Sê-ri Nuôi Dạy Con Cái 18 – Học Tập Vui Vẻ II

(Sửa đổi nội dung vào tháng 12 năm 2019)

Trong nội dung Học Tập Vui Vẻ I, chúng ta nói về việc trẻ cần trải qua khó khăn, học cách đối mặt với thất bại, cố gắng tự giải quyết vấn đề và học hỏi từ những sai lầm. Tuy nhiên, nếu nhiệm vụ trở nên quá khó đối với trẻ, trẻ có thể gặp thất bại thường xuyên, ảnh hưởng đến động lực học tập và sự tự tin của trẻ. Bố mẹ và người chăm sóc trẻ phải xác định mức độ phát triển của trẻ và chọn các hoạt động học tập phù hợp với trình độ của trẻ. *

Để giúp trẻ hoàn thành bài tập theo nhịp độ của trẻ và phát triển cảm giác thành công, dưới đây là một phương pháp mang tính hệ thống:

  1. Mỗi bài tập có thể được chia thành một loạt các bước nhỏ.
  2. Đặt mục tiêu giảng dạy rõ ràng. Chia bài tập thành một số bước nhỏ. Mỗi bước phải liên quan đến một hành động và dẫn đến bước tiếp theo. Số lượng và mức độ của các bước tùy thuộc vào khả năng của trẻ.
  3. Hướng dẫn trẻ theo từng bước.
  4. Đưa ra cho trẻ những hướng dẫn rõ ràng và ngắn gọn. Minh họa nếu cần.
  5. Quan sát và dành thời gian để trẻ tự mình thử trước.
  6. Nếu trẻ không thực hiện một bước, hãy hướng dẫn trẻ bằng lời nói hoặc hành động để trẻ hoàn thành. Khi cần thiết, hãy chia nhỏ bước đó thêm nữa.
  7. Khi hoàn thành mỗi bước, hãy thể hiện sự công nhận của quý vị bằng cách khen ngợi trẻ qua lời nói hoặc cử chỉ như giơ ngón tay cái lên hoặc vỗ về trẻ. Sau đó chuyển sang bước tiếp theo.
  8. Đối với mỗi bước, lặp lại các điểm từ 4 đến 7 cho đến khi hoàn thành bước cuối cùng.
  9. Trao cho trẻ một phần thưởng nhỏ sau khi trẻ đã hoàn thành toàn bộ bài tập ở giai đoạn đầu thực hiện kế hoạch. Quý vị có thể sử dụng biểu đồ hành vi như một biện pháp hỗ trợ để tăng cường hành vi học tập tích cực của trẻ (vui lòng tham khảo “Sê-ri Nuôi Dạy Con Cái 15 – Kiểm Soát Hành Vi của Trẻ Mẫu Giáo I).
  10. Dần dần đưa ra ít hướng dẫn và chỉ dẫn hơn khi trẻ học được các kỹ năng.

Ví Dụ Áp Dụng

Tình huống 1: Dạy trẻ làm bánh kẹp

  • Mục tiêu: Để làm 2 miếng bánh kẹp thịt nguội và đóng vào hộp.
  • Chia nhiệm vụ thành các bước nhỏ:
    1. Cùng trẻ kiểm tra xem trẻ cần có những nguyên liệu gì để làm bánh kẹp – dao, đồ phết bánh, lát bánh, thịt nguội, lát cà chua, hộp đựng.
    2. Giúp trẻ lấy từng thứ một.
    3. Lấy ra một ít đồ phết bánh bằng dao.
    4. Phết nhẹ lên một lát bánh.
    5. Đặt một miếng thịt nguội lên trên lát bánh.
    6. Đặt hai lát cà chua lên trên miếng thịt nguội.
    7. Lấy một lát bánh khác.
    8. Dùng dao phết đồ phết lên lát bánh.
    9. Đặt lát bánh đó lên trên lát bánh đầu tiên, các mặt có đồ phết áp vào nhau.
    10. Dùng dao cắt các lát bánh thành hai miếng đều nhau
    11. Đặt hai miếng bánh kẹp vào hộp.
  • Yêu cầu trẻ thực hiện bước đầu tiên và hướng dẫn khi cần thiết.
  • Khen ngợi khi trẻ hoàn thành bước đó.
  • Hỏi trẻ bước thứ hai là gì. Đưa ra hướng dẫn khi cần thiết. Lặp lại các điểm từ 4 đến 7 đã đề cập ở trên, v.v.

Tình huống 2: Con trai của quý vị thường khó có thể ngồi yên quá 5 phút để đọc sách. Nếu quý vị muốn cùng đọc sách và nói về câu chuyện trong sách với trẻ, trẻ sẽ rời khỏi chỗ ngồi sau 5 phút và thường không thể thực hiện phần thảo luận.

