Chế Độ Ăn Uống Lành Mạnh cho trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi (3) Giai đoạn sẵn sàng bắt đầu (12- 24 tháng tuổi)

(Sửa đổi nội dung vào Tháng 12 năm 2019)

Hành vi ăn uống của trẻ từ 1 đến 2 tuổi

  • Trẻ thích ngồi ăn chung và dùng chung thức ăn với gia đình;
  • Trẻ có thể dùng cốc để uống và dùng thìa để tự xúc ăn;
  • Giờ đây, trẻ ít sẵn lòng thử món ăn mới hơn trước;
  • Trẻ trở nên mất kiên nhẫn nếu thời gian ăn quá dài;
  • Trẻ không ăn nhiều trong một bữa;
  • Trẻ sử dụng hành động và lời nói để cho quý vị biết trẻ muốn ăn gì, và cho biết khi nào trẻ đã no.

Sự tăng trưởng phát triển của con quý vị

Trẻ vẫn phát triển nhanh nhưng tăng cân chậm lại sau khi trẻ được 1 tuổi. Khi trẻ cao hơn, trẻ có thể trông bớt mũm mĩm hơn.

Kết hợp thực phẩm để thiết lập chế độ ăn uống cân bằng

(Xem video liên quan: http://s.fhs.gov.hk/myjdj)

  • Cho trẻ ăn các loại thực phẩm thuộc 5 nhóm thực phẩm mỗi ngày;
  • Lần lượt cho trẻ ăn các loại thực phẩm đa dạng;
  • Cho trẻ ăn một lượng sữa phù hợp;
  • Tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ.

Thực đơn hàng ngày cho trẻ

Hạt
  • 1 đến 2 bát
  • Cho trẻ ăn một số loại thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt, chẳng hạn như gạo lứt và bánh mì nguyên cám.
Cá, thịt, trứng và đậu
  • 2-4 thìa canh đầy;
  • Tránh ăn các loại cá săn mồi cỡ lớn (như cá kiếm, cá mập hoặc cá ngừ lớn);
  • Bảo quản và rã đông thịt đúng cách. Thịt đông lạnh và thịt tươi cung cấp các chất dinh dưỡng giống nhau.
Rau củ
  • 4-8 thìa canh đầy
Trái cây
  • ¼-½ bát trái cây cắt miếng;
  • Trái cây cung cấp nhiều chất xơ hơn nước ép trái cây;
  • Cho trẻ ăn các loại trái cây có màu sắc khác nhau
Sữa và Các Sản Phẩm Từ Sữa
  • 360-480 ml

Hỏi và Đáp: Con tôi có thể ăn thức ăn được nêm muối hoặc nước sốt không?

  • Có thể nêm một lượng muối hạn chế. Việc dung nạp lượng muối cao khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao trong tương lai;
  • Sử dụng gừng, tỏi hoặc hành lá thay thế cho gia vị;
  • Hạn chế thực phẩm chứa nhiều muối như xúc xích, thực phẩm đóng hộp, thực phẩm ngâm muối và đồ ăn nhẹ có vị mặn.
  • Sử dụng lượng dầu thực vật phù hợp khi nấu ăn.

Để biết thêm thông tin, xin vui lòng tham khảo bảng quy đổi thực phẩm trong tập sách “Hướng Dẫn Lập Kế Hoạch Bữa Ăn Lành Mạnh trong 7 ngày cho trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi”.

