Cô ấy có thai rồi! Tôi có thể làm gì để quan tâm đến cảm xúc của cô ấy?

(Sửa đổi nội dung HTML tháng 11 năm 2019)

Chỉ mục

Cô ấy có thai …

  • Là một người sắp làm bố,

    quý vị có thể lo lắng về sức khỏe và sự an toàn của người bạn đời của mình khi cô ấy mang thai.

  • Là một người mới làm bố,

    quý vị có thể bị choáng ngợp bởi các quy trình chăm sóc em bé đến nỗi quý vị không còn thời gian để quan tâm đến cảm xúc của bạn đời hoặc thậm chí của chính mình.

  • Khi làm ông bà,

    quý vị có thể chuẩn bị cẩn thận nhiều thức ăn dinh dưỡng cho người mẹ mới sinh.

  • Là một người bạn,

    quý vị nên khuyên người mẹ mới sinh nghỉ ngơi nhiều hơn.

Dù quý vị là thành viên trong gia đình hay bạn bè, việc chăm sóc sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của người mẹ trước và sau khi sinh đều quan trọng như nhau.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu người mẹ duy trì được tinh thần khỏe mạnh trong suốt thai kỳ thì sẽ có khả năng đối phó với những thay đổi về cảm xúc và thể chất trong thai kỳ cũng như căng thẳng khi chăm sóc em bé hơn. Khi người mẹ có tinh thần khỏe mạnh, thai nhi sẽ phát triển khỏe mạnh thành một đứa trẻ có cảm xúc và hành vi ổn định hơn. Hơn nữa, người cha sẽ có thể đối phó tốt hơn với những thay đổi sau khi sinh em bé. Có như vậy, cha mẹ mới có thể cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc và khỏe mạnh.

Tập sách này sẽ giúp quý vị hiểu những thay đổi cảm xúc của người mẹ trước và sau khi sinh con và cách tìm kiếm sự giúp đỡ trong những lúc cần thiết.

Hành trình từ khi mang thai đến khi sinh

Từ khi mang thai đến khi sinh con, suy nghĩ và cảm xúc của người cha và người mẹ có thể tích cực hoặc tiêu cực với nhiều biểu hiện khác nhau. Những suy nghĩ và cảm xúc như vậy là điều tự nhiên và không có đúng hay sai.

Điểm khởi đầu: Chúng ta sẽ sớm có con!

  • Mong đợi (Cuối cùng thì tình yêu của chúng tôi cũng đơm hoa kết trái!)
  • Bực tức (Mẹ chồng tôi nói: “Con nên…”; Tôi không được ăn…? Tôi nên ăn nhiều thức ăn lành mạnh hơn…?)
  • Lo lắng (Sinh thường hay mổ lấy thai? Em bé sẽ được chăm sóc bởi mẹ chồng tôi hay tôi? Tôi nên thuê người giúp việc hay vú em?)

Tôi đang chuyển dạ!

  • Cảm giác ngọt ngào (Vợ tôi sắp mang một sinh linh mới đến với thế giới! Đó là một nhiệm vụ khó khăn và cô ấy đang làm rất tốt!)
  • Vui mừng (Sau thời gian dài chờ đợi, cuối cùng con tôi cũng sắp ra đời!)

Em bé chào đời!

  • Tuyệt vời (Nhìn này, bé đang cười! Nhìn này, bé đang cử động!)
  • Nhớ con (Tôi không thể chờ đợi đến lúc hoàn thành công việc và về nhà để gặp con tôi!)
  • Bực bội (Tại sao con tôi khóc hoài vậy? Con tôi sẽ không ngừng khóc cho dù tôi có làm gì đi nữa.)
  • Bối rối và bất lực (Mọi người nói rất nhiều về việc chăm sóc con tôi. Chăm sóc một em bé quả thực không dễ dàng!)
  • Bồn chồn (Cuộc sống của tôi bị đảo lộn! Tôi không có thời gian và không gian cho bản thân.)
  • Thất vọng (Sau khi sinh con, vợ tôi dường như hoàn toàn không còn hứng thú với chuyện chăn gối nữa…)

Thời gian trôi nhanh quá! Con chúng tôi đã được vài tháng tuổi!

