Tình Yêu Bắt Đầu Từ Việc Cho Con Bú...

(Sửa đổi nội dung vào tháng 08 năm 2022)

Hãy Trao Cho Con Quý Vị Món Quà Quý Giá Nhất...

Con chào Ba Mẹ,

Con sắp chào đời rồi!

Trong khi ba mẹ đang tất bật chuẩn bị nôi và những thứ khác cho con, ba mẹ đã nghĩ đến việc tặng con món quà quý giá nhất giúp con lớn khôn và khỏe mạnh chưa? Vâng! Đó là sữa mẹ!

Con đang lớn lên từng ngày trong bụng Mẹ. Con hi vọng khi ra đời, con có thể bú sữa mẹ, được sưởi ấm và an toàn trong vòng tay âu yếm của Mẹ. Con sẽ nhận được mọi dưỡng chất mà mình cần để lớn lên, cũng như các kháng thể tự nhiên đặc biệt và tế bào miễn dịch sống để bảo vệ sức khỏe cho con.

Con biết một số ba mẹ nuôi con mình bằng sữa công thức. Sữa này làm từ sữa bò và không thể nào so được với sữa tự nhiên của Mẹ. Sữa công thức không có kháng thể cũng như không thể tự điều chỉnh chất dinh dưỡng theo nhu cầu của con. Sữa này còn có thể mang những nguy cơ khác nữa.

Con rất hi vọng Ba Mẹ đọc kỹ tập sách này để tìm hiểu lý do tại sao việc bú sữa mẹ lại có lợi cho con trong những năm sắp tới. Con rất nóng lòng được tận hưởng cảm giác bú Mẹ khi có Ba ngồi bên cạnh.

Con yêu của Ba Mẹ ...

Chương 1 - Hãy Bắt Đầu Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ

Theo khuyến cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, trẻ sơ sinh nên được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Sau đó, nên cho trẻ làm quen dần với thức ăn đặc vào khoảng 6 tháng tuổi để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Mẹ có thể cho trẻ tiếp tục bú đến khi trẻ 2 tuổi hoặc lớn hơn.

Lợi ích của việc bú sữa mẹ

Cho bé
  • Giảm nguy cơ mắc:
    • Bệnh tiêu chảy
    • Bệnh nhiễm trùng phổi
    • Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp
    • Viêm tai giữa
    • Béo phì
    • Bệnh tiểu đường sau này
  • Giúp:
    • Tiêu hóa
    • Chấp nhận nhiều loại thực phẩm
Cho người mẹ
  • Giảm nguy cơ mắc:
    • Ung thư vú và ung thư buồng trứng
    • Chảy máu sau khi sinh
    • Tiểu đường
  • Giúp giữ dáng
  • Tiết kiệm thời gian và tiền bạc
  • Thuận tiện và thân thiện với môi trường

Xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa mẹ và bé

*Trẻ sinh non, ốm yếu, vàng da cần bú sữa mẹ hơn nữa!

*Giảm nguy cơ viêm ruột hoại tử ở trẻ sinh non

Chứa các kháng thể tự nhiên tăng cường miễn dịch

Trong thời kỳ mang thai, các kháng thể được truyền cho bé trước khi sinh qua nhau thai. Các kháng thể này sẽ mất đi vào khoảng 6 tháng sau khi sinh. Trong 2 đến 3 năm đầu đời, trẻ có thể dễ dàng mắc các bệnh nhiễm trùng do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ. Sữa mẹ chứa các kháng thể tự nhiên, tế bào miễn dịch sống, enzym, v.v. giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng kịp thời.

Việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn cung cấp tất cả năng lượng và dưỡng chất mà trẻ cần trong sáu tháng đầu đời.

Cung cấp dinh dưỡng toàn diện thúc đẩy phát triển

Sữa mẹ là chất nguyên sinh. Người mẹ có thể tiết ra sữa mẹ, trong đó kết hợp nhiều loại chất dinh dưỡng đặc trưng về mặt sinh học và đáp ứng nhu cầu của trẻ ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ, như axit béo omega-3 (ví dụ: DHA) và taurine, giúp trẻ phát triển các bộ phận khác nhau của cơ thể, như não, mắt và hệ tiêu hóa. Việc bổ sung các thành phần khác nhau vào sữa công thức là để mô phỏng sữa mẹ. Hiện tại không có đủ bằng chứng cho thấy những thành phần này có lợi cho sức khỏe lâu dài của trẻ.

Cho bú sữa mẹ hoàn toàn

Các kháng thể và thành phần khác trong sữa mẹ ở trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn sẽ bảo vệ đường ruột của trẻ nhằm giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Bổ sung sữa công thức hoặc nước

Thiếu “lớp phủ bảo vệ đường ruột”

Dễ bị các chất độc hại hoặc mầm bệnh xâm nhập

Việc bổ sung sữa công thức hoặc nước không cần thiết sẽ làm giảm ham muốn bú sữa mẹ của trẻ, dẫn đến người mẹ giảm khả năng tiết sữa

Cho bú sữa mẹ trực tiếp

Lợi ích của việc cho bú sữa mẹ không chỉ giới hạn ở thành phần của sữa mẹ…
  • Cả mẹ và bé đều sẽ tiết ra “hoóc-môn tình yêu” (oxytocin) khi da kề da trong lúc cho con bú, giúp tăng cường gắn kết…
    • Đối với bé:
      • Kích thích phát triển cảm xúc, trí tuệ và não bộ để trở thành những đứa trẻ vui vẻ và tự tin
    • Đối với người mẹ: Thư giãn cả về thể chất và tinh thần, duy trì tâm trạng vui vẻ, dạt dào tình mẫu tử… tác động tích cực đến việc nuôi dạy con cái.
      • Tác động tích cực đến việc nuôi dạy con cái
  • Cho bú sữa mẹ trực tiếp giúp cho bé bú khi bé đòi
  • Cách tốt nhất để tránh ăn quá nhiều là để bé chủ động bú, từ đó giảm nguy cơ bị béo phì và tiểu đường trong tương lai
  • Bé được bú mẹ trực tiếp ít có nguy cơ bị sai lệch khớp cắn (như răng nhô ra ngoài)

Một số bà mẹ muốn biết chính xác con mình bú bao nhiêu sữa nên từ bỏ việc cho con bú trực tiếp. Tuy nhiên, lượng sữa sẽ khác nhau, tùy từng bé và từng lần bú. Các bà mẹ quan sát kỹ các dấu hiệu của bé sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu thể chất và tâm lý của bé (vui lòng xem trang 16 để biết thông tin chi tiết).

Nuôi Dạy Con Thông Minh và Vui Vẻ

Tương tác với thai nhi trong bụng giúp thúc đẩy phát triển não bộ của bé.

Vào khoảng 20 tuần, thai nhi có thể cảm nhận được âm thanh xung quanh mình và cảm xúc của mẹ.

Những người sắp trở thành ba mẹ có thể tương tác nhiều hơn với con trước khi sinh bằng cách:
  • Nhẹ nhàng vuốt ve bụng bầu
  • Cảm nhận chuyển động của con
  • Nói chuyện với con
  • Ngân nga một bài hát cho con nghe
  • Nghe nhạc với con (không bật nhạc trực tiếp trên bụng.)

Anh chị của bé có thể cùng tham gia để tạo nền tảng tốt cho mối quan hệ gia đình gần gũi

Kết Nối với Bé

Sau khi sinh, ba mẹ có thể:
  • Tiếp xúc da kề da với bé
  • Để mẹ và bé ở cùng một phòng
  • Quan sát và đáp ứng bé thường xuyên hơn: cho bé bú khi bé đòi, ôm ấp, dỗ dành, nói chuyện và hát cho bé nghe...

Ba mẹ giữ bé ở gần mình và kịp thời đáp ứng nhu cầu của bé sẽ giúp bé trở thành một đứa trẻ vui vẻ và tự tin.

Mối quan hệ gần gũi và yêu thương giữa ba mẹ và bé:
  • Khi bé cảm thấy được yêu thương, bé sẽ tiết ra "hoóc-môn tình yêu" thay vì hoóc-môn căng thẳng
  • Hoóc-môn này giúp hình thành não bộ của bé và tạo nền tảng sức khỏe suốt đời cho bé
  • Điều này cũng giúp ba mẹ tiết ra "hoóc-môn tình yêu", giúp tăng cường gắn kết và kỹ năng nuôi dạy con cái
  • Bé sẽ cảm thấy an toàn, bình tĩnh và ít khóc

Bắt đầu chuẩn bị cho con bú từ khi mang thai

Vú của quý vị bắt đầu chuẩn bị để quý vị cho con bú vào thời điểm quý vị thụ thai và bắt đầu sản sinh ra sữa non trong ba tháng giữa của thai kỳ.

Quý vị có biết điều đó không?
Vú bắt đầu thay đổi từ khi mang thai

Người đang mang thai có thể cảm thấy ngực căng tức và quầng vú tối màu đi, thậm chí tiết một lượng sữa nhỏ. Một số người có thể có vú phụ nhỏ dưới nách. (Đọc trang 88) hoặc các tuyến bã nhờn xuất hiện trên bề mặt của quầng vú (như hình bên dưới)

Từ giai đoạn mang thai đến giai đoạn cho con bú, các tuyến bã nhờ lớn hơn và dễ thấy (còn gọi là Tuyến Montgomery) xuất hiện ở quầng vú và sẽ tiết ra

  • Dầu: ngăn bầu vú và núm vú bị khô
  • Chất kháng khuẩn: bảo vệ da không bị nhiễm trùng
  • Chất có mùi hương của người mẹ: giúp dẫn hướng cho trẻ bú mẹ

Không cần phải làm sạch núm vú trước khi cho con bú.

Quý vị có biết điều đó không?
Kích thước vú không ảnh hưởng đến nguồn sữa

Lượng sữa mẹ tiết ra không liên quan đến kích thước vú. Ngay cả khi vú tương đối nhỏ thì cũng chỉ ảnh hưởng đến khả năng tích trữ sữa trong vú. Con quý vị sẽ bú thường xuyên hơn, nếu cần, để duy trì tổng lượng sữa mẹ mà bé bú hằng ngày.

Núm vú phẳng hoặc thụt vào trong không ảnh hưởng đến việc cho bú trực tiếp

Nếu bú đúng cách, bé sẽ hút núm vú và phần lớn quầng vú vào miệng chứ không chỉ là núm vú.

Xem video

Việc cho con bú sữa mẹ thành công cần phải có nỗ lực phối hợp của người mẹ, bé và cả gia đình, để cùng tìm hiểu, thích nghi và vượt qua khó khăn.
  • Một số bé có thể không bú được nhiều. Điều này có thể dẫn đến sụt cân quá mức, mất nước hoặc vàng da nghiêm trọng
  • Một số bà mẹ có thể cảm thấy chán nản vì nghi ngờ và căng thẳng, trong khi một số khác có thể bị đau núm vú, tắc sữa hoặc viêm vú do thiếu kỹ năng cho con bú

Những người sắp trở thành ba mẹ nên chuẩn bị từ sớm, tự làm quen với kiến thức cho con bú sữa mẹnhờ gia đình hỗ trợ. Hầu hết các bà mẹ có thể cho con bú thành công nếu họ sớm nhờ hỗ trợ khi gặp khó khăn.

Vui lòng đọc:“Cho con ăn thế nào là quyết định (sáng suốt) của chính quý vị

Quý vị nên tham gia Các buổi nói chuyện về tiền sản, Hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ và Các nhóm hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ.

Bé càng được cho bú lâu thì càng đem lại nhiều lợi ích về sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Chương 2 - Bé chào đời

Bé phải thích nghi với thế giới mới ngoài bụng mẹ. Khi bé lớn lên và phát triển, bé sẽ đưa ra các tín hiệu cho biết nhu cầu của mình. Ba mẹ nên quan sát, hiểu và đáp ứng các nhu cầu về thể chất và tâm lý của bé, giúp bé làm quen với môi trường.

Tiếp xúc thân mật da kề da

Trong phòng sinh:

Trong giờ vàng đầu tiên, từ khi tiếp xúc da kề da đến khi, bé

  1. Nằm trên ngực trần của mẹ
  2. Ngửi mùi của mẹ
  3. Nhìn mẹ
  4. Trườn tới vú
  5. Cho bú sữa mẹ lần đầu tiên!

Xem video

  • Điều này giúp bé tiếp tục được ủ ấm và cảm nhận tình yêu thương từ quý vị khi ở bên ngoài bụng mẹ. Bé sẽ thấy ấm áp, ổn định nhịp tim và nhịp thở, đồng thời có cảm giác an toàn.
  • Tiếp xúc với vi khuẩn từ cơ thể bình thường của quý vị sẽ giúp bé phát triển hệ vi khuẩn bình thường của mình.
Lời khuyên

Nhiều bệnh viện áp dụng các phương pháp sinh con có lợi cho người mẹ như tiếp xúc da kề da. Vui lòng hỏi tại bệnh viện sinh của quý vị để biết thông tin chi tiết.

Tiếp xúc da kề da với bé thường xuyên:

  • Kích thích phản xạ xuống sữa và giúp sữa chảy ra
  • Dỗ dành bé (đặc biệt khi bé khóc)
  • Tăng cường sự gắn kết giữa mẹ và bé

Con cảm thấy thật may mắn! Thật ngọt ngào!Giúp cho con bú sữa mẹ trực tiếp trở nên dễ dàng hơn!

