Quý vị có hấp thụ đủ lượng iốt không?

(Sửa đổi nội dung HTML vào Tháng 04 năm 2020)

Các cách để hấp thụ đủ lượng iốt

  • Có chế độ ăn uống cân bằng. Chọn thực phẩm chứa nhiều iốt: cá biển, hải sản (ví dụ: tôm, hàu, trai, sò), trứng, sữa, sữa chua, phô mai và rong biển nori
  • Sử dụng muối iốt để thay thế muối ăn thông thường
  • Phụ nữ có thai và cho con bú nên uống bổ sung vitamin tổng hợp/đa khoáng chất có chứa iốt trước khi sinh
  • Phụ nữ dự định mang thai có thể cân nhắc sử dụng thực phẩm bổ sung có chứa iốt

Chức năng của iốt trong cơ thể là gì?

  • Iốt là một chất dinh dưỡng thiết yếu. Iốt đóng vai trò quan trọng sản sinh ra thyroxine trong cơ thể.
  • Thyroxine ảnh hưởng đến hầu hết tất cả các hệ cơ quan trong cơ thể và có vai trò quan trọng trong chức năng tim mạch và tiêu hóa, trao đổi chất, tăng trưởng và phát triển, v.v. Hấp thụ iốt đầy đủ là điều cần thiết để duy trì mức thyroxine bình thường, để chúng ta có thể tăng trưởng và phát triển bình thường và khỏe mạnh.
  • Hệ thần kinh của chúng ta phát triển phụ thuộc vào thyroxine. Do đó, điều quan trọng là phải đảm bảo đủ lượng iốt trong khi mang thai, cho con bú, cho trẻ nhỏ và thời thơ ấu.

Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta không có đủ iốt?

  • Khi cơ thể không có đủ iốt, tuyến giáp cần phải làm việc nhiều hơn để duy trì mức thyroxine đầy đủ. Nó có thể bị sưng lên (còn gọi là "bướu cổ"). Nếu duy trì lượng iốt thấp, sự bài tiết thyroxine trở nên không đủ.

Điều này có thể dẫn đến giảm năng tuyến giáp. Các triệu chứng của giảm năng tuyến giáp bao gồm phản ứng chậm, béo phì, rối loạn kinh nguyệt, sẩy thai, vô sinh, v.v.

  • Lượng iốt thấp ở phụ nữ có thai và cho con bú có thể làm suy giảm sự phát triển não bộ ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Trong trường hợp nghiêm trọng, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ.

Chúng ta cần bao nhiêu iốt hàng ngày?

  • Nhu cầu về lượng iốt khác nhau ở các độ tuổi và giai đoạn sống. Phụ nữ có thai và cho con bú có nhu cầu iốt cao hơn để cung cấp cho thai nhi và trẻ sơ sinh.
  • Cơ thể không thể lưu trữ một lượng lớn iốt. Do đó, chúng ta cần dùng một lượng nhỏ iốt thường xuyên. Nếu dùng lượng lớn, iốt sẽ được bài tiết qua nước tiểu.
  • Tuy nhiên, dùng quá nhiều iốt trong một thời gian dài có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Nói chung, lượng iốt hàng ngày của người lớn không được vượt quá 600 microgam (μg) 1.

Lượng iốt hấp thụ hàng ngày theo khuyến nghị của Tổ Chức Y Tế Thế giới (WHO)

  • Trẻ mẫu giáo (0 đến 59 tháng tuổi)
    Lượng iốt hấp thụ hàng ngày: 90 μg
  • Trẻ ở độ tuổi đi học (6 đến 12 tuổi)
    Lượng iốt hấp thụ hàng ngày: 120 μg
  • Thanh thiếu niên (trên 12 tuổi) và người lớn
    Lượng iốt hấp thụ hàng ngày: 150 μg
  • Phụ nữ có thai và cho con bú
    Lượng iốt hấp thụ hàng ngày: 250 μg

Lượng iốt ở người lớn tại Hồng Kông

  • Trung Tâm An Toàn Thực Phẩm báo cáo vào năm 2011, người lớn Hồng Kông có nguy cơ bị thiếu iốt do chế độ ăn uống của họ.
  • Một cuộc khảo sát vào năm 2014 cho thấy phụ nữ mang thai tại địa phương không hấp thụ đủ lượng iốt từ chế độ ăn uống và có thể bị thiếu iốt2.

1 Lượng Hấp Thụ Tham Khảo Trong Chế Độ Ăn Uống của Người Trung Quốc, Hiệp Hội Dinh Dưỡng Trung Quốc (2013) và Hội Đồng Chuyên Môn về Thực Phẩm thuộc Ủy Ban Châu Âu về Mức Hấp Thụ Iốt Tối Đa (2002).

2 Tam, W.H. et al. (2017). Thiếu hụt iốt ở mức độ vừa phải ở phụ nữ mang thai ở Hồng Kông: xem xét lại vấn đề sau hai thập kỷ. Hong Kong Med J, 23(6), 586-93.

Những loại thực phẩm nào chứa iốt?

  • Cá biển, hải sản (ví dụ: tôm, sò, trai, ngao, v.v.), trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa, rong biển nori và tảo bẹ là những thực phẩm chứa nhiều iốt.
  • Rong biển như rong biển nori và tảo bẹ, v.v. chứa nhiều iốt hơn các loại thực phẩm khác.
    Hàm lượng iốt trung bình trong thực phẩm
    Thực phẩm Hàm lượng iốt3 Thực phẩm Hàm lượng iốt3
    Một quả trứng gà (khoảng 63 g) 18 μg Đồ ăn vặt rong biển 1 g 34 μg
    Sữa bò (tách béo) 250 ml 20 μg Cá lượng (cá) 100 g 36 μg
    Sữa chua 100 g 29 μg Cá đổng (cá) 100 g 35 μg
    Tôm 100 g 44 μg Cá mòi đóng hộp 100 g 19 μg
    Trai 100 g 140 μg Cá Mắt Lớn (cá) 100 g 18 μg

Lời khuyên an toàn

  • Tảo bẹ chứa hàm lượng iốt rất cao (khoảng 2600 μg trong 1 g tảo bẹ khô). Tránh dùng quá nhiều tảo bẹ. Tiêu thụ ở mức độ vừa phải, chẳng hạn như không quá một lần một tuần và dùng một lượng nhỏ.
  • Tránh tiêu thụ rong biển Hijiki vì nó vốn chứa hàm lượng asen vô cơ rất cao, có hại4.

3 Trung Tâm An Toàn Thực Phẩm, Cục Vệ Sinh Thực Phẩm và Môi Trường, HKSARG. 2011. Nghiên Cứu Đánh Giá Rủi Ro, Báo Cáo Số 45, Lượng Hấp Thụ Iốt Trong Chế Độ Ăn Của Người Lớn Tại Hồng Kông. Các số liệu được tính toán dựa trên khẩu phần ăn thông thường và hàm lượng iốt trung bình trong các loại thực phẩm được báo cáo.

Tôi có thể hấp thụ đủ iốt bằng cách nào?

  1. Duy trì chế độ ăn uống cân bằng và chọn thực phẩm có nhiều iốt hơn, ví dụ: cá biển, hải sản, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa. Chọn đồ ăn nhẹ từ rong biển có hàm lượng natri và chất béo thấp hơn.
  2. Hấp hoặc chiên xào thức ăn với ít dầu để giữ lại iốt trong thực phẩm. Chế biến các loài giáp xác (ví dụ: tôm và cua) còn nguyên vỏ để tránh mất iốt.
  3. Sử dụng muối iốt để thay thế muối ăn thông thường. Chú ý giữ lượng muối tổng thể dưới 5 g (dưới 1 thìa cà phê) mỗi ngày.

Cách sử dụng muối iốt?

Iốt trong muối iốt sẽ mất do độ ẩm, nhiệt và ánh sáng mặt trời. Hãy nhớ:

  1. Thêm muối iốt ngay trước khi ăn
  2. Lưu trữ muối trong một hộp đựng đóng kín và có màu. Bảo quản ở nơi khô ráo và tránh ánh sáng

Ai không thích hợp sử dụng muối iốt?

Những bệnh nhân mắc bệnh cường giáp, viêm tuyến giáp, bệnh tuyến giáp tự miễn, v.v. cần hạn chế ăn iốt và có thể không phù hợp để sử dụng muối iốt. Họ nên tham khảo ý kiến bác sĩ và ăn uống theo chỉ dẫn của bác sĩ5.

4 Trung Tâm An Toàn Thực Phẩm, Cục Vệ Sinh Thực Phẩm và Môi Trường, HKSARG. 2010. Trọng Tâm An Toàn Thực Phẩm (Số Phát Hành 42, Tháng 1 năm 2010) – Thực Phẩm Kích Thích Tư Duy: Rong Biển..

