Hướng Dẫn cho Hãng Sở - để Tạo Dựng Môi Trường Làm Việc Thuận Lợi cho Việc Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ

(Phát hành vào 06 năm 2017)

Kết Hợp Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ và Làm Việc

Sữa mẹ giàu dinh dưỡng và chứa nhiều kháng thể và tế bào miễn dịch khác nhau để phòng ngừa bệnh tật. Sữa mẹ có lợi ích đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hơn nhiều so với sữa công thức. Nuôi con bằng sữa mẹ cũng giúp người mẹ giảm nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư buồng trứng. Tổ Chức Y Tế Thế Giới khuyến nghị nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu và dần cho trẻ ăn thức ăn đặc phù hợp trong khi vẫn tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ đến khi trẻ hai tuổi trở lên.

Với việc nâng cao nhận thức về nuôi con bằng sữa mẹ trong các gia đình ở Hồng Kông và Bộ Y Tế triển khai một số biện pháp hỗ trợ, tỷ lệ các bà mẹ nuôi con sơ sinh bằng sữa mẹ đã tăng từ 66% một thập kỷ trước lên 86% vào năm 20141. Tuy nhiên, các nghiên cứu trong khu vực chỉ ra rằng nguyên nhân chính khiến các bà mẹ dừng nuôi con bằng sữa mẹ trong ba tháng đầu sau sinh là để “quay lại làm việc”2. Nhiều bà mẹ đi làm cho biết khó có thể vắt sữa tại nơi làm việc, ngay cả khi họ muốn tiếp tục cho con bú sữa mẹ.3

1Báo cáo thường lệ Bộ Y Tế nhận được từ tất cả các bộ phận sản khoa của các bệnh viện công và tư nhân tại Hồng Kông.

2Tarrant M và cộng sự. Nuôi con bằng sữa mẹ và thực tiễn cai sữa của các bà mẹ Hồng Kông: nghiên cứu theo thời gian. Tạp chí BMC Pregnancy and Childbirth 2010 10:27.

3Tarrant M, Dodgson JE, Tsang SF: Bắt đầu và duy trì nuôi con bằng sữa mẹ ở Hồng Kông: ảnh hưởng của bối cảnh đến trải nghiệm của những người mới làm mẹ. Tạp chí Nursing & Health Sciences 2002, 4(4):189-199.

“ Môi Trường Làm Việc Thuận Lợi cho Việc Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ” là gì?

“Môi Trường Làm Việc Thuận Lợi cho Việc Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ” là khi tổ chức hoặc doanh nghiệp cung cấp môi trường phù hợp và thuận lợi cho người lao động nuôi con bằng sữa mẹ vắt sữa tại nơi làm việc để tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ. Phải có sẵn ba biện pháp sau đây:

  1. Cho phép nghỉ vắt sữa (khoảng hai lần nghỉ, mỗi lần 30 phút trong một ca làm việc tám giờ) để vắt sữa trong ít nhất một năm sau khi sinh con và áp dụng phương pháp linh hoạt sau thời gian đó.
  2. Cung cấp không gian riêng tư, có ghế ngồi phù hợp, bàn và ổ cắm điện cho máy vắt sữa và
  3. Cung cấp tủ lạnh để bảo quản sữa đã vắt (tủ lạnh trong khu vực ăn uống là được).

Các tổ chức hoặc doanh nghiệp thu được lợi ích gì khi Tạo Dựng một “Môi Trường Làm Việc Thuận Lợi cho Việc Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ”?