Trong khi cho con bú sữa mẹ và tiếp xúc da kề da với bé, hãy lưu ý rằng:

  • Mẹ có thể ở tư thế hơi ngả hoặc ngồi, thay vì nằm trên giường
  • Không được che miệng và mũi của bé
  • Hãy chú ý đến màu da và hơi thở của bé
  • Mẹ nên đặt bé trở lại nôi nếu mẹ buồn ngủ

Cho bé bú khi bé đòi

Việc ba mẹ đáp ứng kịp thời nhu cầu của bé rất quan trọng đối với sự phát triển não bộ của bé, giúp xây dựng mối quan hệ yêu thương và tin tưởng lẫn nhau.

  • Cho bé bú ngay khi bé có những dấu hiệu đói biểu hiện sớm.
    • Quấy
    • Mở miệng
    • Quay đầu, tìm kiếm/sục sạo
  • Dừng cho bú khi bé có dấu hiệu no
    • Dấu hiệu no: bú chậm, thả lỏng tay và chân, nhả vú, trông hài lòng hoặc ngủ thiếp đi.

Xem video

  • Khi cho bú sữa mẹ hoặc cho bú sữa công thức, cần để bé quyết định khi nào bắt đầu và khi nào dừng
  • Không cần phải cho bú theo lịch nghiêm ngặt và số lượng mỗi lần không cần phải như nhau

Khóc hoặc quấy khóc là dấu hiệu đói biểu hiện tương đối muộn

Đừng đợi cho đến khi bé rất đói hoặc bắt đầu khóc mới cho bú, vì điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả bú.

Mặc dù miệng bé mở rộng nhưng lưỡi lại cuộn lên và cản trở bé ngậm đúng cách!

Quý vị có thể xoa dịu bé bằng tiếp xúc da kề da trước khi cho bú.

Cho bú khi bé đòi không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho bé mà còn giúp xây dựng tình yêu thương, sự thoải máitin tưởng giữa mẹ và bé.

Mẹ: Cho bú sữa mẹ trực tiếp đáp ứng nhu cầu về thể chất và tâm lý của cả con và tôi.

Bé: Con muốn gần mẹ con nhiều hơn.

Bé:

  • Bé bú mẹ trực tiếp sẽ không bị bú quá nhiều
  • Cho bú mẹ trực tiếp là lựa chọn hàng đầu để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của bé. Bú mẹ trực tiếp đáp ứng nhu cầu cảm thấy gần gũi và được mẹ yêu thương của bé, mang đến cảm giác an toàn cho bé
  • Mẹ có thể cho con bú để xoa dịu quan tâm bé khi bé khóc, quấy, lơ mơ, cô đơn hoặc bất an, ví dụ như sau khi tiêm phòng

Mẹ:

  • Hỗ trợ việc cho bú sữa mẹ trực tiếp và tăng nguồn sữa
  • Mẹ có thể cho con bú để đáp ứng nhu cầu về thể chất và tâm lý của mẹ. Ví dụ:
    • Khi mẹ muốn âu yếm con
    • Trước khi mẹ ra ngoài
    • Khi bầu vú của mẹ đầy sữa

Khi bé lớn lên, mẹ có thể đáp ứng nhu cầu của bé theo các cách khác.

vui lòng đọc:

Những người mẹ không thể cho con bú sữa mẹ trực tiếp cũng nên đáp ứng nhu cầu của bé kịp thời.

Cho Con Bú Cả Ngày Lẫn Đêm

Cho bé bú thường xuyên cả ngày lẫn đêm theo nhu cầu của bé trong vài tuần đầu sau khi sinh.

  • Điều đó phù hợp hơn cho dạ dày nhỏ của bé.
  • Để bé tăng cân nhanh và phát triển
  • Việc để bé gần gũi với ba mẹ cả ngày lẫn đêm tạo cho bé cảm giác an toàn và được yêu thương.
  • Thường xuyên hút sữa khỏi vú sẽ làm tăng khả năng tiết sữa. (Vui lòng đọc trang 28-29)
  • Hoóc-môn tạo sữa được tiết ra nhiều hơn vào ban đêm, giúp tăng khả năng tiết sữa.
  • Ngăn chặn tình trạng ứ đọng sữa, giảm tình trạng căng tức sữa và nguy cơ tắc sữa hoặc viêm vú. (Vui lòng đọc trang 32, 82-85)
Để mẹ và bé ở cùng một phòng:

Để bé ngủ trong nôi cả ngày lẫn đêm gần giường mẹ:

  • Điều này giúp mẹ tiện đáp ứng kịp thời các nhu cầu của bé.
  • Việc mẹ và bé gần gũi nhau và hiểu nhau giúp ích cho sự phát triển não bộ của bé.
  • Mẹ tự tin hơn khi chăm sóc cho bé.
  • Làm giảm nguy cơ Đột Tử Ở Trẻ Sơ Sinh

Vui lòng đọc: Giấc Mơ Ngọt Ngào

Lời khuyên

Nhiều bệnh viện hỗ trợ ghép phòng, để mẹ và bé ở cùng một phòng. Vui lòng hỏi bệnh viện sinh của quý vị để biết thông tin chi tiết.

Lời Khuyên Khi Cho Bé Bú Đêm
  • Giữ cho phòng tối và yên tĩnh
  • Đặt nôi bên cạnh giường mẹ để mẹ có thể dễ dàng quan sát con, cho bé bú kịp thời và dỗ dành bé bớt quấy khóc
  • Mẹ có thể cân nhắc nằm nghiêng khi cho con bú
  • Chuẩn bị sẵn các vật cần thiết để cho con bú trong phòng
Lời Khuyên cho Ba:
  • Hỗ trợ mẹ, khen ngợi và ghi nhận những nỗ lực của mẹ
  • Khuyến khích và giúp mẹ nghỉ ngơi nhiều nhất có thể. Cùng mẹ làm các công việc chăm sóc khác cho bé, ví dụ: vuốt lưng bé cho ợ tiêu, thay tã và tắm cho bé, v.v
  • Chuẩn bị thức uống, đồ ăn nhẹ và đệm cho mẹ khi mẹ cho con bú
Gần gũi và đáp ứng bé thường xuyên hơn.
Mẹ và bé tìm hiểu và thích ứng cả ngày lẫn đêm:
  • Khi mẹ cho bé bú theo nhu cầu của bé, sữa sẽ tiết ổn định hơn và cải thiện kỹ năng cho bé bú của mẹ.
  • Bé cũng sẽ dần dần hình thành thói quen bú đều đặn hơn.

Lời khuyên hữu ích để tăng lượng tiết sữa

Bắt đầu cho con bú sữa mẹ sớm nhất có thể

Sau khi sinh, hãy bắt đầu tiếp xúc da kề da với bé và cho bé bú sữa mẹ sớm nhất có thể để bé có thể học được cách bú trước khi sữa “về” (Vui lòng đọc trang 14)

Cho Bé Bú Khi Bé Đòi

Bé mới sinh muốn bú thường xuyên vì dạ dày rất nhỏ. Quý vị cần lưu ý các dấu hiệu đói biểu hiện sớm của bé và cho bé bú mà không hạn chế về thời gian hay số lượng. (Vui lòng đọc trang 16-19)

Cho Bú Đêm

Bé không biết phân biệt ngày đêm khi muốn bú. Hãy để bé ngủ trong nôi cạnh giường để quý vị tiện cho bé bú. Quý vị tạo ra hoóc-môn tiết sữa nhiều hơn vào ban đêm. Vì vậy, cho bú đêm giúp tăng nguồn sữa. (Vui lòng đọc trang 20-22)

Đảm bảo bé bú đúng cách

Nếu con quý vị bú đúng cách, bé sẽ được bú đủ sữa và tránh để quý vị bị đau núm vú. Hãy nhờ chuyên gia y tế hỗ trợ nếu quý vị gặp phải bất kỳ vấn đề nào về việc cho con bú sữa mẹ (Vui lòng đọc Chương 4)

Đảm bảo hút hết sữa mẹ hiệu quả

Tiếp xúc da kề da trước khi cho con bú có thể làm tăng dòng sữa về. Tuy nhiên, nếu bé không bú được nhiều, hãy vắt sữa còn lại sau khi cho bú xong. (Vui lòng đọc trang 28-29)

Giảm đau

Tất cả các loại “đau”, bao gồm các vết thương và đau vú, có thể làm giảm dòng sữa về. Quý vị có thể giảm đau bằng thuốc giảm đau (paracetamol phù hợp với bà mẹ đang cho con bú), chườm lạnh lên vú hoặc cho con bú ở tư thế thoải mái. (Vui lòng đọc Chương 4)

Nghỉ ngơi đủ

Hãy ngủ trong khi bé ngủ, để gia đình hoặc người giúp việc làm việc nhà, đơn giản hóa công việc nhà và hạn chế tối đa khách thăm để có nhiều thời gian nghỉ ngơi.

Chế Độ Ăn Cân Bằng

Duy trì chế độ ăn cân bằng để quý vị có đủ chất dinh dưỡng nhằm đảm bảo chất lượng sữa mẹ. Bà mẹ cho con bú nên uống nhiều nước và canh khi khát. (Vui lòng đọc Chương 6)

Lời khuyên

Có thể mất vài ngày hoặc thậm chí vài tuần mới thấy kết quả.
Quý vị có thể làm được!

Không tùy tiện bổ sung nước hoặc sữa công thức.

Cho bé uống nước hoặc sữa công thức sẽ lấp đầy dạ dày nhỏ của bé, làm giảm ham muốn bú sữa mẹ và dẫn đến giảm tiết sữa.

Không tùy tiện sử dụng núm vú giả hoặc bình sữa

Bú núm vú cao su khác so với bú từ vú mẹ. Núm vú cao su có thể ảnh hưởng đến khả năng học và thành thạo bú mẹ hiệu quả của một số bé (đặc biệt là bé sinh non). Nếu muốn sử dụng núm vú cao su, quý vị có thể cân nhắc khi bé trên 1 tháng tuổi hoặc khi trẻ đã bú mẹ hiệu quả.

Tránh vắt quá nhiều sữa mẹ

Việc vắt sữa quá nhiều có thể làm sữa mẹ tiết quá mức, khiến vú bị căng tức, tăng nguy cơ tắc sữa và viêm vú. Hãy tham khảo thêm thông tin từ chuyên gia y tế.

Sữa mẹ là chất nguyên sinh

Sữa thay đổi theo từng lần bú và theo từng ngày để phù hợp với sự phát triển của bé.

Tiết sữa mẹ để đáp ứng nhu cầu của bé

Bé bắt đầu bú vú mẹ
  • Bú hiệu quả cho bú thường xuyên
  • Sữa mẹ được bú gần hết
  • Thông điệp từ vú mẹ
    • Sữa còn lại ít = nhu cầu cao hơn
  • Lượng sữa tiết ra sẽ tăng dần
  • Tăng tiết sữa
Bé bắt đầu bú vú mẹ
  • Bú không hiệu quả và cho bú không thường xuyên
  • Sữa mẹ vẫn còn lại trong vú
  • Thông điệp từ vú mẹ
    • Sữa còn lại nhiều = nguồn sữa quá nhiều
  • Sữa tiết ra sẽ giảm dần
  • Giảm tiết sữa

Chương 3 - Hành trình cho bú

Ngày đầu sau sinh

Xem video

Tôi có thể
  • Cho con bú càng sớm càng tốt. Đừng chờ cho đến khi sữa "về"
  • Cho con bú theo nhu cầu của con. Cho bú ít nhất 3-4 lần trong ngày đầu
  • Tham khảo hướng dẫn cho con bú sữa mẹ của chuyên gia y tế để đánh giá xem con tôi có ngậm vú đúng cách không
  • Đưa nôi của con lại gần giường để tôi có thể dễ dàng quan sát nhu cầu của con cũng như sẵn sàng đáp ứng
  • Ngủ khi con tôi ngủ và hạn chế tối đa khách thăm để nghỉ ngơi nhiều nhất có thể

Nếu không thể cho con bú trực tiếp từ vú: quý vị phải vắt sữa thường xuyên trong vòng 2 giờ sau khi sinh để có thể cho bé bú sữa non và kích thích tiết sữa tiếp.

Hiểu về sữa non
  • Vú của quý vị bắt đầu tạo ra sữa non trong ba tháng giữa thai kỳ
  • Quý vị sẽ không cảm thấy căng vú vì lượng sữa non ít
  • Sữa non đặc cũng giúp bé học và phối hợp khả năng bú, nuốt và thở
  • Sữa non chứa đầy kháng thể là liều “vắc-xin tự nhiên đầu tiên” của bé

Xem video

Hiểu về con
Hoạt động Tỉnh táo nhất trong 2 giờ đầu sau khi sinh; sau đó buồn ngủ trong 10 giờ tiếp theo (có thể thức dậy một hoặc hai lần giữa chừng)
Kích thước dạ dày Khoảng 5-7ml
Kích thước khoảng bằng một viên bi phù hợp với lượng sữa non
Thói quen cho bú Yêu cầu ít nhất 3-4 lần vào ngày đầu tiên
(Bé thường dự trữ đủ để đáp ứng nhu cầu của mình)
Đi tiêu Ít nhất một lần, phân su dính màu xanh lá cây đậm
Đi tiểu Ít nhất 1 tã
Cân nặng Sụt cân sinh lý nhẹ
Chứng vàng da ở trẻ sơ sinh Thường không biểu hiện

*Thông tin ở bảng trên dựa trên bé sinh đủ tháng khỏe mạnh.