  • Hài lòng (Bé được 6 tháng tuổi! Phản ứng của bé siêu đáng yêu!)
  • Ấm áp (Cho dù chăm sóc một em bé là việc vô cùng khó khăn, chỉ cần nhìn con lớn lên mỗi ngày thôi cũng khiến tất cả trở nên đáng giá. Tôi có thể quên đi mọi khó khăn thử thách.)

Thay đổi cảm xúc trước khi sinh

Người bố: Vợ chồng tôi luôn muốn có con. Làm sao cô ấy có thể bị trầm cảm được?

Người mẹ: Tôi đã nghe nói nhiều về chứng trầm cảm sau sinh nhưng không nghe nói gì về chứng trầm cảm trước sinh cả!

  • Việc mang thai mang lại cảm giác đầy háo hức và mong đợi. Tuy nhiên, chúng ta không nên bỏ qua những cảm xúc khác mà người mẹ có thể trải qua trong các giai đoạn khác nhau của thai kỳ và sau khi sinh. Một số cảm xúc bao gồm lo lắng, bối rối, bất lực và cáu kỉnh.
  • Ngoài những khó khăn sau khi sinh, người mẹ cũng có thể gặp các vấn đề về cảm xúc ở giai đoạn trước khi sinh.
  • Hãy cùng xem xét các vấn đề về cảm xúc trước khi sinh và ảnh hưởng của chúng, cũng như các lời khuyên chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người mẹ khi mang thai.

Các vấn đề về tâm trạng trước khi sinh:

  • Phụ nữ mang thai thường trải qua một số thay đổi về thể chất, thậm chí là khó chịu, vì vậy, lối sống của người mẹ cần được điều chỉnh cho phù hợp. Sự điều chỉnh này cũng có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của cô ấy. Người mẹ có thể lo lắng về sự phát triển của thai nhi hoặc việc sắp xếp chăm sóc trẻ sau khi sinh. Trong suốt quá trình mang thai, đôi khi người mẹ phải chịu những rối loạn cảm xúc khác nhau. Điều quan trọng là gia đình và bạn bè phải chú ý đến cảm xúc của người mẹ.
  • Nói chung, mọi người thường có những phản ứng cảm xúc khác nhau với những thay đổi trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu tâm trạng kém hoặc lo lắng kéo dài hơn 2 tuần và hoạt động hàng ngày của người mẹ bị ảnh hưởng đáng kể thì có thể người mẹ đang bị trầm cảm trước sinh.

Ảnh hưởng của các vấn đề về tâm trạng trước khi sinh:

  • Nếu người phụ nữ gặp vấn đề về cảm xúc, trạng thái tinh thần, hoạt động hàng ngày, hiệu quả công việc và thậm chí cả mối quan hệ với bạn đời của cô ấy cũng có thể bị ảnh hưởng.
  • Các vấn đề về cảm xúc trước sinh có thể có tác động tiềm ẩn đến sự phát triển của thai nhi. Những người mẹ bị trầm cảm trước sinh có thể có nguy cơ sảy thai hoặc sinh non cao hơn. Hơn nữa, kết quả nghiên cứu cho thấy rằng những người mẹ bị trầm cảm trước sinh hoặc lo lắng khi mang thai có nhiều khả năng sinh con gặp khó khăn trong việc điều tiết cảm xúc và kiểm soát hành vi.
  • Những người mẹ bị trầm cảm hoặc lo lắng trước sinh cũng có thể có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh cao hơn nhiều.

Chăm sóc phụ nữ mang thai:

Gia đình và bạn bè có thể xem các chương về "Phát hiện sớm" và "Ngăn ngừa trầm cảm trước sinh hoặc sau sinh" để biết thông tin chi tiết về cách chăm sóc sức khỏe tinh thần của những người sắp làm mẹ.

Thay đổi cảm xúc sau khi sinh

Người mẹ A: Lúc nào tôi cũng cảm thấy kiệt sức và chán ăn… Đôi khi, tôi lo lắng về việc bé ăn không đủ, không khỏe… Tôi có bị trầm cảm sau sinh không?

