Sê-ri Nuôi Dạy Con Cái 19 – Nuôi Dưỡng Đức Tính và Giá Trị ở Trẻ Em 1

(Sửa đổi nội dung vào tháng 12 năm 2019)
  • Dennis, 7 tuổi, không được các bạn đồng lứa và giáo viên hoan nghênh vì cách cư xử thô lỗ của mình. Dường như niềm vui duy nhất của cậu bé ở trường và trong khu phố là bắt nạt người khác. Cậu bé thường xuyên sử dụng bạo lực để đe dọa người khác và để đạt được điều mà mình muốn.
  • Cheri, 10 tuổi, rất thích những món đồ nhỏ hợp thời trang. Khi bị cám dỗ, cô bé thường lấy trộm những món đồ đó từ những bạn đồng trang lứa. Gần đây, bố mẹ cô bé nhận thấy rằng cô bé bắt đầu lấy tiền từ ngăn kéo của họ.

Bố mẹ không bao giờ mong con mình lớn lên trở thành một trong hai kiểu trẻ như vậy. Trẻ thiếu điều gì khiến trẻ có hành vi cư xử như vậy?

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những trẻ này thiếu một số phẩm chất nhất định - những đức tính cốt yếu giúp trẻ làm những điều đúng đắn và đối xử tốt với mọi người xung quanh, ví dụ: sự tử tế, quan tâm, hợp tác, tôn trọng, tự chủ và trách nhiệm. Một số cách nuôi dạy con cái có thể thúc đẩy phát triển các giá trị tích cực và do đó hình thành các đức tính cốt yếu ở trẻ mẫu giáo. Tờ thông tin này nhằm mục đích giới thiệu những phương pháp quan trọng này. Thông tin chi tiết về việc áp dụng các phương pháp này dựa trên các giá trị đã chọn sẽ được thảo luận trong phần II và III của sê-ri này.

Hãy suy nghĩ:

Giá trị của quý vị là gì?

Quý vị có thể tuân theo giá trị của mình không?

Tất cả các thành viên trong gia đình quý vị có các giá trị giống nhau không?

Những đức tính nào quan trọng đối với con quý vị?

Các Chiến Lược Cơ Bản để Vun Đắp Đức Tính ở Trẻ Em (6R1O)

R1: Nêu Gương

  • Hành động thực tế có hiệu quả hơn khuyên răn. Trẻ nhỏ học hỏi qua việc bắt chước theo quý vị mặc dù trẻ có thể không hành động ngay lập tức. Hãy cư xử nhất quán với những điều quý vị nói và chứng minh cho trẻ những đức tính mà quý vị dạy trẻ.

R2: Đặt Kỳ Vọng Thực Tế và Có Thể Đạt Được

  • Đặt ra những kỳ vọng thực tế vào trẻ có nghĩa là hiểu được mức độ khả năng của trẻ và đánh giá cao những thành tích trẻ đạt được. Việc đặt ra những đức tính tốt đẹp có thể đạt được sẽ giúp trẻ biết các tiêu chuẩn cần thiết và cố gắng đạt được mục tiêu.
  • Trước khi trẻ có thể thành thạo các kỹ năng cần thiết phù hợp với lứa tuổi, bố mẹ phải hướng dẫn và giúp trẻ nếu cần để trẻ đạt được. Ví dụ: để một trẻ 3 tuổi chơi hợp tác với những trẻ khác, quý vị sẽ cần hướng dẫn cho trẻ và đặt giới hạn nhất quán và lặp lại nhiều lần.

R3: Công Nhận

  • Việc quý vị chú ý đến hành vi phù hợp với xã hội của trẻ và khen ngợi hành vi mà quý vị đánh giá cao sẽ khuyến khích trẻ lặp lại hành vi mong muốn đó thường xuyên hơn trong tương lai. Hãy nói về hành vi mà quý vị thích khi khen trẻ, ví dụ: "Cảm ơn con vì đã chơi trật tự khi mẹ đang nghe điện thoại".*

R4: Biểu Đồ Khen Thưởng và Hành Vi*

  • Một số trẻ cần được giúp đỡ nhiều hơn trong việc thiết lập hành vi mong muốn mới. Quý vị có thể thử sử dụng biểu đồ hành vi để tạo thêm động lực cho trẻ. Khen ngợi và tặng cho trẻ một nhãn dán khi trẻ có thể thực hiện hành vi mục tiêu như kiểm soát cảm xúc của mình hoặc giúp đỡ làm việc nhà.
  • Khi trẻ đã đạt được mục tiêu đặt ra trong một thời gian ngắn nhất định, quý vị có thể thưởng cho trẻ một phần thưởng nhỏ, chẳng hạn như một món quà đặc biệt để duy trì hành vi đó.
  • Hãy nhớ rằng chiến lược chỉ để sử dụng trong thời gian ngắn. Để giúp trẻ thường xuyên thực hiện hành vi mới và thực hiện hành vi đó để có cảm giác thành công thay vì được đền đáp, quý vị nên luôn áp dụng chiến lược để trẻ được công nhận về mặt xã hội. Đồng thời, nên cắt giảm dần những yếu tố củng cố hữu hình.