2 đến 4 ngày sau sinh

Tôi có thể
  • Đưa nôi của con lại gần giường để tôi có thể dễ dàng quan sát con cũng như đáp ứng nhu cầu của con
  • Không hạn chế số lần cho bú. Cho con bú khi thấy dấu hiệu đòi bú biểu hiện sớm. Con thường cần ăn từ 8-12 lần một ngày.
  • Kích thích phản xạ xuống sữa trước khi cho con bú. (Vui lòng đọc trang 48-49)
  • Trong giai đoạn này, con thường cần bú cả hai vú
  • Chủ động tham khảo hướng dẫn cho con bú sữa mẹ của chuyên gia y tế để đánh giá xem con tôi có ngậm vú và bú đúng cách không.
  • Theo dõi nước tiểu và phân của con để đảm bảo bé đang bú đủ sữa.
  • Cho con bú sữa mẹ hoàn toàn. Không tùy tiện bổ sung sữa công thức hoặc nước.
  • Nghỉ ngơi nhiều nhất có thể. Cân nhắc hạn chế khách thăm nếu cần.
  • Ăn theo chế độ ăn cân bằng và uống nhiều nước hoặc canh hơn.
Tìm hiểu về hiện tượng "sữa về"
  • Thay đổi hoóc-môn sẽ ảnh hưởng đến lượng sữa mẹ tiết ra và dẫn đến căng tức vú.
  • Sưng do căng tức vú sẽ làm tắc dòng sữa, khiến bé khó bú hơn. Cảm giác căng tức vú sẽ giảm dần trong vòng 12-24 giờ.
  • Để giúp sữa chảy, quý vị có thể:
    • Bắt đầu cho con bú sữa mẹ càng sớm càng tốt và thường xuyên
    • Vắt một ít sữa ra để làm mềm quầng vú. Điều này giúp bé ngậm và bú.
    • Chườm lạnh lên vú bằng túi đá, khăn lạnh hoặc lá bắp cải
    • Dùng thuốc giảm đau. Paracetamol (Panadol) phù hợp với bà mẹ cho con bú

Nếu quý vị bị căng tức vú kéo dài hơn 24 giờ hoặc "sữa không về" khi đã đến ngày thứ 4 sau khi sinh, quý vị nên tìm chuyên gia y tế sớm nhất có thể để được tư vấn.

Hiểu về con
Hoạt động So với ngày đầu tiên, con hoạt bát và lanh lợi hơn nhưng không thể phân biệt được ngày đêm. Con có thể dễ tỉnh và đưa ra các tín hiệu khác nhau, thậm chí là khóc để thể hiện nhu cầu. (Vui lòng đọc trang sau "Bé Khóc")
Kích thước dạ dày Khoảng 22-27ml
Khoảng kích thước của một quả bóng bàn
Thói quen cho bú Thường cần bú ít nhất 8-12 lần trong vài ngày đầu
(Dạ dày của bé vẫn nhỏ và vì vậy cần bú thường xuyên)
Đi tiêu Phân su
Đổi sang màu nâu sẫm vào ngày 3 & 4 và sau đó hơi vàng
Ít nhất hai lần một ngày
Đi tiểu Vào Ngày 1 & 2, ít nhất 1-2 lần thay tã một ngày 
Vào Ngày 3 & 4, ít nhất 3-4 tã khá nặng một ngày
Cân nặng Tiếp tục sụt cân sinh lý. Một số bé có thể bắt đầu tăng cân lại từ Ngày 4 trở đi
Chứng vàng da ở trẻ sơ sinh Mức sắc tố được gọi là bilirubin trong máu tăng lên dẫn đến da và mắt đổi màu thành vàng

*Thông tin ở bảng trên dựa trên bé sinh đủ tháng khỏe mạnh.

Các điểm cần lưu ý đối với chứng vàng da ở trẻ sơ sinh
  • Hãy đến Trung Tâm Sức Khỏe Bà Mẹ và Trẻ Em trong vòng 1-2 ngày sau khi xuất viện hoặc theo dõi theo lịch
  • Đảm bảo bé đang bú đủ sữa mẹ. Như vậy có thể làm giảm nguy cơ bị chứng vàng da nặng
  • Không cho uống thêm nước, nước đường glucose hoặc sữa công thức
Khoảng Bất Thường Ngắn (1): "Đêm Thứ 2"

Mẹ: “Hôm qua con tôi ngủ ngon nhưng tối nay bé rất bám mẹ và ngủ thiếp đi một lát sau khi bú. Khi tôi rút vú ra khỏi miệng bé thì bé khóc! Có phải tại sữa của tôi không đủ không?”

Bé: “Ngực mẹ là nhất!”

  • Sau khi nghỉ ngơi một ngày, hôm nay con thấy lanh lợi hơn nhiều. Đây quả là một thế giới thú vị và hấp dẫn:
    • Xung quanh con đầy những ánh đèn sáng lấp lánh, tiếng ồn và mùi lạ...
    • Con được quấn chặt và nằm một mình trong nôi...
    • Rồi những cô chú xa lạ thỉnh thoảng lại chạm vào con...
  • Ngực của mẹ ấm áp và an toàn. Con thật hạnh phúc khi được nghe nhịp tim và giọng nói của mẹ.

Chuyên gia y tế: "Đây là giai đoạn thích nghi của bé".

  • Quá trình sinh nở khiến con quý vị mệt mỏi. Sau khi nghỉ cả một ngày, bé sẽ trở nên hoạt bát vào ngày thứ hai, đặc biệt là vào buổi tối
  • Chu kỳ giấc ngủ của trẻ mới sinh rất ngắn. Bé dễ thức giấc
  • Vì bé có dạ dày nhỏ và sữa non dễ hấp thụ nên bé sẽ cảm thấy đói sau một giờ hoặc thậm chí ngắn hơn. Vì vậy, bé cần được bú thường xuyên
  • Bú thường xuyên giúp tăng tiết sữa
  • Mẹ cho con bú thường xuyên và tiếp xúc da kề da sẽ khiến bé dễ thích nghi hơn với thế giới mới thú vị và dễ học cách bú sữa mẹ hơn

Mẹ: “Con yêu, mẹ sẽ luôn bên conl!”

Từ ngày thứ 5 sau sinh đến 1 tháng tuổi

Tôi có thể
  • Ở cùng phòng với con để hiểu và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của con.
  • Chú ý đến các dấu hiệu đòi bú biểu hiện sớm và cho bú tương ứng. Con tôi thường cần bú 8-12 lần một ngày.
  • Cho con bú một bên vú trước cho đến khi vú mềm và cho bú bên vú còn lại nếu cần
  • Theo dõi tã ướt và phân của con để đảm bảo bé đã bú đủ sữa.
  • Nghỉ ngơi nhiều nhất có thể bằng cách chợp mắt khi con ngủ. Duy trì chế độ ăn cân bằng và uống nhiều nước hoặc canh hơn.

Lời khuyên:

  • Hãy đến Trung Tâm Sức Khỏe Bà Mẹ và Trẻ Em hoặc phòng khám với bé để theo dõi sức khỏe và cách bé bú
  • Chủ động tham khảo hướng dẫn cho con bú sữa mẹ của chuyên gia y tế để đánh giá xem con quý vị có ngậm vú và bú đúng cách không
Hiểu "giai đoạn điều chỉnh"

Trong 3 đến 5 tuần đầu, sữa tiết ra sẽ điều chỉnh theo nhu cầu:

  • Nếu sữa mẹ không được hút hết một cách hiệu quả, bầu ngực của quý vị sẽ tạo ra các chất ức chế nguồn sữa
  • Thói quen bú thường xuyên và hiệu quả của con quý vị sẽ kích thích vú của quý vị tiết đủ sữa để đáp ứng cho nhu cầu của bé
  • Một số bà mẹ cần phải vắt sữa thêm để duy trì khả năng tiết sữa. (Vui lòng đọc chương 5)
  • Mặt khác, nếu mẹ tiết ra nhiều sữa đến mức thường xuyên cảm thấy căng tức vú thì cần phải điều chỉnh để giảm tiết sữa. (Vui lòng đọc Trang 86-87)

Quý vị càng cho bú nhiều thì sữa càng tiết nhiều hơn!

Hiểu về con
Hoạt động Chu kỳ ngủ vẫn rất ngắn. Sẽ có lúc con ngủ ngoan và có những lúc con ngủ động. Con sẽ dễ dàng tỉnh giấc bất kể ngày đêm.
Kích thước dạ dày Ngày 7-10
Kích thước của một quả trứng gà
Khoảng 60-80ml
Thói quen
cho bú
  • Khoảng 8-12 lần một ngày. Thời gian mỗi cữ ăn giữa các bé sẽ khác nhau, từ 10 đến 40 phút
  • Khi dạ dày của bé phát triển, kỹ năng bú của bé cải thiện và nguồn sữa của mẹ cũng tăng lên, bé sẽ bú khoảng 7-8 lần khi được 1 tháng tuổi.
  • Một số bé, dù bú sữa mẹ hay sữa công thức, có thể bú thường xuyên hơn nhiều vào những khoảng thời gian nhất định trong ngày, sau đó ngủ 4-5 giờ. Hiện tượng này được gọi là "ăn liên tục", thường xảy ra vào buổi tối hoặc ban đêm
Phân
  • Kết cấu phân bình thường: Lỏng, nhão, mềm và có hạt
  • Phân có thể có màu hơi vàng, hơi xanh lá cây hoặc hơi nâu. Có thể có những thay đổi lớn về tần suất đi tiêu và kết cấu phân. Thường ít nhất hai lần một ngày nhưng có thể lên đến 7-8 lần do tác dụng nhuận tràng nhẹ của sữa mẹ.
Đi tiểu Ít nhất là 5-6 tã nặng và ướt mỗi ngày (tương đương với khoảng 3 muỗng canh hoặc 45ml nước trong mỗi tã)
Cân nặng Tăng cân lại trong khoảng 1-2 tuần, sau đó tăng cân đều đặn
Chứng vàng da ở trẻ sơ sinh Mức độ bilirubin thường ổn định trong khoảng 1 tuần và sau đó giảm dần

*Thông tin ở bảng trên dựa trên bé sinh đủ tháng khỏe mạnh.

Ở một số bé bú sữa mẹ có thể bị chứng vàng da kéo dài lên đến một vài tuần. Trường hợp này thường không nặng và không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Vui lòng tiếp tục theo dõi theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế.

Khoảng Bất Thường Ngắn (2): "Bé Khóc"

Mẹ: “Con tôi cứ khóc, trừ khi bú hoặc ngủ. Tôi sợ nếu bế bé bất cứ khi nào bé khóc sẽ làm hư bé và khiến bé bám mẹ. Tôi nên làm gì?"

Vui lòng đọc tập sách "Sê-ri Nuôi Dạy Con Cái 3 - Bé khóc"

"Ba Mẹ à, con có rất nhiều điều muốn nói với Ba Mẹ!"

  • Đói, ướt tã, đau bụng, quá nóng, quá nhiều người xung quanh, không có ai bên con...
  • Con không biết con muốn gì...
  • Con muốn ba mẹ quan tâm đến con!

Chuyên gia chăm sóc sức khỏe:  "Đáp ứng kịp thời khi bé khóc sẽ không làm bé hư, mà ngược lại, sẽ giúp bé trở thành một đứa trẻ tự tin và vui vẻ".

  • Mỗi bé đều là cá thể độc nhất. Mỗi bé sẽ có sự nhạy cảm và phản ứng với môi trường khác nhau
  • Trong những tháng đầu tiên, con quý vị đang rất cố gắng để thích nghi với thế giới mới bên ngoài bụng mẹ
  • Khi con khóc, quý vị có thể:
    • Âu yếm và tiếp xúc da kề da với bé
    • Cho bé bú sữa mẹ
    • Hát và nói chuyện với bé
  • Việc phớt lờ tiếng khóc của bé sẽ khiến bé cảm thấy lo lắng, mất niềm tin vào người chăm sóc và càng khiến bé bám người hơn
  • Đối với những bé khóc liên tục mà không rõ nguyên nhân, vẫn chưa có cách nào được chứng minh là hiệu quả để kiểm soát cơn khóc của bé. May mắn khi được 3 đến 4 tháng tuổi, bé sẽ không khóc dữ dội hàng ngày như vậy nữa
Lời khuyên

Khi thử những phương pháp khác nhau để kiểm soát cơn khóc của bé, ba mẹ cần kiên nhẫn và học cách chấp nhận rằng thế mới là em bé.