Người mẹ B: Tôi không sao. Mọi người đều cảm thấy kích động và cáu kỉnh sau khi sinh. Tôi chỉ cần ngủ một giấc và nghỉ ngơi, rồi tôi sẽ ổn thôi!

  • Việc trải qua những biến động về cảm xúc sau khi sinh con có bình thường không? Đến mức nào sẽ được coi là trầm cảm sau sinh? Các triệu chứng của trầm cảm sau sinh là gì?
  • Hãy cùng tìm hiểu về mức độ phổ biến, triệu chứng và cách xử lý các vấn đề tâm trạng khác nhau sau khi sinh.

Người mẹ có thể có nguy cơ cao mắc các vấn đề về tâm trạng do thay đổi nội tiết tố, thay đổi vai trò, những khó khăn trong việc chăm sóc em bé và các vấn đề gia đình sau khi sinh con.

Có 3 loại vấn đề về tâm trạng sau khi sinh:

  1. Hội Chứng Buồn Chán Sau Khi Sinh
  2. Trầm Cảm Sau Sinh
  3. Rối Loạn Tâm Thần Sau Sinh

Mỗi loại vấn đề trong số này có mức độ phổ biến, biểu hiện lâm sàng, mức độ nghiêm trọng và cách xử lý riêng.

  1. Hội Chứng Buồn Chán Sau Khi Sinh
    • Rối loạn cảm xúc ảnh hưởng đến 40 - 80% phụ nữ sau khi sinh.
    • Tình trạng này thường xuất hiện trong vòng 3 - 5 ngày sau khi sinh con.
    • Các triệu chứng bao gồm thay đổi tâm trạng, thường xuyên khóc, mất ngủ và cáu kỉnh. Đó là một trạng thái thoáng qua và các triệu chứng tương đối nhẹ.

    Xử lý: Khi được chăm sóc và hỗ trợ thích hợp, các triệu chứng thường tự biến mất trong vòng vài ngày.

  2. Trầm Cảm Sau Sinh
    • Tỷ lệ mắc trầm cảm sau sinh là khoảng 13 - 19% trên toàn cầu. Ở Hồng Kông, cứ mười sản phụ thì có một người bị trầm cảm sau sinh.
    • Tâm trạng trầm cảm sau sinh có thể xuất hiện mà không báo trước và dần dần có thể trở nên trầm trọng. Các triệu chứng khởi phát thường
      trong vòng 6 tuần nhưng cũng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong vòng một năm sau khi sinh con.
    • Nếu các triệu chứng sau kéo dài hơn 2 tuần thì khả năng cao là quý vị bị trầm cảm sau sinh:
      • Giữ tâm trạng kém hầu như cả ngày, hầu như ngày nào cũng vậy, chẳng hạn như cảm thấy chán nản và buồn bã, khóc mà không rõ lý do
      • Mất hứng thú với những thứ mà cô ấy từng quan tâm (thậm chí mất hứng thú với con)
      • Chán ăn
      • Mất ngủ hoặc thức dậy vào sáng sớm
      • Mệt mỏi và mất sức trong hầu hết cả ngày
      • Khó tập trung và khó đưa ra quyết định
      • Cảm thấy tội lỗi, vô dụng và vô vọng
      • Lo lắng quá mức và cáu kỉnh

    Xử lý: Nếu bệnh trạng được phát hiện sớm cùng với sự hỗ trợ và điều trị kịp thời từ phía gia đình, hầu hết các bà mẹ có thể khỏi bệnh trầm cảm sau sinh.