R5: Đặt Ra Quy Tắc kèm theo Hậu Quả

  • Đặt ra giới hạn trong cuộc sống hàng ngày là điều thiết yếu trong việc dạy trẻ biết tuân theo các quy tắc, tôn trọng người khác và chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Một điều quan trọng nữa là phải kiểm soát ở một mức độ nhất định để định hướng trẻ đến những hành vi phù hợp trước khi trẻ học được tính tự chủ.
  • Việc để trẻ trải nghiệm hậu quả có căn cứ nếu vi phạm các quy tắc, vượt quá giới hạn hoặc không tuân thủ sẽ củng cố hiểu biết của trẻ về thế nào là đúng hoặc sai. Ví dụ: không kể chuyện trước khi đi ngủ nếu đi ngủ muộn hoặc phải có thời gian yên tĩnh trong 5 phút nếu bị bắt gặp đánh nhau.* Có thể cần áp dụng các quy tắc khác nhau cho các tình huống khác nhau.
  • Khi các quy tắc luôn được hỗ trợ bởi các hậu quả và quý vị chú ý và khen ngợi tích cực một cách nhất quán cho hành vi mong muốn, trẻ sẽ dần dần học được những tiêu chuẩn được kỳ vọng ở mình, ngay cả trong các hoàn cảnh khác nhau.

* Tờ thông tin 1516 trong sê-ri Nuôi Dạy Con Cái này giải thích chi tiết hơn về các chiến lược nuôi dạy con cái tích cực.

R6: Lý Luận/Suy Luận

  • Phương pháp giải thích và lý luận nhấn mạnh hậu quả từ hành động của người này đối với người khác được gọi là suy luận.
  • Nêu gương có ý nghĩa quan trọng hơn lý luận. Tuy nhiên, đôi khi quý vị phải giải thích kèm theo thảo luận với trẻ để đưa ra những giá trị và niềm tin ẩn sau hành động. Đây có thể là phương tiện mạnh mẽ để nuôi dưỡng các đức tính và giá trị.
  • Hãy luôn đưa ra lý do cho trẻ trước khi quý vị áp dụng chiến lược hành vi để dạy trẻ tại sao có một số hành vi lại được những người khác ưa thích. Đối với trẻ mẫu giáo nhỏ hơn, chỉ cần nêu rõ ảnh hưởng trực tiếp đến người khác và hậu quả có thể xảy ra mà trẻ sẽ phải chịu, ví dụ: "Con sẽ làm thương em trai khi con đẩy em. Khi đó, con sẽ phải dành 2 phút cho thời gian yên tĩnh để bản thân bình tĩnh lại".
  • Hãy nhớ không lý luận với trẻ ngay sau khi xảy ra hậu quả để không kich động lại cảm xúc của trẻ.
  • Trong các cuộc trò chuyện hàng ngày với trẻ, quý vị cũng có thể sử dụng các diễn biến hàng ngày để thảo luận tại sao một người làm điều gì đó và hành động đó có thể ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Ví dụ: quý vị có thể hỏi trẻ tại sao một người nào đó trong bản tin lại cướp tiền và điều đó sẽ ảnh hưởng đến những người khác như thế nào, đồng thời giúp trẻ tự đưa ra câu trả lời. Điều này sẽ làm tăng sự tôn trọng của trẻ dành cho người khác và khả năng trẻ đặt mình vào vị trí người khác.

O1: Thảo Luận Cởi Mở

  • Quý vị nên tạo ra các cơ hội thảo luận cởi mở trong gia đình để các thành viên bày tỏ quan điểm của mình. Các sự kiện hàng ngày sẽ là nguồn thông tin phù hợp cho các cuộc trao đổi như vậy.
  • Quý vị cũng có thể tổ chức thảo luận cởi mở sau khi đọc một cuốn truyện có chủ đề về các giá trị. Chọn một cuốn truyện thú vị và phù hợp với trình độ đọc của trẻ và đọc cùng trẻ. Sau đó, thảo luận với trẻ về hành vi của các nhân vật và hỏi về cảm xúc của trẻ đối với các nhân vật đó.
  • Nếu bố mẹ có thái độ cởi mở, cho phép trẻ bày tỏ ý kiến của mình thì sẽ có thể tìm hiểu thêm về lý luận của trẻ. Vì vậy, hãy lắng nghe những điều trẻ nói. Khen ngợi trẻ vì đã đưa ra những nhận xét mang tính xây dựng hoặc sáng tạo. Sử dụng suy luận để thảo luận với trẻ những điều trẻ chưa nghĩ ra hoặc những điều chưa đúng. Ví dụ: trẻ tức giận với một người bạn đến mức muốn đánh người bạn ấy. "Bố/Mẹ có thể thấy con đang rất tức giận với John. Đó là một cách để con phản ứng. Điều gì sẽ xảy ra nếu con đánh bạn?" "Con có thể nghĩ ra cách nào khác tốt hơn để nhìn nhận/thực hiện việc đó không?"

Có thể tổng hợp các chiến lược trên thành "6R1O". Hãy áp dụng chiến lược một cách kiên nhẫn. Trẻ em cần được giảng dạy và chỉ bảo lặp đi lặp lại nhiều lần để củng cố việc học hỏi của mình. Đừng ngạc nhiên khi thấy trẻ đã quên những điều bạn đã dạy trẻ hết lần này đến lần khác. Theo thời gian, quý vị sẽ thấy sự kiên trì và nhẫn nại của mình được đền đáp.

Chúng tôi tổ chức một loạt hội thảo và phân phát tờ thông tin về chủ đề "Happy Parenting!" (Bố Mẹ Vui Vẻ, Con Trẻ Hạnh Phúc) cho những người sắp làm bố mẹ, đang làm bố mẹ của trẻ sơ sinh và trẻ mẫu giáo. Vui lòng liên hệ với nhân viên y tế của chúng tôi để biết thông tin.