Sức Khỏe Tâm Thần Trước và Sau Khi Sinh

(Sửa đổi nội dung tháng 12 năm 2019)

Tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần trước và sau khi sinh

Các vấn đề về cảm xúc trong giai đoạn trước hoặc sau khi sinh sẽ ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần, hoạt động hàng ngày, hiệu quả công việc, mối quan hệ hôn nhân của người mẹ và sự phát triển của con.

Trong thời gian mang thai, những phụ nữ bị trầm cảm có thể có nguy cơ sảy thai và sinh non cao hơn. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng khi người mẹ có các triệu chứng trầm cảm hoặc lo lắng trong thai kỳ, họ sẽ có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh cao hơn nhiều và trẻ sơ sinh của họ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc điều tiết cảm xúc và kiểm soát hành vi.

Sau khi sinh, do nội tiết tố thay đổi, vai trò thay đổi, khó khăn trong việc chăm sóc em bé và các vấn đề gia đình, người mẹ có thể có nguy cơ cao bị rối loạn tâm trạng. Trầm cảm sau sinh có thể ảnh hưởng đến khả năng chăm sóc con của người mẹ và có tác động đến sức khỏe thể chất, sự phát triển nhận thức cũng như sự phát triển cảm xúc và hành vi của trẻ sơ sinh. Bạn đời của những người mẹ bị trầm cảm sau sinh cũng có thể có nguy cơ bị rối loạn cảm xúc cao hơn. Như vậy, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho phụ nữ thời kỳ trước và sau sinh là vô cùng quan trọng.

Rối loạn cảm xúc có thể xảy ra trong thời kỳ trước khi sinh

Mang thai mang lại cho gia đình rất nhiều niềm vui. Tuy nhiên, không nên bỏ qua việc người mẹ có thể có những cảm xúc khác nhau khi mang thai, bao gồm lo lắng, bất lực và cáu kỉnh, v.v. Phụ nữ mang thai có thể trải qua rất nhiều thay đổi về thể chất và khó chịu. Lối sống của họ có thể phải được điều chỉnh. Do đó, cảm xúc của họ có thể bị ảnh hưởng. Phụ nữ mang thai cũng có thể có nhiều lo lắng về sự phát triển của thai nhi hoặc việc sắp xếp chăm sóc trẻ sau khi sinh.

Kết quả nghiên cứu cho thấy một số yếu tố liên quan đến chứng lo âu và trầm cảm trước khi sinh, chẳng hạn như lòng tự trọng của người mẹ, mối quan hệ hôn nhân của họ, mối quan hệ với gia đình nhà chồng và sự hỗ trợ từ xã hội. Để duy trì sức khỏe tinh thần khi mang thai, người mẹ nên học cách đánh giá cao bản thân, đặc biệt là nỗ lực của họ trong việc đối phó với những yêu cầu và chấp nhận những hạn chế trong thai kỳ. Họ cũng có thể nói chuyện với những người mẹ khác để tăng cường hỗ trợ xã hội hoặc nói chuyện với người mà họ tin tưởng để giải tỏa căng thẳng. Nếu tình trạng rối loạn cảm xúc kéo dài, họ nên tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia càng sớm càng tốt.

Các yếu tố nguy cơ chính dẫn đến trầm cảm sau sinh

Nguyên nhân chính xác của chứng trầm cảm sau sinh vẫn chưa được xác định. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng các yếu tố được liệt kê trong bảng dưới đây có liên quan với việc gia tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh:

  • Yếu Tố Lâm Sàng
    • Các tình trạng tâm thần trước đây bao gồm trầm cảm và rối loạn lo âu
    • Trầm cảm hoặc lo lắng trước sinh
  • Yếu Tố Tâm Lý Xã Hội
    • Tính cách dễ lo lắng
    • Không được hỗ trợ về mặt xã hội
    • Mối quan hệ hôn nhân không tốt đẹp
    • Mối quan hệ với gia đình nhà chồng gây bực mình
    • Bạo hành gia đình
    • Khó khăn tài chính
    • Biến cố cuộc sống căng thẳng
  • Các yếu tố liên quan đến sản khoa và em bé
    • Các biến chứng trước và sau khi sinh
    • Mổ lấy thai cấp cứu
    • Tiền sử sảy thai / khó thụ thai
    • Mang thai ngoài kế hoạch
    • Trẻ sinh ra mắc bệnh bẩm sinh / sinh non

Các vấn đề về tâm trạng sau khi sinh

Có ba loại vấn đề chính về tâm trạng sau khi sinh: (1) hội chứng buồn chán sau khi sinh, (2) trầm cảm sau sinh và (3) rối loạn tâm thần sau sinh, mỗi loại khác nhau về tỷ lệ mắc, biểu hiện lâm sàng, mức độ nghiêm trọng và cách xử lý.