Nhân sự là tài sản vô giá của các tổ chức và doanh nghiệp. Trong nỗ lực thu hút và giữ chân nhân tài thì ngoài mức lương cạnh tranh, nhiều hãng sở còn cung cấp các phúc lợi phụ hào phóng và tiến hành đào tạo. Chấp nhận lựa chọn tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ khi đi làm của người lao động một cách thân thiện là một trong những phúc lợi phụ phù hợp với xã hội ngày nay. Những biện pháp tạo điều kiện cho gia đình này có thể giảm tỷ lệ nghỉ việc của người lao động nữ, bao gồm cả lao động có kinh nghiệm. Các nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy trẻ bú sữa mẹ khỏe mạnh hơn, cha mẹ xin nghỉ ít hơn để chăm con ốm và cũng phải đối mặt với áp lực tương đối ít hơn4

Không chỉ đem lại tình thế cả hai bên cùng có lợi cho cả hãng sở và người lao động, việc triển khai các biện pháp để có “Môi Trường Làm Việc Thuận Lợi cho Việc Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ” còn có thể kéo dài thời gian bú sữa mẹ của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thúc đẩy sức khỏe của cộng đồng nói chung và giảm chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe.

4Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Sinh Hoa Kỳ. Đề Án cho Doanh Nghiệp về Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ. Trang Web về Các Bước Tạo Dựng Môi Trường Làm Việc Thuận Lợi cho Việc Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ: Dành Cho Quản Lý Doanh Nghiệp. 2008.

Triển Khai Hành Động

Thu xếp linh hoạt và trao đổi hiệu quả là những yếu tố thiết yếu để triển khai các biện pháp “Môi Trường Làm Việc Thuận Lợi cho Việc Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ”. Cần có trao đổi hiệu quả giữa cấp quản lý, người lao động nuôi con bằng sữa mẹ và các đồng nghiệp khác để thấu hiểu lẫn nhau và phối hợp hài hòa.

  1. Xây Dựng Văn Bản Chính Sách

    Xây dựng văn bản chính sách của tổ chức về “Môi Trường Làm Việc Thuận Lợi cho Việc Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ”, trong đó củng cố việc trao đổi giữa cấp quản lý và nhân viên và điều chỉnh thực tiễn tại nơi làm việc cho phù hợp. Vui lòng tham khảo “Chính Sách Mẫu”.

  2. Nghỉ Vắt Sữa

    Cho bé bú sữa mẹ là cách cho bé ăn tự nhiên. Theo tinh thần của Công Ước của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (International Labour Organisation, ILO)5, nghỉ vắt sữa sẽ được thực hiện trong giờ làm việc và vẫn được nhận thù lao tương ứng. Sau đây là các biện pháp phù hợp được khuyến nghị:

    1. Cho phép hai lần nghỉ vắt sữa, mỗi lần khoảng 30 phút hoặc tổng cộng một giờ trong một ngày làm việc kéo dài tám giờ;
    2. Khuyến nghị nghỉ vắt sữa được tính là giờ làm việc “có trả lương”;
    3. Người lao động không cần làm bù thời gian đã sử dụng để vắt sữa và
    4. Không cần bằng chứng về việc nuôi con bằng sữa mẹ để cho phép nghỉ vắt sữa.

    5Công Ước về Bảo Vệ Bà Mẹ của ILO , 2000 (Số 183) & Khuyến Nghị Số 191. Tổ Chức Lao Động Quốc Tế , ILO

  3. Cơ Sở để Vắt Sữa

    Có thể khai thác các tài nguyên sẵn có một cách linh hoạt để cung cấp cho người lao động chỗ vắt sữa riêng tư. Dưới đây là một số ví dụ về cách thu xếp:

    1. Cung cấp phòng vắt sữa cho người lao động;
    2. Sử dụng tạm thời các phòng hiện có như phòng hội nghị, phòng đa chức năng hoặc phòng thay đồ để vắt sữa;
    3. Lắp bình phong hoặc rèm che ở một góc khuất để vắt sữa và hiển thị biển báo như “đang vắt sữa, xin chờ một lát” hoặc
    4. Cho phép người lao động đến cơ sở chăm sóc em bé trong cộng đồng ở gần đó trong giờ nghỉ vắt sữa.