  3. Rối Loạn Tâm Thần Sau Sinh
    • Đây là một tình trạng hiếm gặp, chỉ ảnh hưởng 0,1 - 0,5% phụ nữ sau sinh.
    • Các triệu chứng thường nghiêm trọng và xuất hiện đột ngột trong vòng 2 tuần sau khi sinh.
    • Có 3 loại triệu chứng chính:
      • Ảo thanh (nghe thấy giọng nói không tồn tại)
      • Suy nghĩ kỳ lạ về việc bị người khác làm hại
      • Ý nghĩ tự làm hại bản thân hoặc làm hại con

    Xử lý: Rối Loạn Tâm Thần Sau Sinh là tình trạng tâm thần khẩn cấp, cần được ngay lập tức giới thiệu đến bác sĩ tâm thần hoặc Khoa Tai Nạn và Cấp Cứu của bệnh viện.

Các yếu tố nguy cơ chính dẫn đến trầm cảm sau sinh

Người bố A: Trước đây vợ tôi từng bị trầm cảm sau sinh. Bây giờ cô ấy đang mang thai một lần nữa, cô ấy có bị lại một lần nữa không?

Người bà: Con gái tôi luôn cứng rắn. Tôi không nghĩ nó sẽ bị trầm cảm sau sinh.

Người bố B: Mẹ tôi sẽ đến để giúp đỡ, chúng tôi còn có vú em và một người giúp việc – chúng tôi thực sự có rất nhiều sự giúp đỡ! Chúng tôi cũng không phải lo lắng về tài chính. Làm sao vợ tôi có thể bị trầm cảm được?

  • Nguyên nhân chính xác của chứng trầm cảm sau sinh vẫn chưa được xác định. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh ở phụ nữ.
  • Một số yếu tố trong số này có thể được ngăn ngừa hoặc kiểm soát thông qua việc phát hiện sớm và điều trị thích hợp.
  • Hãy cùng xem xét các yếu tố nguy cơ chính dẫn đến trầm cảm sau sinh.

Yếu tố lâm sàng

  • Tiền sử bệnh tâm thần bao gồm trầm cảm và rối loạn lo âu
  • Biểu hiện qua các triệu chứng trầm cảm hoặc lo lắng khi mang thai

Yếu tố tâm lý xã hội

  • Tính cách dễ lo lắng
  • Không được hỗ trợ về mặt xã hội
  • Vấn đề nghiêm trọng trong mối quan hệ vợ chồng
  • Vấn đề nghiêm trọng trong mối quan hệ với gia đình nhà chồng
  • Bạo hành gia đình
  • Khó khăn tài chính

Các yếu tố liên quan đến mang thai, sinh nở và em bé

Ví dụ:

  • Các biến chứng trước và sau khi sinh
  • Mổ lấy thai cấp cứu
  • Tiền sử sảy thai và khó thụ thai
  • Mang thai ngoài kế hoạch hoặc cảm thấy có mâu thuẫn trong tư tưởng khi mang thai
  • Trẻ sinh ra mắc bệnh bẩm sinh nghiêm trọng hoặc sinh non

Phát hiện sớm

Người bố: Em yêu, em sẽ không sao nếu em không lo lắng quá.

Người bà: Con gái tôi lúc nào chẳng lo lắng. Vì vậy, không cần để ý quá nhiều đến nó đâu!

  • Những lời an ủi của người mới làm bố hoặc ông bà có hiệu quả nhưng họ có thể đã bỏ qua khả năng người mẹ đang bị trầm cảm trước sinh hoặc sau sinh.
  • Nếu các thành viên trong gia đình hiểu rõ hơn về tình trạng của người mẹ thì chứng trầm cảm trước khi sinh hoặc sau sinh có thể được phát hiện sớm, do đó có thể tìm kiếm sự trợ giúp thích hợp. Bằng cách đó, có thể ngăn ngừa những vấn đề về tâm trạng của người mẹ trở nên tồi tệ hơn và hạnh phúc của gia đình sẽ không bị ảnh hưởng.
  • Hãy cùng tìm hiểu về cách nhận biết sớm các dấu hiệu của các vấn đề về tâm trạng trước khi sinh và sau khi sinh.