  1. Hội Chứng Buồn Chán Sau Khi Sinh
    • Hội chứng này ảnh hưởng đến khoảng 40% - 80% phụ nữ sau khi sinh
    • Đây là một trạng thái nhất thời có đặc điểm là tâm trạng thay đổi thất thường, dễ chảy nước mắt, khó ngủ và cáu kỉnh. Các triệu chứng thường xảy ra vào khoảng ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 sau khi sinh
    • Các triệu chứng tương đối nhẹ và thường tự khỏi trong vài ngày
  2. Trầm Cảm Sau Sinh
    • Hội chứng này ảnh hưởng đến khoảng 13% - 19% phụ nữ sau khi sinh
    • Các triệu chứng tương tự như một giai đoạn trầm cảm vào những thời điểm khác. Thường khởi phát trong vòng 6 tuần nhưng cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong vòng một năm sau khi sinh
    • Hầu hết những người mẹ bị trầm cảm sau sinh sẽ bình phục nếu được phát hiện sớm và được gia đình hỗ trợ và điều trị thích hợp
  3. Rối Loạn Tâm Thần Sau Sinh
    • Hội chứng này ảnh hưởng đến khoảng 0,1% - 0,5% phụ nữ sau khi sinh
    • Các đặc điểm nổi bật bao gồm nghe thấy những giọng nói không có thực, những ý nghĩ kỳ lạ về việc bị người khác làm hại và những ý tưởng tự làm hại bản thân hoặc làm hại em bé. Các triệu chứng thường xảy ra trong vòng 14 ngày sau khi sinh
    • Đây là tình trạng tâm thần khẩn cấp cần được ngay lập tức giới thiệu đến bác sĩ tâm thần hoặc Khoa Tai Nạn và Cấp Cứu của bệnh viện

Nhận biết sớm chứng trầm cảm sau sinh

Các triệu chứng chính của trầm cảm sau sinh bao gồm:

  • Tâm trạng xấu dai dẳng, chẳng hạn như cảm thấy chán nản và buồn, khóc mà không có lý do hoặc muốn khóc nhưng không có nước mắt
  • Mất hứng thú với hầu hết mọi hoạt động (thậm chí mất hứng thú với con)
  • Rối loạn cảm giác ngon miệng
  • Các vấn đề về giấc ngủ
  • Mệt mỏi hoặc mất sức trong hầu hết thời gian
  • Khó tập trung hoặc khó đưa ra quyết định
  • Cảm thấy tội lỗi, vô dụng và vô vọng
  • Lo lắng quá mức và cáu kỉnh


Nếu các triệu chứng trên kéo dài trong 2 tuần trở lên và ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động hàng ngày của người phụ nữ, hãy tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia càng sớm càng tốt.

Lời khuyên phòng ngừa

  • Chuẩn bị thích hợp trước khi mang thai, bao gồm lập kế hoạch tài chính và kế hoạch hóa gia đình phù hợp.
  • Đặt ra những kỳ vọng thực tế về việc nuôi dạy con cái để giúp điều chỉnh cuộc sống sau khi sinh.
  • Tìm hiểu thêm thông tin về mang thai, sinh con và chăm sóc em bé để giảm lo lắng thông qua nhiều cách khác nhau, ví dụ: tham gia các hội thảo về chăm sóc trẻ em và nuôi dạy con cái tại Trung Tâm Chăm Sóc Sức Khỏe Bà Mẹ và Trẻ Em, tham gia các buổi đàm thoại và hội thảo có liên quan do các tổ chức khác tổ chức, v.v.
  • Tham gia chia sẻ kinh nghiệm nhiều hơn với các bậc cha mẹ khác và tiếp nhận thêm hỗ trợ từ phía xã hội.
  • Trau dồi hoạt động giao tiếp hiệu quả với bạn đời và các thành viên khác trong gia đình để nâng cao hiểu biết và hỗ trợ.
  • Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, ví dụ: sắp xếp để được hỗ trợ trong công việc gia đình và chăm sóc con cái sau khi sinh con.
  • Dành thời gian cho các hoạt động giải trí và thư giãn, ví dụ: đi dạo hoặc gọi điện cho bạn bè.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh. Không hút thuốc và tránh đồ uống có cồn.

Các cách tìm kiếm sự giúp đỡ

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ sản khoa để đánh giá, xử lý sơ bộ và giới thiệu đến các dịch vụ của bác sĩ chuyên khoa nếu cần.
  • Thăm khám với bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý học lâm sàng trong các phòng khám tư nhân để được đánh giá chuyên môn và điều trị.
  • Gặp gỡ nhân viên xã hội hoặc nhân viên tư vấn để được đánh giá và giới thiệu.
  • Nếu những người mẹ gặp các vấn đề về tâm trạng sau khi sinh, họ có thể liên hệ với Trung Tâm Chăm Sóc Sức Khỏe Bà Mẹ và Trẻ Em tại địa phương để đặt lịch hẹn với y tá tham gia đánh giá ban đầu và được giới thiệu đến các dịch vụ phù hợp.

Dịch vụ / đường dây nóng tư vấn

  • The Samaritan Befrienders Hong Kong 2389 2222
  • Suicide Prevention Services (Cơ Quan Phòng Chống Tự Tử) 2382 0000
  • Đường Dây Nóng 24 Giờ của Bộ Phúc Lợi Xã Hội 2343 2255
  • Đường Dây Trực Tiếp Tư Vấn về Sức Khỏe Tâm Thần của Cơ Quan Quản Lý Bệnh Viện (24 Giờ) 2466 7350

Cơ quan khác

Bộ Y Tế: