Phòng Ngừa Bệnh Do Vi-rút Corona 2019 Gây Ra (COVID-19) - Chăm Sóc Tâm Lý Bản Thân (Dành Cho Phụ Nữ)

Dịch bệnh do vi-rút corona vẫn đang tiếp tục bùng phát trong một khoảng thời gian, quý vị đã bao giờ có những suy nghĩ sau đây chưa?

  • Khẩu trang đắt như vậy, làm sao tôi có thể mua được?
  • Chồng tôi phải tiếp xúc với nhiều người ở nơi làm việc mỗi ngày, tôi sợ anh ấy sẽ bị lây bệnh!
  • Viện dưỡng lão rất đông người mà bố tôi bị bệnh đái tháo đường. Tôi thực sự lo lắng!
  • Con gái lớn của tôi vẫn đang ở Vương Quốc Anh nhưng vé quá đắt và rất khó đặt vé!  Tôi nên làm gì?
  • Ban đêm, tôi không thể ngủ được.  Khi nào đại dịch sẽ kết thúc?
  • Em gái tôi đã nghỉ không lương một thời gian, liệu nó có bị mất việc không?
  • Trong thời gian nghỉ học, con trai tôi chỉ chơi trò chơi điện tử.  Nó nổi khùng lên khi tôi nhắc nhở nó sửa đổi, nếu là bạn thì bạn có giận không?
  • Tôi quá kiệt sức khi không có ai giúp tôi dọn dẹp!
  • Thật là chán khi xem TV cả ngày lẫn đêm!

Dịch bệnh đang diễn ra đã ảnh hưởng đến chúng ta ở những mức độ khác nhau.  Phụ nữ có thể làm thế nào để kiên cường hơn để đối phó với tình huống khó khăn như vậy, để giảm tác động có thể có của dịch bệnh đến giấc ngủ, tâm trạng hoặc các mối quan hệ gia đình?  Mời quý vị xem qua các lời khuyên tâm lý sau đây để tăng cường khả năng miễn dịch tâm lý cho quý vị!

Lời Khuyên 1: Thận Trọng với Thông Tin Tràn Ngập

Có quá nhiều thông tin cập nhật liên quan đến dịch bệnh bùng phát. "Kiểm tra thực tế" thông tin một cách cẩn thận và chú ý đến nguồn thông tin có thể giúp quý vị tránh bị lừa. Ngoài ra, để bảo vệ bản thân khỏi bị cảm xúc lấn át, quý vị có thể tắt thiết bị của mình kịp thời. Thông tin được cung cấp bởi Trung Tâm Bảo Vệ Sức Khỏe về tình hình mới nhất trong khu vực về Bệnh Do Vi-rút Corona 2019 Gây Ra (COVID-19) ra là thông tin đáng tin cậy cho quý vị.

Lời Khuyên 2: Thực Tế và Linh Hoạt trong Suy Nghĩ

Vì đại dịch vẫn tiếp diễn nên chúng ta không thể tránh được việc phải tiếp tục dự tính và cân nhắc nhiều hơn. Tuy nhiên, quý vị có vô thức đắm chìm trong hàng loạt suy nghĩ tiêu cực không? Và quý vị có ngày càng trở nên lo lắng hơn không? Ví dụ: "Nếu chồng tôi bị nhiễm bệnh, tất cả chúng tôi sẽ bị nhiễm bệnh! Chúng tôi sẽ bị ghét bỏ!" Thay vì suy nghĩ theo những cách cực đoan và tiêu cực, quý vị có thể cố gắng suy nghĩ theo cách hợp lý và linh hoạt, chẳng hạn như: "Chồng tôi bây giờ không bị nhiễm bệnh, chúng ta sẽ ứng biến theo tình hình thực tế!”

Lời Khuyên 3: Nhắc Nhở Bằng Hình Ảnh Trực Quan để Khuyến Khích Thay Đổi

Hoàn toàn không dễ dàng thay đổi đột ngột nhiều thói quen vệ sinh cá nhân và thói quen hàng ngày để chống lại dịch bệnh. Ngay cả khi quý vị không tuân thủ mọi biện pháp phòng ngừa, quý vị cũng có thể đánh giá cao những thay đổi nhỏ mà quý vị hoặc gia đình quý vị đã thực hiện. Cân nhắc sử dụng những lời nhắc nhở bằng hình ảnh trực quan để giúp bản thân hoặc gia đình quý vị hình thành thói quen vệ sinh tốt theo cách vui vẻ nhưng mang tính hỗ trợ.