Là bạn đời, thành viên gia đình hoặc bạn bè của người làm mẹ:

  • Quý vị có thể chú ý đến những điểm khác biệt trong suy nghĩ, cảm xúc, hành vi và tình trạng thể chất của người mẹ trước và sau khi sinh con.
    • Suy nghĩ của cô ấy:

      Cô ấy có thể có những suy nghĩ tiêu cực kéo dài, bao gồm nghi ngờ khả năng của mình, phản ứng thái quá trước nhận xét của người khác, dễ dàng tiếp nhận những lời chỉ trích của mọi người nhắm vào mình, có cái nhìn tiêu cực về con hoặc về tương lai, những ý nghĩ lo lắng thái quá, v.v.

    • Cảm xúc của cô ấy:

      Tâm trạng kém, thiếu năng lượng, bi quan, bồn chồn, hồi hộp, cảm thấy bất lực, sợ hãi, lo lắng, nghi ngờ, bất an, cáu kỉnh và thay đổi tâm trạng, v.v.

    • Tình trạng thể chất:

      Mất ngủ, kém ăn, v.v.

    • Hành vi của cô ấy:

      Bất an, nóng nảy trước những việc nhỏ, khóc lóc không rõ lý do, các hành vi không phù hợp như liên tục kiểm tra nhịp thở của bé hoặc xem bé có khỏe không.

  • Quý vị có thể chủ động trao đổi với cô ấy để cô ấy có cơ hội chia sẻ với quý vị những cảm xúc và suy nghĩ của mình.

Nếu những triệu chứng này kéo dài hơn 2 tuần trước hoặc sau khi sinh con và ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động hàng ngày của người mẹ mới sinh, thì nên khuyến khích người mẹ tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia càng sớm càng tốt.

Ngăn ngừa trầm cảm trước sinh hoặc sau sinh

Người mẹ A: Tôi muốn chồng tôi giúp việc nhà, thay tã và tắm cho con mà không cần tôi yêu cầu.

Người mẹ B: Tôi ước mọi người có thể thấy rằng tôi đã làm hết sức mình. Đôi khi tôi cảm thấy hoàn toàn không biết đứa trẻ đang khóc vì điều gì!

  • Trên đây là những điều mà một số người mẹ mong gia đình và bạn bè thông cảm. Với tư cách là người bạn đời, bố mẹ đẻ hoặc bố mẹ chồng, chúng ta có thể làm gì để giúp ngăn ngừa trầm cảm trước sinh hoặc sau sinh cho người mẹ? Hãy cùng tìm hiểu.

Là bố mẹ đẻ hoặc bố mẹ chồng:

  • Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên hiện đại khi thông tin mới tạo ra những thay đổi. Các phương pháp nuôi dạy con cái khác rất nhiều so với thời xưa. Tôi sẽ cởi mở để trao đổi với thế hệ trẻ và tìm hiểu về các phương pháp và lối sống hiện đại của giới trẻ trong thời kỳ mang thai và 'trong tháng ở cữ'. Khi đến thời điểm thích hợp, tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm và ý kiến của mình trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Nói như vậy, tôi hiểu rằng các con không cần phải làm theo các thông lệ trong thời đại của tôi.
  • Đôi khi, tôi cũng có thể giúp đỡ chăm sóc em bé, để bố mẹ
    bé có thể dành thời gian thân mật thư giãn bên nhau.

Là bạn đời, tôi có thể:

