“Tiền Tiểu Đường”?

Nếu mức đường huyết cao hơn bình thường nhưng chưa đến mức tiểu đường thì tình trạng này được gọi là “Tiền Tiểu Đường”.

Bao gồm:

  • Mức glucose lúc đói cao hơn bình thường:
    mức đường huyết lúc đói là 5,6-6,9 mmol/L
  • Khả năng dung nạp glucose suy giảm:
    mức đường huyết 2 giờ sau bữa ăn
    7,8-11,0mmol/L

Nếu không cải thiện đáng kể thói quen ăn uống và tập thể dục, phần lớn những người có bệnh trạng Tiền Tiểu Đường sẽ tiến triển thành tiểu đường Tuýp 2 trong vòng mười năm tiếp theo.

Các yếu tố nguy cơ

  • Thừa cân hoặc béo phì, đặc biệt là những người béo bụng
  • Có lối sống ít vận động
  • Tiền sử gia đình có người mắc tiểu đường Tuýp 2
    (người thân cận huyết, ví dụ: cha mẹ và anh/chị/em ruột)
  • Người lớn tuổi, đặc biệt là những người trên 45 tuổi
  • Có tiền sử tiểu đường thai kỳ hoặc sinh con nặng hơn 4kg
  • Có tiền sử hội chứng buồng trứng đa nang

Triệu chứng

Phần lớn những người có bệnh trạng Tiền Tiểu Đường sẽ không có triệu chứng rõ ràng, việc chẩn đoán chỉ có thể phát hiện bệnh dựa trên kết quả xét nghiệm máu.

Do đó, những yếu tố nguy cơ này hoặc tiền sử Tiền Tiểu Đường phải làm theo lời khuyên của bác sĩ và kiểm tra đường huyết đều đặn nếu thích hợp.

Ngay cả khi không có triệu chứng, mức đường huyết cao liên tục có thể dần dần gây tổn thương các mạch máu nhỏ, dẫn đến bệnh võng mạc tiểu đường và các biến chứng khác.

Các biến chứng do đường huyết cao liên tục

  • Bệnh tim do thiếu máu cục bộ, huyết áp cao, suy thận, bệnh võng mạc tiểu đường, v.v.
  • Trong những trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến mất thị lực, đột quỵ, loét da kinh niên, hoại tử và cắt chi.

Nếu được chẩn đoán có bệnh trạng Tiền Tiểu Đường thì tôi cần làm gì?

Nếu giảm cân, tăng cường tập thể dục và có thói quen ăn uống hợp lý hơn thì mức đường huyết có thể trở lại bình thường.

Những người có bệnh trạng Tiền Tiểu Đường cũng cần kiểm soát tốt mức huyết áp và cholesterol/lipid, đồng thời không hút thuốc và uống đồ uống có cồn để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch (ví dụ: bệnh tim do thiếu máu cục bộ, đột quỵ).

  • Duy trì cân nặng hợp lý

    Tình trạng cân nặng:

    Việc cần làm:

    Thừa cân hoặc béo bụng Sụt cân
    Trong giới hạn bình thường Tăng cường tập thể dục và cải thiện thói quen ăn uống

    Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng giảm cân là cách hiệu quả để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Đối với những người thừa cân hoặc béo phì, giảm 5-10% cân nặng có thể làm chậm lại hoặc thậm chí ngăn ngừa khởi phát tiểu đường Tuýp 2.

    Điều chỉnh lối sống bằng cách tập thể dục nhiều hơn và cải thiện thói quen ăn uống là bí quyết để giảm cân thành công.

  • Tăng cường tập thể dục

    Tránh không vận động trong thời gian dài, như ngồi lâu.

    Đặt mục tiêu vận động với cường độ vừa phải (ví dụ: đi bộ nhanh) trong tối thiểu 30 phút ít nhất năm lần một tuần.