Lời Khuyên 4: Giải Quyết Xung Đột bằng cách Tập Trung vào Mục Tiêu Chung

Quan điểm của quý vị về diễn biến của đại dịch và cách đối phó có thể khác với quan điểm của gia đình quý vị. Để giải quyết xung đột một cách hiệu quả, hãy điều chỉnh tư duy của quý vị trước khi thảo luận – xem đây là cơ hội để hiểu rõ hơn về nhau và sẵn sàng thỏa hiệp. Trong cuộc thảo luận, hãy thử đặt mình vào vị trí của người khác và đưa ra phỏng đoán có hiểu biết về mối lo ngại của họ. Sau khi suy nghĩ về những mối lo ngại mà họ có thể có, cuối cùng hãy bày tỏ quan điểm của quý vị. Ví dụ: "Bố/mẹ nghĩ là con đưa cháu đi chơi công viên vì con không muốn bé cảm thấy buồn chán khi ở nhà, đúng không? Đối với bố/mẹ, ra ngoài chơi có thể có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao hơn. Cả hai chúng ta đều yêu bé mà!" Hiểu rõ ý định của cả hai bên, xác định mục tiêu chung, sau đó đề nghị bên kia thảo luận về điều gì là tốt nhất và khả thi, chẳng hạn như “Tất cả chúng ta đều muốn được an toàn và hạnh phúc, con nghĩ có thể làm được gì?”

Lời Khuyên 5: Chấp Nhận Cảm Xúc của Quý Vị

Phớt lờ, đổ lỗi hay chiều theo đều không phải là chiến lược đối phó thích ứng khi phải đối mặt với các phản ứng cảm xúc khác nhau, chẳng hạn như lo lắng, bất lực, chán nản, tức giận, v.v.  Ngược lại, việc chấp nhận cảm xúc sẽ giúp giải quyết tâm trạng đau buồn.  Quý vị có thể gọi tên cảm xúc của mình, chẳng hạn như “Mình đang rất bực!”, “Việc lo lắng là điều đương nhiên!”  Sau đó, hãy dành thời gian nghỉ ngơi (xem bài tập thư giãn bên dưới) trước khi nghĩ đến những cách thực tế để đối phó với khó khăn.

Nếu quý vị vẫn bị làm phiền bởi những lo lắng quá mức, hãy thử một cách hiệu quả để đối phó với những lo lắng của quý vị: tính toán lên kế hoạch đặt ra khoảng thời gian cụ thể dành để lo lắng bao nhiêu tùy thích (chẳng hạn như 15-30 phút sau bữa trưa); khi quý vị lo lắng ngoài khoảng thời gian cụ thể đó, chỉ cần ghi lại ngắn gọn những lo lắng của mình, để dành cho khoảng thời gian lo lắng cụ thể và sau đó cố gắng tập trung lại vào thời điểm hiện tại, vào nhiệm vụ trước mắt hoặc các hoạt động quý vị quan tâm.  Không đặt thời gian lo lắng cụ thể trước khi đi ngủ để tránh tác động tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ.

Lời Khuyên 6: Ngủ ngon

Nếu quý vị bị mất ngủ, chẳng hạn như khó đi vào giấc ngủ trong hơn 15 phút, quý vị có thể rời giường và thư giãn ở một vị trí khác (chẳng hạn như trên ghế), ví dụ: nghe nhạc hoặc đọc một số cuốn sách giải trí. Trở lại giường ngủ khi buồn ngủ. Trong ngày, hãy tham gia nhiều hơn vào các hoạt động thể chất nhẹ nhàng và tránh ngủ trưa, hãy tập thở hoặc tập thể dục thư giãn trước khi ngủ. Tất cả những hoạt động này có thể giúp quý vị đi vào giấc ngủ. Nếu bị mất ngủ kéo dài, quý vị có thể nhờ đến sự trợ giúp của chuyên gia và không mua thuốc không kê đơn khi chưa có đơn của bác sĩ.

Gợi Ý cho Bài Tập Thư Giãn

Tìm Kiếm Trợ Giúp của Chuyên Gia

Nếu quan sát thấy tình trạng căng thẳng kéo dài và nghiêm trọng, vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ gia đình hoặc tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ trong cộng đồng.