Các Bệnh Nhẹ vào Giữa Thai Kỳ và Cách Xử Lý

(Sửa đổi nội dung tháng 01 năm 2020)

Trong thời kỳ mang thai, các hoóc-môn tăng nhanh như oestrogen, progesterone và prolactin sẽ thay đổi cơ thể người mẹ thành môi trường thích hợp cho thai nhi. Hầu hết những thay đổi trên cơ thể này đều bình thường.

  • Hầu hết các bệnh nhẹ xảy ra trong thai kỳ sẽ tự giảm dần sau khi sinh. Do đó, phụ nữ mang thai không cần lo lắng.
  • Đặc biệt cần tránh sử dụng các loại thảo mộc và thuốc tây trong thời kỳ đầu mang thai vì chúng có thể xâm nhập vào hệ tuần hoàn của thai nhi qua nhau thai. Một số dược phẩm gây độc hoặc gây quái thai cho thai nhi. Quý vị luôn nên tư vấn bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại dược phẩm nào.
  • Một số loại tinh dầu thơm có thể không an toàn khi mang thai. Vui lòng tham khảo ý kiến của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi sử dụng liệu pháp hương thơm.
  • Sự gia tăng progesterone trong thời kỳ mang thai gây giãn nở các mạch máu, do đó dồn máu ở thân dưới.
  • Trong khi đó, thai nhi ngày càng lớn sẽ làm tăng áp lực lên ổ bụng và ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn. Điều này dẫn đến giãn tĩnh mạch, sưng ở thân dưới và chuột rút ở chân.

Chuột Rút ở Chân

  • Hiện tượng này thường xảy ra khi nghỉ ngơi và do đó có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nguyên nhân thường do căng cơ.
  • Đôi khi tình trạng nôn mửa dữ dội có thể khiến lượng canxi và kali trong máu thấp, dẫn đến chuột rút.
  • Nếu đồng thời có biểu hiện nôn mửa dữ dội, có thể cần nhập viện để thay thế chất điện giải.

Giãn cơ bắp chân thường xuyên hoặc trước khi đi ngủ có thể giúp người sắp làm mẹ giảm chứng chuột rút ở chân.

Các bài tập có thể giảm chứng chuột rút ở chân

  1. Đứng cách tường một sải tay hoặc khoảng 60 cm. Đặt bàn tay lên tường.
  2. Bước chân trái về phía trước. Gập đầu gối trái một chút. Giữ chân phải thẳng. Giữ trong 10 giây. Sau đó thả lỏng.
  3. Lặp lại động tác với chân còn lại. Thực hiện lại toàn bộ động tác 3 lần.
  1. Ngồi trên ghế
  2. Duỗi thẳng chân phải. Dùng một chiếc khăn kéo gót về phía mình. Giữ trong 10 giây, sau đó thả lỏng.
  3. Lặp lại động tác với chân còn lại. Thực hiện lại toàn bộ động tác 3 lần.

Lời khuyên

  • Duỗi nhẹ cơ bắp chân trong trường hợp bị chuột rút
  • Nếu quý vị đang đứng, hãy kéo căng chân bị chuột rút bằng cách giữ thẳng chân
  • Xoa bóp hoặc chườm nóng lên bắp chân nếu tình trạng chuột rút ở chân dao dămgr

Giãn Tĩnh Mạch

  • Giãn tĩnh mạch là tình trạng các tĩnh mạch bị sưng phồng lên gần bề mặt da, thường ở chân, đôi khi ở âm hộ khi mang thai.
Lời khuyên
  • Tránh đứng trong thời gian dài
  • Tránh ngồi khoanh chân
  • Đi giày bệt thay vì giày cao gót vì cơ bắp chân của quý vị vận động tốt hơn và thúc đẩy tuần hoàn khỏe mạnh
  • Ngồi gác chân lên cao nhất có thể để giảm bớt cảm giác khó chịu
  • Ngủ gác chân cao hơn phần còn lại của cơ thể – kê gối dưới mắt cá chân hoặc kê sách dưới bàn chân
  • Thực hiện các bài tập cho chân và các bài tập tiền sản khác, đi bộ và bơi lội, các hoạt động này sẽ giúp lưu thông tuần hoàn
  • Để ngăn máu dồn lại ở chân, hãy mang tất vào buổi sáng trước khi rời giường khi quý vị vẫn đang nằm. Điều đó giúp máu chảy về tim dễ dàng hơn.

Nếu quý vị bị giãn tĩnh mạch hoặc phải đứng trong một thời gian dài, quý vị nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe về việc đeo tất bó cơ

Tập thể dục có thể giúp tăng cường cơ bắp chân và cải thiện lưu thông ở thân dưới.

  1. Đứng và để hai tay trên ghế. Sau đó, từ từ nâng gót chân lên và kiễng chân. Giữ nguyên trong 5 giây, sau đó thả lỏng. Thực hiện lại động tác 5 đến 10 lần trong một lượt. Thực hiện vài lượt một ngày.
  2. Quý vị có thể thực hiện bài tập thứ hai khi ngồi trên ghế. Ngửa bàn chân hướng lên trên và úp xuống dưới.
  3. Xoay chân theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược chiều kim đồng hồ.