Sau tháng đầu

Tôi có thể
  • Sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của con
  • Phòng ngừa tắc ống dẫn sữa/viêm vú, tránh để sữa tích trong vú quá lâu
  • Cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng mà không bổ sung sữa công thức hoặc nước không cần thiết
  • Bắt đầu cho con làm quen với thức ăn đặc vào khoảng 6 tháng tuổi. Tiếp tục cho con bú sữa mẹ cho đến 2 tuổi trở lên hoặc cai sữa tự nhiên

Hiểu "Giai Đoạn Duy Trì Nguồn Sữa"

  • Việc tiết sữa trở nên ổn định sau khi điều chỉnh trong 3-5 tuần đầu khi mẹ cho con bú hoặc vắt sữa. (Cảm giác căng tức vú sẽ ít rõ ràng hơn)
  • Mặc dù sữa không tiết nhiều hơn đáng kể trong vài tháng tiếp theo nhưng cho bú sữa mẹ hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu phát triển của bé trong 6 tháng đầu.
  • Tương Tác với Bé
  • Khi con tôi được 2 đến 3 tháng tuổi, tôi có thể hỗ trợ con hình thành nếp ngủ bằng cách sắp xếp giấc ngủ ngắn đúng giờ vào ban ngày và khuyến khích con tự ngủ. (Vui lòng đọc tập sách "Bài Hát Ru Con 1: Hình Thành Nếp Ngủ Đúng Giờ")
  • Vào khoảng 6 tháng tuổi, nếu con tôi tỉnh giữa đêm, tôi sẽ cho bé học cách tự dỗ để ngủ lại (Thường không cần cho bú đêm.)
Lời khuyên

Đối với các bà mẹ tiết quá nhiều sữa, họ có thể cảm thấy căng tức/đầy vú thường xuyên, sẽ làm tăng nguy cơ tắc sữa và viêm vú. (Vui lòng đọc chương 8).

Nếu quý vị gặp khó khăn khi cho con bú (bao gồm tắc sữa hoặc viêm vú), vui lòng xin tư vấn từ các nguồn khác. Để biết thông tin chi tiết, vui lòng đọc trang 91:

  • Trung Tâm Sức Khỏe Bà Mẹ và Trẻ Em/Phòng Khám Sức Khỏe Cho Con Bú tại bệnh viện sinh của quý vị
  • Các đường dây nóng về nuôi con bằng sữa mẹ
  • Chương Trình các bà mẹ cùng hỗ trợ về vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ

Sau tháng đầu

Hiểu về con

Hoạt động:

  • Thức lâu hơn và trở nên hoạt bát hơn vào ban ngày. Ngủ lâu hơn vào ban đêm, do đó thời gian bú sẽ tập trung hơn vào ban ngày.
  • Các bé có nhu cầu và thói quen ngủ khác nhau.
Thói quen cho bú

Dần dần hình thành thói quen cho bú và giảm số lần cho bú. Mỗi bé dung nạp một lượng sữa riêng. Lượng này thay đổi theo tốc độ phát triển, tốc độ trao đổi chất và mức độ hoạt động ở các giai đoạn khác nhau.

Dưới đây là một số ví dụ về những thay đổi mức độ muốn bú của bé:

"Lớn vượt bậc": Bé muốn bú thường xuyên hơn kèm lượng tã ướt tăng lên tương ứng so với bình thường. Tình trạng này có thể kéo dài từ vài ngày đến hơn một tuần. Mẹ nên cho bé bú theo nhu cầu. Lượng sữa tiết sẽ tăng tương ứng để đáp ứng nhu cầu của bé.

"Chán sữa": Khi trẻ sơ sinh phát triển sinh lý đến mức đủ, lượng sữa mà bé đòi hỏi có thể chậm lại hoặc giảm đi một chút. Miễn là bé vẫn hoạt bát, lanh lợi và không có cảm giác khó chịu về thể chất, quý vị có thể yên tâm. Đừng ép bé bú. Quý vị có thể cân nhắc cho bé bú ở góc yên tĩnh đối với những bé tò mò về môi trường xung quanh và dễ bị phân tâm.

"Bỏ bú đêm": Bé sẽ ngừng bú sữa vào ban đêm, theo nhu cầu của mình. Thông thường sau tháng thứ 3, bé bắt đầu hình thành dần các thói quen cho các hoạt động cả vào ban ngày lẫn ban đêm của mình. Vào khoảng 6 tháng tuổi, khoảng một nửa số bé có thể ngủ được 6 tiếng vào ban đêm. Ngay cả khi thức giấc vào nửa đêm, bé cũng thường tự ngủ lại.

Phân

Khi bú sữa mẹ được khoảng 1 tháng tuổi, bé có thể bắt đầu đi ít phân hơn hoặc thậm chí vài ngày không đi tiêu. Điều này là bình thường, miễn là phân mềm, không bị nôn trớ hay chướng bụng và bé luôn tràn đầy năng lượng cũng như xì hơi mỗi ngày.

Một số bé bú mẹ hoàn toàn có thể đi tiêu thường xuyên hơn. Điều này hoàn toàn bình thường, miễn là phân không có nước hoặc bọt và bé vẫn hoạt bát.

Nếu quý vị vẫn thắc mắc về dạng phân của bé, vui lòng xin tư vấn từ các chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc Trung Tâm Sức Khỏe Bà Mẹ và Trẻ Em.

Cân nặng

Cân sẽ tăng chậm hơn sau 2 đến 3 tháng đầu và bé có thể bú ít hơn. Vì vậy, hãy quan sát các dấu hiệu đói và no của bé để tránh cho ăn quá nhiều.

Con tôi có bú đủ sữa không?

  • Ba mẹ có thể quan sát các tình trạng sau để đảm bảo bé bú đủ sữa:
    1. Bé thỏa mãn
    2. Lượng nước tiểu phù hợp
      Để biết thông tin chi tiết, vui lòng tham khảo trang 31, 33 và 37. Nếu bé đi tiêu sau mỗi lần cho bú, nghĩa là bé đã bú đủ sữa.
    3. Đi tiêu đủ phân
      Vui lòng đọc trang 31, 33 và 37.
    4. Tăng cân
  • Một số bé có thể biểu hiện những hành vi sau ngay cả khi đã bú đủ sữa:
    • Thường xuyên khóc
    • Thường xuyên thức giấc
    • Thay đổi thói quen bú đột ngột, ví dụ tăng lượng sữa/thời gian bú hoặc không thỏa mãn nếu chỉ được bú một bên vú trong một lần ăn như bình thường.
  • Đây là các thay đổi và nhu cầu về thể chất và sinh lý bình thường của bé. Vui lòng đọc:

Chương 4 - Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ: Kỹ Năng Thực Hành

"Phản xạ xuống sữa" là gì

  1. Tế bào từ tuyến vú tạo ra sữa mẹ. Sau đó, sữa được lưu trữ trong các túi nhỏ và ống dẫn sữa.
  2. Các túi và ống dẫn sữa được các cơ nhỏ bao bọc.
  3. Khi trẻ bắt đầu bú, “hoóc-môn tình yêu” (oxytocin) sẽ được giải phóng và các tín hiệu sẽ được gửi đến cơ thể quý vị.
  4. Khi nhận được tín hiệu, các tế bào cơ xung quanh túi sữa và ống dẫn sữa sẽ co lại.
  5. Sau đó, sữa mẹ được ép vào các ống dẫn sữa lớn hơn và chảy ra ngoài.

Phản xạ xuống sữa tốt giúp sữa chảy ra thuận lợi.

Các yếu tố tăng cường phản xạ xuống sữa:
  • Không có cảm giác đau
  • Tiếp xúc da kề da
  • Bé bú hiệu quả
  • Quan sát, lắng nghe, ngửi và âu yếm bé
  • Cảm thấy tự tin
  • Cảm thấy thư giãn
  • Nghỉ đủ
Các yếu tố ức chế phản xạ xuống sữa:
  • Có cơn đau
  • Xa cách khỏi bé
  • Bé bú không hiệu quả
  • Thiếu tự tin
  • Cảm xúc tiêu cực và lo lắng
  • Cảm thấy mệt mỏi

Khi có phản xạ xuống sữa, một số bà mẹ có thể gặp các phản ứng sau:

  • Cảm giác ngứa ran ở vú
  • Dòng sữa phun ra
  • Sữa nhỏ ra từ vú
  • Tử cung co thắt

Ngay cả khi một số bà mẹ không có bất kỳ phản ứng nào, họ vẫn có thể cho con bú

Chuẩn bị cho con bú

Quý vị có thể sử dụng các phương pháp sau để kích thích phản xạ xuống sữa trước khi cho con bú trực tiếp hoặc vắt sữa:

  • Tiếp xúc da kề da với bé
  • Nhẹ nhàng mát xa bầu vú
  • Chườm ấm lên vú (ít nhất 3 phút)
  • Thư giãn bằng cách nghe nhạc, tắm nước ấm, nghĩ đến bé, xem ảnh hoặc video của bé
  • Nhờ bạn đời hoặc thành viên gia đình mát-xa lưng

Truyền phát trực tiếp: Chuẩn bị và xem trước các video ngắn

Kỹ năng thực hành:

Những điểm lưu ý chính để cho con bú ở tư thế thoải mái

Rửa tay trước khi bế bé!

Cho bé bú ở tư thế thoải mái giúp phòng ngừa căng cơ và giúp sữa chảy ra.

  • Lưng, cánh taychân quý vị phải được đỡ chắc chắn
  • Tránh để bé mặc quá nhiều quần áo làm cản trở việc bú mẹ

Nới lỏng quần áo của bé để tiếp xúc da kề da không chỉ giúp đưa bé vào bầu ngực mà còn giữ ấm cho bé bằng nhiệt độ cơ thể mẹ.

Lời khuyên

Mẹ có thể điều chỉnh cách đỡ bé trong lúc cho bú khi bé lớn dần.

Tư thế cho con bú đúng cách:

I. Tư thế cho con bú thường được sử dụng
  Tốt nhất cho Phương pháp
Tư thế ôm ngang (Tư thế phù hợp nhất cho người lần đầu làm mẹ) Mẹ: Người làm mẹ lần đầu
Bé: Tập bú
  • Dùng một lòng bàn tay đỡ đầu và cổ của bé
  • Cho bú ở vú bên kia
Tư thế ôm bóng Mẹ: Vú lớn, đầu vú phẳng hoặc thụt vào, sau khi sinh mổ, tắc sữa
Bé: Sinh non, lực bú yếu, miễn cưỡng bú mẹ
  • Dùng một lòng bàn tay đỡ đầu và cổ của bé
  • Cho bú ở vú cùng bên
Tư thế ôm ru Bé: Đã thành thục kỹ thuật bú
  • Dùng một cẳng tay đỡ đầu và cổ của bé
  • Cho bú ở vú cùng bên
Tư thế nằm nghiêng Mẹ: Cho bú ban đêm, khi mẹ mệt
Bé: Đã thành thục kỹ thuật bú
Để bé nằm nghiêng
Tư thế nằm hơi ngửa ra Mẹ: Có quá nhiều sữa mẹ
Bé: Miễn cưỡng bú vú
Giữ bé gần với vú bằng cách sử dụng trọng lực
II. Ôm bé
  1. Đầu và cơ thể nằm trên một đường thẳng. Cổ không bị vẹo hoặc cong về phía trước
  2. hướng mặt về phía ngực mẹ, bụng áp sát vào mẹ.
  3. Đỡ cổ bé sao cho đầu bé hơi nghiêng về phía sau.
  4. Di chuyển mũi của bé đến núm vú / để mũi bé cao ngang với núm vú.
Lời khuyên

Tư thế đúng giúp bé ngậm được vú, dẫn đến bú hiệu quả và tránh tổn thương núm vú.

III. Đưa bé vào núm vú
  1. Khi bé mở miệng, hãy nhanh chóng đưa bé lại phía vú. Để cằm bé chạm vào vú trước.
    (Núm vú đưa vào phần bên trong của hàm trên.)
  2. Để môi dưới của bé chạm vào phần dưới quầng vú của quý vị, trong khi môi trên phủ qua núm vú.

Nếu bé ngậm miệng, hãy nhẹ nhàng chà núm vú của quý vị vào môi trên của bé và miệng bé sẽ mở ra

Ngậm đúng cách

Nếu bé ngậm vú đúng cách, bé sẽ ngậm toàn bộ núm vú và gần hết quầng vú. Quý vị có thể thấy:

  • Miệng bé mở rộng, như thể đang ngáp.
  • Môi dưới của bé trề ra
  • Cằm bé chạm vào vú quý vị.
  • Phần trên của quầng vú quý vị lộ ra nhiều hơn phần dưới.

Bó hiệu quả

Nếu bé bú tốt, quý vị có thể thấy:

  • Má vẫn phính khi bú
  • Mút và nuốt nhịp nhàng, dài và chậm, thi thoảng tạm dừng. Thậm chí quý vị có thể nghe thấy tiếng nuốt (Bú sâu: quý vị có thể thấy cằm bé di chuyển xuống dưới)
  • Khi bé đã bú đủ sữa, bé nhả vú ra và trông hài lòng

Ngậm vú đúng cách và bú hiệu quả

  • Quý vị không cảm thấy đau khi cho bú
  • Sau khi cho bú của quý vị sẽ trở nên mềm
  • Núm vú sau khi bé đã ngậm và bú đúng cách:
    Núm vú trở lại hình dạng bình thường hoặc một hình trụ hơi dài

Ngậm vú và bú không hiệu quả

Ngậm không đúng cách:
  • Miệng của bé không mở đủ rộng
  • Môi bé cong ra hoặc mím vào
  • Cằm bé không chạm vào vú
  • Phần dưới của quầng vú lộ ra nhiều hơn phần trên
Bú không hiệu quả:
  • Má của bé hóp lại và có hình lúm đồng tiền
  • Bé tạo ra tiếng chọp chẹp hoặc tóp tép thay vì âm thanh nuốt
Ngậm vú và bú không hiệu quả:
  • Quý vị cảm thấy đau khi cho bú
  • Sau khi cho bú, vú của bạn không mềm và tăng nguy cơ bị tắc ống dẫn sữa
  • Núm vú sau khi bé ngậm và bú không đúng cách:
    Núm vú của quý vị bị ép phẳng. Quý vị nên nhờ chuyên gia hướng dẫn.
Núm vú của quý vị sau khi ngậm và bú không đúng cách
Núm vú của quý vị bị ép phẳng. Quý vị nên nhờ chuyên gia hướng dẫn.

Thực Hành Cho Con Bú Sữa Mẹ

Lời khuyên

Nếu bé không ngậm đúng cách hoặc quý vị cảm thấy núm vú đau, quý vị có thể luồn ngón tay vào góc miệng bé, nhẹ nhàng cho bé nhả vú ra và thử lại.

Lời Khuyên Thực Hành Cho Con Bú Sữa Mẹ

  • Cho bé bú khi bé đòi: cho bé bú khi bé có các dấu hiệu đói biểu hiện sớm (Vui lòng đọc trang 16-19)
  • Chuẩn bị cho con bú từ việc kích thích phản xạ xuống sữa thông qua tiếp xúc da kề da (Vui lòng tham khảo trang 48-49 để biết thông tin chi tiết.)
  • Thử các tư thế cho bú khác nhau và thực hành tư thế phù hợp để đỡ bé
  • Quan sát xem bé có ngậm đúng và bú hiệu quả không
  • Nhờ chuyên gia y tế hướng dẫn cho con bú sữa mẹ khi quý vị gặp khó khăn

Cả mẹ và bé đều cần thời gian thích ứng với nhau và thực hành!

Lời khuyên để duy trì Cho Con Bú Sữa Mẹ

Việc cho con bú sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu quý vị thành thạo các kỹ năng trên. Các lời khuyên sau sẽ giúp quý vị tiếp tục cho con bú:

  • Để nhận được hỗ trợ từ gia đình, hãy cho gia đình quý vị hiểu rằng quý vị càng cho con bú sữa mẹ lâu thì bản thân quý vị và bé càng nhận được nhiều lợi ích về sức khỏe (Vui lòng đọc trang 1-7)
  • Cho bé bú khi bé đòi (Vui lòng đọc trang 16-19)
  • Tự quen dần với các kỹ năng vắt sữa (Vui lòng đọc trang 66-67)
  • Nhờ hỗ trợ càng sớm càng tốt nếu quý vị gặp phải vấn đề khi cho con bú. (Vui lòng đọc trang 91)
  • Duy trì các hoạt động xã hội thông thường như bình thường dành cho bà mẹ cho con bú/gia đình có con bú mẹ (Vui lòng đọc trang 60-61)
  • Lên kế hoạch sắp xếp công việc trước khi trở lại làm việc (Vui lòng đọc trang 62-65)
  • Tham gia chương trình các bà mẹ cùng hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ trong cộng đồng (Vui lòng tham khảo các chương trình do bệnh viện hoặc Trung Tâm Chăm Sóc Sức Khỏe Bà Mẹ và Trẻ Em khuyến cáo)

Đưa bé theo khi Ra Ngoài

Nhiều bà mẹ cho con bú duy trì việc cho con bú khi họ tham gia các hoạt động xã hội thông thường.

  • Cho con bú tại nhà hàng
  • Cho con bú tại trung tâm mua sắm
  • Cho con bú khi ở trên phương tiện công cộng
Lợi ích của việc cho con bú sữa mẹ mọi lúc mọi nơi:
  • Đáp ứng kịp thời nhu cầu của bé
  • Xoa dịu khi bé lo lắng ở môi trường xa lạ
  • Tránh căng tức vú hoặc tắc ống dẫn sữa
Quần áo thuận tiện để mẹ cho con bú mọi lúc
  • Quần áo với các nút mở ở ngực được thiết kế để cho con bú
  • Áo có thể cởi cúc bằng một tay
  • Khăn choàng quấn vai hoặc khăn quàng cho con bú
Chuẩn bị trước khi ra ngoài:

Tìm kiếm địa điểm của cơ sở chăm sóc trẻ sơ sinh và cơ sở có chỗ cho con bú gần điểm đến

Các bà mẹ đi làm: kết hợp việc cho con bú tại nơi làm việc

Sinh sống tại một thành phố bận rộn nên tiếp tục cho con bú sữa mẹ sau khi trở lại làm việc không phải là việc dễ dàng. Việc luôn có gia đình hỗ trợ và chuẩn bị đầy đủ là rất quan trọng. Quý vị có thể thảo luận và trao đổi với cấp quản lý trước khi trở lại làm việc về ý định của quý vị và hỗ trợ cụ thể mà quý vị cần, để có thể vắt sữa tại nơi làm việc.

Tập sách "Hướng Dẫn cho Người Lao Động - Cho Con Bú khi Đi Làm"

Tập sách "Hướng Dẫn cho Người Sử Dụng Lao Động - Tạo Dựng Nơi Làm Việc Thuận Tiện cho việc Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ"

Trong hai tuần cuối của kỳ nghỉ thai sản:
  • Hãy thực hành vắt sữa bằng tay.
  • Nếu quý vị chọn sử dụng máy vắt sữa, hãy hiểu cơ chế hoạt động của máy và thực hành vắt sữa bằng máy. Vui lòng đọc hướng dẫn sử dụng sản phẩm.(Vui lòng đọc: Thông Tin Cần Biết về Máy Hút Sữa)
  • Tìm hiểu về cách xử lý sữa mẹ sau khi vắt (Vui lòng đọc trang 68-71)
  • Hãy để bé thích nghi với phương pháp cho ăn mới ngoài việc bú sữa mẹ trực tiếp.
    • Người chăm sóc cần hiểu được các dấu hiệu đói và no của bé và cho bú ở lượng và tần suất phù hợp. Tránh cho bé bú quá nhiều khi quý vị đi làm, nếu không điều này sẽ làm giảm ham muốn bú trực tiếp của bé và kết quả là làm giảm nguồn sữa của quý vị.
Vắt sữa dự trữ:

Lượng sữa đã vắt ra cần được bảo quản tùy thuộc theo chế độ cho bú sau khi quý vị trở lại làm việc.

  • Đối với bé bú sữa mẹ hoàn toàn, nếu quý vị ước tính lượng sữa mẹ đã vắt ra trong thời gian vắt sữa tại nơi làm việc cùng với lượng cho bé bú mẹ trực tiếp khi quý vị không đi làm, thì sữa đủ để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của bé. Sau đó, lượng sữa mẹ dự trữ của một hoặc hai ngày thường là đủ.
  • Nếu quý vị dự đoán điều kiện vắt sữa sau khi trở lại làm việc không tối ưu, thì quý vị cần giảm dần số lần cho bú để tránh căng tức sữa..
Lời khuyên

Một số bà mẹ tích nhiều sữa mẹ nhất có thể trước khi trở lại làm việc bằng cách vắt sữa quá nhiều. Điều này làm tăng tiết sữa. Tuy nhiên, nếu họ không thể vắt sữa mẹ kịp thời sau khi trở lại làm việc, thì sẽ tăng nguy cơ tắc sữa và viêm vú.

Bé: Sữa tươi từ mẹ là món khoái khẩu!

Thành phần sữa mẹ thay đổi khi bé lớn lên. Vì sữa mẹ tươi phù hợp nhất với nhu cầu của bé nên chúng tôi không khuyên quý vị nên dự trữ quá nhiều sữa mẹ.

Luyện tập mẫu:

Tình huống 1: Quý vị ước tính rằng trong thời gian làm việc, số lần nghỉ vắt sữa tương đương với số lần quý vị trực tiếp cho con bú

  • Thực hành một đến hai tuần để thay thế việc cho bú mẹ trực tiếp bằng cách vắt sữa ra và để con quý vị làm quen với sữa mẹ dự trữ do người chăm sóc cho bú

Tình huống 2: Quý vị ước tính rằng số lần nghỉ vắt sữa tại nơi làm việc ít hơn với số lần quý vị trực tiếp cho con bú

  • Phương pháp 1: Tận dụng thời gian quý vị không làm việc (thời gian ăn trưa, nghỉ giải lao, trước hoặc sau khi làm việc) hoặc rút ngắn thời gian mỗi lần nghỉ vắt sữa để có nhiều lần nghỉ vắt sữa hơn
  • Phương pháp 2: Nếu quý vị chắc chắn rằng số lần nghỉ vắt sữa vẫn ít hơn số lần quý vị cho con bú trực tiếp, quý vị nên giảm dần số lần cho bú trong 1 đến 2 tuần, để ngăn ngừa tình trạng căng tức sữa
    Ví dụ:
    Quý vị sẽ có 2 lần nghỉ vắt sữa trong giờ làm việc. Nếu trẻ cần bú mẹ 3 lần trong khoảng thời gian này thì quý vị phải điều chỉnh từ cho bú mẹ 3 lần sang vắt sữa hai lần.
    • Trong tuần cuối cùng của kỳ nghỉ thai sản, hãy vắt sữa muộn hơn 30 phút so với thời gian bình thường quý vị hay cho con bú sữa mẹ, sau đó vắt chậm thêm 30 phút nữa vào 3 ngày sau đó. Vào ngày quý vị đi làm, quý vị có thể vắt sữa hai lần tại nơi làm việc và cho bé bú sữa mẹ trực tiếp khi về nhà

Bé: Con muốn được bú sữa mẹ trực tiếp trước và sau khi mẹ đi làm về cũng như trong các kỳ nghỉ!

  • Lượng sữa tiết của quý vị có thể giảm nếu quý vị có rất ít lần hoặc không được nghỉ để vắt sữa trong khi làm việc. Nếu quý vị muốn duy trì nguồn sữa:
    • Cho bé bú trực tiếp bất cứ khi nào quý vị ở nhà. Quý vị có thể vắt sữa ở vú này khi quý vị đang cho bé bú ở vú kia
    • Quý vị có thể cho con bú trực tiếp theo nhu cầu của bé vào cuối tuần và kỳ nghỉ
    • Một số bé có thể bú ít hơn khi bú bình nhưng nhiều hơn khi bú vú mẹ. Cho bé bú với lượng sữa vắt thích hợp hoặc sữa công thức theo nhu cầu của bé và không ép bú
    • Đừng cố ép bé bỏ bú đêm. Nếu bé không bú đêm, quý vị có thể vắt sữa một lần trước khi đi ngủ
  • Nếu sữa mẹ vắt ra không đủ cho bé thì cần bổ sung thêm sữa công thức nhưng tránh cho con bú quá nhiều.

Chương 5 - Vắt Sữa Mẹ

Khi nào quý vị nên vắt sữa

Quý vị và bé tạm thời xa cách:

Để duy trì nguồn sữa, trong 2 tuần đầu sau khi sinh, hãy vắt sữa ít nhất 8 lần một ngày bao gồm ít nhất một lần sau nửa đêm

Vú của quý vị rất căng:

Vắt một ít sữa để quầng vú mềm, khiến bé dễ bú hơn

Quý vị tiếp tục cho con bú sữa mẹ sau khi trở lại làm việc:

Bắt đầu chuẩn bị 2 tuần trước khi quý vị trở lại làm việc (Vui lòng đọc trang 62-65)

Tắc sữa/viêm vú:

Nếu bé không chịu bú hoặc tình trạng tắc sữa vẫn còn sau khi cho bú, hãy vắt càng nhiều sữa còn lại trong vú càng tốt

Khi sữa tiết không đủ đáp ứng nhu cầu của bé:

Quý vị có thể vắt sữa sau khi cho con bú trực tiếp để giúp tăng tiết sữa. Khi bé bú hiệu quả hơn, hãy giảm tần suất vắt sữa để tránh tiết quá nhiều sữa mẹ

Lời khuyên
  • Vắt sữa quá mức có thể khiến tiết sữa quá nhiều và tăng nguy cơ viêm vú. (Vui lòng đọc trang 86-87)
  • Quý vị không cần phải kiểm tra nguồn sữa của mình bằng cách vắt sữa. Quý vị có thể biết liệu bé đã bú đủ hay chưa bằng cách theo dõi nước tiểu và phân của bé. (Vui lòng đọc trang 44-45)

Cách vắt sữa bằng tay

Mọi bà mẹ cho con bú nên học cách vắt sữa bằng tay trong trường hợp cần thiết.

  1. Rửa kỹ tay trước khi vắt sữa và chuẩn bị bình sạch có miệng rộng.
  2. Chuẩn bị để cho con bú (Vui lòng tham khảo trang 48- 49 để biết thông tin chi tiết.)
  3. Đặt các ngón cái và ngón trỏ (thành hình chữ C) cách chân núm vú 3cm
  4. Nhấn các ngón tay xuống ngực và ấn các mô vú sâu hơn, sau đó nhả ra. Lặp lại hành động "ấn và nhả".
  5. Nếu sữa không chảy ra đều, quý vị có thể ấn các chỗ khác của vú quanh quầng vú để sữa chảy ra hết.
  6. Thỉnh thoảng, quý vị có thể mát-xa vú nhẹ nhàng để tăng cường dòng chảy sữa.
  7. Khi sữa chảy ra chậm lại, hãy chuyển sang vú còn lại. Chuyển 3 đến 5 lần cho đến khi vú mềm. Toàn bộ quá trình thường mất 20 đến 30 phút
  8. Vú trở nên mềm sau khi vắt hiệu quả.

Không chà xát lên da vú quý vị

Cách sử dụng máy hút sữa

Vui lòng đọc tập sách "Thông Tin Quý Vị Cần Biết về Máy Hút Sữa" và hướng dẫn sử dụng sản phẩm.

Lời khuyên

Vắt hoặc hút sữa sẽ không đau. Nếu quý vị cảm thấy đau, vui lòng tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế sớm nhất có thể.

Cách bảo quản sữa mẹ đã vắt

Sữa mẹ là thực phẩm quý giá nhất đối với bé. Quý vị nên bảo quản đúng cách trong túi trữ sữa, bình nhựa hoặc bình thủy tinh đã tiệt trùng có nắp đậy kín ở nhiệt độ phòng hoặc trong tủ lạnh.

Bảo quản sữa đã vắt theo từng phần gần bằng lượng sữa mà bé cần trong một lần bú vì cần phải bỏ đi phần sữa còn thừa lại sau khi bé bú.

Vui lòng tham khảo khuyến cáo bảo quản bên dưới:

Tình trạng/nhiệt độ bảo quản Thời gian bảo quản khuyến cáo
Sữa mẹ mới vắt Sữa đã rã đông từ tủ đông
Ngăn đông (≤ -18°C) 6 tháng Không tái cấp đông
Ngăn mát của tủ lạnh (4°C) 4 ngày 1 ngày (tính từ thời điểm rã đông hoàn toàn)
Túi làm mát kèm túi đá 24 giờ -
Nhiệt Độ Phòng (≤ 25°C) 4 giờ 1-2 giờ

 

Quý vị nên bảo quản sữa mẹ ở ngăn trên của tủ lạnh. Không nên bảo quản sữa ở cánh cửa tủ lạnh vì nhiệt độ ở đó không ổn định. Cần bảo quản thực phẩm chưa nấu riêng ở ngăn dưới.

  • Không được thêm trực tiếp sữa mẹ mới vắt vào sữa mẹ đông lạnh
  • Quý vị nên làm mát sữa mẹ mới vắt trong tủ lạnh trong một giờ trước khi thêm vào sữa mẹ đông lạnh
  • Lượng sữa mẹ đông lạnh phải nhiều hơn sữa mẹ được làm mát để tránh sữa mẹ đông lạnh bị rã đông
Quý vị có biết điều đó không?

Sữa mẹ sẽ phân lớp sau khi làm lạnh. Lớp trên cùng bao gồm các chất béo và có màu vàng nhạt là bình thường và có thể ăn được. Chỉ cần khuấy sữa nhẹ nhàng trước khi cho bé bú.

Sữa mẹ đã rã đông hoặc đông lạnh có thể có mùi và vị riêng do phản ứng hóa học giữa các enzym và chất béo trong sữa mẹ. Miễn là sữa mẹ đã vắt không có mùi chua hoặc ôi thiu và được bảo quản đúng cách, thì sữa an toàn để cho bé bú. Tuy nhiên, một số bé có thể không chịu bú sữa mẹ đã rã đông hoặc đông lạnh vì mùi vị của sữa.

Lời khuyên

Nếu quý vị cần bảo quản sữa mẹ cho bé sinh non hoặc ốm yếu, vui lòng tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế tại bệnh viện.

Cách rã đông sữa mẹ đông lạnh trước khi cho bú

Sữa đông lạnh:

Lấy sữa đông lạnh khỏi ngăn đông và cho vào ngăn mát của tủ lạnh vào buổi tối trước khi cho bé bú để rã đông từ từ. Hoặc rã đông sữa đông lạnh bằng cách đặt bình sữa dưới vòi nước máy đang chảy.

Sữa được làm mát:

Thực tế, quý vị có thể cho bé bú trực tiếp sữa được làm mát. Nếu cần, quý vị có thể làm ấm sữa bằng cách đặt bình sữa trong nước ấm dưới 40°C để hết mát. (Kiểm tra nhiệt độ của sữa bằng mu bàn tay. Nếu quý vị cảm thấy ấm, thì sữa đã đạt nhiệt độ thích hợp.)

Không làm ấm sữa mẹ trực tiếp trên bếp hoặc trong lò vi sóng vì nhiệt độ quá nóng sẽ phá hủy các chất dinh dưỡng. Hâm nóng sữa mẹ trong lò vi sóng cũng có thể khiến làm nóng sữa không đều, có thể làm bỏng miệng bé.

Lời khuyên

Quý vị phải cho bé bú sữa được rã đông và làm ấm trong vòng 2 giờ và phải bỏ số sữa còn thừa lại.

Tài liệu tham khảo: Bảo Quản và Chuẩn Bị Sữa Mẹ Đúng Cách. Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh, Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Sinh Hoa Kỳ. (2019)

Cách cho bé bú sữa mẹ đã vắt

Nên cho bé bú sữa mẹ đã chuẩn bị trong vòng hai giờ.

Nên để bé chủ động bú. Dừng cho bú nếu bé thể hiện các dấu hiệu no để tránh cho bú quá nhiều.

Quý vị có thể dùng một chiếc cốc nhỏ để cho bé bú sữa mẹ đã vắt
  • Giữ bé ở tư thế nằm hơi ngửa ra.
  • Nghiêng nhẹ cốc và tựa miệng cốc vào môi dưới của bé để môi có thể chạm vào sữa.
  • Để bé liếm hoặc nhấm nháp sữa trong cốc.
  • Để bé kiểm soát tốc độ uống. Không đổ sữa vào miệng bé.
  • Trong khi bé uống, sữa rỉ ra từ khóe miệng bé là điều bình thường.
Lời khuyên

Nên cho bé sinh thiếu tháng bú sữa đã vắt bằng cốc nhỏ hoặc thìa.

Tiệt trùng dụng cụ cho bú

Tất cả các dụng cụ cho bú (cốc nhỏ, thìa, bình sữa, núm vú cao su, v.v.) phải được rửa và tiệt trùng sau khi sử dụng.

Vui lòng đọc: Hướng Dẫn cho Bú Bình

Chương 6 - Chế Độ Ăn Lành Mạnh dành cho Bà Mẹ Cho Con Bú

Bà mẹ cho con bú nên duy trì chế độ ăn cân bằng và chọn thực phẩm giàu i-ốt, axit folic và axit béo omega-3 (bao gồm DHA và EPA). Uống bổ sung vitamin tổng hợp/khoáng chất tiền sản có chứa i-ốt cũng như để giúp bé hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng từ sữa mẹ.

Vui lòng đọc: Ăn Uống Lành Mạnh Khi Mang Thai và Cho Con Bú

Ăn uống hợp lý trong khi cho con bú

  • Ăn nhiều loại thực phẩm:
    • Bao gồm thịt, cá, trứng và sản phẩm từ sữa hằng ngày
    • Chọn nhiều thực phẩm nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch và bánh mỳ nguyên cám.
    • Ăn nhiều rau củ và trái cây hơn.
    • Uống nhiều nước hoặc canh hơn.
  • Đảm bảo quý vị hấp thụ đủ chất dinh dưỡng:
    • Axit béo Omega-3: Ăn cá ở mức độ vừa phải và ăn nhiều loại cá khác nhau
    • I-ốt: Ăn các thực phẩm giàu i-ốt và dùng thực phẩm bổ sung chứa i-ốt.
    • Canxi: Ăn các thực phẩm giàu canxi (như sữa, sữa đậu nành bổ sung canxi và đậu phụ làm bằng muối canxi).
    • Sắt: Ăn thịt và cá ở mức độ vừa phải. Ăn thêm rau xanh đậm và đậu khô.
  • Tránh ăn quá nhiều.
  • Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm giàu chất béo, đường và các thực phẩm chứa chất béo trans. Loại bỏ dầu hoặc mỡ ra khỏi thực phẩm và súp.
  • Không hút thuốc hoặc uống rượu, bia.
  • Tham khảo ý kiến của bác sĩ đông y đã đăng ký trước khi dùng thuốc thảo dược đông y hoặc thuốc bổ cho sức khỏe.
Dữ Kiện về Axit Béo Omega-3
  • Axit béo Omega-3 bao gồm DHA (axit docosahexaenoic) và EPA (axit eicosapentaenoic). DHA rất quan trọng đối với sự phát triển trí não và mắt của trẻ
  • Cá là nguồn cung cấp DHA chính. Cá hồi, cá mòi và cá bơn là các nguồn giàu DHA. Cá đổng cờ, cá mắt to và cá chim cũng chứa DHA.
  • Các bà mẹ không ăn cá được khuyên nên dùng thực phẩm bổ sung DHA.
Dữ Kiện về I-ốt

Duy trì chế độ ăn cân bằng. Ăn cá hàng ngày không có nghĩa là quý vị có đủ i-ốt trong chế độ ăn!

  • I-ốt rất cần thiết cho các chức năng bình thường của tuyến giáp
  • Trước và sau khi sinh, bé đều cần có đủ i-ốt để lớn lên và phát triển trí não. Thiếu i-ốt có thể gây hại cho bộ não đang phát triển.
  • WHO khuyến cáo phụ nữ đang mang thai và cho con bú nên tiêu thụ 250 microgram i-ốt một ngày để đáp ứng nhu cầu của bé trước và sau khi sinh.
  • Phụ nữ mang thai tại địa phương không nhận đủ lượng i-ốt từ chế độ ăn uống của họ. Để đảm bảo hấp thu đủ i-ốt, phụ nữ đang mang thai và cho con bú nên:
    • Uống bổ sung vitamin tổng hợp/khoáng chất tiền sản có chứa i-ốt. Tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng của quý vị. Khi quý vị chọn thực phẩm bổ sung, hãy kiểm tra thành phần i-ốt của chúng.
    • Sử dụng muối i-ốt thay cho muối ăn để nấu ăn. Bảo quản muối trong hộp kín và có màu, đồng thời thêm muối ngay trước khi ăn
    • Chọn thực phẩm giàu i-ốt như hải sản, cá biển, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa. Quý vị có thể chọn đồ ăn vặt như rong biển ít natri và chất béo.

Kế Hoạch về Thực Phẩm Hàng Ngày dành cho Bà Mẹ Cho Con Bú

Nhóm Thực Phẩm Khẩu phần mỗi ngày Ví dụ về khẩu phần ăn*
Ngũ cốc 4-5 1 bát cơm hoặc mỳ gạo; 1¼ tô mỳ; 1½ bát mỳ ống hoặc mỳ Ý
Rau củ 4-5 ½ bát rau đã nấu chín; 1 bát rau chưa nấu
Trái cây 3 Một quả táo hoặc cam cỡ trung bình (khoảng cỡ một nắm tay phụ nữ); 2 trái kiwi; ½ chén trái cây thái hạt lựu
Thịt và các thực phẩm thay thế 6-7 40 g thịt/cá/thịt gà sống; 1 quả trứng; ¼ khối đậu phụ nén chặt;
6-8 thìa cà phê các loại đậu đã nấu chín
Sữa và các thực phẩm thay thế 2 1 cốc sữa ít béo hoặc sữa đậu nành bổ sung canxi; 2 lát phô mai đã chế biến; 1 hộp (150g) sữa chua
Dầu, đường, muối ở mức độ vừa phải  
Chất lỏng 10 Một cốc nước hoặc một bát canh

* 1 bát = 250 - 300 ml; 1 cốc = 240 ml

Bà mẹ cho con bú nên tránh những loại thực phẩm nào?

  • Điều đó có bảo vệ bé khỏi dị ứng không?
    Không cần phải tránh các thực phẩm nhất định trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ trừ khi quý vị hoặc con quý vị bị dị ứng một loại thực phẩm nhất định. Nếu quý vị nghi ngờ con mình dị ứng với các thực phẩm mà mình ăn vào, hãy xin tư vấn của bác sĩ.
  • Tôi có thể uống trà hoặc cà phê không?
    Quá nhiều caffein có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của bé và khiến bé thức. Các bà mẹ cho con bú nên hạn chế các thức uống chứa caffein. Hãy thay thế bằng cà phê hoặc trà đã loại bỏ caffein.
  • Tôi có thể uống bia, rượu không?
    Bia, rượu tác động tiêu cực lên sức khỏe và có thể ảnh hưởng đến khả năng phán đoán. Bia, rượu có thể làm giảm khả năng tiết sữa đồng thời truyền sang bé thông qua sữa mẹ và ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Chúng tôi khuyên các bà mẹ cho con bú không nên uống rượu, bia hoặc đồ uống có cồn.

