Đi Du Lịch Khi Mang Thai

Nếu quý vị quyết định đi du lịch khi mang thai, quý vị phải chuẩn bị và lên kế hoạch kỹ lưỡng. Quý vị có thể mắc bệnh hoặc các vấn đề sản khoa không mong muốn như sinh non trong quá trình di chuyển. Quý vị cũng có thể gặp các vấn đề khác liên quan đến du lịch như an toàn thực phẩm, bệnh truyền nhiễm hoặc thậm chí là tai nạn giao thông.

Quý vị nên cân nhắc những câu hỏi sau trước khi đưa ra quyết định về chuyến bay và việc đi du lịch.

  1. Chuyến đi của quý vị có cần thiết không?
  2. Bảo hiểm du lịch của quý vị có chi trả cho việc mang thai hoặc các biến chứng liên quan đến thai kỳ không?
  3. Bảo hiểm du lịch của quý vị có chi trả cho việc chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh trong trường hợp sinh non hoặc các biến chứng khác không?
  4. Quý vị đã thảo luận với bác sĩ sản khoa về mối quan ngại của quý vị hoặc các vấn đề y tế chưa?
  5. Quý vị có kế hoạch gì nếu bất kỳ tình trạng bất ngờ nào trong quá trình du lịch làm trì hoãn lịch trình trở về nhà ban đầu của quý vị?

Thời điểm đi du lịch

Quý vị có thể gặp các triệu chứng nôn mửa hoặc thậm chí dọa sảy thai trong kỳ ba tháng đầu tiên. Mặt khác, du lịch trong kỳ ba tháng thứ ba cũng có thể khiến quý vị mệt mỏi và khó chịu. Các hãng hàng không sẽ không cho phép quý vị bay vào cuối thai kỳ. Vui lòng kiểm tra với hãng hàng không và công ty bảo hiểm của quý vị trước khi bay.

Kỳ ba tháng thứ hai có thể là một thời điểm phù hợp hơn để đi du lịch. Nói chung, cơ hội chuyển dạ của quý vị sẽ ngày càng tăng lên theo thai kỳ.

Xin lưu ý rằng quý vị có thể không được tiếp cận với các biện pháp kiểm soát thích hợp đối với chuyển dạ sinh non hoặc các bệnh lý sản khoa khác trong quá trình di chuyển bằng máy bay hoặc du lịch khi mang thai.

Tránh đi lại khi quý vị đang đợi kết quả xét nghiệm; nếu không quý vị có thể bỏ lỡ cơ hội được kiểm soát kịp thời.

Có những rủi ro hoặc sự cố nào trong quá trình bay?

  1. Huyết khối tĩnh mạch sâu (Deep Vein thrombosis, DVT)

    DVT là một cục máu đông hình thành ở chân hoặc xương chậu của quý vị. DVT có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt nếu di chuyển đến phổi của quý vị. Quý vị sẽ có nguy cơ mắc DVT cao hơn nếu đang mang thai và cho đến sáu tuần sau khi sinh.

    Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc DVT cao hơn

    • Béo phì
    • Đa thai
    • Rối loạn huyết khối di truyền
    • Tiền sử gia đình có nhiều người mắc DVT
    • Bệnh trạng làm tăng nguy cơ mắc DVT

     

  2. Nghẹt mũi hoặc các vấn đề với tai của quý vị

    Khả năng bị ù tai trong khi bay sẽ gia tăng. Sự thay đổi áp suất không khí kết hợp với mũi bị tắc nghẽn có thể khiến quý vị cảm thấy bị ù tai.

  3. Say máy bay

    Quý vị có thể say máy bay nhiều hơn khi di chuyển bằng máy bay.

Có những lời khuyên nào cho việc di chuyển bằng máy bay?

  1. Cố gắng tìm một chỗ ngồi gần lối đi và thường xuyên đi bộ trên máy bay
  2. Thực hiện các bài tập tại chỗ 30 phút một lần
  3. Mặc quần áo và đi giày rộng rãi, thoải mái
  4. Uống nhiều nước và cắt giảm đồ uống có cồn hoặc caffeine
  5. Điều chỉnh dây an toàn để dây cài nằm bên dưới bụng thai của quý vị
  6. Mang vớ nén đàn hồi chia độ trong bất kỳ hành trình nào mà thời gian ngồi kéo dài hơn 4 tiếng.

Trong những trường hợp nào không nên đi máy bay?

  1. Nguy cơ sinh non cao
  2. Thiếu máu nghiêm trọng
  3. Cảy máu âm đạo trong thời gian gần đây
  4. Mới phẫu thuật ổ bụng hoặc gãy xương
  5. Các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng
  6. Các bệnh trạng khác theo lời khuyên của bác sĩ.

Lời khuyên và cân nhắc khi quý vị có kế hoạch đi du lịch

  1. Chọn điểm đến cẩn thận
    • Tránh đến những nơi đang lây lan bệnh truyền nhiễm (ví dụ: vi-rút Zika, sốt xuất huyết dengue)
    • Hãy lưu ý đến bất kỳ cơ sở y tế nào tại nơi quý vị đến trong trường hợp xảy ra bất kỳ bệnh trạng hoặc tình trạng liên quan đến thai kỳ ngoài ý muốn
    • Thảo luận với bác sĩ về bất kỳ nhu cầu tiêm phòng hoặc dùng thuốc nào tại quốc gia quý vị sắp đến

    Quý vị có thể liên hệ với “Cơ Quan Dịch Vụ Y Tế Du Lịch, Bộ Y Tế” và truy cập trang web của họ để biết thêm thông tin, http://www.travelhealth.gov.hk/

  2. Cảnh giác với bệnh do vật trung gian lây truyền và an toàn thực phẩm

    (Vui lòng tham khảo tờ thông tin “Vector-borne diseases” và “Food safety” leaflets)

  3. Mang theo
    • Thuốc quý vị đang dùng
    • Lưu ý về thai kỳ
    • Giấy tờ bảo hiểm du lịch

Sử dụng suối nước nóng trong thai kỳ có an toàn không?

Phụ nữ mang thai dễ cảm thấy nóng hơn và dễ ngất xỉu do thay đổi nội tiết tố khi mang thai. Khi quý vị ngâm mình trong suối nước nóng hoặc tắm hơi, cơ thể quý vị không thể thoát nhiệt bằng cách đổ mồ hôi và nhiệt độ cơ thể của quý vị sẽ tăng lên. Khi lượng máu đến da nhiều hơn để giúp cơ thể hạ nhiệt và lượng máu lên não ít hơn, quý vị có thể bị ngất thường xuyên hơn. Do đó, tốt hơn là tránh sử dụng phòng xông hơi khô, suối nước nóng và phòng xông hơi ướt trong khi mang thai.