5 Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Trung Quốc. (2012-03-20). Trích dẫn từ http://www.chinacdc.cn/rdwd/201203/t20120320_58760.html

Phụ nữ mang thai và cho con bú nên coi chừng tình trạng thiếu iốt

  • Iốt rất quan trọng đối với sự phát triển trí não của trẻ. Phụ nữ mang thai cần hấp thụ đủ lượng iốt trong suốt thai kỳ, để thai nhi có thể phát triển trong môi trường có đủ thyroxine và iốt. Các bà mẹ cho con bú nên duy trì một lượng iốt đầy đủ vì có liên quan chặt chẽ đến mức độ iốt trong sữa mẹ.
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú có nhu cầu iốt cao. Dựa trên chế độ ăn uống tại địa phương, rất khó để họ hấp thụ đủ iốt chỉ từ chế độ ăn uống của mình. Do đó, họ nên uống bổ sung vitamin tổng hợp trước khi sinh và bổ sung đa lượng có chứa 150-250 μg iốt mỗi ngày 6.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để lựa chọn chất bổ sung phù hợp. Quý vị nên đọc nhãn sản phẩm và kiểm tra hàm lượng iốt khi tự mình chọn thực phẩm. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu quý vị có nghi ngờ.

Phụ nữ gặp vấn đề về tuyến giáp cũng cần nhiều iốt hơn trong khi mang thai và cho con bú. Vì việc tăng lượng iốt có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp, quý vị nên cho bác sĩ điều trị biết. Quý vị có thể cần theo dõi chặt chẽ chức năng tuyến giáp.

6 WHO khuyến cáo phụ nữ mang thai và cho con bú nên bổ sung 250 μg iốt mỗi ngày, trong đó không nên dùng nhiều muối iốt. Hiệp Hội Tuyến Giáp Châu Âu, Hiệp Hội Tuyến Giáp Hoa Kỳ và Chính Phủ Úc khuyến nghị liều hàng ngày bổ sung iốt là 150 μg cho phụ nữ mang thai và cho con bú.

Phụ nữ dự định mang thai:

Đảm bảo hấp thụ đủ lượng iốt

  • Ngoài việc bổ sung ít nhất 400 μg axit folic mỗi ngày (không nên quá 1000 μg), quý vị cũng nên đảm bảo dùng đủ lượng iốt. Điều này cho phép thai nhi tăng trưởng và phát triển trong môi trường có đủ iốt sau khi được hình thành.
  • Quý vị nên chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày bằng cách chọn thực phẩm có nhiều iốt và sử dụng muối iốt. Quý vị có thể cân nhắc dùng chất bổ sung có chứa iốt để đạt được lượng iốt hàng ngày là 150 μg. Tham khảo ý kiến bác sĩ khi lựa chọn sản phẩm bổ sung.

Thận trọng để tránh dùng quá nhiều iốt từ các sản phẩm bổ sung:

  • Dùng sản phẩm bổ sung theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm
  • Tránh dùng nhiều hơn một sản phẩm bổ sung có chứa iốt trong cùng một ngày

Các câu hỏi thường gặp về lượng iốt

  1. Muối biển có chứa iốt không?

    Muối biển chứa rất ít iốt trừ khi được iốt hóa. Muối biển không đủ để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của quý vị.

  2. Muối iốt hóa cung cấp bao nhiêu iốt?

    Quý vị có thể đọc nhãn dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm để biết hàm lượng iốt của muối. Theo báo cáo của Trung Tâm An Toàn Thực Phẩm năm 20113, 5 g (một thìa cà phê) muối iốt hóa 130 - 180 μg iốt. Lượng iốt này đủ để đáp ứng nhu cầu iốt của người lớn là 150 μg mỗi ngày.

  3. Tôi đang mang thai, nhưng tôi không thể dùng sản phẩm bổ sung có chứa iốt. Tôi có thể làm gì để hấp thụ đủ iốt?

    Nếu quý vị không thể dùng sản phẩm bổ sung có chứa iốt, quý vị nên tiêu thụ nhiều loại thực phẩm có nhiều iốt mỗi ngày, bao gồm:

    1. 2 cốc sữa (quý vị có thể chọn phô mai hoặc sữa chua để thay thế)
    2. Trứng, cá biển hoặc hải sản trong các món ăn chính của quý vị
    3. Đồ ăn vặt từ rong biển hoặc rong biển nori
    4. Sử dụng muối iốt thay cho muối ăn để nấu ăn

    Nếu không thể thay đổi chế độ ăn uống hoặc quý vị không thể sử dụng muối iốt vì quý vị thường xuyên ăn ở ngoài, thực phẩm bổ sung là lựa chọn đáng tin cậy hơn để quý vị hấp thụ đủ iốt.