  • Chuẩn bị tốt hơn cho việc mang thai, chẳng hạn như lập kế hoạch tài chính và kế hoạch hóa gia đình.
  • Cùng cô ấy tìm hiểu thêm về việc mang thai, sinh nở và chăm sóc em bé để giúp giảm lo lắng và đặt ra những kỳ vọng thực tế cho việc nuôi dạy con cái, ví dụ: bằng cách tham gia các hội thảo, hội nghị về chăm sóc tiền sản và nuôi dạy con cái.
  • Hợp sức với cô ấy để đáp ứng các nhu cầu của thai kỳ, chẳng hạn như cùng cô ấy đi khám sức khỏe định kỳ.
  • Chủ động chia sẻ trách nhiệm làm việc nhà và chăm sóc bé để người mẹ được nghỉ ngơi nhiều hơn.
  • Quan tâm đến cảm xúc của cô ấy. Cố gắng tìm hiểu những thay đổi cảm xúc mà cô ấy trải qua khi mang thai và sau khi sinh. Tạo điều kiện để cô ấy có thời gian và không gian bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc. Kiên nhẫn lắng nghe và không vội vàng đưa ra lời khuyên.
  • Động viên cô ấy nhiều hơn; gửi cho cô ấy những lời ngọt ngào, tin nhắn hoặc lời nhắn để ghi nhận những nỗ lực của cô ấy. Ví dụ: "Anh rất biết ơn vì em đã cố gắng." “Nuôi con bằng sữa mẹ rất tốn sức và phải kiên nhẫn và em đang làm rất tốt!”.
  • Quan tâm đến tình trạng sức khỏe của cô ấy khi mang thai và sau khi sinh và điều chỉnh đời sống tình dục của quý vị cho phù hợp.
    (Để biết thông tin chi tiết, vui lòng tham khảo "Đời Sống Tình Dục Lành Mạnh Trước và Sau Khi Sinh Con" trên trang web của Cơ Quan Quản Lý Sức Khỏe Gia Đình, Bộ Y Tế http://s.fhs.gov.hk/svx7s)
  • Khuyến khích cô ấy dành thời gian giải trí và nghỉ ngơi, chẳng hạn như chợp mắt vào buổi chiều, đi dạo hoặc gặp gỡ bạn bè.
  • Chia sẻ với các bậc cha mẹ khác về kinh nghiệm mang thai và chăm sóc em bé. Điều đó cũng có thể củng cố mối liên kết xã hội.
  • Tìm hiểu thêm về các vấn đề cảm xúc trước khi sinh và sau khi sinh. Động viên cô ấy và cùng cô ấy tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia trong những lúc cần thiết.

Tôi cũng cần phải chăm sóc bản thân

Người bố A: Chỉ phụ nữ mới bị rối loạn tâm trạng sau khi sinh. Làm sao đàn ông cũng có thể bị ảnh hưởng được? Không đời nào!

Người bố B: Tôi là một người đàn ông mạnh mẽ và có năng lực, tôi không thể bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của mình!

  • Là bạn đời hoặc một thành viên gia đình tham gia chăm sóc người mẹ sắp sinh hoặc mới sinh bị rối loạn cảm xúc, quý vị thường cảm thấy căng thẳng. Kết quả nghiên cứu cho thấy nếu một người mẹ bị trầm cảm sau sinh thì khả năng bạn đời của cô ấy cũng trải qua tâm trạng trầm cảm là rất cao. Vì vậy, quý vị cũng nên chăm sóc bản thân trong khi chăm sóc cho bạn đời của mình.

Là bạn đời hoặc thành viên gia đình, tôi cần:

  • Đặt ra kỳ vọng thực tế cho bản thân. Tôi không phải là siêu nhân! Tôi không thể giải quyết tất cả các vấn đề hoặc kỳ vọng mình trở thành một “người cha/bạn đời/thành viên gia đình hoàn hảo”.
  • Chấp nhận những cảm xúc tiêu cực của tôi. Tôi cũng có thể buồn nếu cô ấy bị trầm cảm trước sinh hoặc sau sinh. Ví dụ:
    • Thật khó tin rằng cô ấy bị bệnh
    • Cảm thấy tội lỗi vì tâm trạng tiêu cực của cô ấy
    • Cảm thấy thất vọng vì cô ấy miễn cưỡng tìm kiếm sự giúp đỡ
    • Lo lắng cho cô ấy và con
    • Cảm thấy bất lực về tình trạng dai dẳng của các vấn đề về tâm trạng của cô ấy…

    Tôi cần phải chấp nhận tất cả những cảm giác này.