Lời khuyên dinh dưỡng đặc biệt dành cho những bà mẹ ăn chay nuôi con bằng sữa mẹ:

  • Vitamin B12
    • Vitamin B12 rất thiết yếu cho sự phát triển não bộ và hệ thần kinh của bé, vì vậy, các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ nên tiêu thụ lượng vitamin B12 thỏa đáng.
    • Người mẹ có thể hấp thu vitamin B12 từ sữa, phô mai, sữa chua, trứng hoặc thực phẩm có bổ sung vitamin B12 (như ngũ cốc ăn sáng, sữa đậu nành và đồ uống từ hạt).
    • Người mẹ cần uống bổ sung vitamin B12 nếu không ăn trứng hoặc các sản phẩm từ sữa.
  • Axit Béo Omega-3
    • Người mẹ có thể dùng hạt lanh, quả óc chó hoặc sử dụng dầu thực vật chứa nhiều axit alpha-linolenic (ALA) để tăng chuyển hóa DHA trong cơ thể. Tuy nhiên, khả năng chuyển đổi ALA thành DHA trong cơ thể ở mỗi người sẽ khác nhau. Người m,ẹ ăn chay có thể cân nhắc việc uống bổ sung DHA.

Chương 7 - Câu Hỏi từ Các Bà Mẹ

  1. Bé bú mẹ có cần thực phẩm bổ sung nào không?
    • Vitamin D
      • Sữa mẹ không phải là nguồn vitamin D tốt cho bé. Cho bé phơi nắng sẽ giúp cơ thể bé tạo ra đủ vitamin D.
      • Nếu con quý vị chỉ được phơi nắng rất ít hoặc có nguy cơ thiếu hụt vitamin D cao hơn, thì bổ sung vitamin D ở liều hàng ngày là 10 microgram có thể giúp duy trì đủ mức vitamin D. Nếu quý vị lo lắng, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ của mình.
      • Bé không thể hấp thu đủ vitamin D từ việc chỉ bú sữa mẹ ngay cả khi mẹ bé có uống bổ sung vitamin D. Việc cho bé phơi nắng nhiều sẽ hiệu quả hơn.

      Vui lòng đọc: Thông tin dành cho ba mẹ: Vitamin D

    • Sắt

      Khi bé khỏe mạnh và đủ tháng trở lên được khoảng 6 tháng tuổi:

      • Sắt dự trữ trong cơ thể bé đã gần hết nhưng nhu cầu về sắt của bé đã tăng lên đáng kể. Vì sữa mẹ chỉ chứa một lượng sắt hạn chế nên chỉ sữa mẹ thì không thể đáp ứng đủ nhu cầu của bé.
      • Bé nên ăn đủ lượng thực phẩm giàu sắt mỗi ngày
        • Gạo hoặc ngũ cốc lúa mì có tăng cường sắt
        • Cơ thể dễ hấp thu sắt trong thịt, cá và lòng đỏ trứng gà hơn.
        • Rau lá xanh và đậu khô. Ăn những thực phẩm này cùng với trái cây giàu vitamin C sẽ giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn.
      • Khi bé ăn thực phẩm giàu sắt như thịt, lòng đỏ trứng gà và các loại rau lá xanh hàng ngày, quý vị có thể dần thay thế bột gạo bổ sung sắt bằng cháo
      • Nếu không ăn đủ thực phẩm giàu sắt mỗi ngày, bé có thể cần thực phẩm bổ sung. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ của quý vị nếu quý vị có lo ngại này.
  2. Con tôi 1 tháng tuổi vẫn bị chứng vàng da. Tôi có nên chuyển sang sữa công thức không?
    Chứng vàng da ở một số bé bú sữa mẹ có thể kéo dài hơn và thường giảm dần trong vòng hai đến ba tháng. Tình trạng này được gọi là “Vàng da do sữa mẹ” ở mức nhẹ và không gây hại cho sức khỏe của bé. Không nhất thiết phải đổi sang cho bé uống sữa công thức khi bé bú đủ sữa mẹ, thể hiện qua lượng nước tiểu và phân phù hợp cũng như tăng cân bình thường.
    Tuy nhiên, có những nguyên nhân bệnh lý khác khiến bé bị vàng da kéo dài. Bác sĩ sẽ sắp xếp xét nghiệm máu hoặc kiểm tra sức khỏe để loại trừ một số tình trạng bệnh lý nghiêm trọng nhưng hiếm gặp như tắc nghẽn ống mật bẩm sinh. Nếu các nguyên nhân bệnh lý khác được loại trừ, quý vị có thể tiếp tục cho bé bú sữa mẹ để cung cấp dinh dưỡng và bảo vệ tối ưu.
  3. Tôi có nên dừng cho con bú sữa mẹ hoặc bỏ đi sữa đã vắt trong thời gian dùng thuốc không?
    Hầu hết các loại thuốc bao gồm thuốc cảm thông thường, thuốc giảm đau hoặc thuốc kháng sinh đều phù hợp với việc cho con bú. Có một số loại thuốc chống chỉ định khi cho con bú, như thuốc chống ung thư. Nói chung, chỉ có một lượng nhỏ thuốc mà quý vị dùng chuyển vào sữa của quý vị. Mức độ thuốc có trong sữa mẹ thấp hơn nhiều so với liều lượng mà bé cần khi bị ốm. Bé sinh đủ tháng trở lên và khỏe mạnh thường có thể nhanh chóng loại bỏ một lượng thuốc nhỏ ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, các kháng thể trong sữa mẹ có thể tăng cường khả năng miễn dịch của bé.
    Việc ngừng cho con bú hoặc bỏ sữa mẹ đi một cách không cần thiết không chỉ khiến con quý vị không được bú nguồn sữa mẹ quý giá mà còn có thể làm quý vị giảm tiết sữa. Một số bé có thể không bú đúng cách sau khi được cho bú bình.
    Trước khi dùng bất kỳ loại thuốc hoặc thảo dược nào, quý vị nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết những rủi ro hoặc tác dụng phụ có thể xảy ra đối với bé bú mẹ hoặc khả năng tiết sữa.

Vui lòng đọc: Các Câu Hỏi Thường Gặp về Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ

Chương 8 - Các Tình Trạng hoặc Vấn Đề Trong Khi Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ

Trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, một số bà mẹ có thể gặp phải một vài khó khăn và bỏ cuộc. Tuy nhiên, không phải bà mẹ nào cũng gặp phải những vấn đề này. Nếu người mẹ nhận biết sớm vấn đề và xử lý đúng cách, đồng thời cải thiện kỹ năng cho con bú, họ sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi cho con bú.

Đau Núm Vú

Ở giai đoạn đầu cho con bú, quý vị rất hay bị đau núm vú khi bé bắt đầu bú hoặc khi bắt đầu vắt sữa. Tình trạng này có thể kéo dài trong vài phút. Theo thời gian và nếu quý vị nhẫn nại, cơn đau sẽ giảm dần. 

Nếu tình trạng đau núm vú kéo dài trong khi cho con bú, nguyên nhân chủ yếu là do bé ngậm vú không đúng cách hoặc mẹ sử dụng máy hút sữa không đúng cách. Việc sớm điều chỉnh ngậm núm vú và vắt sữa đúng cách giúp ngăn ngừa núm vú bị đau thêm.

Đề nghị Trung Tâm Sức Khỏe Bà Mẹ và Trẻ Em hoặc các chuyên gia y tế khác trợ giúp nếu quý vị bị đau núm vú dai dẳng.

Tổn thương núm vú

Nguyên nhân:

Bé không ngậm đúng cách hoặc núm vú cọ xát vào miếng chụp hút khi hút sữa.

Xử lý:

  1. Phương pháp chăm sóc núm vú và giảm đau:
    • Tắm như bình thường. Không vệ sinh núm vú bằng nước hoặc sữa tắm quá thường xuyên, vì điều này có thể rửa trôi đi dầu tự nhiên trên da và làm khô, nứt da thêm
    • Sau khi cho con bú, vắt một lượng sữa nhỏ và xoa vào núm vú sau đó để tự khô.
    • Quý vị có thể cân nhắc thoa kem lanolin nguyên chất hoặc hydrogel lên núm vú để giữ ẩm và thúc đẩy quá trình lành lại.
    • Dùng thuốc giảm đau nếu cần.
  2. Cải thiện kỹ thuật cho con bú
    • Nhờ chuyên gia y tế hướng dẫn cho con bú:
      • Cải thiện kỹ năng cho con bú và đảm bảo bé ngậm vú và bú đúng cách. (Vui lòng tham khảo chương IV để biết thông tin chi tiết.)
      • Tìm hiểu các tư thế cho bú khác nhau và tìm ra tư thế phù hợp nhất với quý vị và bé.
    • Nếu dùng máy hút sữa, hãy đảm bảo cỡ miếng chụp hút vừa với núm vú, vị trí của miếng chụp hút chính xác, hút ở mức thoải mái và thời gian hút phù hợp

Vui lòng đọc: Thông Tin Quý Vị Cần Biết về Máy Hút Sữa

Lời khuyên khi cho bú sữa mẹ trực tiếp/vắt sữa khi núm vú bị đau/tổn thương

  • Cho bé bú khi bé cho thấy dấu hiệu đói biểu hiện sớm.
  • Chuẩn Bị Cho Con Bú (Vui lòng đọc trang 48-49)
  • Bắt đầu cho con bú ở bên không bị ảnh hưởng (hoặc ít đau hơn) và chuyển sang bên còn lại khi có phản xạ xuống sữa.
  • Nếu cảm thấy đau dai dẳng trong khi cho con bú, quý vị có thể luồn một ngón tay vào góc miệng bé, nhẹ nhàng cho bé nhả vú và thử lại. (Vui lòng tham khảo trang 58 để biết thông tin chi tiết.)

Tắc Sữa và Viêm Vú

Nguyên nhân:

Việc hút sữa ra khỏi vú không hiệu quả dẫn đến tình trạng ứ đọng sữa, có thể gây ra tắc ống dẫn sữa hoặc thậm chí là viêm vú. Từ đó, người mẹ có thể bị nhiễm trùng do vi khuẩn. Những tình trạng này có thể xảy ra bất cứ khi nào trong giai đoạn cho con bú.

Các tình trạng có thể dẫn đến ứ đọng sữa:

  • Giảm đột ngột số lần cho con bú/vắt sữa (ví dụ: bỏ lỡ cữ bú).
  • Vắt sữa không đúng cách
  • Áp lực cục bộ lên ống dẫn sữa: vú bị đè nén trong khi ngủ, mặc áo ngực có dây hoặc chật, nhấn quá mạnh miếng chụp vú lên vú khi hút
  • Tiết quá nhiều sữa mẹ
  • Tắc ống dẫn sữa: đốm trắng trên núm vú
  • Người mẹ cảm thấy mệt mỏi hoặc căng thẳng
  • Bé bú không hiệu quả

Tổn thương núm vú có thể dẫn đến nhiễm trùng do vi khuẩn, làm tăng nguy cơ bị viêm vú/áp-xe vú

Triệu Chứng:

  Tắc Sữa Viêm Vú
Vú hoặc quầng vú Có cục u, có thể cảm thấy đau Cục u cực kỳ đau và vú sưng không cải thiện sau khi cho con bú
Da chai sần Có thể bị đỏ nhẹ Đỏ rõ rệt và có thể cảm thấy nóng
Thân Nhiệt Có thể sốt nhẹ Sốt (thường > 38,5℃)
Khác - Cảm thấy ớn lạnh, mệt mỏi hoặc đau nhức toàn thân
Lời khuyên

Nếu có thể hút hết sữa hiệu quả:

  • Các ống dẫn sữa bị tắc thường đỡ trong vòng 24-48 giờ. Nếu cục u to hơn, nóng và đau hơn hoặc người mẹ bị sốt (>38,5°C) thì có thể người mẹ đã bị viêm vú và nên nhờ tư vấn y tế càng sớm càng tốt.