  • Trước khi đặt mục tiêu, hãy cân nhắc xem cuốn sách đó có quá khó so với trình độ phát triển của trẻ hay không. Cũng cần kiểm tra môi trường tự nhiên. Môi trường phải thoải mái và ít xáo trộn nhất. Nếu có thể, hãy cải thiện những yếu tố này.
  • Cân nhắc mục tiêu giảng dạy. Vì trẻ có khả năng hiểu và nói về câu chuyện hơn là đọc nhiều từ ở độ tuổi này, nên việc thảo luận về câu chuyện sau khi đọc sẽ là mục tiêu thích hợp hơn. Hướng tới lần lượt từng mục tiêu để mọi thứ dễ dàng hơn với trẻ và do đó gia tăng cơ hội thành công.
  • Quan sát khả năng trẻ có thể đọc cùng quý vị một cuốn sách quen thuộc trong 5 phút (ví dụ: có thể theo dõi câu chuyện và đọc to một số từ quen thuộc khi quý vị đọc cùng trẻ).
  • Mục tiêu: Yêu cầu trẻ ngồi yên một chỗ trong 5 phút để đọc sách và nói về câu chuyện với quý vị.
  • Các bước mà quý vị có thể thực hiện:
    1. Yêu cầu trẻ chọn cuốn sách yêu thích của mình.
    2. Ngồi xuống với trẻ. Mở sách ra và bắt đầu đọc cho trẻ nghe (sau khi kiểm tra trình độ đọc của trẻ như đã mô tả ở trên).
    3. Dừng lại ở những chỗ trẻ có thể điền những từ quen thuộc. Khen ngợi trẻ mỗi lần trẻ có thể điền từ như vậy.
    4. Khi hết 5 phút, hãy để trẻ rời khỏi chỗ ngồi và nghỉ giải lao hai phút.
    5. Sau một phút, hãy nhắc trẻ rằng trẻ nên quay lại chỗ ngồi sau một phút nữa.
    6. Khi hết thời gian, yêu cầu trẻ về chỗ ngồi. Đưa trẻ trở lại nếu cần thiết.
    7. Khen ngợi trẻ khi trẻ tuân theo quy tắc.
    8. Đọc xong cuốn sách với trẻ và khen ngợi trẻ. Sau đó nói về câu chuyện với trẻ. Nếu trẻ có thể nhớ một số chi tiết hoặc sử dụng các từ trong sách, hãy khen ngợi trẻ vì trẻ có thể làm được như vậy.
  • Phương pháp này nghe có vẻ tốn thời gian. Tuy nhiên, cả quý vị và trẻ đều có thể hướng tới một mục tiêu rõ ràng, do đó tránh được mọi xung đột và phiền muộn không cần thiết. Điều này cũng giúp trẻ kéo dài thời gian chú ý của mình.
  • Khi trẻ đã quen với quy trình, quý vị có thể điều chỉnh dần các bước để có kết quả tốt hơn. Ví dụ: quý vị có thể sử dụng các dấu hiệu ngữ âm như nói ‘gấu’ để chỉ ‘gấu bông’ nhằm giúp trẻ luyện tập những từ không quen thuộc; hoặc cho trẻ nghỉ giải lao sau sáu phút đọc sách thay vì năm phút. Khi trẻ đã quen với những thay đổi, hãy dần dần điều chỉnh thêm, v.v.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều ví dụ. Bố mẹ và người chăm sóc trẻ nên áp dụng phương pháp tiếp cận có hệ thống này và các chiến lược Nuôi Dạy Con Tích Cực (tham khảo sê-ri Nuôi Dạy Con Cái 15 & 16) trong các tình huống khác nhau một cách linh hoạt. Quý vị càng thử nhiều chiến lược, quý vị sẽ càng trở nên khéo léo hơn.

Chúng tôi tổ chức một loạt hội thảo và phân phát tờ thông tin về chủ đề "Happy Parenting!" (Bố Mẹ Vui Vẻ, Con Trẻ Hạnh Phúc) cho những người sắp làm bố mẹ và đang làm bố mẹ của trẻ sơ sinh và trẻ mẫu giáo. Vui lòng liên hệ với nhân viên y tế của chúng tôi để biết thông tin.

* Sê -ri Sự Phát Triển của Trẻ Em 8A & 8B do Bộ Y Tế công bố mô tả đặc điểm phát triển và đưa ra các đề xuất thúc đẩy sự phát triển của trẻ từ 3 đến 6 tuổi. Cục Giáo Dục đã ban hành "Hướng Dẫn về Chương Trình Giảng Dạy Mầm Non" để làm tài liệu tham khảo cho các cơ sở giáo dục mầm non và phụ huynh tại https://www.edb.gov.hk/attachment/en/edu-system/preprimary-kindergarten/overview/pre-primaryguide-net_en_928.pdf