Phòng Ngừa Viêm Phổi và Nhiễm Trùng Đường Hô Hấp – Tự Chăm Sóc Bản Thân Về Mặt Tâm Lý

(Phát hành tháng 02 năm 2020)

Trước những mối đe dọa tiềm ẩn của dịch bệnh hiện nay, nhiều người có thể cảm thấy choáng ngợp, lo lắng, căng thẳng hoặc thậm chí là khiếp sợ. Là một người chăm sóc, mặc dù có thể bận rộn với các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình nhưng quý vị không nên bỏ qua việc chăm sóc các nhu cầu tình cảm của bản thân và con cái của quý vị.

Các Phản Ứng Có Thể Xảy Ra của Người Chăm Sóc khi Dịch Bệnh Bùng Phát

Khi đối mặt với dịch bệnh đột ngột, quý vị có thể lưu ý những phản ứng dưới đây ngoài những phản ứng về hành vi (chẳng hạn như tăng cường vệ sinh cá nhân và nhà cửa):

  • Suy Nghĩ

    “Chỉ còn vài chiếc khẩu trang, tôi phải làm gì đây?”, “Con trai tôi không muốn rửa tay, liệu bé có bị nhiễm bệnh không?”, v.v.

  • Cảm Xúc

    lo lắng, căng thẳng, cáu kỉnh, tức giận, v.v.

  • Phản Ứng Sinh Lý

    căng cơ, thở nhanh, tim đập nhanh, v.v.

Các Phản Ứng Có Thể Xảy Ra của Trẻ khi Dịch Bệnh Bùng Phát

Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi không hiểu những gì đang diễn ra xung quanh nhưng cảm xúc và hành vi của trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về cảm xúc của người chăm sóc trẻ.

Trẻ mẫu giáo không hiểu hết về tình hình dịch bệnh và có thể bối rối trước những thay đổi về hành vi của các thành viên trong gia đình. Trẻ có thể cảm thấy lo lắng rằng các thành viên trong gia đình có thể bị nhiễm bệnh. Với những thay đổi trong các thói quen thông thường như tạm nghỉ học và giảm các hoạt động ngoài trời, trẻ có thể cảm thấy buồn chán hoặc nhớ người thân, giáo viên và bạn cùng lớp. Trẻ cũng có thể bực bội hoặc không nghe lời khi người chăm sóc áp đặt các biện pháp vệ sinh nghiêm ngặt đối với trẻ.

Lời Khuyên về Chăm Sóc Tâm Lý

Người chăm sóc có thể tham khảo những gợi ý dưới đây để nâng cao kỹ năng đối phó của quý vị cũng như của con quý vị để ứng phó khi dịch bệnh bùng phát.

(I) Đối với Người Chăm Sóc

  • Cố gắng bày tỏ sự cảm thông, chấp nhận và tôn trọng khi các thành viên trong gia đình có quan điểm và cảm xúc khác nhau khi dịch bệnh bùng phát.
  • Hiểu rõ cảm xúc của quý vị; khi cảm thấy lo lắng, hãy nhắc nhở bản thân rằng dịch bệnh cuối cùng sẽ qua đi và cố gắng tập trung vào việc áp dụng những phương pháp khả thi và thực tế để đối phó với tình hình.
  • Chăm lo các nhu cầu cơ bản của quý vị để tăng cường khả năng miễn dịch của quý vị, ví dụ: duy trì chế độ ăn uống điều độ, ngủ nghỉ đầy đủ.
  • Dành thời gian cho các hoạt động giải trí hoặc thú vị, ví dụ: nghe nhạc, tập thể dục giãn cơ đơn giản, đọc sách hoặc kết nối với bạn bè.
  • Tránh bị choáng ngợp bởi quá nhiều thông tin. Xác minh thông tin nếu có thể hoặc tiếp cận thông tin chính xác từ các nguồn đáng tin cậy.
  • Nhò các thành viên khác trong gia đình làm việc nhà và/hoặc chăm sóc con cái bất cứ khi nào có thể.
  • Tập thể dục thư giãn, ví dụ:

(II) Đối với Trẻ Em

Thông thường, thái độ và cảm xúc của người chăm sóc khi dịch bệnh bùng phát có thể ảnh hưởng đến cảm nhận của con quý vị về tình hình. Khi quý vị cố gắng giới thiệu hoặc nhắc nhở trẻ về các biện pháp vệ sinh, hãy lưu ý đến giọng điệu của quý vị và tránh thúc ép trẻ.

Bên cạnh đó, trước những thay đổi, trẻ nhỏ thường gặp khó khăn trong việc nói ra cảm xúc và nhu cầu của mình. Người chăm sóc cần chú ý đến các biểu hiện và thay đổi hành vi của trẻ, tìm hiểu nhu cầu và cảm xúc tiềm ẩn của trẻ, đồng thời đáp ứng kịp thời và thích hợp để trẻ dễ dàng đối phó.