Xử lý:

  1. Xin tư vấn y tế càng sớm càng tốt
    • Quý vị có thể tìm kiếm trợ giúp từ Phòng Khám Sức Khỏe Cho Con Bú của bệnh viện sinh của quý vị (nếu có), Trung Tâm Sức Khỏe Bà Mẹ và Trẻ Em hoặc nhân viên chăm sóc sức khỏe khác. (Vui lòng đọc trang 91)
  2. Cải thiện dòng sữa chảy
    • Đảm bảo trẻ ngậm và bú đúng cách trong khi cho con bú và vắt sữa đúng cách. (Vui lòng đọc Chương 4 và 5 và tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe)
    • Khi có phản xạ xuống sữa (Vui lòng đọc trang 46-47), nhẹ nhàng mát-xa vùng bị ảnh hưởng theo chuyển động hướng xuống về phía núm vú. Không ấn quá mạnh để tránh tổn thương vú

    Lời Khuyên Cho Con Bú khi bị tắc sữa và viêm vú

    • Thực hành cho bé bú khi bé đòi; cho bé bú/vắt sữa thường xuyên.
    • Chuẩn bị cho con bú, ví dụ: bằng tiếp xúc da kề da, để kích thích phản xạ xuống sữa (Vui lòng tham khảo trang 48-49 để biết thông tin chi tiết.)
    • Nếu sữa chảy không đều:
      • Cho bé bú bằng vú không bị ảnh hưởng. Chuyển sang vú còn lại sau khi có phản xạ xuống sữa thúc đẩy dòng sữa.
      • Thử các tư thế cho bú khác nhau sao cho cằm của bé đặt ở gần vùng bị tắc.
    • Các ống dẫn sữa nằm sát bề mặt vú và có thể dễ dàng bị tắc dù chỉ chịu áp lực nhẹ. Bà mẹ có bầu ngực lớn có thể nâng ngực lên trong khi cho con bú và vắt sữa. Chú ý xem khu vực bị ảnh hưởng có bị đè nén không.
  3. Thuốc
    • Dùng thuốc giảm đau như paracetamol và thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAID) vào các thời điểm theo lịch có thể giảm đau, kích thích phản xạ xuống sữa và cải thiện dòng chảy sữa
    • Người mẹ có thể cần dùng thuốc kháng sinh nếu có triệu chứng viêm vú rõ rệt. Quá trình điều trị thường mất 10-14 ngày. Điều trị sẽ làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa hình thành áp-xe
      • Viêm vú thường cải thiện trong 48-72 giờ sau khi điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, nếu cục u vẫn còn hoặc cơn đau trầm trọng hơn, có thể viêm vú đã phát triển thành áp-xe. Hãy yêu cầu được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt! Khoảng 3% trường hợp viêm vú sẽ phát triển thành áp-xe
    • Bà mẹ đang dùng thuốc, ví dụ như thuốc giảm đau và thuốc kháng sinh, phù hợp với việc cho con bú có thể tiếp tục cho con bú
  4. Khác
    • Nghỉ ngơi đủ và ăn uống đủ chất lỏng
    • Chườm lạnh cho vú sau khi cho con bú hoặc vắt sữa để giảm sưng và đau
    • Một số bà mẹ chọn bổ sung lecithin để “làm mềm” sữa và cải thiện dòng sữa chảy nhưng bằng chứng y khoa chưa chứng minh được nhiều cho biện pháp này
    • Vật lý trị liệu giúp giảm sưng, viêm và đau
  5. Ngăn ngừa tái phát:
    Giải quyết và xử trí nguyên nhân gây ra tình trạng ứ đọng sữa để ngăn ngừa tái phát. (Vui lòng tham khảo trang 82 để biết thông tin chi tiết)
Lời khuyên

Nếu cục u vú vẫn còn trong suốt giai đoạn cho con bú, vui lòng nhờ bác sĩ gia đình giúp đỡ để loại trừ các nguyên nhân bệnh lý khác.

Có quá nhiều sữa mẹ

Mẹ tiết ra nhiều sữa hơn nhu cầu của bé.

Nguyên nhân:

  • Mẹ có khả năng tiết sữa đặc biệt nhiều
  • Phương pháp cho con bú không đúng cách sẽ kích thích tiết sữa quá mức, ví dụ như chuyển sang vú bên kia khi vú đầu tiên chưa mềm
  • Vắt sữa nhiều hơn nhu cầu hàng ngày của bé

Triệu Chứng:

  • Vú căng đầy ngay sau khi cho con bú. Đôi khi người mẹ có thể bị đau do căng tức sữa
  • Dòng sữa chảy nhanh và khiến bé bị sặc hoặc thậm chí đẩy vú ra xa
  • Bé thường xuyên đòi bú và đi phân lỏng hoặc có bọt

Xử lý:

  • Cho bé bú khi bé đòi (Vui lòng tham khảo trang 16 để biết thông tin chi tiết.)
  • Điều chỉnh giảm nguồn sữa (thường mất vài ngày hoặc một tuần)
    • Đối với bà mẹ cho bé bú sữa mẹ trực tiếp:
      • Cho bé bú một bên vú cho đến khi bên đó mềm
      • Nếu bé ngừng bú và vú vẫn chưa mềm, quý vị có thể cho bé bú tiếp bên đó khi bé đòi lại trong vài giờ
    • Người mẹ vắt sữa cho bé bú có thể giảm số lần vắt sữa hoặc lượng sữa từ mỗi lần vắt cho đến khi tổng lượng sữa vắt ra đáp ứng nhu cầu hàng ngày của bé
    • Trong giai đoạn này, nếu quý vị cảm thấy đau do căng tức vú giữa các cữ cho bú, quý vị có thể vắt một lượng sữa nhỏ để tránh tắc ống dẫn sữa
  • Nếu người mẹ muốn sữa chảy ra chậm trong khi cho con bú thì có thể:
    • Dùng tư thế hơi ngửa ra (Vui lòng tham khảo trang 53 để biết thông tin chi tiết.)
    • Giữ vú ở tư thế “cầm kéo”
    • Nếu quầng vú quá sưng, quý vị có thể vắt một lượng nhỏ sữa để giúp bé ngậm vú
  • Chườm bằng túi đá để giảm khó chịu do căng tức
  • Nhờ chuyên gia hướng dẫn cho con bú hoặc tham khảo ý kiến của nhân viên chăm sóc sức khỏe

Nguy cơ:

Nguồn sữa mẹ quá dồi dào có thể tăng nguy cơ bị tắc ống dẫn sữa hoặc thậm chí là viêm vú.

Hiểu "Về Sữa Đầu Cữ Bú" và "Sữa Cuối Cữ Bú"

  • Sữa đầu cữ bú là sữa có sẵn khi bé bắt đầu bú vú. Đây là nguồn dinh dưỡng chính. Thành phần chất béo trong sữa sẽ tăng từ từ khi bé tiếp tục bú. Lúc này, sữa được gọi là sữa cuối cữ bú, là nguồn calo chính
  • Không thể xác định sữa đầu cữ bú và sữa cuối cữ bú bằng thời gian của cữ bú cũng như thành phần của sữa
  • Hãy để bé bú một bên vú trước cho đến khi vú mềm. Nếu bé chưa thỏa mãn, hãy chuyển sang vú bên kia. Khi đó, bé có thể bú đủ sữa đầu cữ bú và sữa cuối cữ bú để nhận được dinh dưỡng cân bằng
  • Nếu người mẹ tiết quá nhiều sữa, sữa đầu cữ bú có thể lấp đầy dạ dày của bé
    • Vì sữa đầu cữ bú dễ hấp thu/tiêu hóa nên bé có thể sớm cảm thấy đói lại và đòi bú thường xuyên.
    • Bú quá nhiều sữa đầu cữ bú có thể khiến bé bị đầy bụng, dẫn đến đầy hơi và đau bụng. Bé đi phân có nước hoặc sủi bọt.

Tuyến vú phụ

Tuyến vú phụ là một mô tuyến vú nhỏ phát triển dưới nách ngoài vú. Đây là một tình trạng bẩm sinh và khá phổ biến. Đôi khi, cũng có những núm vú phụ nhỏ, giống như nốt ruồi. Để phản ứng với tác động của hoóc-môn trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh, các tuyến vú phụ có thể phát triển và tiết sữa mẹ. 

Sau khi sữa “về”, các mô này có thể sưng lên và trở nên đau và sữa có thể chảy ra từ núm vú phụ. Núm vú phụ thường biến mất dần trong vòng một tuần và điều này không ảnh hưởng đến việc cho con bú.

Xử lý tuyến vú phụ bị sưng:

  • Tiếp tục cho con bú
  • Không mát-xa các mô vú phụ
  • Chườm lạnh hoặc dùng thuốc giảm đau để giảm sưng và đau
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có triệu chứng viêm

Đốm trắng trên núm vú

Các đốm trắng hình thành do tắc lỗ ra núm vú của ống dẫn sữa.

  • Quý vị có thể làm ấm núm vú để làm mềm da trước khi cho bé bú rồi sau đó cho bé bú. Tình trạng tắc nghẽn sẽ hết nhờ lực đẩy sữa trong phản xạ xuống sữa
  • Nếu các đốm trắng vẫn còn sau khi cho bú, quý vị có thể làm ấm lại núm vú và dùng khăn thô chà nhẹ. Sau đó, dùng ngón tay bóp nhẹ vùng xung quanh đốm trắng để loại bỏ sữa khô khỏi ống dẫn sữa
Lời khuyên

Nếu các biện pháp trên không giúp cải thiện, vui lòng đề nghị Trung Tâm Sức Khỏe Bà Mẹ và Trẻ Em hoặc bác sĩ gia đình của quý vị trợ giúp.

Nhiễm Trùng Do Nấm

Tình trạng nhiễm trùng do nấm có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào nhưng thường sau khi đã ổn định việc cho con bú hoặc khi người mẹ mới dùng thuốc kháng sinh.

Triệu Chứng:

  • Đau
    • Không liên tục: có thể kéo dài hơn một giờ
    • Chủ yếu đau ở quanh núm vú. Có thể lan ra cả vú hoặc thậm chí lưng hoặc vai.
    • Cảm giác như kim châm, đau nhói hoặc bỏng rát
    • Chủ yếu xảy ra sau khi hoặc trong khi cho bú, hút sữa
  • Núm vú có thể trông bình thường hoặc có các triệu chứng sau:
    • Hồng hoặc khô và bong tróc
    • Nứt và lâu lành
    • Mảng mẩn ngứa đỏ xung quanh núm vú
    • Mảng trắng nhỏ (có thể có nhiều mảng)
  • Bé có thể bị tưa miệng hoặc hăm tã

Giải pháp:

  • Tìm kiếm trợ giúp từ chuyên gia y tế
    • Bôi kem chống nấm (hoặc dùng các loại thuốc uống) theo chỉ định của bác sĩ. Quá trình điều trị đến khi khỏi mất ít nhất hai tuần. Bác sĩ có thể chỉ định điều trị kháng nấm đồng thời cho bé để ngăn ngừa lây nhiễm chéo
    • Dùng thuốc giảm đau khi cần
  • Vệ sinh sạch sẽ:
    • Rửa tay thường xuyên, đặc biệt trước khi cho con bú hoặc sau khi thay tã
    • Giữ cho núm vú khô. Dùng miếng lót ngực thoáng khí và thay thường xuyên
    • Các vật dụng tiếp xúc trực tiếp với vú và khoang miệng của bé bao gồm áo ngực, đồ gặm nướu và núm vú cao su phải được rửa sạch và tiệt trùng (có thể đun sôi trong 20 phút) sau khi sử dụng và bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng khí
  • Điều chỉnh tâm trạng, nghỉ ngơi đầy đủ, có chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục phù hợp đều có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch của quý vị
  • Người mẹ có thể cân nhắc cắt giảm thực phẩm có đường, carbohydrate tinh chế (như gạo và bánh mì trắng), thực phẩm lên men (như bánh mì, bia, rượu và nấm) và các sản phẩm từ sữa
Lời khuyên

Người mẹ có thể tiếp tục cho con bú trong khi bị nhiễm trùng do nấm nhưng sữa đã vắt nên được cho bú trong vòng một ngày.

Nếu quý vị có (các) vấn đề về cho con bú, vui lòng xin tư vấn từ các tổ chức dưới đây càng sớm càng tốt:

Cơ Quan Chăm Sóc Sức Khỏe Gia Đình, Sở Y Tế (Family Health Service, Department of Health)

  • Đến Các Trung Tâm Sức Khỏe Bà Mẹ và Trẻ Em
  • Gọi cho đường dây nóng cung cấp thông tin Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ 3618 7450

Các dịch vụ đường dây nóng do bệnh viện cung cấp theo Cơ Quan Quản Lý Bệnh Viện:

(Áp dụng cho các bà mẹ sinh con tại các bệnh viện đó. Vui lòng gọi trước khi yêu cầu được chăm sóc y tế.)

Bệnh Viện Prince of Wales 3505 3002 (tin nhắn ghi âm sẵn 24 giờ)
Bệnh Viện Pamela Youde
Nethersole Eastern
2595 6813 (Thứ Hai đến Thứ Sáu: 2 giờ chiều đến 3:30 chiều)
Bệnh Viện Queen Elizabeth 3506 6565 (Thứ Hai đến Thứ Sáu: 2 giờ chiều đến 5 chiều)
Bệnh Viện United Christian 2346 9995
(9 giờ sáng đến 6 giờ chiều, sau 6 giờ chiều chỉ có tin nhắn ghi âm sẵn)
Bệnh Viện Tuen Mun 2468 5702 (9 giờ sáng đến 9 giờ tối, tin nhắn ghi âm sẵn)
Bệnh Viện Queen Mary 2255 7381 (8 giờ sáng đến 8 giờ tối, tin nhắn ghi âm sẵn)
Bệnh Viện Kwong Wah 3517 2175 / 3517 8909 (đường dây nóng hỗ trợ hậu sản 24 giờ)
Bệnh Viện Princess Margaret 2741 3868 (tin nhắn ghi âm sẵn 24 giờ)

Hiệp Hội Sáng Kiến Bệnh Viện Thân Thiện Với Trẻ của Hong Kong  2838 7727 (9 giờ sáng đến 9 giờ tối)

Hiệp Hội Những Người Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ của Hong Kong  2540 3282 (tin nhắn ghi âm sẵn 24 giờ)

Bác Sĩ Nhi Khoa/Bác Sĩ Sản Khoa/Bác Sĩ Gia Đình của Quý Vị

Xem video

Đặc Biệt Khuyến Nghị:

  • Nuôi Dạy Con Thông Minh và Vui Vẻ
  • Cho bé bú khi bé đòi
  • Cho Con Bú Cả Ngày Lẫn Đêm
  • Hành trình cho bú