Lượng sữa phù hợp

(Xem thông tin liên quan: http://s.fhs.gov.hk/aify0)

Sữa mẹ
  • Tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ cho đến khi trẻ được 2 tuổi trở lên
  • Sữa mẹ cung cấp cho trẻ các kháng thể chống nhiễm trùng, và cũng có lợi cho sức khỏe lâu dài của quý vị và con quý vị.
Sữa công thức
  • Khi con quý vị ăn nhiều loại thực phẩm đa dạng trong bữa ăn thì sữa không còn là nguồn dinh dưỡng chính nữa;
  • Trẻ có thể uống 360-480 ml sữa mỗi ngày. Cho trẻ uống sữa hai đến ba lần một ngày;
  • Quý vị có thể cho trẻ uống sữa (khoảng 120 ml) trong một cốc nhỏ cùng với việc ăn các thực phẩm khác vào bữa sáng hoặc uống sữa trong bữa ăn nhẹ;
  • Việc để trẻ uống quá nhiều sữa sẽ làm giảm cảm giác thèm ăn của trẻ đối với các thực phẩm khác.
Sữa và các sản phẩm từ sữa
  • Trẻ trên 1 tuổi có thể chuyển sang uống sữa bò nguyên béo;
  • Quý vị có thể chọn sữa bò tươi, sữa tiệt trùng nhiệt độ siêu cao (UHT) hoặc sữa bột nguyên béo;
  • Cha mẹ có thể cho trẻ ăn sữa chua hoặc phô mai thay thế sữa;
  • Khi trẻ lên 2 tuổi, trẻ có thể uống sữa ít béo;
  • Sữa công thức chứa nhiều chất sắt và vitamin hơn sữa tươi. Đối với trẻ ăn ít thức ăn rắn hoặc thịt, hoặc trẻ ăn chay, việc uống một lượng sữa công thức phù hợp có thể cung cấp thêm chất sắt cho trẻ;
  • Không thay thế sữa bò bằng sữa đặc vì sữa đặc chứa nhiều đường.

Lượng canxi được cung cấp trong 120 ml sữa bò giống như một lát phô mai hoặc khoảng 100 g sữa chua.

Lưu ý: Những trẻ bị dị ứng với protein sữa bò cần uống sữa công thức đặc biệt. Vui lòng tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế để biết thêm thông tin.

Cai bú bình

Việc cho trẻ duy trì bú bình quá lâu có thể:

  • Gây sâu răng ở trẻ nhỏ;
  • Giảm cảm giác thèm ăn của trẻ đối với các thực phẩm khác, vì trẻ có xu hướng uống sữa nhiều hơn;
  • Khiến trẻ trở nên thừa cân. Hãy cai bú bình cho trẻ khi trẻ được 1 tuổi. Việc cai bú bình sẽ trở nên khó khăn hơn khi trẻ lớn hơn.

Giúp trẻ bỏ bú bình

  • Đầu tiên, thay bình bằng một chiếc cốc trong một cữ ăn vào ban ngày;
  • Khi trẻ đã quen với cốc, hãy cho trẻ uống bằng cốc trong những cữ uống sữa khác. Đến khi trẻ được 18 tháng tuổi, hãy ngừng hẳn việc sử dụng bình.

Những điểm chính

  • Hãy cho trẻ dùng cốc tập uống, hoặc uống bằng ống hút. Quý vị nên ngồi gần trẻ để giúp trẻ nếu cần thiết;
  • Tránh cho trẻ uống cốc ở nơi trẻ thường bú bình;
  • Nếu trẻ đòi bình, hãy cho trẻ ngậm núm vú giả hoặc một chai nước để xoa dịu trẻ.

Lời khuyên dành cho cha mẹ

  • Ban đầu trẻ có thể phản đối. Hãy kiên trì. Đáp lại trẻ bằng cách ôm và hôn trẻ chứ không nhượng bộ;
  • Đảm bảo cả gia đình phối hợp cùng nhau trong quá trình cai bú bình cho trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ cai bú bình thuận lợi.

Cách cắt giảm việc bú bình trước khi đi ngủ?

Lưu ý: Tránh các hoạt động kích thích trước khi đi ngủ.

  • Nếu cần, hãy cho trẻ ăn một ít thức ăn hoặc sữa như bữa ăn nhẹ vào buổi tối.
  • Sau đó, đánh răng cho trẻ, và đưa trẻ đi ngủ.
  • Ôm trẻ và đọc sách truyện có tranh với trẻ. Khi trẻ bình tĩnh lại, trẻ sẽ ngủ thiếp đi.

