Sê-ri Nuôi Dạy Con Cái 1 - Chuẩn Bị Làm Cha Mẹ

(Sửa đổi nội dung vào tháng 03/2018)

Con của quý vị sẽ sớm chào đời. Vì sắp làm cha mẹ, quý vị có thể đã bận rộn chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, ví dụ như cũi và áo choàng em bé. Tuy nhiên, quý vị đã dành thời gian suy nghĩ về tất cả những thay đổi sắp tới chưa? Có rất nhiều điều cần học hỏi để trở thành một người cha/mẹ. Tờ thông tin này sẽ giúp quý vị hiểu được những khó khăn trước mắt và chuẩn bị sẵn sàng cho vai trò làm cha mẹ mới của quý vị.

Vai Trò của Cha Mẹ

Cha mẹ đảm nhận những vai trò khác nhau trong quá trình lớn lên và phát triển của con cái:

  • Người Cung Cấp - Cung cấp những gì con quý vị cần để phát triển thể chất tối ưu, ví dụ: cung cấp chế độ ăn uống cân bằng và đảm bảo vệ sinh hàng ngày.
  • Người Bảo Vệ - Đảm bảo môi trường an toàn cho con quý vị. Quý vị sẽ cần phải đảm bảo:
    • An Toàn Cơ Thể - Bảo vệ cơ thể cho con quý vị, bao gồm an toàn tại nhà, an toàn trên đường và ngăn chặn hành vi bạo hành.
    • An Toàn Tài Chính -- Việc lập kế hoạch tài chính góp phần tạo nên môi trường an toàn cho con quý vị khi xét đến các nhu cầu của trẻ trong dài hạn, ví dụ: các vật dụng cần thiết của em bé và phí giáo dục trong tương lai
    • Cảm Giác An Toàn - Các mối quan hệ hài hòa trong gia đình và những thói quen thường lệ, có thể đoán trước giúp trẻ hình thành cảm giác này. Trẻ em đến từ những gia đình bất hòa thường có cảm giác không an toàn.
  • Giáo Viên/Người Hướng Dẫn - Quý vị là giáo viên đầu tiên của con. Xuyên suốt quá trình phát triển của trẻ, mặc dù có giáo viên và những người khác nhưng quý vị vẫn tiếp tục dạy trẻ những kỹ năng mới và hướng dẫn trẻ vượt qua khó khăn.
  • Tấm Gương - Đặt ra mẫu hình tốt về thói quen, thái độ, đạo đức, giá trị, v.v. để con quý vị noi theo và ngưỡng mộ. Quý vị có thể cần xem xét lại thói quen của bản thân và từ bỏ những thói quen đáng chê trách, ví dụ: hút thuốc hoặc nói ngôn ngữ thô lỗ, nếu quý vị không muốn con mình làm theo.
  • Người An Ủi & Người Ủng Hộ - Yêu thương con cái không chỉ là thỏa mãn các nhu cầu vật chất của trẻ, mà trẻ cần quý vị khuyến khích những nỗ lực của trẻ và chia sẻ cảm giác với trẻ.
  • Chuyên Gia Nuôi Dạy Con Cái của Riêng Con Cái - Vai trò này bao gồm:
    • hiểu được những nhu cầu về vật chất và tâm lý không ngừng thay đổi của con trong quá trình phát triển của trẻ. Tìm hiểu về những mối quan tâm của trẻ vì chúng sẽ thay đổi theo độ tuổi. Nhờ đó sẽ giúp quý vị trò chuyện hiệu quả hơn với trẻ.
    • cập nhật kiến thức và kỹ năng về nuôi dạy con cái, ví dụ: thông qua tham dự các chương trình về nuôi dạy con cái, đọc sách và tạp chí, lướt internet, v.v.
    • mài giũa các kỹ năng nuôi dạy con cái thông qua chia sẻ kinh nghiệm với những bậc cha mẹ khác

Làm cha mẹ là cam kết lâu dài vì không ai có thể thay thế cha mẹ. Người thân, người giúp việc và giáo viên tại trường học có thể giúp đỡ nhưng nuôi dạy con cái là trách nhiệm cả đời.

Niềm Vui và Thử Thách Trước Mắt

Sau khi trở thành cha/mẹ, quý vị không thể tránh những thay đổi trong cuộc sống. Quý vị có thể cảm nhận những thay đổi này là lợi lộc hoặc mất mát hay niềm vui hoặc thử thách. Dưới đây là một vài ví dụ về những thay đổi trước mắt:

Lợi Lộc/Niềm Vui

  • Em bé mới sinh của riêng quý vị
  • Một chức danh mới “Bố” hoặc “Mẹ”
  • Trải nghiệm mới và sự háo hức khi chứng kiến con phát triển
  • Thỏa mãn khi chứng kiến con lớn lên khỏe mạnh
  • Niềm vui từ sự tương tác thân mật với con
  • Cảm giác ngọt ngào khi yêu thương con
  • Niềm vui khi ngắm gương mặt dễ thương của con
  • Và nhiều thứ khác nữa...

Mất Mát/Thử Thách

  • Ít thời gian nghỉ ngơi hơn, đặc biệt là trong tháng đầu
  • Tự do bị giới hạn
  • Giảm thời gian dành cho các hoạt động thư giãn, giải trí và xã giao
  • Chi phí tăng lên
  • Giảm cơ hội phát triển sự nghiệp (nếu quý vị chọn dành nhiều thời gian hơn cho con)
  • Giảm sự thân mật trong quan hệ tình dục với vợ/chồng do mệt mỏi
  • Lo lắng, phiền muộn và căng thẳng nhiều hơn

Cho dù cảm nhận như thế nào đi nữa, quý vị cũng không thể tránh khỏi có nhiều cảm nhận khác nhau. Trên thực tế, quý vị cảm nhận như thế nào về những trải nghiệm cá nhân mới khi làm cha mẹ này hoàn toàn phụ thuộc vào kỳ vọng của quý vị. Việc đặt ra những kỳ vọng thiết thực cho bản thân và con cái sẽ giúp quý vị thích nghi với những thay đổi một cách suôn sẻ nhất có thể.

Kỳ Vọng về Con và Bản Thân Quý Vị

Kỳ Vọng Về Con:

Những việc nên làm

  • Đặt ra những kỳ vọng thiết thực.
  • Hãy nhớ rằng không có đứa trẻ nào hoàn hảo. Hãy trân trọng những phẩm chất của con mình.
  • Nhận thức được rằng mỗi trẻ là một cá thể duy nhất và có tính khí, nhịp độ phát triển riêng.
  • Chăm sóc cho con cho phù hợp với những đặc điểm của trẻ, ví dụ: một số trẻ không thích ăn, do đó có thể cần được cho ăn thành nhiều bữa nhỏ; một số trẻ có thể chỉ cần ngủ rất ít.

Những việc không nên làm

  • Đặt ra kỳ vọng phi thực tế cho con, ví dụ: các bậc cha mẹ có con với thân hình nhỏ nhắn mong muốn con của mình lớn lên có ngoại hình cao to.
  • Chê con khi so sánh với những bé khác.

Kỳ Vọng Về Bản Thân:

Những việc nên làm

  • Đặt ra những kỳ vọng thiết thực.
  • Hãy nhớ rằng không có người cha/mẹ nào hoàn hảo
  • Nhận thức được rằng không có cách hoàn hảo duy nhất để nuôi dạy con cái. Quý vị là người hiểu con nhất.
  • Hãy nhớ rằng không phải mọi thứ đều nằm trong khả năng kiểm soát của quý vị. Hãy coi mỗi trải nghiệm là một cơ hội học hỏi.
  • Hiểu rằng tự trách xuất phát từ những suy nghĩ tiêu cực nảy sinh từ tâm trạng chán nản.
  • Nhận thức được rằng mọi thứ không tệ như bạn hình dung.

Những việc không nên làm

  • Phi thực tế, ví dụ: yêu cầu bản thân là cha/mẹ hoàn hảo trong việc nuôi dạy con cái.
  • Tự chê bản thân khi so sánh với những bậc cha mẹ khác.
  • Tự trách và xoáy sâu vào những điều thất vọng không thể tháo gỡ được, ví dụ: mong con trai nhưng lại sinh con gái; mang thai ngoài ý muốn; con bị ốm.

Cách Đối Phó Khi Cảm Xúc Không Ổn Định Trong Thời Gian Điều Chỉnh?

