Xét Nghiệm Máu Trước Sinh

(Sửa đổi nội dung vào tháng 01 năm 2020)(In lại vào 06/2020)

Trong lần khám thai đầu tiên, phụ nữ mang thai được làm các xét nghiệm máu sau:

  1. Xác Định Nhóm Máu

    Điều quan trọng là cần biết nhóm máu của thai phụ để phòng trường hợp cần truyền máu. Bốn nhóm máu chính là O, A, B và AB.

  2. Yếu Tố Rhesus (Rh)

    Yếu tố Rh là một kháng nguyên được tìm thấy trong các tế bào hồng cầu. Những người có yếu tố này được phân loại là "Rh dương" và những người không có yếu tố này là "Rh âm".

    Phần lớn dân số Trung Quốc có Rh dương. Khi một người mẹ Rh âm mang thai nhi Rh dương, có thể xảy ra các vấn đề ở thai nhi như thiếu máu tán huyết, phù nề hoặc thậm chí tử vong. Khi đó sẽ cần xét nghiệm máu thường xuyên.

  3. Haemoglobin và Thể Tích Tế Bào Trung Bình

    Các xét nghiệm này giúp phát hiện mẹ bầu có bị thiếu máu hay không. Thể tích tế bào trung bình (Mean cell volume, MCV) là một xét nghiệm đơn giản và dễ dàng giúp tìm ra những người có nguy cơ cao mang gen bệnh tan máu bẩm sinh hoặc thiếu máu do thiếu sắt. Vui lòng tham khảo tờ thông tin “Thể tích tế bào trung bình và Bệnh Tan Máu Bẩm Sinh” để biết thông tin chi tiết.

  4. Kháng Thể Rubella

    Phụ nữ đã được tiêm vắc-xin Rubella hoặc mắc bệnh Rubella trước khi thụ thai sẽ phát triển khả năng miễn dịch, nghĩa là có kháng thể Rubella. Điều này có thể bảo vệ họ không bị nhiễm Rubella khi mang thai. Nhiễm rubella có thể gây ra dị tật cho thai nhi. Nếu sản phụ chưa có kháng thể Rubella thì nên tiêm vắc-xin Rubella sau khi sinh.

  5. Kháng Nguyên Viêm Gan B

    Khoảng tám phần trăm (8%) người dân địa phương là người mang vi-rút Viêm Gan B. Hầu hết những người mang mầm bệnh này không có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh. Nếu xét nghiệm máu dương tính với kháng nguyên Viêm Gan B thì người mẹ là người mang mầm bệnh. Người mẹ là người mang vi-rút Viêm Gan B có thể truyền vi-rút cho trẻ sơ sinh khi sinh hoặc vào khoảng thời gian sắp sinh. Trẻ sơ sinh nên được tiêm phòng Viêm Gan B và tiêm globulin miễn dịch Viêm Gan B sau khi sinh để bảo vệ trẻ không bị nhiễm Viêm Gan B.

    Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập trang web Văn Phòng Kiểm Soát Bệnh Viêm Gan do Vi-rút của Bộ Y Tế.

  6. Bệnh giang mai

    Bệnh giang mai trong thời kỳ mang thai không được điều trị có thể dẫn đến sảy thai hoặc gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi như mù hoặc điếc. Vì vậy, cần phải phát hiện và điều trị sớm.

  7. Xét Nghiệm Kháng Thể Vi-Rút Gây Suy Giảm Miễn Dịch Ở Người (HIV)

    HIV có thể gây ra Hội Chứng Suy Giảm Miễn Dịch Mắc Phải (Acquired Immune Deficiency Syndrome, AIDS). Các đường lây truyền bao gồm quan hệ tình dục, tiếp xúc qua đường máu hoặc từ người mẹ bị nhiễm bệnh sang con khi mang thai, sinh nở hoặc cho con bú. Tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con là 15%-40%. Tỷ lệ lây truyền có thể giảm xuống còn 1-2% nếu được điều trị và phòng ngừa hiệu quả trong quá trình mang thai, trong khi sinh và cho trẻ sau khi sinh.

Vui lòng liên hệ với nhân viên y tế nếu quý vị có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến các xét nghiệm máu nêu trên.