Cách sắp xếp bữa ăn hàng ngày?

  • Trẻ cần được ăn 3 bữa cộng với 2 hoặc 3 bữa ăn nhẹ mỗi ngày;
  • Cha mẹ nên cho trẻ ăn bữa ăn nhẹ tốt cho sức khỏe vào khoảng 2 đến 3 tiếng sau bữa ăn chính để trẻ nạp thêm năng lượng và các chất dinh dưỡng;
  • Sắp xếp để trẻ dùng bữa cùng với gia đình;
  • Thiết lập lịch ăn thường xuyên phù hợp với thói quen, hoạt động của gia đình và trẻ.

Dùng chung đồ ăn với gia đình

  • Cho trẻ lựa chọn thực phẩm trong mỗi bữa ăn bằng cách chế biến 2 đến 3 món ăn với ít nhất 3 đến 4 loại thực phẩm;
  • Đưa vào bữa ăn cả các món ăn mà trẻ thích và các món ăn mà trẻ không quen ăn hoặc không thích.

Hỏi và Đáp: Con tôi đôi khi rất kén ăn và ăn ít. Liệu trẻ có hấp thu đủ chất dinh dưỡng không?

  • Khẩu vị của trẻ thay đổi tùy từng ngày. Việc trẻ thích và không thích thức ăn cũng thay đổi. Trẻ sẽ ăn nhiều hơn vào một số ngày và ít hơn vào những ngày khác;
  • Hãy cho trẻ ăn các loại thực phẩm từ mỗi nhóm thực phẩm theo tỷ lệ thích hợp. Trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 tuần, trẻ sẽ hấp thụ được mức trung bình những thực phẩm mà trẻ cần.

Lời khuyên dành cho cha mẹ

  • Khi trẻ buồn ngủ, trẻ sẽ không muốn ăn;
  • Tránh cho trẻ ăn vặt thường xuyên vì điều này có thể làm giảm cảm giác thèm ăn của trẻ với các bữa ăn chính.

Chọn đồ ăn nhẹ cho trẻ

  • Hãy chọn các loại đồ ăn thường không có trong các món ăn của gia đình;
  • Khẩu phần ăn nên ít hơn so với các bữa ăn chính;
  • Chỉ nên thỉnh thoảng mới cho trẻ ăn đồ ngọt.
  • Hạn chế cho trẻ uống nước trái cây ở mức 120 ml mỗi ngày và cho trẻ uống nước trái cây bằng cốc. Không nên thay thế nước cho trẻ bằng nước trái cây hoặc đồ uống có đường.
  • Đọc nhãn dinh dưỡng thực phẩm để chọn thực phẩm có hàm lượng đường, natri và chất béo thấp hơn khi mua thực phẩm chế biến sẵn.
  • Có thể cho trẻ ăn trái cây, sữa, sữa chua nguyên chất hoặc phô mai, bánh mì, bánh sandwich, bột yến mạch, khoai lang hấp và ngô luộc thường xuyên hơn.
  • Chỉ nên thỉnh thoảng cho trẻ ăn đồ ăn ngọt. Ví dụ như sữa chua hoa quả thêm đường, bánh quy, bánh muffin, nước ép trái cây, nho khô, ngũ cốc ăn sáng, món tráng miệng làm từ đậu Trung Quốc có tảo bẹ hoặc đậu phụ, v.v.

Uống đủ nước

  • Cho trẻ uống nước sau các bữa ăn chính hoặc sau khi ăn đồ ăn nhẹ và sau khi hoạt động thể chất;
  • Khi thời tiết nóng hoặc trẻ bị sốt, trẻ sẽ cần uống nhiều nước hơn;
  • Đặt những chiếc cốc nhỏ được đổ đầy nước ở những vị trí trong tầm với của trẻ để trẻ có thể tự mình uống nước.
  • Uống đủ nước sẽ làm giảm các vấn đề với phân.

