Thông Tin cho Khách Hàng Tiền Sản Mới

(Sửa đổi 5/2015)

Thông Tin cho Khách Hàng Tiền Sản Mới

Phụ nữ mang thai phải đối mặt với nhiều thay đổi về sinh lý và cảm xúc nên sự hỗ trợ của gia đình rất quan trọng. Ngoài việc cung cấp dịch vụ khám tiền sản thường lệ, các Trung Tâm Chăm Sóc Sức Khỏe Bà Mẹ và Trẻ Em cũng tổ chức một số buổi tọa đàm và hội thảo về sức khỏe dành cho những người sắp làm cha mẹ.

Khám Tiền Sản

  1. Tiền sử nội khoa và sản khoa
    • Thông tin y tế và tiền sử trước đây liên quan đến những lần mang thai trước, tiền sử gia đình đối với các bệnh cụ thể và tình trạng sức khỏe của thai kỳ hiện tại có thể giúp nhân viên của chúng tôi lập ra kế hoạch chăm sóc tiền sản cho từng phụ nữ.
    • Có thể sử dụng ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối để tính ngày dự sinh.
  2. Đo cân nặng và huyết áp
    • Đây là những chỉ số sức khỏe của cả người mẹ và thai nhi.
    • Kiểu quần áo cũng ảnh hưởng đến kết quả đo cân nặng chính xác. Phụ nữ mang thai nên mặc quần áo có khối lượng tương tự trong những lần khám tiếp theo.
    • Sẽ rất khó đo huyết áp chính xác nếu quần áo quá dày hoặc ống tay áo quá chật.
  3. Xét nghiệm nước tiểu
    • Trong mỗi lần khám thường lệ sẽ xét nghiệm mẫu nước tiểu để kiểm tra xem có đường và protein không.
    • Nếu phát hiện đường trong nước tiểu của phụ nữ mang thai thì có nghĩa là gì?
      • Do nội tiết tố thay đổi, thường sẽ phát hiện một ít đường trong nước tiểu trong suốt thai kỳ. Cần xét nghiệm máu để xác nhận có bị tiểu đường thai kỳ hay không.
      • Nói chung, nếu phụ nữ mang thai trên 35 tuổi, bị béo phì, có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường, có tiền sử mắc tiểu đường thai kỳ hoặc sinh con có cân nặng trên 4 kg thì sẽ có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ.
      • Nếu phụ nữ mang thai mắc tiểu đường thai kỳ không được điều trị đúng cách thì cả người mẹ và thai nhi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
    • Nếu phát hiện protein trong nước tiểu của phụ nữ mang thai thì có nghĩa là gì?
    • Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xuất hiện protein trong nước tiểu. Nguyên nhân phổ biến nhất trong khi mang thai là viêm đường tiết niệu.
    • Nguyên nhân có thể là do tiền sản giật, thường gắn liền với tăng huyết áp và thường xảy ra ở nửa sau của thai kỳ. Nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
    • Một nguyên nhân phổ biến khác là mẫu nước tiểu bị nhiễm bẩn bởi dịch tiết âm đạo do lấy mẫu nước tiểu không đúng kỹ thuật.

    Điểm cần lưu ý khi lấy mẫu nước tiểu:

    1. Lấy mẫu nước tiểu trước khi ăn sáng (có thể uống nước lọc).
    2. Chuẩn bị một chiếc lọ sạch có miệng rộng để đựng mẫu.
    3. Bỏ phần nước tiểu đầu vì không thích hợp để xét nghiệm.
    4. Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng dạng lỏng và nước khi quý vị chuẩn bị lấy phần nước tiểu thứ hai.
    5. Sử dụng một miếng bông gòn ướt hoặc giấy vệ sinh để làm sạch âm hộ và loại bỏ toàn bộ dịch tiết âm đạo.
    6. Ngồi vào bồn cầu và bắt đầu đi tiểu.
    7. Không lấy phần nước tiểu đầu tiên và cuối cùng.
    8. Lấy phần nước tiểu ở giữa quá trình tiểu vào lọ đựng miệng rộng.
    9. Vặn chặt nắp lọ đựng và rửa tay thật kỹ.
    10. Sau đó, quý vị có thể ăn uống bình thường.
  4. Phù nề

    Nữ hộ sinh sẽ kiểm tra xem thai phụ có bị phù nề không trong mỗi lần khám thường lệ. Nếu kết hợp cao huyết áp hoặc có protein trong nước tiểu hoặc tình trạng phù nề trầm trọng hơn trong một thời gian rất ngắn (vài ngày) thì nên nghi ngờ bị tiền sản giật. Cần đưa ngay đến bác sĩ chuyên khoa.

  5. Khám sức khỏe

    Bác sĩ sẽ kiểm tra xem tim, phổi và các cơ quan khác của thai phụ có khỏe mạnh hay không. Đồng thời sẽ kiểm tra bụng để theo dõi sự tăng trưởng và vị trí của thai nhi. Nhịp tim của thai nhi sẽ được kiểm tra bằng dụng cụ đo.

Hoạt động hàng ngày

  • Phụ nữ có thai thường cảm thấy mệt. Cần nghỉ ngơi đầy đủ để tránh mất khẩu vị vì điều này sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thai nhi.
  • Nên tham gia lớp tập thể dục tiền sản. Nếu không thể tham gia lớp học đó, vui lòng duy trì tập các bài giãn cơ. Các kiểu rèn luyện cơ thể khác như bơi lội và đi bộ cũng phù hợp trong khi mang thai.
  • Vệ sinh cá nhân rất quan trọng. Thân nhiệt sẽ tăng một chút. Mặc quần áo bằng vải bông có thể giúp thấm hút mồ hôi. Dịch tiết âm đạo sẽ nhiều hơn do nội tiết tố thay đổi và viêm âm đạo do nấm candida cũng là bệnh rất hay gặp. Sử dụng băng vệ sinh, mặc quần lót bằng vải bông và tắm vòi hoa sen thay vì tắm bồn có thể giúp phòng ngừa viêm nhiễm. Không nên thụt rửa âm đạo.
  • Ở cuối thai kỳ, núm vú sẽ tiết ra ít sữa. Hãy nhớ lau bằng nước mỗi ngày.
  • Có thể duy trì quan hệ tình dục trong suốt thai kỳ, trừ khi chảy máu âm đạ

Bệnh Trạng Bất Thường

Nếu xảy ra bất kỳ bệnh trạng nào sau đây, quý vị cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc đến ngay khoa tai nạn và cấp cứu của bệnh viện:

  • Vỡ ối
  • Chảy máu âm đạo
  • Đau bụng không dứt
  • Phù nề nghiêm trọng tiến triển trong thời gian ngắn
  • Nhức đầu nghiêm trọng
  • Thai nhi giảm cử động đáng kể

Department of Health
Family Health Service
Trang web:  www.fhs.gov.hk
Đường Dây Nóng Cung Cấp Thông Tin 24 Giờ: 2112 9900