Đau chân

Tăng cân và thay đổi trọng tâm cơ thể khi mang thai ảnh hưởng đến cách quý vị đi bộ. Cơ chân dễ bị mỏi.

Dây chằng cân gan chân bị căng thêm dẫn đến đau gót chân, đau bàn chân và viêm cân gan chân.

Chọn giày dép thoải mái có đủ khoảng trống và nâng đỡ vòm bàn chân và mắt cá chân tốt. Giày có phần gót rộng và độ cao vừa phải giúp phân tán lực căng xuống lòng bàn chân.

Đau cổ, vai và lưng

Đau cổ, vai và lưng là tình trạng thường gặp khi mang thai

Nguyên nhân

  1. Những thay đổi nội tiết tố khiến dây chằng bị căng. Các khớp cột sống, xương chậu và khớp mu trở nên lỏng lẻo, dẫn đến đau cổ, lưng và xương mu.
  2. Khi thai nhi lớn lên, trọng tâm cơ thể của người mẹ sẽ dịch chuyển về phía trước. Điều này tạo thêm gánh nặng cho cơ bụng và cơ lưng. Tư thế cơ thể tốt, các hoạt động thể chất thường xuyên và các bài tập giãn cơ có thể làm giảm đau cơ.

Các cách cải thiện tư thế của quý vị

  1. Khi đứng
    • Đỡ trọng lượng đều trên cả hai bàn chân. Thả lỏng vai và đẩy nhẹ vai về phía sau. Giữ thẳng lưng
    • Giữ đầu thẳng. Dái tai thẳng với vai để giữ cổ ở vị trí trung lập
    • Siết cơ bụng và cơ sàn chậu

Nếu quý vị cần đứng trong một khoảng thời gian, thỉnh thoảng hãy di chuyển trọng lượng sang bên khác.

  1. Khi ngồi
    • Khi làm việc tại bàn làm việc, điều chỉnh độ cao của ghế, giữ cổ ở vị trí trung lập
    • Điều chỉnh độ cao của ghế hoặc sử dụng vật kê chân sao cho cả hai chân đặt trên sàn và đầu gối vuông góc
    • Phần lưng cần được nâng đỡ tốt bằng lưng ghế. Sử dụng đệm ngồi hoặc gối để hỗ trợ nếu cần thiết

Tránh giữ một tư thế trong thời gian dài. Thay đổi tư thế sau một thời gian. Nhẹ nhàng siết chặt cơ bụng và cơ sàn chậu để hỗ trợ lưng khi quý vị di chuyển.

  1. Khi đứng lên từ tư thế ngồi
    • Siết cơ bụng và cơ sàn chậu
    • Đặt tay lên đùi hoặc tay tựa của ghế làm điểm tựa
    • Sau đó, rướn người về phía trước để đứng dậy
  2. Để rời giường
    • Khép hai chân lại với nhau và uốn cong đầu gối. Nghiêng người sang một bên
    • Siết cơ bụng và cơ sàn chậu. Đẩy cơ thể lên bằng cả hai tay và ngồi ở đầu giường
    • Đặt hai tay lên đùi làm điểm tựa. Rướn người về phía trước, sau đó đứng lên
    • Tránh đứng dậy như đang làm động tác sit up
  3. Ngủ bằng cách nằm nghiêng và tựa lưng vào một cái nêm để hỗ trợ phần lưng dưới

Nâng một vật nặng

  1. Khi nâng một vật nặng, hãy đứng gần vật đó.
  2. Gập đầu gối. Duỗi thẳng chân để nâng.
  3. Nhớ siết chặt cơ bụng và giữ lưng thẳng khi nâng.
  4. Khi mang vật nặng, hãy dùng cả hai tay hoặc dùng xe đẩy.
  5. Tránh nâng trẻ lên bằng bụng. Sử dụng cả hai bên thắt lưng làm điểm tựa nếu quý vị cần bế trẻ.