1. Điều tiết cảm xúc

Nguyên tắc Đề xuất
i. Tăng cường cảm giác an toàn
  • Đảm bảo trẻ cảm thấy được yêu thương, chăm sóc và bảo vệ
  • Truyền tải ý thức dự đoán
Trẻ Sơ Sinh và Trẻ Mới Biết Đi
  • Tạo thêm cảm giác thoải mái thông qua những cái chạm, âu yếm và để trẻ ở gần người chăm sóc
  • Tham gia các hoạt động quen thuộc như hát và đọc truyện cùng nhau
Trẻ mẫu giáo
  • Trấn an trẻ bằng lời nói, đồng thời tạo cảm giác thoải mái về thể chất
  • Thông báo trước và giải thích về những thay đổi trong thói quen hàng ngày. Ví dụ: "Chúng ta sẽ ở nhà vào ngày mai vì trường học vẫn đóng cửa”.
ii. Hỗ trợ diễn đạt cảm xúc
  • Lắng nghe chăm chú và kiên nhẫn
  • Tạo cơ hội để trẻ thể hiện cảm xúc
  • Tránh ép trẻ nói chuyện
Trẻ Sơ Sinh và Trẻ Mới Biết Đi
  • Gọi tên cảm xúc một cách trực tiếp, cung cấp cho trẻ phương tiện hỗ trợ (chẳng hạn như thẻ cảm xúc) để nói về cảm xúc
Trẻ mẫu giáo
  • Trấn an trẻ rằng cảm xúc của trẻ là bình thường và có thể chấp nhận được. Ví dụ: "Ở nhà cả ngày thật là nhàm chán”.
  • Nếu trẻ tỏ ra không hứng thú khi nói về tình hình hiện tại, chỉ cần tiếp tục quan sát và theo dõi trẻ xem có dấu hiệu căng thẳng nào không.
iii. Tìm hiểu về các mối lo ngại của trẻ bằng sự đồng cảm và phản hồi thích hợp
  • Sử dụng ngôn ngữ phù hợp với lứa tuổi và nhu cầu của trẻ để thấu hiểu hơn
  • Giải thích tình hình thực tế mà không cung cấp quá nhiều chi tiết
  • Bình tĩnh và tạo không khí vui vẻ
Trẻ Sơ Sinh và Trẻ Mới Biết Đi
  • Giải thích bằng các từ ngữ đơn giản, ví dụ: “Con hãy rửa tay để giữ tay sạch sẽ”, “Để bảo vệ bản thân không bị nhiễm vi trùng, con hãy đeo khẩu trang khi ra ngoài”.
  • Giới thiệu một cách vui vẻ các thói quen vệ sinh, ví dụ: hát khi rửa tay cùng nhau
  • Đánh lạc hướng khi trẻ có biểu hiện chống đối
Trẻ mẫu giáo
  • Trao đổi khi trò chuyện. Ví dụ: trẻ cảm thấy khó chịu khi được yêu cầu đeo khẩu trang. Người chăm sóc có thể trả lời: “Con không thích đeo khẩu trang. Hãy đoán xem tại sao con vẫn phải làm như vậy?” Trẻ nói: "Để bảo vệ chúng ta không bị ốm". Người chăm sóc nói: “Đúng vậy! Con nói đúng! Thật là vui khi con vẫn nhớ những điều được dạy. Ngày càng có nhiều người mắc bệnh, vì vậy chúng ta cần đeo khẩu trang khi ra ngoài. Chúng ta giúp nhau đeo khẩu trang nhé!”.
  • Trẻ bày tỏ nỗi lo lắng của mình với Bố: "Bố có bị ốm khi ra ngoài đi làm không?" Bố trả lời: "Con lo lắng rằng Bố sẽ bị ốm à. Bố sẽ tự bảo vệ mình bằng cách rửa tay và đeo khẩu trang. Mọi việc sẽ ổn thôi”.
  • Người lớn có thể chia sẻ cảm xúc của riêng mình nhưng đừng quên chia sẻ các ý tưởng để đối phó. Ví dụ: Mẹ nói với trẻ: “Mẹ cũng hơi lo lắng khi nghe tin ngày càng nhiều người mắc bệnh. Nhưng sẽ ổn nếu chúng ta có các biện pháp thực hành vệ sinh tốt”.

2. Duy trì thói quen hàng ngày và sắp xếp các hoạt động

  • Duy trì thói quen hàng ngày càng nhiều càng tốt
  • Thảo luận và sắp xếp các hoạt động phù hợp với lứa tuổi cho trẻ, chẳng hạn như sáng tạo với đất nặn, khối hình lắp ghép và đọc sách, v.v. Các hoạt động tạo điều kiện tương tác qua lại như hát các bài hát có chuyển động, chơi trò nấu ăn hoặc chơi trò đóng vai, v.v. Đây có thể là thời gian tuyệt vời để chơi với trẻ và củng cố mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái.
  • Sắp xếp các việc nhà đơn giản theo khả năng của trẻ, chẳng hạn như cất đồ chơi, dọn bàn sau bữa ăn, phân loại quần áo sạch, v.v.
  • Khen ngợi trẻ một cách cụ thể nếu trẻ có thể làm theo thói quen và khuyến khích hành vi đó bằng cách sử dụng kế hoạch khen thưởng đơn giản.

Nhờ Chuyên Gia Trợ Giúp

Nếu quan sát thấy tình trạng căng thẳng nghiêm trọng và kéo dài hoặc thay đổi hành vi bất thường ở trẻ em hoặc người chăm sóc, quý vị có thể tham khảo ý kiến bác sĩ gia đình hoặc tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ trong cộng đồng.