Chăm Sóc Sau Sinh và Kế Hoạch Hóa Gia Đình

(Sửa đổi 03/2018)(Sửa đổi 12/2019)

Sau khi sinh, cơ thể của phụ nữ sẽ trở lại trạng thái như trước khi mang thai. Giai đoạn này thường kéo dài trong 6 tuần và được gọi là thời kỳ ở cữ. Chăm sóc đúng cách là điều rất quan trọng trong giai đoạn này. Kiểm tra sau sinh nên được thực hiện sau thời kỳ ở cữ để đảm bảo cơ thể phục hồi hoàn toàn. Hơn nữa, đây là thời điểm thích hợp cho cặp đôi thảo luận về các biện pháp tránh thai kế hoạch hóa gia đình để tạo nền tảng tốt đẹp cho cuộc sống gia đình sau này.

Sản dịch là gì?

Tử cung sẽ trở lại kích thước trước khi mang thai sau khi sinh. Chất dịch tiết ra từ âm đạo được gọi là sản dịch.

  • Trong vài ngày đầu đến 1 tuần, lượng sản dịch tiết ra nhiều và có màu hơi đỏ.
  • Màu của sản dịch sẽ chuyển sang màu hồng và tình trạng này sẽ kéo dài thêm một tuần nữa.
  • Cuối cùng, sản dịch sẽ chuyển sang tiết dịch màu trắng và giảm dần.
  • Thông thường sẽ mất từ 2 đến 6 tuần để hết sạch sản dịch.
  • Việc cho con bú có thể kích thích não tiết ra nhiều hoóc-môn giúp tử cung co bóp trở lại kích thước bình thường. Khoảng thời gian tiết ra sản dịch sẽ được rút ngắn. Tuy nhiên, đối với những người chỉ cho con bú sữa mẹ trong thời gian ngắn, sau khi họ ngừng cho con bú, sản dịch có thể chuyển từ màu hồng hoặc trắng trở lại màu đỏ trước khi giảm dần.

Khi nào thì nên hỏi ý kiến bác sĩ?

Nếu lượng sản dịch tăng lên và có mùi hôi hoặc kèm theo sốt và đau bụng dưới thì cần đến bác sĩ để được thăm khám và xử lý thích hợp.

Khi nào kinh nguyệt sẽ trở lại?

  • Kinh nguyệt thường sẽ trở lại sau 4-6 tuần đối với những người mẹ không cho con bú. Đối với những người mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, kinh nguyệt sẽ trở lại muộn hơn.
  • Ngay cả khi kinh nguyệt vẫn chưa trở lại, cặp đôi vẫn nên thực hiện các biện pháp tránh thai đáng tin cậy khi tiếp tục quan hệ tình dục.

Tại sao tôi đi tiểu nhiều lần và đau rát khi đi tiểu?

Thường xuyên đi tiểu hoặc đau rát/bỏng rát khi đi tiểu có thể là triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu, hiện tượng này không hiếm gặp ở phụ nữ sau sinh. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ nếu quý vị có bất kỳ triệu chứng nào trong số này.

Tại sao lại có hiện tượng rụng tóc nhiều?

  • Khi mang thai, nhiều tóc trên da đầu đang trong giai đoạn mọc. Sau khi sinh, tình trạng thay đổi và tóc sẽ chuyển sang giai đoạn ngừng phát triển. Vì vậy mang lại cảm giác như rụng nhiều tóc.
  • Tình trạng này kéo dài từ 4 đến 20 tuần sau khi sinh và sẽ hồi phục hoàn toàn trong vòng 6 tháng sau khi sinh mà không cần điều trị. Do đó không cần phải lo lắng.
  • Tình trạng rụng tóc sẽ có biểu hiện ít rõ rệt hơn khi mang thai liên tiếp.

Lời khuyên về chế độ ăn uống sau khi sinh là gì?