Yêu cầu hỗ trợ nếu cần

Các bài tập giãn cơ có thể giảm đau vai, cổ và lưng

  1. Bài tập giãn cơ cổ
    1. Để giãn cơ cổ, hãy ngồi thẳng lưng trên ghế
    2. Gập cằm. Kéo nhẹ đầu về phía sau. Giữ trong 5 giây, sau đó thả lỏng
    3. Thực hiện lại 10 lần
  2. Bài tập giãn cơ vai
    • Nhẹ nhàng cuộn vai lên trên, sau đó ra phía sau và hạ xuống
  3. Bài tập kéo giãn thân trên
    • Quý vị có thể thực hiện khi ngồi hoặc đứng
      1. Giữ thẳng lưng. Đan các ngón tay vào nhau, để lòng bàn tay hướng ra ngoài. Sau đó nâng cánh tay lên trên đầu cho đến khi phần lưng trên và cánh tay hơi giãn ra. Giữ nguyên trong 5 giây, sau đó thả lỏng. Lặp lại 10 lần
      2. Hai tay chạm vào nhau để sau lưng. Đan các ngón tay với nhau và để ngón cái hướng xuống dưới. Sau đó, nâng cao cánh tay lên đến ngang ngực và cánh tay hơi giãn ra. Giữ nguyên trong 5 giây, sau đó thả lỏng. Lặp lại 10 lần
      3. Giữ thẳng lưng. Đan các ngón tay vào nhau, để lòng bàn tay hướng ra ngoài. Duỗi thẳng cánh tay và vươn người về phía trước cho đến khi phần lưng trên hơi duỗi ra. Giữ nguyên trong 5 giây, sau đó thả lỏng. Lặp lại 10 lần
  4. Duỗi lưng dưới
    1. Đứng tựa lưng và mông vào tường. Giữ hai chân cách nhau rộng bằng vai
    2. Dựa lưng và mông vào tường
    3. Thở tự nhiên. Siết cơ bụng để ép lưng dưới vào tường
    4. Giữ nguyên trong 5 giây và thả lỏng
    5. Thực hiện lại 10 lần

Phụ nữ mang thai nên dừng bài tập nếu cảm thấy không khỏe

Đeo đai đỡ bụng bầu và vật lý trị liệu có thể giảm đau lưng dưới, hãy xin tư vấn y tế nếu tình trạng trở nên tồi tệ hơn

Bệnh trĩ

  • Khi tử cung phát triển lớn hơn trong cuối thai kỳ, áp lực vùng chậu tăng lên và có thể bị trĩ.
  • Áp lực vùng chậu thậm chí còn cao hơn khi sinh qua đường âm đạo và búi trĩ có thể trở nên lớn hơn.
  • Thông thường, bệnh trĩ tự nhiên sẽ giảm trong vài tháng sau khi sinh.

Lời khuyên

  • Uống đủ nước mỗi ngày và ăn nhiều chất xơ để tránh táo bón.
  • Bôi thuốc tại chỗ để xoa dịu cơn đau.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu chảy nhiều máu trong khi đi tiêu.

Các Vấn Đề Về Da

Phát Ban Ngứa

Khi mang thai, làn da trở nên nhạy cảm hơn và đôi khi ngứa ngáy do nội tiết tố thay đổi. Quý vị có thể nhận thấy một số nốt đỏ nhỏ, hơi nổi lên hoặc hơi lớn hơn, đặc biệt là trên bụng, chân và mông của quý vị. Trong hầu hết các trường hợp, không có gì phải lo lắng và sẽ biến mất vài tuần sau khi sinh.

Lời khuyên

  • Cố gắng không gãi vì có thể gây ngứa ngáy hơn và có thể gây nhiễm trùng da
  • Tránh tắm bằng nước nóng, hơi nước, cọ xát khăn vào da và sử dụng quá nhiều xà phòng
  • Mặc quần áo rộng rãi bằng vải cotton
  • Bôi đủ lượng kem dưỡng ẩm

Nếu có các triệu chứng sau, quý vị nên đi khám ngay. Các triệu chứng này có thể liên quan đến hội chứng ứ mật thai kỳ hoặc các biến chứng thai kỳ.

  • Mụn nước
  • Ngứa dữ dội và dai dẳng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ
  • Sốt, vàng da (lòng trắng mắt và da vàng), nước tiểu sẫm màu, đau khớp

Mụn trứng cá

Quý vị có thể bị nổi mụn khi mang thai do thay đổi nội tiết tố.

Lời khuyên

  • Giữ cho làn da của quý vị sạch sẽ
  • Tránh ăn đồ cay và nóng
  • Quý vị nên hỏi ý kiến bác sĩ thay vì sử dụng thuốc không kê đơn vì việc này sẽ làm tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn. Một số loại thuốc trị mụn có thể gây dị tật cho thai nhi

Rạn Da

  • Rạn da thường là kết quả của việc da bị kéo căng nhanh chóng. Nhiều phụ nữ mang thai bị rạn da trong giai đoạn nửa sau của thai kỳ, đặc biệt là những phụ nữ mang thai lớn hoặc đa thai.
  • Vết rạn da thường xuất hiện trên da bụng, đùi và ngực. Ban đầu, vết rạn có màu hồng, khi thai nhi lớn lên thì chuyển sang màu tím. Sau khi sinh, vết rạn chuyển dần sang màu trắng. Tuy nhiên, vết rạn có thể không bao giờ biến mất hoàn toàn.

Lời khuyên

  • Cho đến nay, không có loại kem nào có hiệu quả trong việc ngăn ngừa hoàn toàn các vết rạn da.
  • Giữ ẩm tốt cho da bằng cách thoa kem dưỡng da hoặc dầu ô liu sẽ giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các vết rạn da.
  • Các vết rạn da sẽ mờ dần sau khi sinh. Tập thể dục sau khi sinh có thể giúp làm săn chắc vùng da bụng. (Vui lòng tham khảo tờ thông tin “Tập thể dục sau sinh”)

Thông tin do Bộ Y Tế và khoa vật lý trị liệu của Cơ Quan Quản Lý Bệnh Viện tổng hợp