  • Cải thiện chế độ ăn uống
    Dưới đây là 10 lời khuyên ăn uống lành mạnh mà quý vị có thể chú ý:
    1. Ăn bữa chính đều đặn và bữa nhẹ với phần ăn phù hợp
      • Hình thành thói quen ăn sáng, ăn trưa và ăn tối một cách đều đặn mỗi ngày. Các bữa ăn đều đặn giúp quý vị kiểm soát phần ăn và lựa chọn thực phẩm, giảm tình trạng ăn quá no vì đói.
      • Quý vị có thể chọn những đồ ăn nhẹ chứa ít chất béo (không chiên rán) và đường giữa các bữa ăn nếu cần.
    2. Ăn ngũ cốc chứa nhiều chất xơ và ít chất béo trong mỗi bữa ăn
      • Chọn ngũ cốc (và các sản phẩm từ ngũ cốc) chứa nhiều chất xơ và ít chất béo, ví dụ: gạo lứt đỏ, bánh mì nguyên cám, mì spaghetti, mì không chiên, ngũ cốc ăn sáng có hàm lượng đường thấp, v.v.
      • Tránh chọn các món chiên ngập dầu hoặc xào, ví dụ: cơm rang, mì trứng Quảng Đông, cơm nướng sốt. Tránh trộn nước xuýt/sốt với cơm hoặc mì Ý.
    3. Ăn ít chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa để giữ cho tim khỏe mạnh
      • Giảm mỡ động vật (chứa nhiều chất béo bão hòa). Cắt bỏ mỡ, da động vật và tránh ăn nội tạng.
      • Sử dụng các phương pháp nấu ít chất béo, ví dụ: hấp, ăn kèm nước dùng trong, nướng bằng bếp lửa hoặc nướng trong lò, v.v. Tránh các món chiên ngập dầu, xào, om trong dầu và lẩu.
      • Thử sử dụng dầu ăn có hàm lượng axit béo không bão hòa cao hơn, như dầu hạt cải, dầu đậu phộng và dầu ô-liu.
      • Chọn các sản phẩm sữa ít béo hoặc không béo/tách béo.
      • Hạn chế các món bánh nướng chứa nhiều chất béo như bánh sừng bò, bánh trứng, bánh gà mặn và bánh quy (như bánh quy, bánh quy nhân kem). Những loại bánh này sử dụng dầu thực vật hydro hóa hoặc bơ thực vật, chứa chất béo chuyển hóa và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim.
      • Đọc danh sách nguyên liệu thành phần khi chọn thực phẩm đóng gói sẵn. Tránh chọn các sản phẩm sử dụng “dầu thực vật hydro hóa” hoặc “bơ thực vật”.
    4. Chọn nhiều rau củ và trái cây hơn
      • Đặt mục tiêu 2 khẩu phần trái cây và ít nhất 3 khẩu phần rau củ mỗi ngày.
        • Một khẩu phần trái cây: 1 quả cam nhỏ/1 quả chuối ngự.
        • Một khẩu phần rau củ:
          1 bát (1 bát = 250-300ml) rau củ tươi hoặc
          ½ bát rau củ, nấm hoặc bí đã nấu chín.
      • Ăn trái cây nguyên quả và tránh uống nước ép.
      • Tránh ăn quá nhiều trái cây (hơn 1 khẩu phần) cùng một lúc vì sẽ ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát đường huyết.
    5. Chọn các loại đậu/cây họ đậu khô nhiều hơn vì chúng chứa nhiều chất xơ
      • Các loại đậu khô như đậu lăng, đậu tây đỏ, đậu gà, đậu nành, đậu đỏ, đậu xanh, đậu răng ngựa và đậu đen, v.v. đều chứa ít chất béo và giàu protein, chất xơ. Quý vị có thể dùng các loại đậu thay cho thịt trong chế độ ăn uống.
      • Chú ý lượng các loại đậu khô vì chúng có chứa carbohydrate. Nếu ăn quá nhiều có thể ảnh hưởng đến mức đường huyết và dẫn đến thừa cân.
        • 4 thìa canh các loại đậu khô đã nấu chín tương đương với 1 phần thay thế carbohydrate (lượng carbohydrate của 1 thìa canh cơm).
    6. Chọn các loại cá giàu axit béo omega-3
      • Ăn cá hai lần một tuần. Quý vị có thể chọn các loại cá giàu axit béo omega-3, ví dụ: cá hồi, cá sa ba, cá mòi, cá thu đao, cá đù vàng và cá chim, v.v.