Hỏi và Đáp: Làm thế nào để tôi có thể biết con tôi có uống đủ nước hay không?

Lượng nước hấp thụ ở trẻ là đủ nếu trẻ đi tiểu từ 3 đến 4 giờ một lần. Nước tiểu nên có màu nhạt và không có mùi mạnh.

Cung cấp thực phẩm có các kết cấu khác nhau

  • Sau 1 tuổi, trẻ có thể nhai và nuốt thức ăn với một số kết cấu nhất định. Trẻ có thể thích ăn cơm mềm hơn là cháo;
  • Khi trẻ mọc răng hàm, trẻ có thể thử ăn các loại thức ăn dai hơn hoặc cứng hơn;
  • Khi trẻ được khoảng 2 tuổi, trẻ có thể ăn hầu hết các loại thực phẩm cùng gia đình.

Ví dụ về các món ăn dành cho trẻ khoảng 1 tuổi

  • Cháo đặc hoặc cơm mềm
  • Thịt và rau xắt nhỏ, nấu mềm

Ví dụ về các món ăn dành cho trẻ khoảng 1½ tuổi

  • Cơm mềm
  • Miếng rau và thịt cắt nhỏ
  • Đoạn mì cắt ngắn
  • Những lát trái cây mỏng

Ví dụ về các món ăn dành cho trẻ khoảng 2 tuổi

  • Cơm có kết cấu tương tự như cơm dành cho người lớn
  • Đoạn mì cắt ngắn
  • Miếng thịt nhỏ và đoạn rau ngắn

Lời khuyên: Một số trẻ không thích ăn thức ăn trộn lẫn với nhau. Một số trẻ không thích ăn thức ăn với nước sốt.

Coi chừng mắc nghẹn

Chỉ cho trẻ ăn khi trẻ đã ngồi ngay ngắn. Điều này giúp ngăn ngừa nguy cơ bị mắc nghẹn. Tránh cho trẻ ăn các thực phẩm có thể dễ dàng gây nghẹn sau đây:

  • Các loại hạt, đậu phộng và kẹo, v.v.;
  • Các loại thực phẩm có kết cấu dai hình tròn như thịt viên (chả cá, v.v.), viên thạch nhỏ, xúc xích và xíu mại;
  • Thực phẩm dính như bánh bao gạo nếp và kẹo dẻo.

Giúp trẻ ăn đúng cách

(Xem thông tin liên quan: http://s.fhs.gov.hk/j34up)

Ngoài việc cung cấp nhiều loại thực phẩm đa dạng, điều quan trọng là quý vị cần thiết lập thói quen ăn uống và chuẩn bị cho trẻ các bữa ăn:

Thiết lập thói quen ăn uống

  • Cung cấp cho trẻ 3 bữa ăn chính cộng với 2 hoặc 3 bữa ăn nhẹ vào khung giờ thường xuyên;
  • Hãy để trẻ ăn ở bàn ăn với các thành viên khác trong gia đình;
  • Cho trẻ ngồi ở cùng một chỗ;
  • Tránh cho trẻ ăn đồ ăn nhẹ hoặc đồ uống trong vòng 2 giờ trước hoặc sau bữa ăn chính;
  • Đặt ra khoảng thời gian 30 phút cho mỗi bữa ăn.

Lời khuyên: Khi trẻ nhìn thấy gia đình ăn cùng một loại thức ăn, trẻ sẽ sẵn lòng thử ăn món đó hơn.

Mối Lo Lắng của Cha Mẹ: Chỉ 30 phút thôi ư! Con trai tôi sẽ không ăn đủ trong thời gian ngắn như vậy!

