với các tình huống 'rủi ro cao'

Nếu hành vi rắc rối thường xảy ra trong một số tình huống nhất định, chẳng hạn như trẻ sẽ chạy lao đi bất cứ khi nào đi siêu thị, thì đây là những tình huống "rủi ro cao". Quý vị sẽ cần chuẩn bị trước để giảm khả năng xảy ra hành vi đó. Nói với trẻ về các quy tắc áp dụng cho tình huống đó. Treo thưởng nếu trẻ tuân theo các quy tắc và nêu hậu quả nếu trẻ có hành vi sai trái. Chuẩn bị một số đồ chơi hoặc các hoạt động hấp dẫn mà quý vị có thể sử dụng để giúp trẻ giải trí. Quý vị có thể nhờ trẻ giúp đẩy xe, nói chuyện với trẻ về màu sắc của hàng hóa hoặc cùng trẻ đếm số lối đi trong siêu thị. Quý vị có thể mang theo nhãn dán hoặc dấu để đóng nhằm mục đích khen thưởng hành vi phù hợp của trẻ ngay lập tức. Khen ngợi trẻ vì đã cư xử tốt. Ban đầu, hãy đảm bảo hoạt động theo kế hoạch chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Kéo dài thời gian dần dần khi trẻ có tiến bộ. Cùng trẻ xem lại hành vi của trẻ sau tình huống. Để khuyến khích trẻ, hãy khen ngợi trẻ về những điều trẻ đã làm tốt trước khi thảo luận với trẻ về những điều cần cải thiện trong lần tiếp theo.

Hãy nhớ rằng các chiến lược kiểm soát hành vi tích cực chỉ phát huy hiệu quả khi quý vị có mối quan hệ tốt đẹp với trẻ. Hãy chú ý đến hành vi tích cực của trẻ, nói chuyện và vui vẻ với trẻ. Khi làm như vậy, trẻ cũng sẽ ít gặp vấn đề về hành vi hơn.

Vui lòng tham khảo tờ thông tin Kiểm Soát Hành Vi của Trẻ Mẫu Giáo I trong sê-ri Nuôi Dạy Con Cái 15.

Chúng tôi tổ chức một loạt hội thảo và phân phát tờ thông tin về chủ đề "Happy Parenting!" (Bố Mẹ Vui Vẻ, Con Trẻ Hạnh Phúc) cho những người sắp làm bố mẹ và đang làm bố mẹ của trẻ sơ sinh và trẻ mẫu giáo. Vui lòng liên hệ với nhân viên y tế của chúng tôi để biết thông tin.