        • Cá (đặc biệt là cá nhiều dầu) chứa axit béo omega-3, rất tốt cho tim và máu.
      • Hạn chế thêm dầu khi hấp hoặc rán cá.
      • Cá được coi là một thực phẩm thay thế cho thịt. Một lạng (đơn vị trọng lượng của Trung Quốc) cá tương đương với một lạng thịt (khoảng cỡ một quả bóng bàn). Một người phụ nữ trưởng thành thường cần khoảng 5-6 lạng thịt (hoặc thực phẩm thay thế) một ngày. Ăn quá nhiều cá cũng có thể dẫn đến tăng cân.
    7. Ăn ít đường (hoặc đường bổ sung) hơn
      • Tránh các sản phẩm có đường bổ sung (ví dụ: đồ uống ngọt, bánh ngọt và chè tráng miệng)
        • Đường tự do (bao gồm tất cả các loại đường thêm vào thực phẩm và đường có trong mật ong, si-rô và nước ép) có thể tăng mức đường huyết của quý vị. Các loại đường này cũng cung cấp năng lượng! Quý vị sẽ có nguy cơ thừa cân nếu ăn quá nhiều đường.
      • Lựa chọn những món “không đường” hoặc “để riêng si-rô” khi ăn hàng.
      • Đọc nhãn dinh dưỡng của thực phẩm đóng gói sẵn. Chú ý tổng lượng carbohydrate của phần thức ăn quý vị đang ăn.
        • Không ăn quá nhiều kể cả khi các sản phẩm tuyên bố là “ít đường” “không đường” hoặc “chứa chất tạo ngọt nhân tạo”. Ăn quá nhiều carbohydrate sẽ làm tăng mức đường huyết. Thực phẩm (hoặc đồ uống) đóng gói sẵn có thể tuyên bố “ít đường” nếu chứa không quá 5g đường trong mỗi 100g thực phẩm rắn (hoặc 100 ml thực phẩm dạng lỏng).
    8. Ăn ít muối (và natri) hơn
      • Hạn chế lượng hấp thụ muối dưới 5g mỗi ngày (có nghĩa là dưới 2000mg natri mỗi ngày). Hấp thụ quá nhiều natri sẽ khiến quý vị tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
      • Ăn ít thực phẩm bảo quản (ví dụ: cải bẹ muối, cá ướp muối) và sốt làm sẵn (ví dụ: sốt cà-ri, tương Chu Hou, tương đậu đỏ lên men, tương đậu lên men, sốt béchamel, xì dầu, nước mắm).
      • Tránh trộn nước xuýt với thức ăn khi ăn hàng.
      • Sử dụng thêm các nguyên liệu tự nhiên làm gia vị như gừng, hành lá, tỏi, tiêu, cà chua, hành tây, xả, húng quế, hương thảo, húng tây, v.v.
      • Đọc nhãn dinh dưỡng của thực phẩm đóng gói sẵn và chú ý hàm lượng natri. Thực phẩm đóng gói sẵn có thể tuyên bố “ít natri” khi chứa không quá 120mg natri trong mỗi 100g (hoặc “nhiều natri” khi chứa hơn 600mg natri trong mỗi 100g).
    9. Hạn chế tối đa đồ uống có cồn
      • Đồ uống có cồn cũng chứa năng lượng. Uống thường xuyên có thể dẫn đến béo phì và ảnh hưởng xấu đến khả năng kiểm soát đường huyết của quý vị.
        • Cồn là một tác nhân gây ung thư. Nếu quý vị không uống thì đừng bắt đầu uống vì mục đích cải thiện sức khỏe.
    10. Không dựa vào những sản phẩm được quảng cáo là “Phù Hợp cho Người Bệnh Tiểu Đường”
      • Các sản phẩm quảng cáo là “Phù Hợp cho Người Bệnh Tiểu Đường”, ví dụ: “Sô-cô-la cho Người Bệnh Tiểu Đường” hoặc “Bột sữa phù hợp cho người lo ngại về đường huyết”, v.v. có thể không thực sự chứa ít đường; một số sản phẩm thậm chí còn chứa nhiều chất béo. Không có bằng chứng khoa học cập nhật nào cho thấy những sản phẩm này có thể ngăn ngừa hoặc kiểm soát hiệu quả bệnh tiểu đường.
        Nếu quý vị muốn biết thêm về chế độ ăn uống lành mạnh và vận động, cồn và sức khỏe, vui lòng truy cập trang web << Change for Health >> (Thay Đổi để Khỏe Mạnh): http://www.change4health.gov.hk