Trẻ mới biết đi có chiếc bụng khá nhỏ. Thông thường trẻ sẽ ăn no trong vòng 20 đến 30 phút. Thay vì bắt trẻ ăn quá nhiều, hãy cho trẻ ăn đồ ăn nhẹ tốt cho sức khỏe trong vài giờ để trẻ hấp thụ được loại chất dinh dưỡng và năng lượng khác.

Chuẩn bị cho trẻ trước bữa ăn

  • Hãy chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng bằng cách thực hiện một hoạt động thường xuyên, như rửa tay. Điều đó cho trẻ biết rằng "Đã đến giờ ăn rồi";
  • Đưa trẻ đến bàn ăn chỉ khi đã dọn sẵn thức ăn;
  • Cất dọn các đồ vật gây mất tập trung: tắt TV, cất đồ chơi và vật dụng có thể gây hại cho trẻ.

Lời khuyên

Khi trẻ nhìn thấy gia đình ăn cùng một loại thức ăn, trẻ sẽ sẵn lòng thử ăn món đó hơn.

Những điều này có xảy ra trong giờ ăn của con quý vị không?

Cha mẹ sử dụng nhiều phương pháp để cho con mình ăn, để trẻ có thể ăn nhiều hơn. Những phương pháp này có thể gây ra vấn đề hơn là giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống tốt.

Cạm bẫy 1: Cho trẻ ăn khi trẻ vừa thức dậy hoặc đang chơi hào hứng.

  • Hậu quả có thể xảy ra: Khi trẻ chưa sẵn sàng để ăn, trẻ sẽ cáu giận và từ chối ăn.
  • Gợi ý cho cha mẹ: Thiết lập một số hoạt động thường ngày với trẻ vào 10 phút trước bữa ăn để chuẩn bị cho trẻ ăn.

Cạm bẫy 2: Thường để trẻ ăn hoặc cho trẻ ăn một mình.

  • Hậu quả có thể xảy ra: Khi trẻ ăn một mình sẽ làm giảm cảm giác thèm ăn của trẻ. Trẻ khó thích nghi hơn với việc ăn nhiều loại thực phẩm.
  • Gợi ý cho cha mẹ: Lên kế hoạch và sắp xếp để trẻ có thể ăn cùng quý vị hoặc những người chăm sóc khác.

Cạm bẫy 3: Cho trẻ ăn vặt hoặc uống sữa ngay sau bữa ăn không như mong muốn.

  • Hậu quả có thể xảy ra: Trẻ sẽ học được rằng "Nếu mình từ chối ăn, mình có thể có món ăn mà mình thích". Trẻ sẽ trở nên om sòm hơn trong giờ ăn.
  • Gợi ý cho cha mẹ: Cho trẻ lựa chọn từ 2 đến 3 món ăn trên bàn ăn; nếu cần, cho trẻ ăn nhẹ sớm hơn một chút.

Cạm bẫy 4: Cho trẻ chơi đồ chơi và đi theo sau trẻ để cho trẻ ăn.

  • Hậu quả có thể xảy ra: Điều này khiến cho trẻ nghĩ rằng việc chơi hoặc chạy nhảy trong khi ăn là điều nên làm trong giờ ăn. Trẻ cũng có thể ăn quá nhiều.
  • Gợi ý cho cha mẹ: Cho trẻ ngồi lên ghế để ăn. Ngừng cho trẻ ăn khi trẻ có biểu hiện rằng trẻ đã no.

Cạm bẫy 5: Chỉ cho trẻ ăn những món ăn mà trẻ thích.

  • Hậu quả có thể xảy ra: Việc không được chọn để thử ăn các loại thực phẩm khác sẽ khiến trẻ trở nên kén ăn.
  • Gợi ý cho cha mẹ: Đưa vào bữa ăn cả những món ăn mà trẻ thích và không thích.

Tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn

  • Trò chuyện với trẻ, mô tả những thứ mà trẻ đang ăn và khen ngợi trẻ khi trẻ cư xử tốt;
  • Tránh giục giã trẻ hoặc đưa ra những bình luận tiêu cực vì điều này có thể làm giảm cảm giác thèm ăn của trẻ;
  • Ngừng cho trẻ ăn khi trẻ có biểu hiện rằng trẻ đã no.

Khuyến khích trẻ tự ăn

Hãy để trẻ tự ăn trong khi cho trẻ ăn. Thông thường, trẻ từ 18 đến 24 tháng tuổi có thể tự ăn. Quý vị có thể:

  • Đưa cho trẻ một chiếc thìa để trẻ cầm, trong khi quý vị cho trẻ ăn bằng một chiếc thìa khác;
  • Theo dõi và hỗ trợ trẻ;
  • Dần dần ít giúp trẻ hơn để trẻ học cách ăn độc lập;
  • Khen ngợi trẻ thật nhiều.

Hỏi và Đáp: Liệu con tôi có ăn đủ không?

Trẻ mới biết đi có thể biểu hiện khi trẻ đã ăn đủ. Đừng ép trẻ ăn thêm.

Khi trẻ mới biết đi đã ăn no, trẻ sẽ:

  • Tỏ ra mất tập trung;
  • Ngậm thức ăn trong miệng;
  • Chơi với thức ăn;
  • Lắc đầu, đẩy thìa đi, hoặc nổi giận khi được cho ăn;
  • Trẻ có thể nói với quý vị rằng trẻ đã ăn xong và rời khỏi chỗ ngồi của mình.

Phát triển hành vi ăn uống phù hợp

Trẻ muốn được cha mẹ quan tâm. Khi trẻ cư xử tốt, hãy chú ý và khen ngợi trẻ ngay lập tức.

Khen ngợi trẻ khi trẻ cư xử tốt

  • Mỉm cười với trẻ, vỗ nhẹ vào người trẻ hoặc giơ ngón tay cái lên khi trẻ hợp tác, chẳng hạn như khi trẻ ngồi đúng tư thế trên ghế, hoặc thử một món ăn mới;
  • Hãy cho trẻ biết những việc mà trẻ đã làm tốt, chẳng hạn như nói "Con hãy ngồi xuống và ăn ngon miệng nhé! Như thế mới đáng yêu!", thay vì nói "Hôm nay con không được chạy lung tung đâu".

Khi trẻ cư xử không đúng mực

  • Tìm hiểu xem trẻ đã ăn đủ chưa;
  • Đối với các hành vi sai không đáng kể, chẳng hạn như khóc, nghịch đồ ăn hoặc thìa hoặc các hành vi lôi kéo sự chú ý khác, tốt nhất là sử dụng phương pháp "phớt lờ có chủ ý".

Phớt lờ có chủ ý

  • Bước 1: Đảm bảo trẻ an toàn;
  • Bước 2: Không để ý đến trẻ;
    • Lưu ý: Khi trẻ không nhận được phản hồi từ quý vị, hành vi của trẻ có thể trở nên tồi tệ hơn lúc đầu. Nếu quý vị kiên trì, trẻ sẽ dừng lại khi biết rằng hành vi đó không thể thu hút sự chú ý của quý vị.
  • Bước 3: Ngay khi trẻ dừng hành vi sai trái, hãy chú ý đến trẻ ngay. Hướng sự chú ý của trẻ vào bữa ăn một lần nữa;
    Bước 4: Khi trẻ hợp tác và tiếp tục ăn, hãy khen ngợi trẻ.
    Nếu quý vị làm theo các bước này, trẻ sẽ hiểu rằng trẻ không thể thu hút sự chú ý của quý vị bằng những cơn giận dữ.

Lời Khuyên từ Nhà Tâm Lý Học:

Phản ứng với hành vi sai trái của trẻ bằng cách quát trẻ hoặc lau mặt trẻ sẽ khiến trẻ có nhiều khả năng có biểu hiện hành vi sai trái để thu hút sự chú ý của quý vị. Tất cả các thành viên trong gia đình nên xử lý các hành vi sai trái của trẻ theo cùng một cách giống nhau.