  • Phụ nữ sau sinh nên duy trì chế độ ăn uống cân bằng và chọn thực phẩm từ năm nhóm thực phẩm cơ bản, cụ thể là sữa và các thực phẩm thay thế sữa, thịt, cá, trứng và các thực phẩm thay thế (bao gồm cả đậu), rau củ, trái cây và ngũ cốc (gạo, mì và bánh mì). Việc nạp đủ khẩu phần từ năm nhóm thực phẩm cơ bản này sẽ giúp người mẹ phục hồi sức khỏe sau khi sinh và chuẩn bị cho giai đoạn cho con bú.
  • Vì chức năng gan của trẻ sơ sinh có thể chưa trưởng thành nên người mẹ đang cho con bú nên tránh dùng bất kỳ loại thuốc nào mà không có chỉ dẫn của bác sĩ.

Cách chăm sóc vết thương tầng sinh môn?

  • Rửa sạch vết thương sau khi đi tiểu và đi tiêu bằng vòi hoa sen.
  • Việc thường xuyên thay băng vệ sinh và giữ gìn vệ sinh cá nhân có thể đẩy nhanh quá trình hồi phục vết thương.
  • Nếu vết thương hở ra hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, hãy hỏi ý kiến bác sĩ.

Cách chăm sóc vết thương ở bụng?

  • Nếu không có dấu hiệu nứt vết thương hay nhiễm trùng sau khi cắt chỉ khâu thì có thể tắm rửa như bình thường.
  • Nếu vết thương đỏ, sưng, nóng, đau hoặc có dịch rỉ ra, quý vị nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và xử lý thích hợp ngay lập tức.

Khi nào có thể quan hệ tình dục trở lại sau khi sinh?

  • Sau khi sinh, cơ thể cần một thời gian để trở lại trạng thái trước khi mang thai. Giai đoạn này được gọi là thời kỳ ở cữ, thường kéo dài trong 6 tuần.
  • Khi thời kỳ ở cữ kết thúc, sản dịch sẽ hết sạch, tử cung trở lại kích thước tự nhiên, niêm mạc tử cung phục hồi, cổ tử cung đóng lại, màng âm đạo trở lại bình thường và vết thương trên bụng hoặc tầng sinh môn sẽ lành lại. Lúc này, có thể quan hệ tình dục nếu người phụ nữ sẵn sàng về mặt tinh thần và thể chất.

Cần lưu ý điều gì khi quan hệ tình dục trở lại?

  • Khi quan hệ tình dục trở lại sau khi sinh, đôi khi người phụ nữ sẽ bị khô âm đạo cũng như đau nhẹ hoặc cảm giác lạ ở tầng sinh môn. Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý. Người phụ nữ có thể quen dần sau một vài lần giao hợp và những cảm giác khó chịu này sẽ mất đi một cách tự nhiên.
  • Nên tránh những cử chỉ mạnh bạo và thâm nhập sâu khi bắt đầu quan hệ tình dục trở lại. Nên ưu tiên những động tác khiến người phụ nữ cảm thấy dễ chịu.
  • Người phụ nữ nên đi kiểm tra y tế nếu bị chảy máu, đau hoặc khó khăn khi giao hợp.

Vết thương có bị rách do quan hệ tình dục sau khi sinh không?

  • Nói chung, vết thương tầng sinh môn sẽ lành lại sau thời kỳ ở cữ. Do đó, quan hệ tình dục sẽ không làm vết thương nứt rách.

Khi nào cần sử dụng biện pháp tránh thai?

Mặc dù việc rụng trứng thường không xảy ra trong 4 tuần đầu tiên sau khi sinh nhưng để tránh mang thai, các cặp đôi nên sử dụng các biện pháp tránh thai đáng tin cậy sau khi quan hệ tình dục trở lại. Trung Tâm Chăm Sóc Sức Khỏe Bà Mẹ và Trẻ Em có tư vấn về các biện pháp tránh thai chuyên nghiệp cho phụ nữ.