    Tuy nhiên, phòng vệ sinh hoặc buồng vệ sinh tuyệt đối không phù hợp vì lý do vệ sinh.

    Ở địa điểm vắt sữa cần các đồ dùng và biện pháp sau:

    1. Một ghế có tựa lưng để người mẹ nuôi con bằng sữa mẹ ngồi khi vắt sữa;
    2. Một bàn nhỏ để đặt đồ dùng cần thiết trong khi vắt sữa;
    3. Một ổ điện và
    4. Có thể cân nhắc các đồ dùng khác như xà phòng dạng lỏng, nước máy, bồn rửa và tủ để đồ.
  4. Trang Thiết Bị Làm Lạnh để Bảo Quản Sữa Đã Vắt

    Đặc điểm của sữa mẹ là có các thuộc tính kháng khuẩn. Nói chung, bảo quản trong tủ lạnh hoặc thùng giữ mát là an toàn. Chỉ cần cho sữa đã vắt vào hộp đặt bên trong tủ lạnh ở khu ăn uống là được, không cần tủ lạnh riêng.

Các Câu Hỏi Thường Gặp

Câu hỏi 1: Làm thế nào để hỗ trợ người lao động nuôi con bằng sữa mẹ phải làm việc bên ngoài?

Câu trả lời 1: Việc triển khai thành công biện pháp “Môi Trường Làm Việc Thuận Lợi cho Việc Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ” phụ thuộc vào trao đổi hiệu quả giữa hãng sở và người lao động. Các hãng sở nên thảo luận với người lao động về nhu cầu của họ. Họ có thể thu xếp linh hoạt thời gian làm việc bên ngoài cho người lao động hoặc cân nhắc thu xếp như các ví dụ dưới đây:

  1. Cho phép người lao động sử dụng cơ sở chăm sóc em bé trong cộng đồng ở gần đó hoặc
  2. Thu xếp công việc khác cho người lao động nuôi con bằng sữa mẹ để họ tiếp tục vắt sữa tại nơi làm việc.

Có thể giảm dần những thu xếp linh hoạt này khi con họ lớn hơn.

Câu hỏi 2: Nên đáp lại như thế nào khi người lao động nuôi con bằng sữa mẹ yêu cầu được nghỉ vắt sữa nhiều lần hơn hoặc lâu hơn?

Câu trả lời 2: Một vài người mẹ nuôi con bằng sữa mẹ có thể cần nghỉ nhiều lần hơn hoặc lâu hơn để vắt sữa, ví dụ như những người mới quay lại làm việc. Họ cần có thời gian để thích nghi với môi trường vắt sữa mới. Những người mẹ này có thể cân nhắc sử dụng thời gian rảnh của riêng họ để vắt sữa, như giờ ăn trưa, trước hoặc sau giờ làm. Ngoài ra, họ có thể xin tư vấn từ chuyên gia y tế về những lo ngại liên quan đến việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Câu hỏi 3: Nên giải quyết than phiền mà người lao động khác có thể đưa ra như thế nào?

Câu trả lời 3: Một vài người lao động có thể cho là các biện pháp này không công bằng, ví dụ: họ cần thực hiện công việc hoặc bổn phận cho người lao động nuôi con bằng sữa mẹ trong giờ nghỉ vắt sữa mà không có thời gian nghỉ bù tương ứng. Rất may là kinh nghiệm của nước ngoài cho thấy, phần lớn người lao động, bất kể giới tính, đều ủng hộ các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho việc nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc.

Thường xuyên trao đổi cởi mở giữa cấp quản lý, người lao động nuôi con bằng sữa mẹ và những người lao động khác, công bố các biện pháp chỉ mang tính tạm thời và những lợi ích lâu dài cho nhiều bên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thành công.

Câu hỏi 4: Nếu người lao động đã nuôi con bằng sữa mẹ hơn một năm, hãng sở có bắt buộc phải tiếp tục cho phép người đó nghỉ vắt sữa hai lần một ngày không?