Sê-ri Làm Cha Mẹ (8) - "Kỷ Luật Trẻ Ở Độ Tuổi Tập Đi Theo Cách Tích Cực" sẽ cung cấp cho quý vị nhiều lời khuyên hơn về việc quản lý hành vi của trẻ mới biết đi.

Kén ăn

Bắt đầu từ năm hai tuổi, việc trẻ em trở nên "kén ăn" là điều thường gặp. Hầu hết tình trạng này sẽ cải thiện theo thời gian. Nếu xử lý đúng cách sẽ giúp con quý vị không hình thành thói quen ăn uống không tốt.

Tại sao trẻ trở nên kén ăn?

  • Trẻ từ 1 đến 2 tuổi trở nên cảnh giác khi thử những món ăn lạ;
  • Một số trẻ bộc lộ cảm xúc thích và không thích mạnh mẽ;
  • Một số trẻ nhạy cảm với loại kết cấu hoặc hương vị thực phẩm cụ thể;
  • Nếu trẻ uống quá nhiều sữa cũng sẽ dẫn đến việc trẻ không hứng thú với thực phẩm.

Những việc nên làm và không nên làm với những trẻ kén ăn

Những việc nên làm

  • Ăn cùng trẻ thường xuyên nhất có thể và ăn thức ăn mà trẻ không thích;
  • Cho trẻ lựa chọn bằng cách đưa ra 3 đến 4 món ăn khác nhau trong mỗi bữa ăn;
  • Nấu và trình bày các món ăn theo những hình thức khác nhau, như cho trẻ ăn súp cà chua xay nhuyễn thay vì quả cà chua;
  • Giúp trẻ làm quen với thức ăn bằng cách cho trẻ xem món ăn thực tế hoặc hình ảnh thật của món ăn đó.

Những việc không nên làm

  • Trộn món ăn mà quý vị muốn trẻ ăn với món ăn ưa thích của trẻ;
  • Nói với trẻ rằng trẻ sẽ được thưởng nếu ăn món ăn mà trẻ không thích;
  • Năn nỉ hoặc cằn nhằn để trẻ ăn;
  • Cho trẻ ăn món ăn yêu thích của trẻ ngay sau bữa ăn mà trẻ ăn kém;
  • Chỉ cho trẻ ăn món ăn yêu thích của trẻ;
  • Dựa dẫm vào "công thức trẻ kén ăn" để giải quyết vấn đề.

Hỏi và Đáp: Con trai tôi có cần bổ sung dinh dưỡng không?

  • Trẻ em thường không cần bổ sung dinh dưỡng nếu dung nạp nhiều loại thực phẩm và hấp thụ đầy đủ ánh sáng mặt trời.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu con quý vị từ chối ăn thực phẩm thuộc một nhóm thực phẩm cụ thể, hoặc nếu quý vị muốn cho con quý vị bổ sung thêm.

Xây dựng lối sống lành mạnh

(Xem thông tin liên quan: http://s.fhs.gov.hk/doczw)

Hạn chế đồ ăn vặt có đường, chứa nhiều chất béo

  • Hạn chế bánh quy, bánh kem, khoai tây chiên và đồ uống có đường. Chỉ thỉnh thoảng cho trẻ ăn những thực phẩm này làm đồ ăn nhẹ:
  • Tránh dự trữ đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe ở nhà. Điều này sẽ giúp quý vị tránh được các xung đột nảy sinh từ việc từ chối cho trẻ ăn những thực phẩm này;
  • Tránh dùng đồ ăn vặt để xoa dịu trẻ;
  • Không dùng đồ ăn vặt làm phần thưởng cho trẻ.