Những việc nên làm

  • Chấp nhận rằng sẽ có những thay đổi trong cuộc sống gia đình sau khi sinh con. Tâm trạng thay đổi thất thường là việc thường gặp trong suốt giai đoạn điều chỉnh này.
  • Học cách nhận thức được những cảm xúc của bản thân. Nếu tâm trạng buồn, cáu kỉnh, lo âu hoặc tuyệt vọng lấn át, hãy giải quyết tâm trạng đó càng sớm càng tốt.
  • Hãy tâm sự với ai đó về những cảm giác của quý vị.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn.
  • Cố cân bằng giữa công việc chăm sóc con cái, làm việc nhà, nghỉ ngơi và đời sống gia đình. Lên kế hoạch và phân bổ thời gian và sự chú ý cho phù hợp. Quý vị có thể bỏ qua công việc nhà không quan trọng để có thêm thời gian cho gia đình và bản thân.
  • Dành chút thời gian để thể hiện tình yêu với những đứa con khác. Giúp các con chuẩn bị sẵn sàng về mặt cảm xúc để đón nhận em bé mới sinh.
  • Đừng quên chú ý đến vợ/chồng để duy trì quan hệ hôn nhân hài hòa.
  • Nếu có thể, hãy tìm người hỗ trợ chăm sóc trẻ và làm việc nhà để giảm bớt sức ép đối với quý vị.
  • Hiểu rằng vợ/chồng quý vị có thể có tâm trạng kém giống quý vị trong việc giải quyết căng thẳng phát sinh do những thay đổi trong cuộc sống.
  • Để vợ/chồng chia sẻ trách nhiệm.
  • Suy nghĩ tích cực. Thử xem xét mọi thứ một cách toàn diện hơn. Trân trọng những niềm vui có được khi làm cha mẹ. Giữ tính hài hước. Như những câu tục ngữ “Rồi đâu cũng vào đấy” và “Có chí thì nên”.
  • Nếu quý vị gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc hoặc không được gia đình hỗ trợ, hãy nhờ chuyên gia hỗ trợ.

Những việc không nên làm

  • Nghĩ rằng tình huống là vô vọng.
  • Lờ đi hoặc kìm nén những cảm giác tiêu cực hoặc xả chúng với các thành viên trong gia đình.
  • Nghĩ rằng quý vị phải tự lo liệu.
  • Trở nên mệt mỏi quá mức vì những yêu cầu phi thực tế đối với bản thân.
  • Dành toàn bộ năng lượng cho con mà bỏ bê những thành viên khác trong gia đình. Vợ/chồng và anh/chị/em có thể cảm thấy không được chú ý và trở nên ghen tị với em bé.
  • Trách móc lẫn nhau.

Dịch Vụ Hỗ Trợ

  • Trao đổi với nhân viên chăm sóc sức khỏe có liên quan về bất kỳ khó khăn nào trong việc chăm sóc con cái, ví dụ như các vấn đề về cho ăn, tiêm phòng vắc-xin, đi tiêu đều đặn và sự phát triển của trẻ.
  • Vui lòng đọc các tờ thông tin về sức khỏe “Sức Khỏe Tâm Thần Sau Khi Sinh’ và “Cô ấy có thai rồi! Tôi có thể làm gì để quan tâm đến cảm xúc của cô ấy?”, của chúng tôi, xem video “ Đối xử tốt với bản thân” của chúng tôi và tham dự bất kỳ hội thảo nào do MCHC tổ chức.
  • Nếu gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc hoặc lo lắng về các vấn đề gia đình, quý vị có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung Tâm Dịch Vụ Gia Đình trong cộng đồng.
  • Chúng tôi hoan nghênh quý vị liên hệ với nhân viên chăm sóc sức khỏe để biết thêm thông tin về các tổ chức cung cấp dịch vụ.

Chúng tôi tổ chức một số hội thảo và phân phát tờ thông tin về chủ đề “Happy Parenting!” (Bố Mẹ Vui Vẻ, Con Trẻ Hạnh Phúc) cho những người sắp làm bố mẹ, đang làm bố mẹ của trẻ sơ sinh và trẻ mẫu giáo. Vui lòng liên hệ với nhân viên y tế của chúng tôi để biết thông tin.