Sự Phát Triển của Thai Nhi trong Thời Kỳ Giữa của Thai Kỳ

Giữa thai kỳ

Bụng của quý vị sẽ nhô hẳn lên vào giai đoạn này và có thể xuất hiện một đường sẫm màu ở giữa bụng, đó là sắc tố da bình thường. Các vấn đề nhỏ thường gặp có thể bao gồm đau lưng, khó tiêu và trĩ.

Khi thai được 14-17 tuần

Khi được 14 tuần, em bé dài khoảng 85 mm tính từ đầu đến mông. Em bé có thể nuốt ít nước ối, được thận thải ra ngoài qua đường nước tiểu.

Em bé bắt đầu lắng nghe và trở nên nhạy cảm với ánh sáng khi được 15 tuần

Ở tuần thứ 16, hệ thần kinh tiếp tục phát triển. Hai bàn tay có thể chạm vào nhau hoặc nắm lại.

Khi thai được 18-24 tuần

Từ tuần thứ 18 trở đi, thai nhi hoạt động nhiều hơn và quý vị có thể bắt đầu cảm thấy những cử động đầu tiên, giống như cảm giác rung nhẹ. Thai nhi cũng có thể phản ứng với âm thanh từ thế giới bên ngoài, chẳng hạn như âm nhạc. Phản xạ mút xuất hiện và thai nhi có thể mút ngón tay cái của mình.

Ở tuần thứ 21, thai nhi nặng khoảng 350 gam. Bộ não phát triển nhanh chóng. Đôi mắt bắt đầu mở. Phổi đã hình thành đầy đủ nhưng chưa hoạt động.

Khi thai được 25-28 tuần

Có thể xuất hiện các vết rạn da khi bụng quý vị to lên nhanh chóng. Những vết rạn da này cũng có thể xuất hiện trên vú và đùi. Quý vị có thể cảm thấy dễ đói hơn trước. Quý vị nên duy trì chế độ ăn hợp lý, cân bằng và tránh tăng cân quá mức.

Chứng khó tiêu hoặc ợ chua thường gặp ở giai đoạn này, vì vậy các bữa ăn nhỏ thường xuyên có thể hữu ích. Quý vị cũng có thể dễ mệt mỏi và bị sưng phù ở mặt, bàn tay hoặc bàn chân.

Thai nhi nặng khoảng 1 kg ở tuần thứ 28 và não, phổi và hệ tiêu hóa của bé đã được hình thành nhưng chưa phát triển hoàn toàn. Thai nhi có thể phản ứng với đụng chạm và âm thanh.