Lời khuyên: Trẻ sẽ vui hơn nhiều nếu quý vị khen ngợi, âu yếm, hôn trẻ hoặc cho trẻ đi chơi công viên, thay vì đưa đồ ăn vặt cho trẻ.

Chăm sóc răng miệng của trẻ

Quý vị nên làm sạch răng miệng của trẻ mỗi sáng và tối.
Khi trẻ mọc chiếc răng hàm đầu tiên, hãy chải răng cho trẻ bằng nước uống và bàn chải đánh răng có lông mềm.

Để biết thêm thông tin, xin vui lòng tham khảo tập sách “Chăm Sóc Sức Khỏe Răng Miệng cho Trẻ".

Tránh ngồi lâu

  • Khi không di chuyển, hãy tham gia vào các trò chơi tương tác, khuyến khích đọc sách và kể chuyện cùng với người chăm sóc;
  • Không nên để trẻ 1 tuổi dành nhiều thời gian ngồi trước màn hình mà không vận động (như xem TV hoặc video, chơi trò chơi trên máy tính);
  • Đối với những trẻ 2 tuổi, tổng thời gian ngồi trước màn hình hàng ngày nên được giới hạn trong vòng một giờ. Các hoạt động trên màn hình nên mang tính tương tác và giáo dục, và có sự hướng dẫn của quý vị.

Giúp trẻ hoạt động thể chất

Các hoạt động thể chất rất quan trọng đối với trẻ em. Các hoạt động thể chất giúp tăng cường xương và cơ của trẻ, đồng thời tăng cường chức năng phối hợp cơ thể. Hãy để trẻ hoạt động thể chất nhiều lần trong ngày bằng nhiều cách thức khác nhau như nhảy, chạy, di chuyển cơ thể bằng cách chơi ở nhà hoặc ra ngoài trời.

Tạo môi trường hoạt động an toàn

  • Đảm bảo an toàn tại nhà:
    • Che đậy các ổ cắm điện;
    • Đặt một tấm thảm mềm trên sàn nhà;
    • Gắn các miếng bịt góc vào các góc nhọn của đồ đạc trong nhà.
    Để biết thêm thông tin, vui lòng tham khảo tờ giới thiệu “Con quý vị có an toàn khi ở nhà không?”.
  • Các hoạt động trong nhà:
    • Hãy để trẻ chơi và chạy nhảy trên tấm thảm mềm;
    • Quý vị cũng có thể hát, nhảy hoặc chơi bóng với trẻ.
  • Hoạt động ngoài trời: Đưa trẻ đi chơi trong sân chơi có điều kiện tốt.

    Luôn để mắt đến trẻ khi trẻ chơi.

Chế độ ăn uống lành mạnh cho trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi Giai đoạn sẵn sàng bắt đầu -- Lời nhắc dành cho cha mẹ

  • Khi được khoảng 6 tháng tuổi, nên bắt đầu cho trẻ ăn thức ăn rắn để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Có thể cho trẻ thử ăn thực phẩm xay nhuyễn hoặc nghiền lấy từ thực phẩm trong các bữa ăn gia đình;
  • Khi được khoảng 2 tuổi, nên cho trẻ ăn cùng gia đình có những điều chỉnh nhỏ. Quý vị cũng nên giảm lượng sữa của trẻ xuống còn 360-480 ml mỗi ngày;
  • Cho trẻ 1 tuổi ăn 3 bữa chính và 2 đến 3 bữa phụ vào giờ thường lệ và sắp xếp cho trẻ ăn tối cùng gia đình;
  • Giúp trẻ học cách tự ăn;
  • Cai bú bình cho trẻ khi trẻ được 18 tháng tuổi.

Nếu quý vị có bất kỳ thắc mắc nào về việc cho trẻ ăn, vui lòng tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc y tá của quý vị.

Để biết thêm thông tin về việc chăm sóc sức khỏe răng miệng cho con quý vị, vui lòng truy cập: http://www.toothclub.gov.hk

Thông Tin Liên Quan