  • Giữ kết nối với bạn bè và gia đình. Tìm một người mà tôi tin tưởng để chia sẻ cảm xúc khi cần có thể giúp tôi giảm bớt căng thẳng.
  • Tăng cường kết nối với mạng lưới hỗ trợ trong xã hội và giao tiếp với những người làm cha làm mẹ khác. Chúng ta sẽ cảm thấy bớt cô đơn hơn khi biết ai đó cũng phải đối mặt với những thử thách tương tự.
  • Duy trì lối sống lành mạnh. Không hút thuốc, không uống rượu bia. Dành thời gian cho các hoạt động giải trí và nghỉ ngơi để thư giãn.
  • Tập trung vào những khía cạnh tích cực và ghi nhận cho bản thân. Hãy cố gắng đánh giá cao bản thân và nhắc nhở bản thân rằng tôi đã đóng góp bao nhiêu cho gia đình này.
  • Cố gắng duy trì mối quan hệ với bạn đời của tôi. Đôi khi, chúng tôi có thể tìm một người trông trẻ để cho phép chúng tôi tận hưởng khoảng thời gian thân mật bên nhau.
  • Khi cảm thấy không thể giải tỏa được căng thẳng, tôi nên tìm đến sự giúp đỡ của những người có chuyên môn.

Các cách tìm kiếm sự giúp đỡ

Người bố: Nếu vợ tôi gặp vấn đề về tâm trạng trước khi sinh hoặc sau khi sinh, tôi có thể tìm sự giúp đỡ như thế nào?

Người bà: Cháu tôi được 2 tháng. Mẹ nó vẫn hay cáu gắt, rất lo lắng và khóc rất nhiều. Tôi có thể xin giúp đỡ ở đâu?

  • Quý vị có thể đặt lịch hẹn với bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ sản khoa để được đánh giá và xử lý sơ bộ. Nếu cần, họ sẽ giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên khoa.
  • Hoặc quý vị có thể sắp xếp đến gặp bác sĩ tâm thần tư nhân hoặc nhà tâm lý học lâm sàng để được đánh giá chuyên môn và điều trị.
  • Quý vị cũng có thể cân nhắc tìm nhân viên xã hội hoặc một cố vấn để đánh giá hoặc giới thiệu.
  • Nếu người mẹ gặp vấn đề về tâm trạng sau khi sinh, quý vị có thể gọi đến Trung Tâm Chăm Sóc Sức Khỏe Bà Mẹ và Trẻ Em trong khu vực của quý vị để hẹn gặp các y tá để được đánh giá sơ bộ. Sau đó quý vị sẽ được giới thiệu đến các dịch vụ thích hợp.

Thông tin liên quan

Dịch vụ và đường dây nóng tư vấn

The Samaritan Befrienders Hong Kong 2389 2222
Cơ Quan Phòng Chống Tự Tử (Suicide Prevention Services) 2382 0000
Đường dây nóng 24 giờ của Bộ Phúc Lợi Xã Hội 2343 2255
Đường Dây Trực Tiếp Tư Vấn về Sức Khỏe Tâm Thần của
Cơ Quan Quản Lý Bệnh Viện (24 Giờ)
2466 7350

Others

Đường Dây Nóng Thông Tin 24 giờ của Cơ Quan Quản Lý Sức Khỏe Gia Đình, Bộ Y Tế 2112 9900
Đường Dây Nóng Thông Tin Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ, Bộ Y Tế 3618 7450
Đường Dây Cung Cấp Thông Tin về Giáo Dục Sức Khỏe, Bộ Y Tế 2833 0111
Trang web Cơ Quan Quản Lý Sức Khỏe Gia Đình, Bộ Y Tế www.fhs.gov.hk
Danh Bạ Nhà Cung Cấp Dịch Vụ Chăm Sóc Chính
(Quý vị có thể sử dụng danh bạ này để tìm kiếm bác sĩ gia đình phù hợp.)
www.pcdirectory.gov.hk

Lắng nghe và quan tâm đến người mẹ mới sinh

Sức khỏe tinh thần là quan trọng nhất

Tìm hiểu thêm về nội dung và cách thức

Sau đó, tìm kiếm trợ giúp nếu những vấn đề về tâm trạng vẫn kéo dài

Lắng nghe và động viên người mẹ mới sinh

Người cha tốt sẽ chia sẻ việc nhà

Ông bà tạo nhiều không gian riêng tư hơn cho các bậc cha mẹ trẻ

Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một mái ấm yêu thương