Câu trả lời 4: Khi được một tuổi, trẻ đã sẵn sàng ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau. Do đó, lượng sữa uống hàng ngày và tần suất cho bú sữa mẹ hoặc vắt sữa sẽ giảm theo. Ở giai đoạn này, hầu hết những người mẹ nuôi con bằng sữa mẹ chỉ cần một lần nghỉ vắt sữa một ngày. Hãng sở có thể thu xếp linh hoạt để tạo điều kiện cho nhu cầu tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ của người lao động.

Chính Sách Mẫu

Chính Sách “Môi Trường Làm Việc Thuận Lợi cho Việc Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ”

Tổ Chức (hay Công Ty) chúng ta ghi nhận lựa chọn nuôi con bằng sữa mẹ của người lao động, chấp nhận và ủng hộ người lao động quay lại làm việc sau khi sinh tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ.

Mục đích của Chính Sách là tạo dựng môi trường phù hợp và thuận lợi cho người lao động nuôi con bằng sữa mẹ, để việc nuôi con bằng sữa mẹ phù hợp với công việc. Cần thông báo Chính Sách này cho toàn thể người lao động để đảm bảo họ biết về Chính Sách này.

  1. Phụ Nữ Mang Thai

    Trao đổi với cấp quản lý trong thời gian sớm nhất có thể về mong muốn tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ sau khi quay lại làm việc để tạo điều kiện thuận lợi cho cả hai bên chuẩn bị tốt trong một khoảng thời gian thoải mái.

  2. Nhân Sự Quản Lý

    Cân nhắc tình huống thực tế và tạo dựng môi trường phù hợp, thuận lợi, bao gồm các biện pháp cơ bản dưới đây:

    1. Cho phép nghỉ vắt sữa (khoảng hai lần nghỉ, mỗi lần 30 phút trong một ca làm việc tám giờ) để vắt sữa trong ít nhất một năm sau khi sinh con và áp dụng phương pháp linh hoạt sau thời gian đó;
    2. Cung cấp không gian riêng tư, có ghế ngồi phù hợp, bàn và ổ cắm điện cho máy vắt sữa và
    3. Cung cấp tủ lạnh để bảo quản sữa đã vắt.
  3. Đồng Nghiệp

    Chấp nhận và ủng hộ lựa chọn của đồng nghiệp quay lại làm việc sau khi sinh sẽ tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ.

Người lao động muốn có thông tin liên quan đến việc nuôi con bằng sữa mẹ và xin tư vấn chuyên gia có thể sử dụng các tài nguyên do Cơ Quan Chăm Sóc Sức Khỏe Gia Đình thuộc Bộ Y Tế dưới đây:

  • Hướng Dẫn cho Người Lao Động Cho Con Bú khi Đi Làm: http://s.fhs.gov.hk/i9uvr
  • Trung Tâm Chăm Sóc Sức Khỏe Bà Mẹ và Trẻ Em: Dịch Vụ Tư Vấn Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ

Tài Nguyên về Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ của Bộ Y Tế

Để biết thêm thông tin về nuôi con bằng sữa mẹ, truy cập trang web của Cơ Quan Chăm Sóc Sức Khỏe Gia Đình thuộc Bộ Y Tế tại địa chỉ www.fhs.gov.hk:

Thông tin từ Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc

Công ty/tổ chức của quý vị có thể cung cấp thời gian, địa điểm và hỗ trợ để giúp các bà mẹ tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ.

Cam kết hỗ trợ các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ ngay bây giờ.

www.SayYesToBreastfeeding.hk

Liên hệ với chúng tôi để tìm hiểu thêm

Điện thoại: 2833 6139

E-mail: bf@unicef.org.hk

#SayYesToBreastfeeding (Đồng_Ý_Nuôi_Con_Bằng_Sữa_Mẹ)